Tour trên đảo thép, đảo ngọc Cồn Cỏ

Thứ Hai, 17/07/2017, 08:00
Đảo Cồn Cỏ cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị 17 hải lý với khoảng 2 giờ tàu. Du lịch ra Cồn Cỏ bắt đầu từ sau khi thành lập huyện ngày 1-10-2004. Lúc đó, phương tiện duy nhất để khách tham quan đi lại trên đảo là một chiếc xe công nông. Sau 13 năm, du lịch ra hòn đảo này đã khác, nhất là điều kiện lưu trú, đi lại trên bộ lẫn dưới nước để thăm thú, tận hưởng những cảnh quan tuyệt đẹp nơi đây.


Khoảng 10h sáng, chúng tôi lên tàu tại Cảng Cửa Việt ra Cồn Cỏ. Tháng 7 biển trời Quảng Trị trong xanh đến lạ. Biển khá êm, sóng vỗ nhẹ mạn tàu. Hơi nước mát bốc lên với gió nhẹ khiến du khách buồn ngủ. Vậy mà, khi Cồn Cỏ vừa hiện ra, mọi người đều bật dậy, căng mắt nhìn về phía trước, với sự háo hức được nhanh chóng đặt chân lên đảo.

Đảo thép, đảo ngọc…

Có mặt trên chuyến tàu ra Cồn Cỏ, anh Nguyễn Xuân Cảm (SN 1979), Phó Chánh văn phòng UBND huyện đảo Cồn Cỏ tự hào: “Cồn Cỏ ghi dấu ấn trong lòng người dân cả nước và bạn bè năm châu kể từ thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhắc tới hòn đảo nhỏ này trong chiến tranh là nhớ ngay tới những người lính quả cảm, mưu trí, chiến đấu bất khuất trên đảo.

Họ chỉ với áo vải, mũ tai bèo, súng ống thô sơ nhưng chiến đấu chống lại mỗi ngày hàng chục lượt máy bay, tàu chiến của địch ném bom, bắn phá và các loại vũ khí tối tân khác.

Cồn Cỏ giữa trùng khơi.

Sống, chết bên họ là những ngư dân, nông dân Vĩnh Linh suốt đời chỉ quen với mái chèo, cây cuốc, đánh bắt con cá, con tôm, trồng, gặt thu hoạch cây lúa, cây khoai, ngày đêm bất chấp hiểm nguy tới tính mạng, chèo thuyền vận chuyển lương thực, đạn dược dưới làn mưa bom bão đạn của địch ra Cồn Cỏ để tiếp tế cho bộ đội chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đây.

Ngày nay ra Cồn Cỏ, chúng ta không chỉ tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng, mà còn rất đỗi vui mừng vì những phát triển, đổi thay trên hòn đảo thép, đảo ngọc này”.

Theo số liệu thống kê, từ năm 1964- 1975, máy bay địch đã ném bom, bắn phá Cồn Cỏ 1.850 lượt; tàu chiến bao vây, oanh kích 172 lần. Số lượng bom đạn do địch giội xuống đây 12.970 quả, bằng 5.200 tấn. Trung bình mỗi chiến sĩ trên đảo đã phải gánh chịu 39,3 tấn bom đạn; 1 ha đất gánh chịu 22,6 tấn bom đạn.

Bộ đội và dân quân trên đảo đã tổ chức chiến đấu 841 trận. Từ năm 1964- 1968, bắn rơi 48 máy bay; bắn cháy 17 tàu, xuồng của địch. Xây dựng 8.280 mét giao thông hào, 200 mét địa đạo, 44 hầm cá nhân, 3 lô cốt xi măng và 23 trận địa hỏa lực. Sản xuất 56.000kg bầu, bí và 30.096kg rau xanh; đánh bắt 1.762kg cá các loại để tồn tại và phục vụ chiến đấu giữ đảo.

Đặc biệt, trong một ngày 31-5-1968, bộ đội và dân quân trên đảo đã dũng cảm, mưu trí bắn rơi tới 4 máy bay địch. Trước thắng lợi to lớn này, ngày 5-6-1968, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi: “Cồn Cỏ xứng đáng là đảo nhỏ Anh hùng…”.

Trước đó, vào ngày 3-6-1965, Khu ủy Vĩnh Linh đã ra Nghị quyết chiến đấu và phát triển sản xuất với Vĩnh Linh và Cồn Cỏ: “Vĩnh Linh đã và đang không tiếc một thứ gì đối với Cồn Cỏ. Các đồng chí cứ vững tâm, tiếp tục chiến đấu thắng lợi hơn nữa. Toàn đảng toàn dân luôn luôn bên cạnh các đồng chí với quyết tâm: Còn đất liền còn đảo, còn chiến sĩ còn trận địa”.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ tự hào nói về thành tích trong kháng chiến của đảo: “Đảo Cồn Cỏ 2 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 3 lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen; 1 lần Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi thư động viên; 2 Huân chương độc lập hạng nhất; 10 Huân chương chiến công từ các hạng Nhất, Nhì, Ba. 10 năm liền được tặng thưởng đơn vị Quyết thắng (1964- 1974). Cờ thưởng “Cồn Cỏ Anh hùng” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng. 6 đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. 132 lượt đồng chí được tặng thưởng Huân chương chiến công các hạng Nhất, Nhì, Ba”.

