Hàng trăm ngôi mộ được xây dựng trái phép ở đồi Thanh Tước

Thứ Năm, 12/02/2015, 14:00
Báo CANDONLINE đã đề cập đến vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực ngoài nghĩa trang Thanh Tước (Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội). Tuy nhiên vấn đề "xây trộm" hàng trăm ngôi mộ quanh khu vực ngoài nghĩa trang, vi phạm trật tự xây dựng và quản lý đất đai khiến dư luận không khỏi bức xúc. Dù việc xây dựng mộ trái phép rõ như ban ngày nhưng cho đến nay vẫn chưa có cá nhân hay tập thể nào phải chịu trách nhiệm!

Mộ vô chủ được xây dựng cầu kỳ

Diện tích đồi Thanh Tước rộng khoảng trên 30ha, được chia làm ba khu vực do ba đơn vị quản lý. Trong đó Nghĩa trang Thanh Tước do Ban phục vụ Lễ tang Hà Nội (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) quản lý, chiếm diện tích khoảng hơn 7 ha. Phần thứ hai là khu vực quân sự thuộc Bộ Quốc phòng và khu vực trường bắn của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mê Linh quản lý. Phần thứ ba giao cho UBND xã Thanh Lâm quản lý.

Theo quan sát của phóng viên thì khu vực gần nghĩa trang Thanh Tước có hàng trăm ngôi mộ được xây rất khang trang. Trong số hàng trăm ngôi mộ đó, có những ngôi mộ có hài cốt thật nhưng cũng không ít những ngôi mộ xây lên chỉ để "giành chỗ".

Điều lạ là, tất cả những ngôi mộ nằm trong địa phận này đều là những ngôi mộ "chôn trộm", thế nhưng hình thức lại rất cầu kỳ và khang trang. Theo thống kê và phản ánh của bà con thôn Phú Hữu thì có ít nhất khoảng 400 ngôi mộ đã được chôn trái phép trên đất của địa phương, chiếm diện tích lên tới hàng ngàn mét vuông. Sau khi sự việc bị phát giác, nhân dân thôn Phú Hữu đã viết nhiều đơn thư tố giác gửi lên UBND xã Thanh Lâm, UBND huyện Mê Linh. Sau đó, UBND huyện Mê Linh đã vào cuộc điều tra và tiến hành giải tỏa khu mộ trái phép này.

Một số ngôi mộ chưa có cốt bị cơ quan chức năng cưỡng chế phá bỏ.

Tuy nhiên, việc làm này lại không được tiến hành một cách triệt để. Thế nên cho tới thời điểm này, vẫn còn nhiều ngôi mộ "vô chủ" chưa được di dời. Khi bà con thắc mắc, khiếu kiện thì nhận được câu trả lời của cán bộ huyện rằng: "Đó là vấn đề tâm linh, không thể làm trong ngày một ngày hai mà cần phải có thời gian". Phía giữa quả đồi còn cắm một tấm biển với dòng chữ: "Khu vực xây dựng mộ trái phép. Đề nghị các gia đình có mộ tự di dời vào nghĩa trang theo quy định".

 Trách nhiệm thuộc về ai?

Để mục sở thị những ngôi mộ được "chôn trộm", chúng tôi đã tiếp cận những công nhân đã và đang vận chuyển vật liệu, xây dựng những ngôi mộ trái phép khu vực ngoài nghĩa trang Thanh Tước. Theo nhiều người, do địa thế khá đẹp lại nằm sát nghĩa trang Thanh Tước nên giá cho mỗi ngôi mộ không phải là rẻ, lên tới vài chục triệu đồng. Điều đặc biệt hơn nữa, những người xây dựng mộ tại đây còn tiết lộ, khi mua còn được UBND xã Thanh Lâm cấp giấy tờ đầy đủ.

Cụ thể người ký là ông Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm. Ông H (xin được giấu tên) - người chuyên vận chuyển vật liệu xây dựng để xây mộ cho biết: "Ở đây có những gia đình ở nội thành mua cả trăm mét vuông đất để xây dựng khu mộ gia đình, dòng họ. Làm ở đây chúng tôi biết, họ thuê chúng tôi vận chuyển vật liệu, có ngôi riêng tiền vận chuyển lên tới gần 2 triệu đồng. Tiền mua đất để đặt mộ có giá 23 triệu/ngôi, đó là giá cách đây 5 năm. Diện tích mỗi ngôi khoảng 1,2 mét vuông".

Khu vực chôn trộm mộ được đặt biển cảnh báo.
Theo quan sát của phóng viên, những ngôi mộ mọc lên như nấm sau mưa, phạm vi ngày càng được mở rộng, ăn dần vào đồi thông (trồng theo Dự án PAM về phủ xanh đất trống đồi núi trọc tại Mê Linh, cách đây hơn 20 năm). Nhẩm tính sơ sơ từ việc đo thử 1 ngôi mộ (chiều dọc 1,3m; ngang 2,1m, diện tích 2,6m2), như vậy tính đơn giản cả khu mộ chôn trái phép này lên tới khoảng 1.200m2. Nếu nhân với giá cách đây 5 năm thì người ta cũng có thể thu về hơn 10 tỷ đồng.

