Trái đắng từ chơi phường họ

Thứ Hai, 20/06/2016, 17:15
Nhiều vùng quê rất bình yên với những người dân cần cù chịu khó. Chỉ đến khi nhiều chủ phường hụi vỡ nợ, bỏ khỏi địa phương mới hay quá nhiều người dân tham gia phường hụi và cho vay với lãi suất cao.


Biết làm sao lấy được tiền, khi chủ phường không còn khả năng trả nợ, không có mặt ở địa phương, trong khi các cấp chính quyền dù nỗ lực vào cuộc, nhưng cũng nhận thấy sự ràng buộc giữa các nạn nhân và chủ phường vô cùng lỏng lẻo?

Cạm bẫy mang tên… lãi suất

Chỉ trong vòng 7 tháng trở lại đây, nhiều vùng quê từ Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An đến tận Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau… xảy ra tình trạng vỡ phường họ. Nạn nhân là những người nông dân nghèo, cả đời cần mẫn làm lụng, tích lũy được ít tiền, gửi cho chủ phường để rồi đến ngày món tiền ấy có nguy cơ mất trắng.

Chủ phường họ đã tuyên bố vỡ nợ được chừng 2 tháng, nhưng đến nay người dân xã Trung Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng. Cũng bởi, họ là những người dân thuần nông, trông cậy cả vào món tiền tích lũy được để dùng vào những việc lớn. Nay tới 13 chủ phường đã rời khỏi địa phương hòng "chạy làng" thì bà con chỉ biết kêu lên các cấp chính quyền với mong muốn lấy lại được tiền.

Vẻ mặt thất thần của người dân trong vụ vỡ nợ tại Trù Sơn, Đô Lương.

Bà Đỗ Thị Nhân vừa khóc vừa vung tờ giấy biên nợ: "Mấy chục hộ dân chơi phường hụi họ. Riêng nhà tôi chơi năm tổ, số tiền 300 triệu đồng. Cấp xã đã thống kê được riêng vỡ hụi họ ở xã đã lên đến 20 tỷ đồng. Đó là toàn bộ tiền tích lũy nhiều năm của dân nghèo, giờ chúng tôi biết trông vào đâu?".

Còn ông Hà Văn Dần, thì bần thần: "Tôi tuổi cao, sức yếu, khoản tiền hơn 200 triệu để dùng vào lúc vợ chồng tôi ốm đau. Các con tôi cũng nghèo, chỉ đỡ đần bố mẹ được phần nào thôi. Chúng tôi mong chính quyền nhập cuộc nhanh chóng giúp đỡ bà con. Về vấn đề này, ông Hà Văn Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn cho biết, 13 chủ phường không còn khả năng trả nợ".

Nhận thấy sự việc nghiêm trọng, Công an tỉnh Thanh Hóa đã mời Công an các huyện Tĩnh Gia, Như Thanh về làm việc, đồng thời giao các đơn vị có trách nhiệm điều tra làm rõ.

Đầu tháng 6-2016, sự việc tương tự lại diễn ra tại xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh (Nam Định) với hàng trăm người dân là nạn nhân. Sau khi nhiều chủ phường đã bỏ trốn khỏi địa phương, người dân bắt đầu lo sợ, xôn xao, có gia đình không còn bình yên nữa, bởi chồng hoặc vợ không biết người kia đã mang tiền cho các chủ phường vay.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Hải cho biết, đã cử người đọc thông tin trên loa phát thanh, vận động người dân không tiếp tục đóng tiền phường, đồng thời đến ngay trụ sở UBND xã để kê khai số tiền đã trao cho các chủ phường.

Ông Tuấn cho biết: "Sự việc trở nên nghiêm trọng. Chúng tôi biết đây là việc đã diễn ra, nhưng không ngờ là trong nhân dân, họ chơi và cho vay âm thầm và thu hút nhiều người đến thế. Đến nay đã có gần 200 người đến nộp đơn, kê khai tài sản".