Ông Thành cho hay: “Qua 13 năm kể từ sau khi thành lập huyện, Cồn Cỏ đã được Trung ương và địa phương đầu tư xây dựng nhiều công trình nhà cửa, phúc lợi xã hội để làm việc và phát triển sản xuất trên đảo, với tổng mức kinh phí 1.100 tỷ đồng. Nhiều hộ dân ra đảo, qua nhiều năm làm ăn, đã có kinh tế khá giả. Con em được chăm nuôi, học hành trên đảo rất chu đáo”; “Nếu như ngày trước Cồn Cỏ là đảo thép với những chiến công đánh thắng giặc vang dội, thì ngày nay có thể gọi đây là hòn đảo ngọc bởi sự đầu tư xây dựng, phát triển ngày một đi lên về kinh tế và việc bảo tồn, giữ gìn được những sản vật thiên nhiên hiếm có trên và xung quanh đảo. Đây được coi là một thuận lợi lớn thu hút khách du lịch ra đảo tham quan ngày một đông hơn”.

Một tour trên Cồn Cỏ

Khoảng 12h, tàu cập cảng Cồn Cỏ. Đoàn chúng tôi được đón bằng xe công nông lên đảo. Khác với 5 năm trước khi ra đây, Cồn Cỏ bây giờ đã đổi thay đến ngỡ ngàng.

Chị lễ tân nhà khách Ủy ban huyện (Cồn Cỏ chưa có nhà nghỉ tư nhân) đưa cho chúng tôi mấy chùm chìa khóa mở cửa các phòng nghỉ và hướng dẫn: “Ở đây quạt tường, điều hòa đều đầy đủ. Nhưng riêng điều hòa, các anh chỉ cần bật công tắc tường mà không cần phải điều chỉnh nhiệt độ vì chúng tôi đã mặc định nhằm ổn định nguồn điện do đảo đang còn phải chạy máy nổ”.

- Có điện để chạy điều hòa lâu chưa chị? - Tôi hỏi chị lễ tân.

- Cũng mới, khoảng một tuần lễ nay. Trước đây không chạy được điều hòa, điện quạt, thắp sáng cũng hạn chế, mỗi ngày chỉ được sử dụng 3 tiếng vào ban đêm. Nhưng nay đã có điện 24/24h, lại dùng được cả điều hòa và tủ lạnh - Chị phấn khởi nói.

Bữa cơm trưa được chị nhà bếp bưng lên thơm phức mùi hải sản và rau rừng. Tôi để ý đĩa ốc có vỏ xù xì màu xám trắng như đá núi nhưng mặt của nó sáng đỏ long lanh như có ngọc. Chị nhà bếp giới thiệu là ốc mặt trăng.

Ốc mặt trăng vừa thơm vừa béo, chấm với muối sống giã trộn ớt xanh hoặc nước mắm trộn gừng thì quả là ngon tuyệt! Chị nhà bếp còn hào phóng thết đãi miễn phí chúng tôi một cút rượu đế nấu bằng men lá rừng trên đảo thật ngon và hấp dẫn!

Sau ăn uống và quay lại phòng nghỉ ngơi chừng 30 phút, chúng tôi được đưa đi tham quan quanh đảo bằng xe công nông. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Nghĩa trang liệt sĩ Cồn Cỏ. Nơi đây tưởng nhớ, tri ân, ghi nhớ công lao to lớn của 104 Anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ từ năm 1964- 1975.

Nghĩa trang được chọn xây dựng trên một đồi cao chừng 40m so với mực nước biển. Từ đây có thể dễ dàng nhìn ngắm cảnh vật xung quanh trên đảo và những con thuyền rẽ sóng ra khơi từ quê nhà Vĩnh Linh.

Sau khi kính cẩn nghiêng mình thắp nén nhang thơm dâng viếng hương hồn các Anh hùng liệt sĩ, đoàn chúng tôi tiếp tục đi tham quan một vòng quanh đảo. Buổi chiều đất trời Cồn Cỏ êm ả như ru. Chúng tôi dừng chân ngắm một khóm cây bàng vuông cổ thụ ở sát bờ biển.

