Tình trạng tự tử ở học sinh: Phải chăng các em đang thiếu điểm tựa tinh thần?

Thứ Hai, 19/03/2018, 07:22
Gần đây, tình trạng học sinh tự tử khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Đặc biệt hơn, lý do khiến các em tự hại bản thân mình thường là rất đơn giản như: áp lực học hành, bị bạn bè nói xấu, nghi ăn trộm tiền… thậm chí chỉ là lộ clip hôn bạn lên mạng xã hội.


Theo các nhà tâm lý, để xảy ra tình trạng đó là bởi các em đang phải chịu nhiều áp lực từ xã hội hiện đại gây ra. Các em đang thiếu một "điểm tựa" tinh thần, nơi có thể chia sẻ, cảm thông.

Liên tiếp các vụ học sinh tự tử

Mới đây, vào ngày 11-3, nữ sinh Hồ Thị Lan (lớp 11, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã tìm đến cái chết vì không chịu nổi những áp lực từ mạng xã hội. Theo đó, nguyên nhân ban đầu dẫn đến hành động tiêu cực của nữ sinh này được cho là vì clip hôn bạn trai trong lớp bị phát tán rộng rãi trên mạng Facebook.

Sau đó nhiều trang fanpage, trang thông tin điện tử có nhiều người theo dõi cũng đăng lại clip trên khiến Lan cảm thấy vô cùng xấu hổ và phải chịu nhiều áp lực từ dư luận. Do không thể giải thích cũng như giãi bày tâm sự với ai nên cuối cùng nữ sinh này đã chọn cái chết để giải thoát bản thân.

Hình ảnh hôn bạn trai tại lớp được đưa lên mạng được coi là nguyên nhân của vụ việc thương tâm.’

Gia đình nạn nhân kể lại rằng, tối 10-3, mãi chưa thấy con về, mọi người trong nhà đã rất lo lắng, gọi điện và đi tìm khắp nơi nhưng không có thông tin gì. Sáng hôm sau, một người dân địa phương đã phát hiện thi thể của nữ sinh tại một cái ao làng.

Đây thực sự là một cú sốc rất lớn không chỉ với những người thân trong gia đình Lan mà còn là cú sốc đối với cả thầy cô và các bạn Trường THPT Nguyễn Đức Mậu. Theo lời thầy giáo chủ nhiệm của nữ sinh này cho biết, Lan là một học sinh ngoan, hiền lành và đặc biệt có thành tích học tập đứng thứ 2 trong lớp. Trước khi tự tử, Lan đã viết một bức thư tuyệt mệnh với nội dung xin lỗi bố mẹ.

Trước đó vào ngày 20-10-2017, nữ sinh Trần Thị H.T (lớp 8, Trường THCS Đất Đỏ, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã uống thuốc diệt cỏ và tử vong thương tâm. Nguyên nhân được xác định là bởi nhà trường thông báo về gia đình rằng H.T đã lấy trộm tiền từ lớp 6, lớp 7 và 2 lần trong lớp 8.

Trong buổi họp giữa nhà trường và phụ huynh H.T, nữ sinh này và mẹ đã phải ký vào biên bản, đồng thời H.T bị nhà trường thông báo hạ hạnh kiểm xuống loại yếu. Theo đó, khi từ trường trở về nhà, chị Thành (mẹ của H.T) đã hỏi con là có lấy tiền như nhà trường thông báo không thì nữ sinh này khẳng định mình không lấy, đồng thời ôm mặt khóc nói giờ thì cả trường đã biết về chuyện này. Cũng bởi vì không chịu nổi áp lực từ việc nghĩ rằng mình đang là "tội đồ" bị mọi người phán xét nên H.T đã quyết định uống thuốc diệt cỏ để kết liễu đời mình.

Có những vụ tự tử của học sinh xảy ra, khi biết được nguyên nhân, gia đình và nhà trường không tránh khỏi bàng hoàng, bởi lẽ những lý do ấy thật chẳng đáng gì. Chẳng hạn như vụ tự tử của nam sinh Trần Văn Đ, lớp 11, Trường THPT Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).

Nữ sinh tự tử và để lại thư tuyệt mệnh khi chỉ mới học lớp 5.

Lý do dẫn đến việc Đ quyết định uống thuốc diệt chuột tự tử là bởi vì nam sinh này cho bạn cùng lớp mượn chiếc xe máy loại 50 phân khối nhưng khi lưu thông trên đường, người bạn này đã không đội mũ bảo hiểm nên bị Công an bắt và giữ xe.

Sau đó bị Công an lập biên bản và yêu cầu phải có xác nhận của nhà trường thì mới giải quyết việc trả xe. Khi về, người bạn của Đ đã làm bản kiểm điểm gửi nhà trường nhưng không được xác nhận. Do bị giữ xe nhiều ngày, không biết giải thích với gia đình như thế nào, cuối cùng chủ nhân chiếc xe máy ấy đã tự tử.

Vì đâu nên nỗi?

Sau những gì đáng tiếc xảy ra với các em học sinh, nhiều giáo viên thừa nhận, học sinh ở tuổi này đang là tuổi dậy thì, các em rất khó hiểu, sáng nắng chiều mưa. Rất khó để lường trước được những hành động của các em. Đây là giai đoạn nhạy cảm, bất ổn về tâm lý nên các em thường xuyên hành động theo cảm xúc. Hơn nữa các em thường sống hướng nội nhiều hơn, ít chia sẻ với người khác.

