Tràn lan tân dược giả, nhập lậu

Thứ Ba, 04/08/2015, 21:00
Tình trạng sản xuất, buôn bán tân dược giả đang có chiều hướng gia tăng phức tạp, với số lượng rất lớn, từ thuốc nhập ngoại cho tới thuốc được sản xuất trong nước. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, vừa mới triệt phá cơ sở sản xuất và tiêu thụ tân dược giả lớn trên địa bàn quận Tân Bình cùng nhiều vụ việc lớn gần đây càng minh chứng cho thực trạng đáng báo động này…
Triệt phá nhiều cơ sở sản xuất tân dược giả và nhập lậu

Ngày 24/7/2015, Phòng PC46, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết vẫn đang điều tra, làm rõ vụ sản xuất tân dược giả với quy mô lớn được phát hiện tại quận Tân Bình. Trước đó, chiều 23/7, cơ quan Công an phát hiện Nguyễn Hồng Nhiều (48 tuổi, quê Đắk Lắk) đang vận chuyển 50 lọ thuốc giảm đau, hạ sốt không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ. Cùng thời điểm đó, các trinh sát cũng bắt quả tang Kiệt Hoàng Vũ (chưa rõ lai lịch) đang vận chuyển 140 hộp thuốc giả đi giao cho các đại lý trên địa bàn thành phố.

Cả Nhiều và Vũ khai nhận đi giao hàng thuê cho Nguyễn Thị Xuân Hậu (44 tuổi, ngụ phường 11, quận Phú Nhuận, em gái Nhiều). Từ lời khai trên, Công an ập vào căn nhà của Hậu thuê để làm kho hàng trên đường Nguyễn Thanh Tuyền (phường 2, quận Tân Bình) khám xét. Tại đây, lực lượng Công an phát hiện hơn 6.000 vỉ, hơn 1.000 lọ và gần 200 hộp thuốc giả cùng 9kg nhãn mác các loại thuốc giảm đau, ngừa thai, viêm mũi, dị ứng… Phần lớn số tân dược thu giữ được ghi là có xuất xứ từ Pháp, Đức, Thái Lan, Ấn Độ đang bán thông dụng trên thị trường nhưng không có hóa đơn chứng từ…

Vụ việc mới nhất này, cùng với vụ trước đó khoảng 10 ngày (13/7/2015), qua công tác kiểm soát, nắm tình hình, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã phát hiện, ngăn chặn một vụ nhập lậu tân dược có khối lượng lớn qua đường hàng không của Công ty TNHH Đầu tư - Dịch vụ - Sản xuất Nguyên Ngọc (có địa chỉ ở đường Phú Lâm, phường 9, quận 6, TP. Hồ Chí Minh). Theo đó, công ty này đã lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước để buôn lậu bằng thủ đoạn truyền tờ khai hải quan nhiều lần cho đến khi tờ khai rơi vào diện miễn kiểm tra thực tế hàng hóa thì mới đến làm thủ tục lấy hàng ra khỏi kho.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiến hành theo dõi và quyết định dừng thông quan đột xuất để kiểm tra thực tế lô hàng khi Công ty Nguyên Ngọc đang làm thủ tục lấy hàng từ kho TCS. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 7 loại tân dược đặc trị các loại bệnh hiểm nghèo, gồm 367.280 viên các loại.

Theo quy định, tân dược thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, công ty này lại khai báo tên hàng nhập khẩu là "hộp khuôn đúc bằng sắt dùng cho máy ép nhựa" số lượng 104 cái, trọng lượng 266kg. Lô hàng này có tổng giá trị hơn 2,76 tỷ đồng.

Số tân dược giả phát hiện chiều 23/4 tại quận Tân Bình đều được gắn nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hiện cơ quan Hải quan đang áp dụng chính sách quản lý rủi ro theo Quyết định 448/CP của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển ngành Hải quan - theo đó hàng hóa kiểm tra thực tế phải đạt tỉ lệ dưới 7%, đồng nghĩa với việc miễn kiểm tra thực tế trên 93%. Vì thế, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì gần đây đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp lợi dụng cơ chế này để nhập lậu hàng hóa.

Vào cuối tháng 3/2015 vừa qua, cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị truy tố đôi vợ chồng Trần Đăng Trường (35 tuổi), Nguyễn Thị Diễm Huyền (34 tuổi, ngụ phường An Phú Đông, quận 12) về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".

