Kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018)

Trận đánh cuối cùng trong ngày đại thắng

Thứ Hai, 30/04/2018, 17:31
Những kỷ niệm về ngày 30/4/1975 luôn đọng lại trong tâm khảm của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, với nỗi nhớ và ký ức không thể nào quên…

Vị tướng trở về đời thường, mộc mạc và chân chất như một lão nông, sáng chăm sóc cây cảnh, trưa tự nấu ăn và chiều viết sách. Những kỷ niệm về ngày 30-4-1975 luôn đọng lại trong tâm khảm của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, với nỗi nhớ và ký ức không thể nào quên…

Căn phòng của ông chất đầy sách, có lẽ là thứ mà ông trân quý nhất. Giọng ông vẫn hào sảng, khỏe khoắn, đôi mắt sáng rực khi kể về thời chiến trận.

Ông bảo rằng, mình còn sống chính là đặc ân bởi chiến tranh thì "cái chết là lẽ thường". Ông bị thương đến 11 lần, ít nhất 3 lần chuẩn bị được đồng đội khâm liệm. Bom đạn găm vào cơ thể, may mà không trúng tử huyệt, trải qua vài lần mổ xẻ rồi cũng lành, ông lại đứng dậy cầm súng chiến đấu. 

Kể về thời chiến trận, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ có thể nhớ từng chi tiết, nói cả ngày không mệt. Nhưng đúc rút lại thì trận đánh cuối cho ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn đáng nhớ nhất.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ không bao giờ quên cảm xúc đặc biệt trong ngày đại thắng.

Tháng 3 năm 1975, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã vào giai đoạn quyết liệt, mặt trận Tây Nguyên giữ vai trò chủ đạo. Trận Buôn Ma Thuột là trận mở đầu quyết chiến chiến lược, bất ngờ về chiến thuật và đột biến về chiến dịch. Vào thời điểm này, tin chiến thắng từ các mặt trận được báo về từng giờ. 

Ngày 30-3-1975, khi đang tập huấn tại Bộ Tham mưu Quân khu 8, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ được Trung đoàn 88 (đóng tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) gọi về làm Trưởng đoàn nghiên cứu chiến trường. 

Lúc ấy, ông đã ít nhiều đoán được tình hình chiến sự ở miền Nam cũng như thời cơ để đánh trận tổng tấn công tiến về Sài Gòn nên rất hứng khởi. 

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cùng một số trợ lý tác chiến, trinh sát, cán bộ của 3 Tiểu đoàn 1, 2, 3 có nhiệm vụ đi "chuẩn bị" chiến trường. Bắt đầu bằng việc đánh dấu trên bản đồ những mục tiêu là đồn bốt, chi khu, khúc sông phải vượt qua. 

Do thời gian gấp rút nên chuẩn bị xong mục tiêu nào là phải tổ chức chiến đấu ngay.  Đường tiến quân và mục tiêu được xác định trên bản đồ: Phải xuyên qua huyện Chợ Gạo, Châu Thành của Mỹ Tho, qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây huyện Tân Trụ, Cần Giuộc tỉnh Long An đến Bình Chánh, cầu Chữ Y. Điểm cuối cùng là Tổng Nha cảnh sát và khu vực kho xăng Nhà Bè - Sài Gòn.

Là cán bộ tham mưu từng kinh qua trận mạc, trực tiếp chiến đấu và bị thương nhiều lần, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ hiểu rõ, Trung đoàn 88 là một trong những cánh quân làm nhiệm vụ thọc sâu và nghi binh của chiến dịch từ phía Nam để thu hút một phần lực lượng của địch, tạo thuận lợi cho các cánh quân lớn từ chiến dịch tiến về Sài Gòn.

Nhiệm vụ của trung đoàn thoạt nghe tưởng như đơn giản so với các trận đánh mà trung đoàn đã từng trải nhưng thực tế thì vô cùng ác liệt. Địch trong đồn bốt trên trục đường tiến quân của trung đoàn vẫn cố thủ và đánh trả quyết liệt.

