Tội nghiệp… smartphone

Thứ Bảy, 11/05/2019, 11:05
Giữa tuần này, UBND TP HCM đã gửi Bộ Tài chính góp ý về dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước". Về thuế tiêu thụ đặc biệt, UBND TP HCM đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ như: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.


Ngay sau khi thông tin này được công bố trên báo chí đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Bởi hiện nay ở Việt Nam, chiếc điện thoại di động đã trở thành vật dụng quá phổ biến ở cả thành thị và nông thôn, bởi ước tính hiện tại có đến 72% dân số Việt Nam từ 18 tuổi trở lên sở hữu điện thoại thông minh, kết nối được internet.

Giữa năm 2018, Appota, nhà cung cấp nền tảng internet di động tại Việt Nam đã công bố một bản báo cáo thị trường ứng dụng đi động tại Việt Nam, trong đó đưa ra thống kê 25% những người sở hữu điện thoại thông minh sử dụng internet trên di động thường xuyên, thực hiện nhiều ứng dụng, dịch vụ khác nhau khiến điện thoại di động không chỉ là công cụ giao tiếp, nó đang trở thành công cụ làm việc chính thức của nhiều người.

Điện thoại di động đứng danh sách những điều thân thiết nhất của người Việt bởi phần lớn, người Việt "kiểm tra" điện thoại của mình ngay khi họ tỉnh dậy, và tiếp tục sử dụng nó với thời gian trung bình 2 tiếng một ngày. Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, 72% tổng số lượt truy cập các trang thương mại điện tử xuất phát từ điện thoại thông minh. 53% các giao dịch mua hàng trực tuyến thực hiện qua điện thoại.

Chỉ nhìn vào những con số ấy cũng có thể thấy chiếc điện thoại di động không còn đơn thuần là phương tiện liên lạc nữa. Từ thiết kế chỉ để nghe, gọi như cách đây hơn 20 năm, giờ đây điện thoại thông minh đã thay thế sổ tay, laptop bởi chiếc điện thoại thông minh đã có chức năng ghi chú chính xác và nhanh như dùng bút viết, với chiếc bút nhỏ gọn được tích hợp. 

Đặc biệt trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã cung cấp nhiều dịch vụ trên nền tảng điện thoại di động như kết nối phương tiện giao thông, bán hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến… Chỉ với chiếc smartphone, người kinh doanh có thể cập nhật mọi tin tức bằng các ứng dụng cài đặt, trả lời tin nhắn, trao đổi công việc… 

Thậm chí, với những người thường xuyên phải di chuyển không còn phải mang theo nhiều tiền mặt hoặc thẻ, bởi các ứng dụng thanh toán di động có thể thực hiện điều này. Điều này đồng thời góp phần tạo nên xu hướng không tiền mặt trên thế giới cũng như Việt Nam, mang đến sự nhanh chóng, gọn nhẹ, khắc phục nhiều vấn đề về đánh rơi hay mất cắp thường gặp trước đây.

Thống kê những tiện ích như vậy để thấy rằng chiếc điện thoại di động đang trở thành thứ vật dụng thiết yếu của mỗi người và nên khuyến khích sử dụng trong thời đại công nghiệp 4.0. Trong khi đó, bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là phải đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng những hàng tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu như ôtô siêu sang hoặc ảnh hưởng xấu tới môi trường, tác động xấu tới xã hội như rượu, bia, thuốc lá...

Vì vậy, trước đề xuất của UBND TP. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là đề xuất không hợp lý, vì ngay cả tại các nước phát triển và đang phát triển hay trong khu vực Đông Nam Á đều chưa có thông lệ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động.

Trên nhiều diễn đàn, nhiều người dân cũng đưa ra quan điểm trong khi Chính phủ đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh, Chính quyền điện tử, đưa các dịch vụ xã hội vào số hoá để tiếp cận trong thời đại tất cả đang hướng tới công nghiệp 4.0 thì chiếc điện thoại di động thông minh là vật bất ly thân, phải coi đó là vật dụng bình thường, giúp cho cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa trong đời sống.

"Thay vì đánh thuế tiêu thụ đặc biệt điện thoại di động thì hãy tăng thuế cao đối với các mặt hàng: rượu, bia, thuốc lá; sớm triển khai thuế tài sản đối với bất động sản (theo bậc lũy tiến về diện tích, có tính mức diện tích miễn thuế) vì đây mới là nguồn thu chính, mang tính ổn định, lâu dài và có tính điều tiết thị trường nhà đất; tăng thuế đối với dịch vụ kinh doanh nhà hàng, quán nhậu, Cafe, Karaoke, Massage", một bạn đọc bình luận.

Còn ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico hóm hỉnh bình luận: "30 năm trước, điện thoại di động còn là một mặt hàng xa xỉ mà còn không bị đánh thuế. Đến nay nó đã trở thành một vật dụng thông dụng, với số thuê bao ngang với dân số, mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì không hợp lý".

Dù rằng đây mới chỉ là ý kiến góp ý của một địa phương, nhưng từ câu chuyện này, một vấn đề nghiêm túc được đặt ra với những người làm chính sách, đó là chính sách phải xuất phát từ thực tế cuộc sống, bám sát cuộc sống và giúp cuộc sống người dân tốt hơn, chứ không thể làm chính sách kiểu trên trời để rồi trở thành nỗi bức xúc của người dân.

Tân Lương
.
.
.