Tình tiến, tình tiền

Thứ Ba, 22/09/2020, 11:16
Một ngày đầu Xuân, tôi có mặt tại Công an tỉnh Hòa Bình. mọi người đã đến đông đủ, qua giới thiệu tôi biết có đồng chí Công an huyện Lương Sơn, Hòa Bình và anh Tình - chủ của chiếc bình giống đồ cổ. Đội trưởng Đội An ninh văn hóa nói: “Đây là tang vật một vụ án tại huyện Lương Sơn, nhờ anh giám định xem chiếc bình này là đồ thời kỳ nào, cổ hay là mới, giả hay thật”.


Ba tháng sau, anh đội trưởng Đội An ninh văn hóa kể cho tôi nghe toàn bộ câu chuyện khá ly kỳ về chiếc bình này.

Anh Tình người huyện Thạch Thất – Hà Tây (nay là Hà Nội) làm chủ thầu xây dựng các công trình nhỏ lẻ, lần ấy anh nhận được công trình xây tường rào và một số công trình phụ cận khác cho một trường học cấp 1 – 2 ở Lương Sơn. Ngay từ những ngày đầu, anh đã quen một người đàn ông tên Tiến làm nghề buôn bán tạp hóa rồi hai người trở thành đôi bạn thân thiết. Tiến hơn Tình hai tuổi nên là anh. Ngoài việc buôn bán, Tiến có thêm nghề tay trái buôn bán đồ cổ. 

Do không trường vốn, Tiến chỉ buôn đồ cổ tạp, ít giá trị. Thân nhau như thủ túc nên vài lần Tiến rủ Tình đi buôn chung đồ cổ. Tiền lãi Tiến đều công khai và chia cho Tình lúc ba triệu, lúc năm triệu có lúc mỗi bên được gần chục triệu... rất sòng phẳng. Chỉ vài cuộc buôn bán vớ vẩn vậy thôi, Tình được Tiến chia cho cũng được mấy triệu, tiền thật dễ kiếm mà chẳng vất vả gì, và càng ngày tình bạn của họ càng thân thiết hơn.

Cán bộ Công an và chuyên gia giám định cổ vật.

Sáng chủ nhật hôm đó, Tình và Tiến đang chén chú chén anh bên quán lòng lợn tiết canh thì có một người đàn ông xuất hiện. Người đàn ông đó gọi Tiến ra ngoài thầm thì… Một lát sau, Tiến kéo người đàn ông đó vào ngồi cùng mâm và nói với Tình: đây là anh Sơn, trước đây cùng ở xã mình, lấy vợ và làm rể ở luôn bên đó, anh Sơn vừa thông báo có đồ quý nhưng đắt quá… 

Sơn bắt lời ngay: bên xã vừa có người có chiếc bình cổ, dưới Hà Nội mấy hôm nay họ lên săn ác lắm, có ông trả đến 150 triệu rồi mà nhà chủ chưa bán, nhiều người săn quá nên ông ấy sợ, bí mật cất giấu bên nhà em vợ. Tình lấy làm lạ hỏi thì Sơn nói: sợ nhiều thứ lắm anh ạ, sợ công an đến thu, sợ bọn trộm... mà bán cho người lạ cũng sợ. Sau mấy chén rượu đưa đẩy, Tiến bàn với Bình vào xem cụ thể thế nào rồi tính. Tình nhất trí rồi cả 3 lên đường sang xã bên cách đó gần 10km.

Họ đến một ngôi nhà nằm khuất nẻo gần cuối xóm, một lát sau, chủ của chiếc bình tới, anh ta người cao gầy, xanh rớt trông như dân nghiện. Uống xong chén nước anh ta vào gian trong khệ nệ bê ra một hộp giấy kín được chằng buộc cẩn thận, ngoài dán thêm lớp băng dính mầu vàng. Người đàn ông cẩn thận dùng kéo cắt các lớp bọc bên ngoài lôi dần ra một chiếc bình gốm. Chiếc bình có hình gần tròn, chiều cao và đường kính xấp xỉ 40 cm, cổ ngắn miệng loe, men trắng hoa văn nhiều mầu sắc, họa tiết rất cầu kỳ… dưới đáy bình còn có 4 chữ hán cổ. Tiến không ngớt lời xuýt xoa, khen dáng đẹp, men chuẩn, lành tít…

