‘Tòa án’ đặc biệt của người H're

Thứ Năm, 01/10/2015, 13:00
Mỗi khi có người đau ốm hoặc trong gia đình xảy ra chuyện lục đục vợ chồng thì sẽ giải quyết thế nào? Đó là câu hỏi lớn của nhiều người mà rất khó tìm ra lời giải đáp vẹn toàn. Với người H're ở huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) chuyện đó sẽ được giải quyết ở một nơi linh thiêng, đó là giếng nước.
Người H're sẽ "hội ý" với nhau để chọn ra "ngài giữ giếng" (Mà ngài kà rá). Theo tập tục thì ngài phải là người có uy tín, làm ăn khá giả, nói được thì làm được và nhất là biết phân xử công lớn, việc nhỏ của cộng đồng ở… giếng nước. Đó là vinh dự và cũng là trách nhiệm rất nặng nề của ngài.

Giếng thần và điều cấm kỵ

Những ngôi nhà sàn bằng gỗ nằm chênh vênh bên triền đồi hoặc im ỉm sát những cánh rừng già âm u là nơi cư ngụ của đồng bào H're ở Sơn Hà. Đi vào những ngôi nhà nghi ngút khói bốc ra từ bếp lửa khiến con người ta dễ có cảm giác rờn rợn sau lưng. Nơi đây, biết bao câu chuyện huyền bí của một tộc người diễn ra chỉ quanh… cái giếng.

Chúng tôi vào nhà một già làng cao niên nhất của làng Tà Pa, xã Sơn Thượng (huyện Sơn Hà). Ông lão trầm ngâm ngồi bên bếp lửa gợi mở lại những câu chuyện nửa thực nửa, hư của một vùng đất. Tiếng H're thì "kà lạ a râm" nghĩa là cúng giếng.

"Muốn lập làng, có làng, có dân thì phải đi tìm nguồn nước tốt, phải đào giếng trước. Đó là cái quy luật sống của đồng bào mình.  Ở mô có nước là mình sống được, nước sinh ra tất cả mà. Giếng phải được chọn ở nơi linh thiêng để lấy nước ngon nhất. Nếu giếng nước bị sỉ nhục thì cả làng phải chịu tội.

Ngài giữ giếng Đinh Văn Đót (bên phải) đang làm lễ tiễu trừ cho dân làng khỏi bệnh tật.

Phải chịu chết, phải bệnh tật rồi biệt xứ đi nơi khác. Nên phải có người thực hiện "xà rươn" (điều cấm kỵ) và cúng giếng nước ngày tết hay lễ mừng lúa mới. Phong tục nầy có từ mấy trăm mùa rẫy rồi cũng không nhớ nữa" - giọng ngài giữ giếng Đinh Văn May (làng Tà Pa, xã Sơn Thượng) trầm ngâm bên bếp lửa.

Vậy là, cứ đến giữa tháng 3, tháng 8 (lễ mừng lúa mới) và ngày tết của người H're  mùng 10 - 12 (âm lịch) thì ngài giữ giếng đứng ra làm lễ "kà lạ a râm" cho cả làng. Dù có hệ thống nước sạch theo chương trình 135 về tận thôn bản, nhưng 5 làng Gò Răng, Tà Pa, nước Tăm, làng Vố, làng Nưa của xã Sơn Thượng đều phải có một giếng thiêng.

"Ngài quấn khăn trắng lên đầu, chọn con gà trống tơ có đuôi dài, lá cây phải được rửa bằng nước giếng trước khi cúng nếu không thần giếng sẽ quở trách. Ngài cúng máu gà tươi quanh giếng, và chỉ xin thần phù hộ cho đồng bào khoẻ mạnh, gia đình hoà thuận. Rồi cả làng ăn lộc tại giếng thần luôn" - ông May ngước ánh mắt mờ đục về phía giếng làng và kể về luật tục "kà lạ a râm".

