Tổng thống Mexico bị kiện lên Tòa án hình sự quốc tế

Thứ Năm, 08/12/2011, 17:35

Bất chấp tuyên bố bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc mới đưa ra nhằm vào Chính phủ Mexico, một nhóm nhà hoạt động nhân quyền vẫn quyết định đệ đơn lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) yêu cầu xét xử Tổng thống đương nhiệm Felipe Calderon và một số quan chức. Nguyên do là vì theo họ, những nhân vật nói trên cùng những kẻ cầm đầu các băng nhóm buôn bán ma túy có liên quan đến cái chết của hơn 45.000 người trong 5 năm qua.

Các công tố viên ICC đã hết sức ngỡ ngàng khi họ đọc lá đơn kiện do luật sư nhân quyền Netzai Sandoval soạn thảo kèm với chữ ký của hơn 23.000 người đang sinh sống ở Mexico. Trong lá đơn kiện, luật sư Netzai Sandoval đã cáo buộc Tổng thống Mexico Felipe Calderon và một số quan chức làm ngơ trước việc các binh sĩ quân đội có hành vi tra tấn, đánh đập dã man và thậm chí sát hại dân thường khi thực hiện chiến dịch chống buôn bán ma túy kéo dài trong nhiều năm qua.

Trả lời phỏng vấn hãng Reuters, luật sư Netzai Sandoval nói: "Bạo lực ở Mexico càng ngày càng phát triển, tiếp diễn đến mức hơn cả ở Afghanistan và Colombia. Chúng tôi muốn có câu trả lời chính thức từ các công tố viên ở Mexico. Họ cần phải tổ chức một cuộc điều tra về những hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra trên quốc gia Mỹ Latinh này. Với những bằng chứng cụ thể, chúng tôi yêu cầu Tổng thống và các quan chức cấp cao của Mexico phải chịu trách nhiệm".

Trong khi đó, báo cáo của tổ chức Human Rights Watch cũng cho hay, họ có bằng chứng về việc cảnh sát và binh lính Mexico liên quan đến 170 vụ đánh đập người dã man, 24 vụ giết người và 39 vụ mất tích một cách bí hiểm ở 5 bang của Mexico. Hãng BBC dẫn lời một công tố viên cho hay, ICC đang xem xét và sẽ tổ chức một cuộc họp với các công tố viên của tòa án để bàn thảo về việc có nên tiến hành một cuộc điều tra riêng rẽ hay không. Sang đầu tháng 12, ICC sẽ nhóm họp dưới sự chủ trì của Trưởng công tố viên Luis Moreno Ocampo.

Cũng theo nguồn tin này, cùng bị kiện với Chính phủ Mexico còn có một loạt trùm băng nhóm buôn bán ma túy ở nước này. Lá đơn kiện các trùm buôn bán ma túy cũng do luật sư Netzai Sandoval đứng đơn và có thêm chữ ký của 18.000 người. Tên của trùm ma túy bị truy lùng gắt gao nhất tại Mexico là Joaquin "El Chapo" Guzman (kẻ đứng đầu nhóm Sinaloa) được nhắc đến với cáo buộc giết người, cưỡng hiếp, tra tấn dã man, hoạt đông buôn bán ma túy xuyên quốc gia...

Mexico đã phải huy động tới hơn 85.000 cảnh sát và binh sĩ tham gia cuộc chiến chống ma túy trong suốt 5 năm qua song bạo lực vẫn lan tràn ở quốc gia này.

Luật sư Netzai Sandoval khẳng định, những hoạt động do băng nhóm Sinaloa thực hiện đã khiến cho các cư dân ở những khu vực biên giới Mexico-Mỹ buộc phải rời bỏ quê hương để mưu cầu một cuộc sống an toàn hơn. Gới chức chính quyền những tỉnh vùng biên cũng liên tục bị băng nhóm này ám sát hoặc đe dọa tính mạng của người thân. Chính vì thế, họ buộc phải bắt tay với băng nhóm Sinaloa nhằm bảo vệ bản thân và gia đình.

Cho đến nay, Chính phủ Mexico vẫn bác bỏ mọi cáo buộc nói trên. Trong tuyên bố được đưa ra từ hồi tháng 10, Bộ Ngoại giao Mexico cũng khẳng định rằng: "Không thể coi chính sách an ninh quốc gia như một hành động phạm tội quốc tế. Mexico có luật lệ riêng, mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại cái ác. Chính phủ luôn khẳng định quyền con người ở Mexico và nhiệm vụ bảo vệ các công dân của mình trước các hành động bạo lực".

Được biết, hồi tháng 10, luật sư Netzai Sandoval từng đưa ra cáo buộc đối với Chính phủ Mexico nhưng bị phản ứng gay gắt. Ngay sau đó, chỉ trong vòng một tháng, ông Netzai Sandoval cùng những người ủng hộ đã đi xin chữ ký của người dân để gửi đơn kiện lên ICC. Trong số những người ký vào đơn kiện có nhiều luật sư, giáo sư, nhà báo, nghệ sỹ, nhà hoạt động xã hội và lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.

Theo luật định, sau khi nhận được đơn kiện, ICC sẽ nghiên cứu và có thể tiến hành điều tra trước khi đi đến kết luận cuối cùng. Được biết, cuộc chiến chống tham nhũng ở Mexico được thực hiện từ năm 2006 đến nay có sự tham gia của hơn 50.000 binh sĩ trong quân đội và 35.000 nhân viên cảnh sát. Trong khoảng thời gian đó, Uỷ ban quốc gia về nhân quyền Mexico (CNDH) đã nhận được hơn 4.000 lá đơn khiếu tố những hành vi không tốt của các binh sĩ quân đội.

Mới đây nhất, CNDH cho biết, 523 vụ vi phạm nhân quyền đã xảy ra ở Mexico bao gồm cả các vụ giết người, tấn công, bắt cóc và bắt giữ người tùy tiện. Ông Raul Plascencia, người đứng đầu CNDH thừa nhận, phần lớn các vụ vi phạm đều không bị trừng phạt và các vụ việc này ngày càng thường xuyên hơn.

Từ năm 2006, ít nhất 27 nhà hoạt động nhân quyền đã bị các băng nhóm tội phạm sát hại. Trong một động thái liên quan, Tổ chức phi chính phủ Mexico đoàn kết chống tội phạm (MUCD) và Công ty tư vấn độc lập Mitofsky vừa công bố kết quả thăm dò dư luận mới đây cho thấy, 86% người được hỏi cho rằng chính phủ của Tổng thống Felipe Calderon đã thất bại trong cuộc chiến chống ma túy và bạo lực tại Mexico, trong khi 30% khẳng định rằng tình hình an ninh còn tồi tệ hơn trong năm 2012, thời điểm bầu cử tổng thống tại nước này

Huyền Chi
.
.
.