Ông chủ bình cho biết thêm, bình này của chú ông ấy đào được dưới quê Ninh Bình nhờ tôi bán hộ, vì bán ở quê lo anh em vay mượn hết, không cho vay thì mất anh em họ hàng, xóm làng, mà cho vay thì biết đến bao giờ mới đòi được…đã có người trả 150 triệu ông ấy chưa cho tôi bán vv…

Tiến móc điện thoại ra chụp ảnh lia lịa, sau đó ra hiên nhà gọi điện cho ai đó hỏi han một hồi, rồi vào bàn với Tình: “Được đấy chú ạ, anh vừa điện cho thằng bạn dưới kia nó bảo nếu đúng như anh tả thì bình này rẻ cũng bán được tầm 200 trên 200 triệu là nhẹ”. Tình hỏi: “Giờ ta tính sao?”. Tiến nói: “Hay anh với chú làm giá rồi “múc” đi”. Tình lưỡng lự: “Nhưng em ở đây có ít tiền lắm”. 

Tiến nói: “Anh cũng yếu quá, giờ cao lắm chỉ gom được 40 triệu thôi, em biết rồi đấy tiền anh vào hết hàng rồi. Nếu mà để nó xổng mất thì tiếc quá chú ạ!”. Cuối cùng hai anh em vào làm giá với chủ chiếc bình giá chốt cuối cùng 155 triệu. Để chắc ăn trước khi ra về Tình đưa cho chủ bình 5 triệu tiền đặt cọc và viết mấy chữ làm chứng.

Chiều hôm sau, Tình mang tiền lên cùng Tiến đến để thanh toán nốt và nhận bình về. Ngoài 155 triệu phải trả, Tình và Tiến cho Sơn và chủ nhà giữ bình mỗi người 1 triệu, tổng chi là 157 triệu đồng, Tiến bỏ ra 40 triệu còn lại Bình trả nốt.

*

Một tuần trôi qua không thấy động tĩnh gì, thấp thỏm chờ đợi liên tục, Tình hỏi Tiến xem đã liên lạc chỗ bán chưa, giá cả ra sao… Tiến cứ ậm ừ nào là anh bạn đó đi Hàn Quốc rồi, chưa liên lạc được với người mới… Mà kể cũng lạ là từ hôm Tiến và Tình mua xong cái bình cổ đó thì lại không có ai đến “săn” nữa, và lạ hơn là Tiến cũng cứ bình chân như vại, dường như cũng không mặn mà lắm với chuyện bán chiếc bình cổ.

Một tháng trôi qua, Tình như ngồi trên đống lửa, tiền tạm ứng công trình, tiền đến kỳ trả công thợ, tiền về quê xoay nóng… đều nằm hết trong cái “bình quý”, nó mà làm sao thì chết, công trình thì liên tục bị giục tiến độ. Sang tháng thứ 2 chiếc bình vẫn nằm trong két nhà Tiến. Tình lặng lẽ xuống Hà Nội hỏi thăm và tìm đến những người có máu mặt buôn bán đồ cổ đất Hà Thành. Ảnh được chụp qua chiếc điện thoại khá rõ. Đến 3 người thạo đồ cổ họ đều nói giống nhau “bình này nghi lắm, 90 phần trăm là hàng rởm”.

Tình buồn tê tái, lòng như có ai sát muối. Càng nghĩ Tình càng đau đớn với hàng loạt câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu mà không tìm được hướng giải quyết. Chẳng lẽ anh Tiến lại lừa mình?. Chợt ý nghĩ lóe lên trong đầu, Tình đi tìm thuê “chuyên gia” buôn đồ cổ ở Hà Nội đặt vấn đề về trên nhà Tiến xem giúp, nếu hàng thật thì may và ai mua thì giới thiệu luôn, còn nếu hàng rởm thì anh “chuyên gia” coi như không biết gì và Tình vẫn bồi dưỡng anh ta 1 triệu đồng.

Vị chuyên gia đó lên, Tình giới thiệu với Tiến là vừa tìm được mối. Tiến lưỡng lự một lúc rồi vẫn phải mở két cho khách xem, sau khi xem xong vị này xin phép ra về không bình luận gì cả. Sau đó mới cho Tình biết đây là đồ giả!