 Đó là những ngày lễ thường niên trong một năm của người H're. "Mà ngài kà rá" còn là người thực thi những tập tục của cộng đồng. Từ thuở xa xưa, khi một người H're bị bệnh, lập tức ngài giữ giếng sẽ mang ra giếng thần để "chữa bệnh". "Nếu lấy gang tay phải đo cánh tay trái mà thừa hay thiếu thì không có bệnh, còn nếu đo đến giữa lòng bàn tay thì người đó đang bị bệnh rồi" - ngài May khẳng định.

Sau màn bắt bệnh, ngài lấy giò trái của con gà cúng để "chẩn đoán" người bệnh bị đau cái gì, đau ở đâu. Rồi lấy tiếp giò phải để xem ma bệnh thích ăn gì thì sẽ cúng cái đó (?). Giờ đây, những tục bắt bệnh như vậy rất ít. Chủ yếu do người bệnh có nhu cầu về mặt tâm linh thì nhờ đến ngài. Mấy hôm trước, chính ông May đã cúng giếng chữa bệnh đau bụng cho bà Đinh Thị Váy.

Câu chuyện của già May khiến chúng tôi càng tò mò muốn khám phá điều kỳ lạ của tộc người này. Ngay đầu con dốc vào làng Vố, ngài Đinh Văn Đót cũng đang cắt tiết gà trống để xin thần giếng cho đứa con trai Đinh Văn Thông đang bị đau chân. Lễ xong, ông Đót lấy "cà sim ma hoa" (sợi chỉ buộc linh hồn) buộc cổ tay lại để linh hồn không đi lạc nữa.

Ngài giữ giếng Đinh Văn May đang chuẩn bị cho lễ cúng giếng của người H'Re.

Gần giếng của làng, những tháp cúng bằng tre đã khô do ông Đót làm lễ cho Đinh Văn Bính, Đinh Văn Chân bị sốt rét. Người H're giờ đã biết đưa người bệnh đến bệnh viện chữa bệnh. Nhưng với họ như vậy không có nghĩa là không cần đến ngài giữ giếng. "Dù đi viện, nhưng người nhà của người bệnh vẫn lấy áo hoặc váy, khăn của người bệnh mang về giếng thiêng để làm lễ tiễu trừ con ma bệnh" - ông Đót nghiêm nghị nói. Với người H're thuốc chỉ chữa lành phần xác, còn phần hồn thì nhờ đến giếng thiêng.

Gọi là giếng thiêng, nhưng tất cả mọi sinh hoạt đời thường như ăn uống, giặt giũ của cả làng vẫn diễn ra ở đây. Tuy nhiên, ngài luôn phải thực hiện những "xà rươn" (điều cấm kỵ). Có thể thấy phụ nữ H'rê giặt giũ bên giếng thiêng, nhưng ít ai biết rằng họ không được giặt đồ lót, sẽ làm ô uế, và nhất là không được lấy đá đập, hay vỗ tay gây ra tiếng động vì họ sợ con quạ nghe thấy sẽ bắt gà, con cọp bắt mất trâu… 

Họ "cử" người ở làng này không được sang lấy nước giếng của làng khác vì sợ năm đó nuôi con trâu, con bò không được, dân làng không khoẻ mạnh. "Lúa để ở một góc nhà không được để gần với lúa nhà khác mà. Sẽ lộn xấu, tốt" - ông Đót lý giải.

Nhưng nếu là người hành khất, hoặc những người qua đường khát nước, người H're lại rất hào phóng mời nước giếng thiêng như một nghĩa đạo tốt lành. Nếu ai bị tai nạn, người H're lập tức sẽ cứu chữa hết sức mình, nhưng khi đã khỏi bệnh thì người bị nạn buộc phải cúng giếng thần để gột rửa những xui xẻo.

