Về vụ nữ nhà báo viết bài chống tiêu cực bị kẻ xấu đe doạ: Tôi không đơn độc

Thứ Năm, 14/04/2016, 08:41
Liên tục những ngày gần đây, chị Nguyễn Thu Trang, phóng viên Báo Phụ nữ TP HCM (công tác tại Văn phòng đại diện ở Hà Nội), bị một người đàn ông gọi điện với nội dung đe doạ sẽ giết cả gia đình vì chị đã động đến "nồi cơm" của nhiều người. Điều đáng nói, trước đó, chị Thu Trang đã thực hiện loạt bài điều tra "Thâm nhập lò gạch thổ phỉ ở Hà Nội", gây bão dư luận, khi một loạt đối tượng tiêu cực được nhắc đến đang nắm giữ những vị trí quan trọng ở một số sở, huyện... của Hà Nội. 


Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Thu Trang, nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về công việc thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy hiểm của một nữ nhà báo, cũng như niềm tin vào công lý, vào những điều tốt đẹp ở xã hội chưa khi nào vơi vai trong suy nghĩ của chị.

Biết trước là sẽ gặp nguy hiểm

- Chào nhà báo Thu Trang, xin được chia sẻ với chị về những áp lực chị cũng như gia đình đang phải chịu đựng, sau khi thực hiện loạt bài điều tra "Thâm nhập lò gạch thổ phỉ ở Hà Nội". Chị có thể kể cho độc giả biết rõ hơn về câu chuyện của mình?

+ Cảm ơn chị.  Đây không phải là lần đầu tiên tôi bị đe doạ. Nhưng lần này đáng sợ hơn, đối tượng xấu tỏ ra quyết liệt, lời lẽ rất hằn học, họ đe doạ sẽ giết cả gia đình tôi và tôi nghĩ họ không nói chơi. Tôi cảm nhận rõ rệt sự nguy hiểm đang rình rập mình. Khoảng 21h tối 7-4, khi tôi đang ở nhà thì có một người đàn ông gọi nhiều cuộc điện thoại vào cả hai số máy của tôi. Anh ta nói: "Nhà mày có bao nhiêu người thì mày đi mua bằng ấy cái quan tài đi. Mày đã động đến nồi cơm của nhiều người. Chúng tao không tha cho mày đâu".

Nhà báo Thu Trang.

- Chị cảm thấy thế nào? Có sợ không?

+ Nói không sợ thì không đúng, nhưng tôi đã lường trước điều này. Thế nên tôi đã làm tất cả mọi việc cần thiết nhất để bảo vệ chính mình và gia đình. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, người thân của tôi cũng sẽ biết kẻ đã trả thù tôi là ai. Bạn hỏi có sợ không thì nói thật là tôi đã buộc mình phải bước qua nỗi sợ hãi từ lâu rồi.

- Trong loạt bài "Thâm nhập những lò gạch thổ phỉ ở Hà Nội", chị đã gặp những áp lực như thế nào?

+ Ngay sau khi bài báo đầu tiên được đăng tải, Toà soạn Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự can thiệp của rất nhiều người, xưng là lãnh đạo ngành nọ ngành kia, đề nghị gỡ bài đã đăng trên báo điện tử. Sau đó, thông qua người nọ người kia, họ tìm cách tiếp cận tôi. Tuy nhiên, tôi chỉ chấp nhận làm việc khi có công văn yêu cầu và cuộc làm việc phải diễn ra ở cơ quan chủ quản, nơi có đối tượng tiêu cực tôi đã phản ánh trong bài báo. Và phải có biên bản làm việc.

Những nhân vật tôi đề cập hiện đang nắm giữ trọng trách ở Sở Xây dựng... đương nhiên họ sẽ bị ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị. Vì có những chi tiết rất nhạy cảm, ví dụ như các chủ lò gạch đã góp số tiền 500 triệu đồng để "nộp phế" cho thanh tra xây dựng. Hoặc bất cứ người nào muốn xây một lò gạch mới, phải đến gặp Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng. Và chỉ là cuộc "ra mắt", chào hỏi thôi, cũng phải chuẩn bị phong bì 5 triệu đồng cho ông này...

- Ở góc độ báo chí, có thể nói, những loạt bài đấu tranh với tiêu cực của chị đã thành công, khi gây được dư luận tốt trong xã hội, ví dụ như loạt bài "cò viên chức lộng hành", phản ánh việc gần 200 giáo viên bị đuổi việc và bị cuốn vào vòng quay tiêu cực trong thi tuyển công chức, viên chức ở Sóc Sơn, trước đó là phanh phui đường dây buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, phanh phui đường dây trộm cắp hàng trong container ở cảng Đình Vũ Hải Phòng và mới nhất là những tiêu cực của cơ quan chức năng khi để tồn tại rất nhiều lò gạch thổ phỉ. Sao chị không dừng lại ở việc phản ánh đơn thuần?