Nói về nguyên do vỡ phường, ảnh hưởng lớn, ông Tuấn cho biết: "Do bà con sập bẫy lãi suất. Thực ra gửi vào phường theo kiểu có lãi, chúng ta phải hiểu là tiền không sinh ra lợi nhuận nhưng chủ phường vẫn trả lãi cao. Bà con ham, vậy là mắc bẫy".

Còn ông Lê Văn Quý, người dân xã Liêm Hải (Trực Ninh) lý giải: "Nạn nhân xảy ra với cả người chơi họ và người cho vay lãi. Trước đây khu vực này đã từng diễn ra vỡ rồi, nhưng chủ họ nó lấy đồng tiền nhử dân. Chủ phường họ cầm của một bà 100 triệu, sẽ đưa bà ta 20 triệu gọi là trả lãi trước nửa năm.

Đó, người ta cho nếm trước quả ngọt. Thực ra là cấu của bà để đưa cho bà. Rồi bà cầm số tiền đó, góp thêm vào, thậm chí vay thêm ngân hàng với lãi suất thấp để được số tiền vài chục triệu đồng đưa tiếp nhằm hưởng lãi cao hơn. Vậy là ăn trái đắng thôi!".

"Ăn" của người già, người tàn tật

Qua tìm hiểu tại nhiều địa phương, những người nông dân tham gia phường họ, hoặc gửi tiền lấy lãi cho các chủ phường là người thiếu kiến thức pháp luật. Thậm chí họ là người già, người tàn tật, gửi tiền với mong muốn một chút lãi để cải thiện cuộc sống.

Tại Trực Ninh, nhiều cụ già ở tuổi gần đất xa trời đã trở thành nạn nhân, giờ họ chỉ biết trông cậy chủ phường… biết, thương người. Bà Nguyễn Thị Tám, ở xóm 6 xã Liêm Hải (Trực Ninh) cho biết bà không chơi phường nhưng chỉ cho vay bảy chỉ vàng để nhận về mỗi tháng 210 nghìn đồng chăm chồng nằm liệt giường.

Cụ già cũng bị kẻ xấu lợi dụng.

Bà nói: "Số vàng không nhiều, nhưng với hai vợ chồng già ngót nghét 80 tuổi như chúng tôi là lớn. Giờ họ đi mất rồi thì biết đòi ai? Chỉ mong vợ chồng chủ họ Đinh Văn Biển nhủ lòng mà về trả lại chúng tôi".

Hay như bà Đinh Thị Mai, ở xóm 5, với hơn 80 triệu đồng đã "bốc hơi" theo chủ hụi lớn nhất xã là Đinh Văn Biển. Trời hừng hực nóng, bà Mai ngồi thái bì lợn làm nem, chốc chốc lại đưa tay lên quệt dòng nước mắt.

Bà tâm sự: "Năm 2010, tôi tham gia hụi với anh Biển là chủ phường họ lớn nhất trong xã 20 triệu đồng, đến đầu năm 2015 thì được lấy về gần 30 triệu, lại bù thêm cho đủ 40 triệu để đưa cho anh Biển.

Đến giữa năm 2015, cháu gái tôi vay hộ theo diện hộ nghèo được 20 triệu, theo lời hứa là gửi vào chỗ đó sẽ được lãi 20%. Thế rồi, chưa lấy được thì anh Biển đã bỏ làng đi. Tôi lại phải đền cháu gái tiền. Già rồi, sao tôi vẫn vướng vào nỗi khổ này!".

Ông Nguyễn Văn Nhâm, người "dính" lượng tài sản khá lớn tham gia 6 họ, với tổng số tiền là 120 triệu đồng, cộng khoản cho vay 110 triệu đồng và bốn cây vàng. Đó là toàn bộ số tiền ông Nhâm cùng ba con trai đi làm thuê, làm mướn và buôn đồng nát tích cóp được, chờ ngày tổ chức đám cưới cho các con nay có nguy cơ không lấy được.