Xử án ở giếng

Với những ngày lễ, Tết, hoặc cúng ốm đau, người H're rất tiết kiệm trong việc sắm lễ cúng. Thường họ chỉ cúng gà trống tơ to bằng nắm tay. Nhưng người H're còn sử dụng những "đại" gia súc như heo, trâu, bò… trong những lễ cúng quan trọng như giải quyết chuyện vợ chồng.

Một lãnh đạo UBND xã Sơn Thượng kể lại câu chuyện mà chính ông đã chứng kiến: "Mới đây ở làng Vố, trẻ con bắt gặp Đinh Thị O. vợ của Đinh Văn Tr. ngoại tình với Đinh Văn Đ. người cùng làng. Nhà Tr. mời các già làng và ngài giữ giếng đưa ra giếng để phân xử. Chị O. và người tình phải góp con heo to để làm lễ cúng giếng thiêng". 

Ngài giữ giếng Đinh Văn Đót ngồi bên bếp lửa kể những câu chuyện mang màu sắc bí hiểm của núi rừng Sơn Hà.
Ngài khấn rồi hỏi lý do vì sao ngoại tình, ngài tiếp tục hỏi người chồng, và đại diện nhà chồng. Xong xuôi ngài lấy nước giếng thiêng "rửa" tội cho hai người và "tắm heo" để tế. "Vậy mà anh Tr. vẫn chấp nhận vợ, còn chị O. thì hiểu mình đã sai. Hai vợ chồng nớ mới sinh thằng con trai kháu lắm. Còn người tình tên Đ. không bao giờ được đi qua nhà này nữa" - vị lãnh đạo xã cười nói thêm: "Ở đây bao nhiêu đôi vợ chồng có gì xích mích cũng đưa ra giếng để khấn. Khấn xong lại sống yên vui".

Nhưng không phải "vụ" nào "tòa án" - giếng thiêng cũng giải quyết trọn vẹn đôi đường. Nhiều cặp vợ chồng sau khi được đưa ra "tòa" và được ngài hoà giải nhưng không được thì đành cho họ ly thân. Ngài đã từng giữ giếng hơn 10 năm Đinh Văn Su (làng Tà Pa) lý giải rằng, có nhiều cặp vợ chồng "cứng rắn" tới mức nếu không cho bỏ nhau thì sẽ ăn rễ cây độc hoặc nuốt lá ngón để tự tử. Vì thế, ngài lại bảo họ khiêng heo ra cúng giếng thiêng. "Hai vợ chồng sẽ ăn con heo làm lễ cúng. Rồi đường ai nấy đi. Nhưng không bao giờ được ghét bỏ nhau cả dù ở cùng một làng. Vì sự chia tay của họ được sự làm chứng của giếng rồi" - ông Su khẳng định. 

Mới đây, Đinh Văn Ngh. (thôn nước Tăm) dù đã có vợ nhưng đem lòng yêu Đinh Thị Br. (làng Nưa). Ngh. nhất quyết cưới bằng được Br. "Anh Ngh. và người tình phải tự sắm lễ là heo để cúng ở giếng làng. Từ đó trở đi anh Ngh. muốn lấy ai thì tuỳ nhưng sẽ không bao giờ được ở làng cũ mà phải chuyển đến làng của người vợ mới để ở rể. Và không được phép sử dụng nước giếng thiêng vì sẽ làm ô uế" - một vị lãnh đạo xã Sơn Thượng kể lại.

Trai gái cưới nhau sẽ được ngài giữ giếng làm lễ tạ thần giếng và là chứng nhân của hai vợ chồng. Vì thế, theo ông Tâm thì đồng bào H're "xử" rất nặng với người nào phụ tình. Người đó không được phép ở lại làng cũ nếu không cả làng sẽ không được khoẻ mạnh, làm ăn không tới.

"Người H'rê rất kỵ những sự lẫn lộn như giếng nước làng này làng khác ăn, nhưng đồng bào lại rất quý trọng sự chung thuỷ vợ chồng. Nếu ai phạm phải sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng"…

Quốc Anh - Vũ Phong
.
.
.