+ Tôi nghĩ, nếu chỉ đưa thông tin lửng lơ, không đi đến cùng sự việc thì mọi chuyện lại nhanh chóng chìm vào quên lãng, khi mà mỗi ngày trôi qua, chúng ta lại tiếp cận với nhiều thông tin mới, vụ việc mới. Tôi không mong muốn cơ quan chức năng bỏ tù những nhân vật tôi đã đề cập, mà tôi muốn mọi người hãy nhìn vào sai lầm của họ để dừng lại những việc xấu. Những ai đã từng xấu thì giờ không nên xấu hơn, còn những ai đang có ý định tiêu cực thì nên từ bỏ ý định.

Nhà báo Thu Trang trong một chuyến công tác miền núi.

Không thoả hiệp!

- Chị có cảm thấy đơn độc trên hành trình của mình không?

+ Tôi không đơn độc. Bên cạnh tôi có chồng và gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Thật may mắn là mọi người đều ủng hộ tôi làm những đề tài đấu tranh tiêu cực. Có những đề tài tôi làm nửa năm trời, có đề tài 2-3 tháng, nhưng tôi đều được ủng hộ.

- Tôi không nghĩ là lúc nào mọi người cũng ủng hộ! Một nhà báo nữ, có thể đã có những lựa chọn nhẹ nhàng hơn, những đề tài ít gai góc hơn, dành thời gian cho việc chăm sóc gia đình, con cái.

+ Thực ra cũng có nhiều người cảnh báo tôi đừng nên chọc sâu vào những tiêu cực của các đối tượng đang nắm giữ chức vụ, quyền hạn. Nhưng nếu tôi cũng sợ, bạn cũng sợ, tất cả đều sợ thì khác nào chúng ta thừa nhận những cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội này.

- Nhưng nếu vì những bài báo của chị mà chị hoặc người thân của chị bị trả thù thì liệu đó có phải là sự đánh đổi quá lớn không?

+ Tôi không nghĩ thế, tôi đấu tranh chống tiêu cực, tôi đang làm một việc rất đúng, tôi đang rất sòng phẳng trong lựa chọn của mình. Nếu chỉ vì sợ hãi bị trả thù mà chùn bước thì làm gì còn niềm tin vào những điều tốt đẹp và những câu chuyện tử tế trong xã hội này nữa đâu.

Công văn Toà soạn Báo Phụ nữ TPHCM gửi Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị điều tra làm rõ.

- Là một nhà báo thường có bài viết đấu tranh với những cái xấu trong xã hội, luôn gặp nguy hiểm, nhưng chắc hẳn chị cũng sẽ thường xuyên nhận được những "lời đề nghị khiếm nhã"!

+ Vâng, sau những "lời đề nghị khiếm nhã" đó thường kèm theo rất nhiều tiền. Tôi được nhiều người có tên tuổi gọi điện, xin được gặp với tính chất "dàn xếp". Họ xin được gỡ bài, xin tôi đừng viết tiếp. Có khi họ mang theo cả bọc tiền to tướng mà tôi nghĩ phải vài trăm triệu. Đôi khi, họ tiếp cận tôi qua những người bạn thân thiết của tôi, hoặc là qua ai đó cũng trong làng báo có quen biết tôi với vai trò môi giới, tác động để tôi dừng lại.

- Quan điểm của chị trước những "lời đề nghị khiếm nhã" này?

+ Tất nhiên tôi không bao giờ thoả hiệp, trong khi tôi biết rằng, tôi chỉ cần gật đầu một lần thì tôi đã có nhà, gật đầu lần hai, tôi có xe ôtô. Nhưng nếu bạn làm nghề báo mà thoả hiệp với cái xấu, thì ngòi bút của bạn không còn giữ thẳng được nữa. Tôi nghĩ đơn giản thế thôi.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này. Chúc chị có nhiều sức khoẻ để có thể tiếp tục theo đuổi những đề tài gai góc, mang lại niềm tin tốt đẹp cho xã hội.

+ Cảm ơn chị, cảm ơn CSTC.

Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu làm rõ kẻ đe doạ

Ngày 8-4, Toà soạn Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã gửi Công văn tới Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, đề nghị điều tra làm rõ việc nhà báo Nguyễn Thu Trang bị đe doạ.

Trước đó, từ ngày 16-3 đến 28-3-2016, nhà báo Thu Trang đã thực hiện loạt bài "Thâm nhập lò gạch thổ phỉ ở Hà Nội", phản ánh thực trạng nhiều lò gạch hoạt động trái phép, trốn thuế, dưới sự làm ngơ của những người có trách nhiệm. Sau loạt bài điều tra động đến "nồi cơm" của nhiều người này, UBND TP Hà Nội đã vào cuộc yêu cầu kiểm tra xử lý sai phạm. Theo đó, nhiều lò gạch đang hoạt động trái phép bị đóng cửa, yêu cầu tự phá dỡ. Nhiều cá nhân sai phạm bị đình chỉ công tác và bị đuổi việc...

Sáng 10-4, nhà báo Thu Trang đã đến làm việc tại Đội Trọng án PC45 Công an TP Hà Nội. Theo chỉ đạo sát sao của Giám đốc Công an TP Hà Nội, yêu cầu làm rõ đối tượng đã đe doạ nhà báo viết bài chống tiêu cực, vụ việc đã được đơn vị này tiếp nhận xử lý.

Đinh Lành
.
.
.