Ông Nhâm nói: "Nếu anh Biển không về, chúng tôi sẽ mất trắng. Anh ấy "ăn" ác quá. Nay vỡ lở, người dân đến tìm thì đã bỏ trốn rồi. Ông Nguyễn Văn Khải, chủ hụi và một số người khác cũng trốn rồi. Người ta lấy cả của người mù, người tàn tật, người neo đơn nghèo khổ. Thế mới ác chứ”.

Theo tìm hiểu, với khoảng 400 hộ dân ở các xóm 4, 5, 6,7, 8 thuộc xã Liêm Hải thì có tới 3/4 số hộ dính vào chơi phường họ (phường mua bán) và cho vay lãi. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Liêm Hải cho biết thêm, không chỉ người dân địa phương, mà nhiều hộ thuộc các xã lân cận cũng trở thành nạn nhân của lần vỡ phường này.

Khó khăn xử lý kẻ lừa đảo

Mang những nỗi niềm đau đớn, những trở trăn của người dân rằng liệu có lấy được tiền? Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Hải cho rằng, hiện UBND xã và công an huyện Trực Ninh đang phối hợp làm rõ các vấn đề liên quan, vận động các chủ phường về giải quyết.

"Nhưng tôi khẳng định là rất khó. Bởi tất cả các giao kèo của người dân với chủ phường đều không có người làm chứng, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Họ giao tiền chỉ bằng giấy tờ viết tay, không ghi rõ ngày trả nợ, không ghi lãi suất bao nhiêu, thậm chí còn không có ngày tháng".

Người dân đến UBND xã Liêm Hải (Trực Ninh) gửi đơn thư.

Ở cấp cao hơn, chúng tôi đã gặp và hỏi chuyện ông Phạm Trọng Duy, Phó chủ tịch UBND huyện Trực Ninh trong thực thi trách nhiệm. Ông Duy cho biết đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc quyết liệt để điều tra, xã minh, đồng thời chỉ đạo các xã khác trên địa bàn cảnh giác, tuyên truyền giúp nhân dân tự phòng tránh.

Ông Duy nhấn mạnh: "Quan điểm của chúng tôi là không hình sự hóa nội dung dân sự. Sẽ tìm cách vận động chủ phường vắng mặt về quê giải quyết, đồng thời để tránh tẩu tán tài sản chúng tôi đã yêu cầu dừng các hoạt động chuyển nhượng bất động sản ở Liêm Hải".

Là lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), vừa qua cũng diễn ra các vụ vỡ phường họ, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: "Để xảy ra những sự việc đáng tiếc trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền cấp xã. UBND huyện Quỳnh Lưu đã mời Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh - nơi vỡ họ lớn lên làm việc và giao trách nhiệm ổn định tình hình tại địa phương".

Các lực lượng chức năng địa phương đang tiến hành điều tra, ai sai đến đâu sẽ bị xử lý đến đó. Thực tế thời gian vừa qua, rất ít chủ phường hụi vay tiền bị đưa ra xử lý hình sự. Không ít luật sư cho rằng quy định của pháp luật đã có đầy đủ, nhưng người dân không quan tâm làm các giấy tờ có tính pháp lý, còn chính quyền địa phương cấp xã chưa sát sao trong quản lý về an ninh trật tự tại địa phương.

Luật sư Vinh Diện, Trưởng văn phòng luật sư Vinh Diện và cộng sự (TP Vinh) cho biết: "Nếu chứng minh được cho vay theo tính chất bóc lột người vay thì có thể xử lý hình sự. Nếu chứng minh được sau khi vay, người vay bỏ trốn thì phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu người đi vay thông tin trái sự thật để người khác cho vay thì phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trong khi chờ các cơ quan chức năng giải quyết và các chủ nợ về, biết bao người dân với ánh mắt mong mỏi "thúc" chúng tôi, nhờ tác động. Chỉ mong sao với nỗ lực của các cấp chính quyền, các chủ nợ mau chóng quay về khắc phục hậu quả.

Ngô Hải Miên
.
.
.