Mùa này, bàng vuông nở hoa thơm phức cả đảo. Cách khóm cây bàng vuông không xa, những cây phong ba đang vươn mình ra bờ biển như muốn đón lấy tất cả cái nắng, cái gió, cái sóng dữ dội của biển khơi. Chúng như muốn chứng minh một điều rằng, điều kiện sống càng khắc nghiệt bao nhiêu thì bản thân chúng càng lên xanh tươi tốt bấy nhiêu! Cây phong ba cũng là một biểu tượng của người lính, trong thời chiến cũng như thời bình, luôn bất khuất, kiên trung bám đảo, bảo vệ biển đảo được bình yên.

Sau khi thăm thú, thưởng thức cảnh vật thiên nhiên tuyệt đẹp trên đảo, chúng tôi đến tham quan cột cờ Cồn Cỏ vừa được đầu tư xây dựng với mức kinh phí hơn 3,5 tỉ đồng. Cột cờ nằm ở một vị trí rộng rãi và thoáng đãng, sát bờ biển và gần đường giao thông, thuận lợi cho việc kéo cờ, tổ chức các hoạt động của các ngày lễ lớn. Đứng bên cột cờ cao lừng lững, tung bay trên bầu trời đảo biển, cảm giác thiêng liêng và tự hào biết bao mảnh đất phên dậu của Tổ quốc luôn đứng vững giữa trùng khơi.

Còn một nơi mà chúng tôi không thể không đến, đó là bảo tàng lịch sử trên đảo. Nữ hướng dẫn viên có tên Thùy Trang với dáng người nhỏ nhắn nhưng sức khỏe đầy dẻo dai. Cô đảm nhận hầu hết phần việc ở bảo tàng, từ mở cửa đón khách đến dẫn khách đi tham quan và thuyết minh. Trang thu hút người nghe không chỉ bằng chất giọng ấm áp, truyền cảm của người Vĩnh Linh mà còn bằng kiến thức phong phú, chuyên sâu về lịch sử.

Cô tâm sự: “Em ra đây đã 6 năm, lúc đầu tham gia công tác Hội Phụ nữ huyện, rồi làm phóng viên Đài phát thanh kiêm thuyết minh bảo tàng lịch sử”. Được biết, cô gái chưa tròn 30 tuổi đời này hiện nay đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện đảo Cồn Cỏ.

Dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Cồn Cỏ.

Sau tham quan bảo tàng, chúng tôi được đưa trở lại nhà khách Ủy ban nghỉ ngơi và thay áo quần để đi tắm biển, lặn ngắm san hô. Việc này diễn ra rất thú vị, là một trong những hoạt động không thể bỏ qua khi du lịch ra đảo Cồn Cỏ. Con tàu vận chuyển khách rời cảng Cồn Cỏ chừng 20 phút về phía Đông thì dừng neo lại cách bờ chừng 100m. Tại đây, du khách mặc áo phao được phép nhảy xuống biển với độ sâu từ 1- 2m tha hồ bơi lội, lặn ngắm san hô.

Ông Trần Anh Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cho biết: “Một kết quả khảo sát, khám phá khoa học vào năm 2005 cho thấy, so với 4 vùng đáy biển khác như Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu), Hòn Mun (Khánh Hòa), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), thì biển ở Cồn Cỏ có rặng san hô tốt nhất. Đặc biệt, tại vị trí có tên Hà Nam, ở độ sâu 8- 10m, san hô chiếm tới 45% mặt đáy biển. Và, đây là nơi duy nhất phát hiện có san hô đỏ quý hiếm”.

Đêm Cồn Cỏ như lạc vào chốn thiêng đàng. Chúng tôi chọn ngồi sát bên bờ biển trước một quán xá để được phục vụ. Sóng biển vỗ nhẹ bãi bờ, gió biển thổi mơn man cuốn theo hương thơm ngào ngạt của loài hoa bàng vuông được ví như nữ hoàng của các mùi hương vào ban đêmtrên đảo.

Cuộc rượu không chỉ có những người khách với nhau, mà bao giờ cũng vậy, chủ nhà ra chào hỏi, tiếp đón, thiết đãi trước với những món ăn ngon là đặc sản trên biển đảo như gỏi cá, rau xanh, rượu nấu bằng men lá cây rừng…

Trong men thơm của rượu ngất ngây và cuộc chuyện trò dường như bất tận, nhìn mặt nước biển sóng sánh phản chiếu ánh trăng màu son đỏ và gương mặt của Ngọc, của Lan, những cô gái trẻ vừa xung phong ra đảo với quyết tâm ở lại sinh sống, làm việc lâu dài trên đảo, tôi ước mình được trẻ lại nhưng không phải vì lòng tham mà vì sức trẻ để tiên phong như bao con người trẻ trung nơi đây, họ đang tận cống hiến tuổi xuân của mình vì sự bình yên, phát triển đi lên của biển đảo, vì mảnh đất phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi…

Phan Thanh Bình
.
.
.