Trái tim người lính giữa biển trời linh thiêng

Thứ Hai, 25/07/2016, 18:52
Nếu để nói một lời về những chiến sĩ bảo vệ Nhà giàn – những cột mốc chủ quyền trên biển, tôi xin nói lên rằng: Tôi cảm phục tinh thần dũng cảm và sự hy sinh của các anh. Các anh luôn vững tay súng trước trùng điệp sóng gió, thật sự là những tấm gương kiên trung mà mỗi người dân yêu nước nể phục.


Sống bằng 200% nghị lực

Đó là lời ngợi ca của đoàn đối với các chiến sĩ trực bảo vệ Nhà giàn DK1, khu vực thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Không chỉ phải đối mặt với điều kiện công tác kham khổ, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, mà điều kiện khí hậu cũng rất khắc nghiệt. Nhất là vào thời gian sóng to gió cả.

Đại tá Tô Văn Thư, Phó tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân cho biết: “Các chiến sĩ vừa phải rèn luyện sức khỏe để công tác tốt, hoàn thành nhiệm vụ được giao, họ còn phải làm chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân bám biển. Bởi thế, người lính hải quân nào cũng thấm nhuần tư tưởng: người còn thì nhà giàn còn”.

Mấy lời tâm sự, nhưng đúc kết một nhiệm vụ quan trọng. Người chiến sĩ phải căng mình ra, điều kiện sóng to gió cả, Nhà giàn dù được làm kiên cố, cũng còn bé nhỏ so với biển khơi.

Trung tá Trần Bá Lợi - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1-17 cho biết, mỗi tháng các Nhà giàn được cung cấp nhu yếu phẩm hai lần. Nếu vướng phải những đợt điều kiện thời tiết xấu thì có khi chậm mất cả tuần.

“Bởi vậy, cần phải chủ động cả nguồn lương thực, thực phẩm để bảo đảm anh em không bị thiếu đói. Do đó, anh em chiến sĩ đã tích cực tăng gia, nuôi lợn, gà, trồng rau và câu cá để cải thiện bữa ăn đủ chất”, Trung tá Lợi nhấn mạnh.

Nghe tâm sự của chỉ huy và các chiến sĩ, nhiều người trầm trồ thán phục. Làm sao các anh có thể chịu đựng được nắng gió, sống trong điều kiện xa nhà, thậm chí đến gần 20 năm không được về quê?

Câu trả lời rằng, đó chỉ có thể là sự hy sinh. Một nhà báo có tới 17 năm gắn bó với các chiến sĩ cho biết: “Ai cũng là người, có gia đình và người thân. Chúng ta mới xa người thân có nửa tháng, đã thấy cuộc sống khó khăn rồi.

Đằng này, họ đằng đẵng nhiều tháng nhiều năm như vậy. Hơn 200 chiến sĩ Nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ ngoài khơi xa, thì có một số lượng tương đương “nửa kia” phải chịu nhớ, chịu thương, gánh thay phần chồng trách nhiệm chăm sóc con cái, bố mẹ”.

Xa nhà và người thân, rất nhiều chiến sĩ đã phải nén lòng. Bởi có những người nghe tin vợ con ốm đau, cha mẹ bệnh nặng dù xót hết cả ruột gan nhưng vẫn phải vững tâm. Có thể nhắc đến tấm gương Trung úy Phạm Xuân Trường, nhân viên Rada, Nhà giàn DK1-17 có đứa con trai đầu lòng mắc bệnh tim bẩm sinh. Khi cháu được 7 tháng tuổi, gia đình quyết định đưa cháu đi mổ tim, nhưng hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn.

Đu dây lên thăm nhà giàn.

Nhờ đồng đội và đơn vị giúp đỡ nên anh đã lo đủ chi phí cho ca mổ. Đến nay, con anh đã được hơn hai tuổi. Và anh vẫn sống lạc quan, yêu đời, yêu biển. Rồi có những người cha mẹ ốm nặng, qua đời mà chẳng thể về đưa tang. Sự hy sinh cống hiến ấy, bút mực nào tả hết.