Không những vậy, sức đề kháng về tinh thần chưa cao, các em rất khó có thể chống chọi, đối phó được với những cú sốc, các xung đột, mâu thuẫn cũng như áp lực từ bên ngoài như: học tập, quan hệ bạn bè, chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã nhau…

Nói về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Nguyệt Nga cho hay: "Các em ở độ tuổi mới lớn thường rất nhạy cảm, mọi sự việc đối với các em đều được đẩy lên thành quan trọng hóa. Chỉ cần bị bố mẹ mắng, thầy cô trách móc, hay bị bạn bè nói xấu cũng sẽ cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương. Nhiều bạn trẻ sẽ suy sụp tinh thần và hoảng loạn. Chính vì vậy, hiện tượng nhiều em học sinh có hành động tự tử là vì thiếu chỗ dựa tinh thần. Các em thực sự không có người, không có nơi để giãi bày, chia sẻ và động viên đúng cách".

Thực tế, rất nhiều gia đình các bậc phụ huynh vì quá bận rộn kiếm tiền mà không hề để ý đến việc học tập, đặc biệt là những diễn biến tâm lý của con cái hàng ngày. Họ chỉ biết mắng mỏ, trách móc khi thành tích học tập của con kém cỏi hay gây ra những việc làm sai trái ngoài xã hội. Rõ ràng, các em đang thiếu trầm trọng một điểm tựa về tinh thần.

Một học sinh lớp 7 tự tử tại lớp học mà cha mẹ, thầy cô không biết lý do vì sao.

Bên cạnh việc luôn ở bên cạnh, sẵn sàng trở thành những người bạn của con để thấu hiểu những tâm tư của con, các bậc phụ huynh cần quan sát những dấu hiệu khác thường của con. Theo các nhà tâm lý thì trước khi các em có hành vi tự tử thì có những biểu hiện như giảm tương tác với gia đình, bạn bè, tự cô lập bản thân.

Các hoạt động vốn các em yêu thích trước đây thì nay không quan tâm nữa. Nhiều em còn bỏ ăn, không ngủ, thần thái thẫn thờ. Có thể miệng hay nhắc đến chuyện chết chóc, và viết cả thư tuyệt mệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, ý tưởng tự tử lóe lên trong đầu các em rất nhanh, trường hợp này thực sự là điều khó để nhận ra.

Qua phân tích của các nhà xã hội học, các học bất ổn về tâm lý và có xu hướng hủy hoại bản thân thường xảy ra ở hai trường hợp, đó là con nhà giàu hoặc học sinh giỏi. Con nhà càng giàu có thì càng dễ rơi vào tình trạng chán nản bởi bố mẹ ít có thời gian chăm sóc, quan tâm.

Chính vậy khi các em gặp chuyện không vui sẽ không có nơi để chia sẻ, bày tỏ. Lâu ngày các em sẽ trở nên căng thẳng, chán đời và bất cần từ đó sẽ tìm những cách để làm đau bản thân như ăn chơi, hút chích, thậm chí là tự tử.

Trường hợp thứ 2 là những em học giỏi, lại thường gặp phải sức ép của phụ huynh học sinh. Cả tuần các em không có thời gian tham gia vào các hoạt động giải trí vì áp lực từ bố mẹ là "phải học, học và học". Việc nghe lời ấy chỉ là sự chấp nhận trong sự chán nản. Lâu ngày việc học, thành tích học sẽ trở thành áp lực, đè nặng lên các em.

Bên cạnh gia đình thì giáo viên có vai trò hết sức quan trọng với học sinh. Mặc dù giáo viên không thể theo sát từng học sinh nhưng cần phải quan sát để biết được học sinh nào đang gặp vấn đề về tâm lý. Khi ấy người giáo viên phải có nhiệm vụ như nhà tâm lý học, phải làm bạn thực sự với học sinh.

Chỉ có làm bạn, trò chuyện thường xuyên thì các em mới đủ tin tưởng, kể ra những tâm sự mình đang vướng phải. Khi ấy, giáo viên nhà gia đình sẽ rất đơn giản để giải quyết các vấn đề mà học sinh đang mắc phải.

Bạn Lê Thúy Hà, học sinh lớp 9 Trường THCS trên địa bàn quận Hà Đông cho hay: "Nhiều bạn ở lớp em có tâm lý rất sợ thầy cô giáo, vì các bạn cho rằng thầy cô và bố mẹ cùng "phe" với nhau. Chẳng mấy khi các bạn trò chuyện với thầy cô giáo cả. Em nghĩ các thầy cô nên cởi mở hơn, nên gần gũi chúng em hơn nữa để mỗi giờ học đều có không khí thoải mái nhất".

Sau sự việc em học sinh lớp 11C12, trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tự tử tại ao trước nhà, lý do được cho là bị phát tán clip học sinh này và bạn trai hôn nhau tại lớp học, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt chia sẻ với báo chí rằng: Đừng bao giờ "ném đá" bất kỳ ai. Vì sẽ làm méo mó hình ảnh của bản thân. Không chỉ vậy, còn khiến người khác bị tổn thương tinh thần. Và mạng xã hội tuy ảo nhưng thật, đôi khi những cái like (thích), share (chia sẻ) hay comment (bình luận) có thể giết chết người. 

Sự việc nữ sinh tự tử vì không chịu nổi áp lực từ mạng xã hội là minh chứng rõ ràng. Chính vì cần cẩn trọng trong cách hành xử khi tham gia mạng xã hội. "Thái độ cần có là bình tĩnh và chia sẻ. Bình tĩnh để không hành động dại dột, chia sẻ để tìm thêm nguồn động lực nâng đỡ lúc yếu thế. 

Hãy chia sẻ với những người thân mà mình tin tưởng. Sau đó cần nhìn nhận xem việc “ném đá” đúng sai thế nào. Nếu sai thì sửa, nếu đúng thì không cần bận tâm đến những bình luận của những người trên mạng, những người mà có khi cả đời mình không gặp".

Song Anh
.
.
.