Ban tham mưu Trung đoàn 88 chụp ảnh lưu niệm tại Cần Giuộc - Long An ngày 28/4/1975.

Dọc đường tiến công, người dân tràn ra reo hò cổ vũ. Bà con bê sẵn những thùng nước mát lạnh, những trái dừa tươi mới được hái còn nguyên cuống nhựa và cả những nắm cơm trộn sẵn cá kho thơm nức... 

"Bà con miền Nam thương bộ đội lắm, chúng tôi không phải đói một ngày nào. Thấy chiến sĩ nào yếu, họ lập tức lấy xe đạp đèo đi một đoạn cho kịp đoàn... Tình quân dân thắm đượm nghĩa tình đã tiếp thêm sức mạnh, ý chí cho bộ đội rất nhiều" - Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chia sẻ. 

Kể về cuộc tiến công cuối cùng giải phóng miền Nam, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ rưng rưng, ông nhớ các má, các chị các em bỏ hết cuốc cày đồng áng trở về nhà kiếm gạo nấu cơm, sẵn sàng bắt hết cả đàn gà cho bộ đội ăn. Ngày đi, má nắm tay, ôm chặt từng người chúc thắng lợi trở về.

Trong các trận đánh tiến về Sài Gòn, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhớ nhất là trận Tân Trụ (Long An) vào ngày 20-4-1975. Chi khu Tân Trụ là mục tiêu phòng ngự rất chắc chắn, giữ vị trí quan trọng ở phía Nam Sài Gòn, có thể nói đây là mục tiêu "rắn" nhất mà Trung đoàn 88 phải giải quyết. 

Trung đoàn ra lệnh cho Trần Ngọc Thổ (khi đó là Đại úy, Tham mưu phó, Trưởng ban tác chiến) tổ chức đưa Tiểu đoàn 1 vượt sông Vàm Cỏ Tây để kịp trong đêm đánh vào Tây Trụ. 

Khi nhận lệnh xong, Trần Ngọc Thổ toát mồ hôi vì khúc sông này rộng lại có một giang thuyền với 13 tàu chiến đấu của địch chỉ cách 2km. 

Ông trở về suy nghĩ tìm cách thực hiện mệnh lệnh cấp trên, đưa ra nhiều phương án và cuối cùng nhờ sự giúp sức của cán bộ huyện Tân Trụ chỉ 30 phút đã huy động được 20 ghe máy loại lớn, mỗi chiếc có thể chở được 40 người với đầy đủ trang bị. 

Hơn 300 người, kể cả các cháu thiếu nhi được huy động làm công tác binh vận vô hiệu hóa cả một giang thuyền của địch. Trong vòng buổi sáng, đoàn đã đưa được Tiểu đoàn 1 (khoảng 600 người) vượt sông an toàn. Tuy nhiên, trận đánh đã không thành công. Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ khóc đến mờ cả mắt khi biết tin nhiều đồng chí, đồng đội hy sinh.

Rút kinh nghiệm ở trận Tân Trụ, một nhánh khác của Trung đoàn 88 là Tiểu đoàn 3 đã vượt sông Vàm Cỏ Đông, tổ chức phục kích trên lộ đá đỏ đoạn Tân Trạch - Mỹ Lệ để dụ địch từ Chi khu Rạch Kiến ra. 

Đúng như dự kiến, địch đưa cả xe tăng bọc thép với 12 chiếc và khoảng 1 đại đội bộ binh nhằm đánh bật ta ra để giải vây cho Chi khu Tân Trụ. Tiểu đoàn 3 đã chiến đấu anh dũng, bắn cháy 4 xe bọc thép M113 và diệt nhiều sinh lực địch. 