Theo những người vận chuyển và xây dựng tại đây, việc xây dựng khá công khai, bởi trong tay họ đã có giấy xác nhận của UBND xã. Và việc xây dựng công khai thì người mua mới mang mộ, cốt lên nhập. Nhiều ngôi chỉ xây dựng thành dãy dài, chờ khi có cốt thì nhập. Ông H. giọng đầy ngạo mạn: "Sao phải sợ ai mà vận chuyển xây dựng ban đêm. Chúng tôi có giấy xác nhận đàng hoàng. Xã cấp cho chúng tôi giấy chứ chúng tôi không tự làm giả được".

Theo như những người xây dựng ở đây, giá cho mỗi ngôi mộ được chôn trong nghĩa trang Thanh Tước khoảng 30- 40 triệu, có số thẻ, số ngôi số hàng. Còn chôn cất ngoài phạm vi nghĩa trang sẽ chỉ khoảng 20 triệu và không có số thẻ mà chỉ có giấy tờ của chính quyền địa phương.

Việc xây dựng mộ đã diễn ra được vài năm nhưng được thực hiện rất kín đáo. Hầu hết người dân quanh khu vực này không hề hay biết. Từ khi có dự án xây dựng Công viên nghĩa trang thì người dân mới hay biết. Ông Tường (tổ 3, khu đường 32) cho biết: "Khi dự án xây dựng lò hỏa thiêu ở cách khu dân cư khoảng 100 mét, chúng tôi rất bức xúc, đi phản đối nên đã phát hiện ra hàng loạt ngôi mộ được "chôn trộm" như vậy.

Có ngôi đã cho hài cốt, có ngôi thì chỉ mới xây dựng để chờ. Rất nhiều cây lớn bị chặt phá để xây dựng mộ. Nếu chúng tôi không phát hiện ra thì chắc chắn mộ sẽ được chôn khắp đồi. Chúng tôi đã làm đơn gửi lên UBND xã thì xã nói không biết". Khi người dân xã Thanh Lâm gửi đơn lên UBND huyện Mê Linh, huyện đã có chỉ đạo cưỡng chế. Tuy vậy việc di dời những ngôi mộ có cốt không phải chuyện sớm chiều.

Để rộng đường dư luận, phóng viên CSTC đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh

- Thưa ông hiện nay nhân dân quanh khu vực nghĩa trang Thanh Tước có phản ánh hàng trăm ngôi mộ được xây dựng trái phép ở khu vực đồi Thanh Tước, vậy có đúng là có hiện tượng này không?

+ Chúng tôi cũng đã nghe được thông tin này và đã cho người đi kiểm tra. Đúng là có khoảng hơn 400 ngôi mộ. Rõ ràng đây là vấn đề vi phạm trật tự xây dựng và quản lý đất đai. Năm 2013-2014, UBND huyện đã chỉ đạo xã Thanh Lâm và các ban, ngành liên quan tập trung xử lý.

- Vậy kết quả xử lý đến nay ra sao?

+ Chúng tôi đã cho dỡ bỏ 50% số mộ xây dựng trái phép. Song hành với việc thông tin, chúng tôi đã chỉ đạo kết luận thanh tra, xem xét xử lý kỷ luật đối với cá nhân và tập thể vi phạm. Tất cả vấn đề này UBND huyện đã chỉ đạo và cương quyết xử lý rồi.

- Theo phản ánh của người dân, những ngôi mộ được xử lý chủ yếu là những ngôi chưa có cốt, việc này có đúng không, thưa ông?

+ Chúng tôi đã xử lý và có thông báo rõ ràng. Vấn đề này về chủ trương của huyện là sai thì phải sửa và xử lý triệt để. Mộ có cốt cũng phải phá dỡ. Chúng tôi đã thông báo cho thân nhân của những ngôi mộ để họ đến xử lý và đề nghị họ di chuyển.

Ông Hà Huy Quang.

- Vậy thì thời gian di dời là bao lâu?

+ Lộ trình thực hiện là trong năm 2015… chúng tôi cương quyết xử lý.

- Khi thông báo cho thân nhân gia đình có mộ, huyện chỉ thông báo miệng hay có văn bản? Nếu có chúng tôi rất mong muốn được xem văn bản đó.

+ Quả đúng là có rất nhiều mộ vô chủ nên cái khó khăn trong việc xử lý là phải giải quyết mộ vô chủ có cốt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải xử lý hết sức tế nhị, nó còn liên quan đến thuần phong mỹ tục, văn hóa tâm linh của người Việt. Những ngôi mộ vô chủ chúng tôi sẽ đưa lên thông tin đại chúng. Những thông tin chi tiết chúng tôi còn đang tính toán, dư luận cũng phải hết sức thông cảm với phía quản lý Nhà nước chúng tôi.

- Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các ngôi mộ đều được ốp đá khá cầu kỳ (trừ những ngôi bị huyện cho san lấp), hơn nữa lại có địa chỉ khá rõ ràng, rồi năm sinh, năm mất. Vậy căn cứ vào đâu để biết đó là mộ vô chủ?

+ Những thông tin đó không biết đúng hay sai nhưng khi chúng tôi cho người lần theo địa chỉ đó thì không có.

- Chúng tôi đã ghi chép rất cụ thể địa chỉ, năm sinh, năm mất, tên tuổi của một số ngôi, chúng tôi sẽ cung cấp để ông có thể kiểm chứng lại!

+ Những thông tin chi tiết đồng chí có thể chuyển tới chúng tôi. Còn bây giờ chúng ta chỉ đưa ra những quan điểm, chủ trương, định hướng giải quyết, các vấn đề đi sâu và chi tiết chúng ta chưa bàn đến…

- Xin cảm ơn ông!

Phong Anh
.
.
.