Trung úy Lê Văn Chiên – Chính trị viên Nhà giàn DK1-2 trải lòng: “Có những lúc anh em buồn, tâm trạng. Chúng tôi và đồng đội luôn động viên, an ủi giúp anh em vượt qua nỗi mất mát, để chắc tay súng giữa biển khơi”.

Đối đầu sinh tử

Mỗi ai đến thăm Nhà giàn, đều nể phục trước nghị lực khắc phục khó khăn của các chiến sĩ. Nhưng, chuyện các chiến sĩ đối mặt với sinh tử càng khiến mỗi người nghe đều xúc động. Các cán bộ lâu năm bám trụ Nhà giàn không thể nào quên cơn bão giật cấp 17 vào một đêm tháng 12 năm 1998, đã giật đổ nhà giàn, cướp đi sinh mạng của ba chiến sĩ.

Trung tá Bùi Văn Bổng, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1-9, người con của Ứng Hòa - Hà Nội, là nạn nhân của cơn bão năm đó nhớ lại: “Đó là một trận bão kinh hoàng. Thượng úy Trần Hữu Quảng đã động viên đồng đội bám sát, hỗ trợ nhau cùng bám vào những thanh gỗ nhỏ trôi trên mặt biển.

Trong lúc cận kề giữa sự sống và cái chết, anh Quảng đã nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất. Nhường sự sống cho đồng đội, anh thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng…”.

Nghe lời anh kể, chúng tôi lặng đi.

Trung tá Dương Văn Hoan cũng là nạn nhân, đã được đồng đội kịp thời cứu sống kể tiếp về liệt sĩ Lê Đức Hồng. Trong cơn bão, anh đã cố gắng liên lạc về đất liền. Khi nhà giàn đổ, anh đã nói lời chào vĩnh biệt rồi ra đi, gửi lại người yêu và mẹ già nơi quê nghèo…

Dòng hồi ức của Trung tá Hoan đưa tôi về một thời gian khó, khi nhà giàn vẫn còn rất thô sơ, chỉ như một cây nấm nhỏ mọc lên từ sóng nước, mỗi trận bão lại như run lên.

Ai cũng hồi hộp, lo lắng, nhưng đều nín lại trong lòng sợ đồng đội hoang mang. “Gia đình, vợ con biết tôi và đồng đội gặp nạn, mọi người đều phát hoảng. Nhưng vợ tôi là người nghị lực, hiểu công việc và nhiệm vụ của chồng, nên đã động viên tôi nhiều lắm”, anh Hoan thốt lên.

Điều đáng nói là, sáu cán bộ, chiến sĩ thoát nạn trong trận bão kinh hoàng đó đã không xin chuyển công tác, mà vẫn cùng đồng đội cũ gắn bó với biển, với nhà giàn mấy chục năm trời nay.

Tặng hoa các chiến sĩ Nhà giàn.

Đại tá Tô Văn Thư, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, tỏ lời kính phục, rằng sau đại nạn mà vẫn gắng sức phục vụ Tổ quốc, các anh là những tấm gương yêu nước sắt son. Ắt hẳn, nơi tim các anh, lửa yêu nước luôn sáng mãi. Và trận bão năm đó, cũng đã tăng thêm nghị lực, kinh nghiệm, sự quyết tâm cho các anh bám biển, giữ Nhà giàn.

Mỗi dáng núi dáng đồi, mỗi đảo nổi, đảo chìm, từng rạn san hô hay những cánh sóng Biển Đông là nhân tố góp thành đất Mẹ. Trước biển, các đồng chí chỉ huy, chiến sĩ dâng hoa, hương thơm tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống.

Xương máu của các chiến sĩ đã hòa vào nước biển, làm cho biển xanh màu hy vọng. Người còn sống hôm nay thầm thì với các hương hồn đồng đội, nói với biển về quyết tâm giữ biển, giữ đất.

Các anh sống thầm lặng nhưng không cô độc. Các anh là những tấm gương làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ngô Thục Miên
.
.
.