Bộ đội ta làm chủ đoạn đường đá đỏ và thẳng tiến vào Cần Giuộc, mục tiêu là cầu Ông Thìn với nhiệm vụ vừa đánh vừa bảo vệ không cho địch phá hoại.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ với các nạn nhân chất độc da cam.

Chiều 26/4/1975, nhân dân xã Tân Kim do địa phương tổ chức đã mở cuộc binh vận, bọn ác ôn đã nổ súng bắn vào dân chúng, gây thương vong cho nhiều người. 

Chứng kiến cảnh này, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ không khỏi xót đau. Ông cùng với các đồng chỉ chỉ huy Tiểu đoàn 3 triển khai bao vây cầu Ông Thìn vừa cho lính đột nhập Chi khu Cần Giuộc lấy quần áo để an táng cho một số quần chúng bị giặc giết. 

Trước tình thế quân giải phóng tiến nhanh như vũ bão, khí thế ngút trời, 3 giờ sáng ngày 29/4/1975, toàn bộ địch ở đồn cầu Ông Thìn đã phải buông bỏ vũ khí tháo chạy.

Sáng 30/4/1975, Trung đoàn 88 đã làm chủ toàn bộ đoạn đường từ cầu Ông Thìn đến Nam huyện Bình Chánh, chuẩn bị đánh vào khu vực cầu Chữ Y. 11g 30 phút, Đài phát thanh Sài Gòn đưa tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 

Đang trên đường tiến công, nghe tiếng Sài Gòn giải phóng, không ai nói được câu nào, chỉ ôm nhau khóc vì quá sung sướng. Gác lại niềm hạnh phúc trong ngày đại thắng, Trung đoàn 88 nhận lệnh tiến công đánh chiếm các mục tiêu trọng điểm trong nội đô như Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân. Điểm cuối cùng là Kho quân vụ số 18 và kho xăng Nhà Bè.  

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã kết thúc sau 43 năm nhưng trong trái tim của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ còn hằn sâu những vết thương không sao xóa nhòa được. 

Trên cơ thể chằng chịt thương tích của ông hiện vẫn còn vài mảnh đạn chưa thể lấy ra khiến ông mất 61% thương tật. Một mảnh đạn găm trên đầu khiến tóc không thể mọc được và một mảnh nằm sát động mạch trên vùng nách phải. 

Vết mổ đến nay vẫn còn một đường dài hơn 10cm, nằm chắn ngang trước ngực phải, như chứng minh cho sức sống kiên cường, bền bỉ của người lính trở về từ chiến trường.

Tuy vậy, tất cả những vết thương của bản thân, vẫn không đau xót bằng vết thương tinh thần trong lòng Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ. Ông đau đáu, trăn trở và nhiều lần về lại chiến trường xưa để tìm kiếm phần mộ đồng đội nhưng chưa được như ý nguyện. 

Còn nhiều đồng chí vẫn là liệt sĩ vô danh, nằm lại trong rừng sâu, sông vắng, đồng hoang... Những bất hạnh, mất mát của đồng đội cứ ám ảnh, phảng phất quanh ông.

Chiến tranh Việt Nam kết thúc, đã để lại đau thương không gì bù lấp được, với gần 5 triệu người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có một triệu cựu chiến binh còn sống.

 Hàng chục triệu hecta ruộng vườn, rừng núi bị nhiễm chất độc khai hoang diệt cỏ đã để lại hậu quả và di chứng là 7 triệu 5 trăm nghìn người bị khuyết tật, dị dạng, dị tật nặng. 

Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, Chủ tịch Hội da cam/dioxin TP HCM, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ ngày đêm trăn trở, nghiên cứu, làm thế nào để chăm lo, bảo vệ và lấy lại công bằng cho nạn nhân da cam. Vì thế, ông vẫn mải miết đi, dù đôi chân nhiều khi đã mỏi vì tuổi tác... 

Ngọc Hoa
.
.
.