Tình gặp Tiến, nói rõ những gì mình biết. Có vẻ như đã chuẩn bị sẵn, Tiến nói với Tình là sau khi mua xong anh cũng đã liên hệ với vài người buôn đồ cổ dưới Hà Nội, Ninh Bình và Nam Định nhưng bọn họ đều nói là hàng rởm. Nói ra sợ chú không giữ được bình tĩnh, nên anh vẫn âm thầm đi tìm khách để lừa bán xem thế nào, anh em mình cùng mua, lãi cùng ăn, lỗ cùng chịu, mọi lần vẫn vậy đấy thôi.   

*

Hơn tháng sau, công trình phải bàn giao theo hợp đồng, tất toán công trình lãi không bù nổi nửa số tiền mất. Tình chia tay ông anh quý hóa về quê mang theo nhiều cảm xúc chứa chan, hàm ơn tình nghĩa anh em nên thường điện thoại hỏi thăm nhau hẹn một ngày gần nhất, Tình mang cả vợ con lên nhận bác Tiến là người một nhà!

Không lâu sau, Tình cùng đám thợ của mình nhận được một công trình nhà ở tư nhân tại một ngôi làng huyện Thanh Trì – Hà Nội. Một hôm, tại quán bia hơi, Tình bất ngờ gặp lại người bạn cùng quê, hỏi thăm nhau biết được người này hiện đang làm nghề phục chế đồ cổ thuê cho một ông chủ ở Giáp Bát. Người bạn đó kể giờ nghề của anh ta đang rất gặt hái, vì dân buôn đồ cổ thường xuyên thuê phục chế đồ vỡ thành đồ lành, mông má lại lừa bán cho người mới chơi. Dân thích chơi đồ cổ nhưng ít tiền thì đặt mua đồ giả cổ làm cũ men như đồ cổ thật mang về bầy cho sang…

Tình kể lại câu chuyện của mình vướng phải. Anh bạn này cho biết cách đây khoảng sáu hay bẩy tháng trước có một người cũng ở khu vực trên đó đến chỗ anh ta đặt một chiếc bình, dặn phải mông má lại làm sao cho thật giống đồ cổ xịn. Tình đưa ảnh Tiến chụp cùng chiếc bình cho anh bạn cùng quê xem, anh bạn ồ lên rồi nói: “Chuẩn, tôi còn nhớ như in cái nốt ruồi có râu ở lệch bên cằm này, không sai tý nào”.

Hai hôm sau, Bình trình báo sự việc trên với Công an huyện và đề nghị làm rõ trắng đen với Tiến. Tiến được triệu tập ra Công an huyện. Chiếc Bình được mang lên Công an tỉnh và nhờ tôi giám định.

Qua đấu tranh khai thác, các bằng chứng được đưa ra, Tiến khai nhận mọi hành vi lừa bạn của mình. Tiến rủ Tình đi buôn mấy chuyến đầu thực ra không lãi nhiều, nhưng Tiến bỏ thêm tiền túi “chia lãi” cho Tình, nhằm dụ Tình vào tròng. 

Thấy Tình đã say mồi, Tiến xuống Hà Nội đặt mua một chiếc bình Trung Quốc giả cổ, sau đó Tiến nhờ luôn cơ sở tạo tác thêm để cái Bình có mầu sắc cổ như thật. Chi phí cho vụ này hết chưa đến 5 triệu đồng. Cộng chi phí dàn dựng tình huống và tính cả 20 triệu Tiến đưa cho Tình như là bù đắp một phần thiệt hại…vị chi hết hơn 70 triệu. 

Như vậy, trừ các khoản “đầu tư” Tiến bỏ túi hơn 70 triệu đồng. Năm đó vàng mới có hơn 500 ngàn đồng một chỉ. Trót lọt, Tiến ẵm về 14 cây vàng! Sau khi thu thập đủ chứng cứ, Công an huyện Lương Sơn ra lệnh bắt Tiến và khởi tố về tội lừa đảo, thu hồi số tiền chiếm đoạt của Tình.

Lê Quốc Khánh
.
.
.