Trả lại giá trị thực cho việc tuyển chọn người tài

Thứ Ba, 13/03/2018, 06:32
Trong những ngày qua, câu chuyện công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đã trở thành tâm điểm nóng của dư luận.


Từ số lượng GS, PGS tăng đột biến một cách khá bất thường trong năm 2017 đến kết quả rà soát lại GS, PGS theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phát hiện có gần 100 trường hợp GS, PGS bị phản ánh chưa đạt chuẩn, cần tiếp tục rà soát lại cho thấy, công tác này vẫn còn nhiều bất cập. Dư luận băn khoăn, chức danh GS, PGS mang lại những quyền lợi gì cho các ứng viên mà khiến nhiều người "ham mê" đến vậy?

Rồi những cuộc tranh luận chưa có hồi kết về việc có nên phong GS cho những người làm công tác quản lý, GS là chức danh có thời hạn hay vĩnh viễn suốt đời? Đặc biệt là những tồn tại được cho là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong việc phong tặng danh hiệu GS, PGS như mặt trái của việc bỏ phiếu kín cũng đang được dư luận đặt ra và đòi hỏi phải điều chỉnh để trả lại giá trị thực cho việc tuyển chọn người tài, vốn được xem là tinh hoa của đất nước.

HĐCDGSNN trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các ứng viên đạt tiêu chuẩn năm 2016 (Ảnh minh họa).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc được kéo dài thời gian làm việc, các GS, PGS còn được hưởng ưu đãi trong nghiên cứu khoa học, nâng bậc lương. Quyết định số 20 do Thủ tướng ban hành năm 2012 về việc sửa, bổ sung một số điều của Quyết định số 174 năm 2008 "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS" đã quy định rõ những quyền lợi mà GS, PGS được hưởng theo quy định của Luật Giáo dục.

Cụ thể, giảng viên có chức danh GS, PGS công tác trong cơ sở giáo dục đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, đồng thời cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu.

GS, PGS cũng được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ công tác quản lý và các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, đối với nhà giáo thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đại học công lập, học hàm GS, PGS cũng sư đem lại những quyền lợi nhất định trong việc nâng ngạch lương.

Nhà giáo được bổ nhiệm chức danh GS thì được bổ nhiệm vào ngạch GS - giảng viên cao cấp (mã ngạch 15.109) và được xếp vào bậc lương có hệ số cao hơn một bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang được hưởng.

Trường hợp đã hưởng lương ở ngạch GS - giảng viên cao cấp thì được xếp lên một bậc lương liền kề. Nhà giáo được bổ nhiệm chức danh PGS thì được bổ nhiệm vào ngạch PGS - giảng viên chính (mã ngạch 15.110) và được xếp vào bậc lương có hệ số cao hơn một bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang hưởng.

Trường hợp đã hưởng lương ở ngạch PGS-giảng viên chính được xếp lên một bậc lương liền kề. Có lẽ, đây cũng chính là một trong những động lực khiến các ứng viên (phần lớn là giảng viên, cán bộ công tác tại các trường đại học và một bộ phận những người làm công tác quản lý) tha thiết với danh hiệu này.

GS. TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: GS là những người thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho đất nước, là nhà giáo có trình độ cao nhất thuộc lĩnh vực nào đó. Họ mẫu mực, có lương tâm và đạo đức với nghề.

Một trong số những quyền cao quý không gì sánh bằng của GS là được đào tạo tiến sĩ. Thêm nữa, họ được phụ trách học thuật để có thể đứng ngang hàng so với thế giới, nhiều GS đứng đầu các trường phái khoa học.

Do vậy, nếu GS chỉ làm công tác quản lý, không làm đúng nghề giảng dạy, đào tạo, sẽ rất lãng phí - GS Phạm Tất Dong cũng cho rằng, không nên duy trì danh hiệu GS suốt đời mà chức danh này cần có thời hạn. Nói cách khác, khi nào GS không còn làm công tác giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ thì nên trả lại chức danh đó.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Quan chức nói chung, không nên làm GS và PGS. Chức danh này chỉ nên dành cho những người giảng dạy trực tiếp, có biên chế chính thức tại các cơ sở đại học.

"Xu hướng trên thế giới không có chuyện quan chức, bộ trưởng là GS bởi công việc chính của họ làm hành chính, chính sách, - ông Khuyến chia sẻ. Cũng theo ông Khuyến, người làm khoa học phải chuyên nghiệp. Mỗi khi đã làm chính khách rồi thì làm sao có đủ thời gian để viết bài, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nếu có thì đó chắc chắn cũng sẽ khó là thực chất. Do vậy, có lẽ đã đến lúc pháp luật cũng cần phải quy định rõ là chính khách thì thôi không làm GS, PGS. Còn sau khi hết làm chính khách, thôi giữ các cương vị trên thì có thể làm GS, PGS sau.

GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch HĐCDGSNN ngành Y tế, nguyên Giám đốc Học viện Quân y chia sẻ: Việc công nhận xét tiêu chuẩn GS hiện tại có đảm bảo được khách quan, trung thực nhưng không công bằng. "Tôi rất tiếc trong hội đồng ngành Y năm 2017 có hai PGS rất giỏi, thừa tiêu chuẩn nhưng lại không trúng, bởi quy trình bỏ phiếu kín có "chỗ này chỗ kia".

Việc bỏ phiếu kín trong các hội đồng GS là không công bằng và không chuẩn. Tôi đã tham gia nhiều hội đồng đều bỏ phiếu công khai hoặc giơ tay biểu quyết khi xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Do vậy, để đảm bảo công bằng trong việc công nhận tiêu chuẩn GS, PGS, thay vì bỏ phiếu kín như hiện nay, người bầu chọn ứng viên GS, PGS cũng cần ký tên mình vào tờ phiếu để thể hiện sự công tâm và minh bạch"- GS Phạm Gia Khánh đặt vấn đề.

Lãnh đạo Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng cho biết: Trong đợt xét duyệt danh hiệu GS, PGS năm 2017, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội có một ứng viên ngành Vật lý bị trượt rất đáng tiếc. Cả thành tích nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và khả năng ngoại ngữ của ứng viên này đều rất vượt trội, duy chỉ thiếu tiêu chí viết sách. Hội đồng cơ sở và Hội đồng ngành đều đã thống nhất đặc cách trường hợp này.

Tuy nhiên, lên đến HĐCDGSNN thì ứng viên này đã bị trượt thẳng cẳng khi tiến hành bỏ phiếu kín. Từ những câu chuyện cụ thể trên, nhiều ý kiến cho rằng, hình thức bỏ phiếu kín như hiện nay chính là "kẽ hở" tạo nên tiêu cực. Để khách quan, công bằng, cần tiến hành bỏ phiếu công khai để các thành viên trong hội đồng được tranh luận, thể hiện quan điểm, trách nhiệm của mình với chính lá phiếu mà mình lựa chọn.

Huyền Thanh
.
.
.