Trăm tỉ xén vỉa hè và tầm nhìn nhà quản lý

Thứ Hai, 14/01/2019, 08:52
Những ngày này, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đang cho triển khai cắt xén vỉa hè, dải phân cách để mở rộng đường trên một số tuyến đường vành đai với tổng chi phí cho các dự án triển khai trên toàn địa bàn thành phố lên đến hơn 125 tỷ đồng.


Theo đó các dự án xén vỉa hè đồng loạt triển khai bao gồm: Mở rộng đường Phạm Hùng; Đường Láng; đường Khuất Duy Tiến; đường Nghiêm Xuân Yên - Nguyễn Xiển.

 Tại dự án xén dải phân cách, mở rộng mặt đường Phạm Hùng từ nút giao thông Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến đến nút giao Mai Dịch, tổng chiều dài hơn 3km. Tại đường Khuất Duy Tiến sẽ tiến hành xén dải phân cách giữa, mở rộng mặt đường với chiều dài gần 2km.

Với dự án mở rộng mặt đường Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển cũng cắt xén dải phân cách giữa với tổng chiều dài hơn 3km. Điểm đầu thuộc Cầu Dậu, điểm cuối thuộc nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Ngoài ra, cũng xén vỉa hè mở rộng mặt đường trên tuyến đường Vành đai 2 (đường Láng) từ đoạn Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở với tổng chiều dài khoảng 4km. Trên cơ sở mặt đường hiện trạng sẽ xén vỉa hè bên phải, mặt đường sẽ được mở rộng thêm trung bình 3,5m. Ngoài ra, sẽ xây mới mặt đường bê tông nhựa rộng 4m cho người đi bộ, đi xe đạp kết hợp với lan can đặt trực tiếp trên tường chắn bê tông cốt thép sát mép bờ sông.

Thực tế thời gian qua, đây là những tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông; đặc biệt là các dịp lễ Tết thì thường xuyên gây ra hiện tượng xung đột giao thông như các nút giao: Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng - Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển… Vì thế việc mở rộng mặt đường là việc cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm là vì sao ngay từ khi mở đường lại để dải phân cách, vỉa hè quá lớn mà không dùng quỹ đất đó mở rộng mặt đường, để bây giờ lại phải làm , vừa tốn tiền vừa bất tiện cho người tham gia giao thông, trong khi tại những tuyến đường như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, nhiều đoạn vỉa hè rất rộng chỉ dùng làm nơi giữ xe, thậm chí đổ rác. Không những thế, việc cắt xén vỉa hè, dải phân cách lại được triển khai vào lúc chỉ còn 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán, thời điểm áp lực giao thông ở Thủ đô rất cao, khi mà nhiều ngày, giờ cao điểm kéo dài từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối.

Lý giải vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án giao thông bao giờ cũng có dải đất dự trữ. Tùy từng thời điểm khác nhau mà khai thác quỹ đất dự trữ này. Thời điểm trước, lượng xe ít đến thời điểm hiện tại lượng phương tiện tăng lên, mật độ đông đúc thì dải đất dự trữ được dùng để xén hè nhằm đảm bảo cho các phương tiện đi lại. Theo ông Tuấn, thời gian tới các đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu các tuyến đường có dải phân cách, vỉa hè phù hợp và khai thác quỹ đất dự trữ nhằm đảm bảo thuận tiện cho các phương tiện đi lại. Việc này nhằm đảm bảo tăng diện tích giao thông và mặt cắt diện tích. Do đó, phương pháp xén vỉa hè sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong thời gian tiếp theo.

Nhưng, nhìn về lâu dài thì đây cũng chỉ là giải pháp tình thế vì quỹ đất vỉa hè, dải phân cách cắt xén mãi cũng phải hết, trong khi lượng phương tiện vẫn tăng từng ngày. Từ nhiều năm nay, ở Hà Nội đang tồn tại một nghịch lý là một mặt chính quyền thành phố loay hoay tìm giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông với những phương án như cấm xe ngoại tỉnh vào Hà Nội, hạn chế xe cá nhân, thu phí xe cá nhân vào nội đô… thì mặt khác lại vẫn cấp phép xây dựng cho hàng loạt nhà cao tầng trong các quận nội thành.

Nhìn lại hơn 10 năm qua, hầu hết các cơ sở sản xuất, nhà máy di dời khỏi khu vực nội đô thì lập tức được "nhồi" vào đó những tòa chung cư cao tầng, thậm chí cả một khu đô thị với hàng chục tòa chung cư cao tầng, khiến tốc độ tăng dân số cơ học tại các quận nội thành vẫn tiếp tục tăng theo cấp số nhân bởi chỉ một tòa chung cư đã có thêm cả nghìn người, và hàng nghìn ấy con người thì nhu cầu đi lại cũng tăng theo. Chính kiểu phát triển nhà cao tầng dựa vào hệ thống hạ tầng có sẵn, tận dụng nó một cách triệt để, trong khi hạ tầng có sẵn rất quá tải, cũ kỹ, tỷ lệ diện tích đường giao thông rất thấp là nguyên nhân chính của ùn tắc giao thông.

Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng hiện mới chỉ có xe bus và mới đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân; còn tại các huyện ngoại thành, nhiều khu đô thị mới trở thành các khu nhà "ma" vì không có người ở bởi thiếu hạ tầng xã hội.

Vì thế để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, cần có sự quản lý đồng bộ từ quy hoạch, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội... Mà để làm được việc đó thì cần những nhà quản lý có tầm nhìn xa trông rộng chứ không phải những ông thợ đào đường, xén vỉa hè.

Tân Lương
.
.
.