Trước đó, với kinh nghiệm nhiều năm làm nhân viên kinh doanh tân dược, vợ chồng Trường và Huyền đã thành lập Công ty TNHH XNK Ngân Sơn Thịnh mang danh nghĩa là buôn bán, sản xuất thực phẩm chức năng. Nhưng thực chất, vợ chồng Trường, Huyền đã sản xuất tân dược giả và đem đi tiêu thụ tại một số trung tâm dược phẩm lớn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Điều đáng nói, để sản xuất phần ruột thuốc, vợ chồng Trường đã tìm mua các loại tân dược rẻ tiền để làm thành các loại tân dược đặc trị, đắt tiền. Cụ thể, Trường - Huyền mua các loại tân dược có xuất xứ Ấn Độ nhãn hiệu Pantoprazol, Clarithromycin, Tinidazol, Esoprazol giá từ 20.000đ đến 40.000đ/hộp đem dùng để sản xuất giả các loại tân dược đặc trị bao tử như Pavacid, Apvad, Sotamic, Laploy để bán ra thị trường với giá 120.000 - 150.000đ/hộp…

Đặc biệt, với các loại tân dược có giá khá cao như Baraclude, vợ chồng Trường đã tìm mua hai loại tân dược rẻ tiền là Lamivudin (30 viên/hộp) giá 360-400.000đ/hộp và Entercavir (30 viên/hộp) giá 860-920.000đ/hộp. Sau đó, Trường sử dụng hai loại tân dược này cà nhuyễn trộn lại, thêm một ít bột kết dính (bột tacl), bột làm bóng viên (magie-striat) và bột mì rồi đưa vào máy dập để tạo ra viên tân dược Baraclude, đưa ra thị trường bán với giá 2 triệu đồng/hộp…

Lực lượng Hải quan lập biên bản xử lý lô hàng.

Theo lời khai của vợ chồng Trường - Huyền thì từ khi đưa vào sản xuất (tháng 6/2013) đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ tháng 3-2014, cả hai đã sản xuất 650 hộp thuốc giả, thu lợi bất chính số tiền chiếm đến 60% giá bán thuốc (giả)…

Những vụ việc này cùng với chuyện thời gian qua, hàng loạt công ty dược bị phát hiện, xử phạt vì đưa vào thị trường thuốc kém chất lượng; thuốc sử dụng nguyên liệu bị cấm, nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Các quyết định thu hồi thuốc kém chất lượng liên tiếp được ban hành.

Trong đó, có thể kể như vụ việc sau khi cơ quan chức năng lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị trường kiểm nghiệm đã phát hiện dung dịch thuốc nhỏ mắt Zymar do Công ty Allergan, Inc. (USA) đăng ký, nhà sản xuất là Allergan Sales, LLC (USA) và dung dịch nhỏ mắt Efticati do Công ty CP Dược phẩm 3-2 (TP. Hồ Chí Minh) đăng ký, sản xuất có chứa chất Gatifloxacin - thuộc danh mục nguyên liệu và thuốc thành phẩm cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người.

Ngay sau đó, thuốc nhỏ mắt này bị rút số đăng ký và đình chỉ lưu hành tại Việt Nam. Tương tự, hai loại thuốc chỉ định điều trị các bệnh lý loét dạ dày, tá tràng, trào ngược thực quản là Pantopep-Dol (Pantoprazol 40mg do Công ty Zim Laboratories Ltd., India sản xuất) và thuốc Pantocid (Pantoprazole tablets 40mg do Công ty Sun Pharmaceuticals Ind. Ltd., India sản xuất) cũng mới bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn…

Tỉ lệ thuốc giả gia tăng qua từng năm

Thực tế có thể thấy, thông tin các loại thuốc bị đình chỉ, thu hồi gần như rất ít người biết được. Với hệ thống các nhà thuốc khá dày như hiện nay, thông tin thu hồi thuốc không được công khai tại các nhà thuốc cũng như ở những nơi khám chữa bệnh, gần như người bệnh không thể chủ động "phòng tránh" trước các loại thuốc kém chất lượng đã bị cấm lưu hành. Đó là chưa nói thuốc kém chất lượng, thuốc có chứa hoạt chất cấm chỉ bị phát hiện khi cơ quan chức năng "hậu kiểm tra". Nhiều loại thuốc trước khi có lệnh thu hồi đã được tung ra thị trường bán một thời gian khá dài và không ít người bệnh đã mất tiền mua chúng.

Thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hàng năm, hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước lấy 30.000-40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý bằng hình thức thu hồi, đình chỉ lưu hành nhiều loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Trong đó, thuốc giả bị phát hiện gần đây chủ yếu là thuốc bổ, thuốc điều trị tim mạch, giảm đau, điều trị bệnh viêm da, kháng sinh...

Trong 2 năm qua, đã có khoảng 110 lô thuốc bị đình chỉ lưu hành hoặc buộc phải tái xuất do không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Riêng năm 2014 đã xử lý, thu hồi 41 lô thuốc không đạt chất lượng và 7 trường hợp thuốc giả. Từ đầu năm 2015 đến cuối tháng 3 vừa qua, Cục cũng đã ra quyết định xử phạt 9 doanh nghiệp dược có thuốc kém chất lượng bằng hình thức không cấp giấy phép đăng ký thuốc mới trong vòng một năm.

Theo Bộ Y tế, tỉ lệ thuốc giả được phát hiện tại Việt Nam đang gia tăng qua từng năm. Thuốc giả ngày càng được sản xuất tinh vi, rất khó để phân biệt, và loại thuốc nào có sức tiêu thụ lớn trên thị trường thì thường bị làm giả nhiều. Kết quả khi sử dụng thuốc giả là sẽ dễ dàng gặp thất bại trong điều trị, dẫn đến kháng thuốc, tăng độc tính, nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc hoặc dị ứng thuốc, nhiễm độc kim loại, thậm chí gây tử vong.

Qua các vụ việc được phát hiện cho thấy, thủ đoạn tinh vi để sản xuất tân dược giả phổ biến là mua tân dược trong nước với giá rẻ hoặc các loại thuốc hết hạn sử dụng sau đó cho vào chai, lọ của loại tân dược đã qua sử dụng của các hãng dược nổi tiếng nước ngoài. Sau đó các đối tượng sẽ dùng kỹ thuật gia công nhãn mác cho mới hay thay đổi nhãn mác biến thuốc nội thành thuốc ngoại và nghiễm nhiên bán ra thị trường với giá cao như thuốc thật.

Ngoài ra, chúng còn chọn mua các loại thuốc rẻ tiền, đặt in ấn vỏ hộp, nhãn mác giả thuốc nhập ngoại hoặc trực tiếp tổ chức sản xuất  tân dược giả… Điều đáng nói, các đối tượng còn dùng thủ đoạn thành lập công ty để hoạt động sản xuất, kinh doanh mua bán thuốc nhằm che đậy hoặc hợp thức hóa đường dây buôn bán thuốc giả.

Theo các nhà quản lý, một trong những nguyên nhân khiến các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng phát triển mạnh trên thị trường là do người dân có nhu cầu sử dụng thuốc giá rẻ. Bên cạnh đó, do kinh doanh tân dược giả, kém chất lượng mang lại siêu lợi nhuận nên các cửa hàng bán lẻ thuốc sẵn sàng nhập từ những đơn vị, cá nhân không được phép sản xuất, kinh doanh tân dược. Mặt khác, hầu hết tân dược giả, kém chất lượng đều có mẫu mã bao bì và hình thức giống như thuốc thật nên dễ đánh lừa người tiêu dùng…

Đặc biệt, hiện nay tình trạng mua bán tân dược giả qua internet, dịch vụ chuyển phát nhanh ngày càng gia tăng đang chứa đựng nguy cơ rất lớn cho người mua và sử dụng tân dược. Đáng lo ngại hơn, các loại thuốc nhãn mác giả, kém chất lượng không chỉ tập trung vào một số loại mà rất đa dạng, phức tạp, với số lượng rất lớn, từ thuốc nhập ngoại cho tới thuốc được sản xuất trong nước. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì các loại tân dược giả, kém chất lượng này sẽ trở thành mối nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.

Giải pháp cho thực trạng này là các cơ quan chức năng cần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về chuyên môn, nghiệp vụ và phối hợp giữa các lực lượng chức năng để từng bước hạn chế tối đa nạn sản xuất, buôn bán tân dược giả ở Việt Nam. Đồng thời, cũng cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc giả, thuốc nhập lậu.

Ngoài ra, cơ quan chức năng nên thường xuyên tuyên truyền sâu rộng đến người tiêu dùng về tác hại cũng như những dấu hiệu nhận biết tân dược giả để chủ động phòng tránh; lựa chọn các cửa hiệu thuốc uy tín, và làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về thuốc.

Phú Lữ
.
.
.