Trách nhiệm chính quyền khi cứ để dân phải chặn xe rác

Thứ Bảy, 28/12/2019, 20:32
Những ngày qua, Hà Nội lại lâm vào cảnh nhiều nơi bốc mùi vì rác ùn. Nguyên do là ngày 23-12, người dân xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn lại dựng lều ngăn xe chở rác vào khu xử lý rác thải Sóc Sơn vì những vấn đề về chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân chưa được giải quyết triệt để.


Ông Phạm Thanh Học, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, ngay sau khi tái diễn tình trạng người dân ngăn xe vào bãi rác Sóc Sơn ngày 23-12, huyện Sóc Sơn đã kiến nghị lên thành phố 8 giải pháp.

Cụ thể, huyện đề nghị UBND TP chỉ đạo Thanh tra TP sớm có kết luận giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vượt hạn mức 400m², có chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp, đất ở trùng lấn đất rừng vì các hộ dân đã được giao quản lý và sử dụng đất trước khi có quy hoạch rừng.

Đồng thời xem xét nguyện vọng tái định cư cho các hộ dân và bồi thường các công trình đã xây dựng do khi hỗ trợ di chuyển giai đoạn 1999, người dân không có đất tái định cư, không được nhận tiền hỗ trợ tự lo chỗ ở nên phải xây dựng lại công trình để sinh sống trên đất ở cũ.

Huyện cũng đề nghị TP cho áp dụng mức bồi thường hỗ trợ bằng 70% giá bồi thường đất ở được TP phê duyệt đối với dự án này (tương tự mức bồi thường, hỗ trợ áp dụng đối với dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2).

Đối với việc bồi thường, hỗ trợ công trình xây dựng trên thửa đất ở, công trình được hình thành vượt quá hạn mức diện tích đất ở thì đề nghị cho phép bồi thường bằng 100% đơn giá theo quy định.

Cùng với đó là các kiến nghị liên quan đến quy hoạch bãi rác, quy trình đổ rác, khu tái định cư, chính sách đặc thù cho nhân dân di chuyển ra khỏi vùng ô nhiễm môi trường... Huyện thậm chí đề nghị tạm dừng vận hành bãi rác này cho đến khi di chuyển dân xong.

Ông Phạm Thanh Học cho biết, những kiến nghị này của huyện được gửi lên TP ngay sau khi đối thoại với người dân.

Điều đáng nói, đây là lần thứ 3 trong năm 2019 và lần thứ 6 kể từ tháng 6-2016, xảy ra tình trạng người dân ngăn xe chở rác vào khu xử lý chất thải Sóc Sơn, nhưng những vấn đề người dân kiến nghị vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cụ thể là một số hộ dân ở 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn của huyện Sóc Sơn bức xúc về việc giải phóng mặt bằng, di dân ra ngoài vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn có mức bồi thường chỉ 860.000 đồng/m2 là quá thấp, không thể giúp họ ổn định đời sống sau khi tái định cư…

Cần phải nhắc lại rằng, ngay từ ngày 13-1-2019, sau khi xảy ra việc người dân chặn xe chở rác vào bãi tập kết Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) khiến rác trong nhiều quận nội thành ùn ứ nhiều ngày, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 194/UBND-GPMB giao nhiệm vụ cụ thể việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu Liên hợp xử lý chất thải huyện Sóc Sơn.

Trong đó, UBND TP giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng sở, ngành và UBND huyện Sóc Sơn giải quyết những kiến nghị của người dân. Đó là trước ngày 20-1-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường phải thẩm định xong bản đồ hiện trạng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn theo quy định.

Đồng thời phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức phê duyệt, cắm và bàn giao mốc giới ngoài thực địa cho UBND huyện Sóc Sơn trước ngày 20-2-2019, làm cơ sở để tiến hành việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo quy định….

Trước ngày 30-3-2019, UBND huyện Sóc Sơn tiến hành việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân theo thẩm quyền, bảo đảm tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ từ quý II-2019. UBND huyện Sóc Sơn chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giải thích để các hộ chấp hành, không cản trở việc vận chuyển rác vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn…

Lý giải việc dù biết chặn xe rác rất ảnh hưởng đến môi trường và người dân trong khu vực nội thành, nhiều người dân cho rằng, dù biết chặn xe là sai nhưng do họ đã phải chịu đựng ô nhiễm nhiều năm nay, nếu tiếp tục ở lại cũng không thể sinh sống và làm ăn được nên đành phải dùng đến biện pháp chặn đường, ngăn không cho xe rác vào trong.

Rõ ràng đã đến lúc lãnh đạo thành phố cần phải xử lý dứt điểm việc này, bởi dù có giải thích thế nào thì trách nhiệm cũng thuộc về chính quyền. Đừng để người dân có suy nghĩ rằng chặn xe chở rác là cách phản ứng có hiệu quả nhất khi những kiến nghị của họ không được giải quyết thấu đáo.

Tân Lương
.
.
.