Việc gắn nhãn kiểm duyệt với phim "Đường đua", nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn:

Trần trụi và gai góc khó được chấp nhận

Thứ Tư, 26/06/2013, 16:10

Sau ba tháng tranh luận và chỉnh sửa, có lúc tưởng như chung số phận bị cấm chiếu với "Bụi đời Chợ Lớn" phim "Đường đua" đã được cấp phép ra rạp, nhưng cấm trẻ em dưới 16 tuổi.

Xung quanh việc kiểm duyệt phim thời gian qua đang dấy lên những tranh luận đâu là hiện thực xã hội và đâu là hiện thực của tác phẩm điện ảnh. Và nhiều người cho rằng, tư duy đóng của Hội đồng thẩm định có thể ản hưởng sáng tạo của nghệ sỹ.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc truyền thông phim "Đường đua" - một phim do vợ anh, diễn viên Hồng Ánh sản xuất, chia sẻ góc nhìn của mình.

- Trong nhận định của Hội đồng duyệt phim có đoạn: "phim phơi bày một xã hội đen tối, bế tắc với sự xuất hiện của các băng nhóm xã hội đen, cùng những cảnh cờ bạc, hãm hiếp, đâm chém, giết người lạnh lùng không ghê tay", và yêu cầu "sửa chữa tổng thể, để tránh sự đen tối, bế tắc… khi mô tả cuộc sống trong xã hội Việt Nam".

Thưa anh, "Đường đua" đen tối đến vậy sao?

Trước hết, chúng ta phải nói về thể loại của phim. Khác với những phim chiếu rạp thời gian vừa qua, phần lớn tập trung khai thác mảng đời sống trung lưu với những câu chuyện hài mang tính giải trí, nhẹ nhàng, ''Đường đua'' là một bộ phim hành động tâm lý tội phạm.

Khi đã là phim "hành động" và "tội phạm" thì không thể tránh khỏi màu sắc đen tối của phim. Vấn đề ở đây là cái đen tối đó có chân thực hay không, và nó tạo cho người xem cảm giác gì.

- Anh là một người cố vấn đắc lực cả về chuyên môn và truyền thông cho "Đường đua" (theo lời Hồng Ánh), khi bắt đầu sản xuất anh có nghĩ đến ngày sẽ phải sửa lại tổng thể như hiện tại?

Dù sao tôi cũng là người hiểu rõ hơn những cẩn trọng của Hội đồng thẩm định. Thú thật là khi sản xuất chúng tôi không nghĩ đến ngày sẽ phải sửa lại tổng thể như đề xuất của Hội đồng thẩm định.

- Theo anh, những quyết định của Cục Điện ảnh với "Đường đua" đã là thấu tình đạt lý? Hay vì muốn đứa con tinh thần được ra rạp nên anh sẽ im lặng?

Về tình, tôi nghĩ Cục Điện ảnh đã thể hiện sự chú ý lắng nghe đến những lập luận của chúng tôi trong suốt quá trình chỉnh sửa, và cũng chấp nhận duyệt phim cho chúng tôi với một bản dựng chưa thật sự hoàn hảo. Tôi rất trân trọng cái "tình" đó.

Về lý, mỗi bên đều có cái "lý" của mình, mà cái lý đó lại xuất phát từ những nhận thức khác nhau về nghệ thuật và phản ánh hiện thực, về vai trò của điện ảnh cũng như thể hiện hình ảnh.

Cuối cùng, sau gần ba tháng tranh luận, chúng tôi cũng đi tới một sự đồng thuận, mà một sự đồng thuận, như anh biết, không phải là một cái kết quả thỏa mãn hoàn toàn cả hai bên, mà là một kết quả hai bên tạm chấp nhận được.

- Có người nhận định, ở Việt Nam bây giờ, làm phim nhảm nhí và vô lý cỡ nào cũng đều lọt cửa và ra được rạp. Nhưng nếu làm phim có chút bạo lực hay cảnh đâm chém lại khó "thoát". Với mắt quan sát của anh, điều này có là đúng?

Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải là "bạo lực" hay "đâm chém". Vấn đề ở đây rộng hơn nhiều, đó là vấn đề phản ánh chân thực hiện thực của điện ảnh nói riêng và các ngành nghệ thuật nói chung.

Tôi cho rằng, chúng ta đang ở trong một giai đoạn khi nhiều người cố tình không chấp nhận hiện thực của xã hội, một hiện thực gai góc, trần trụi và đôi lúc khá tàn nhẫn. Chúng ta tự ru ngủ và huyễn hoặc mình bằng các câu chuyện và hình ảnh đẹp giả tạo.

"Đường đua" không phải như vậy, và nó chấp nhận chịu những khó khăn trong quá trình thẩm định để có thể đưa ra một khía cạnh của hiện thực về xã hội Việt Nam hiện tại.

- Anh có nghĩ rằng, cần có những đôi mắt khác để xem những bộ phim Việt Nam hiện tại?

Đối mặt với hiện thực luôn luôn đòi hỏi sự dũng cảm. Mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng khó có thể thay đổi góc nhìn của một thế hệ, vì nó phụ thuộc rất nhiều vào sự khác biệt về giáo dục, văn hóa, thói quen, môi trường sống…

Tôi chỉ hi vọng những bộ phim như "Đường đua" có thể tạo ra thảo luận về cách nhìn nhận hiện thực giữa một thế hệ lớn tuổi hơn với một thế hệ đang còn trẻ, giữa công chúng với cơ quan quản lý và cả giữa những nhà làm phim với nhau, từ đó đa dạng hơn thị trường điện ảnh ở Việt Nam hiện nay.

- Thời gian qua, kể từ lúc "Bụi đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu, cư dân mạng thường hay nói, các trang báo suốt ngày đưa tin đâm chém dã man, mà phim xã hội đen thì lại cho là không đúng hiện thực. Anh thấy những nhận định này thế nào?

Tranh luận "thế nào là hiện thực" là một cuộc tranh luận lớn, nhưng tôi nghĩ, bạo lực và tội phạm đang trở thành một vấn đề mà ta không nên, và không thể tránh né nếu muốn thực sự trung thực trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.

- Việc dán nhãn 16+ ở Việt Nam mang tính hình thức rất cao và thường khó kiểm soát. Theo anh, đây có phải là lợi thế để "Đường đua" tạo được sự hiếu kỳ cho khán giả đến rạp?

Đối với Cục Điện ảnh, dán nhãn 16+ thể hiện đánh giá của Cục và Hội đồng thẩm định về nội dung của "Đường đua", và chúng tôi tôn trọng quyết định này. Trong tương lai, chúng tôi hi vọng sẽ có một hệ thống đánh giá và khuyến cáo thống nhất đối với các thể loại phim một cách có hệ thống, trên cơ sở khoa học để tránh những vấn đề như đã xảy ra với "Đường đua".

- Đặt tương quan trong thực tại phim Việt, anh đánh giá "Đường đua" của mình có lợi thế gì và có phải là một bộ phim hay?

Tôi nhường quyền đánh giá bộ phim cho khán giả. Như tôi đã nói từ đầu, chúng tôi hi vọng đa dạng hóa thị trường điện ảnh Việt Nam bằng cách sản xuất những bộ phim mà trẻ trung, quyết liệt, trung thực với hiện thực, đầu tư kỹ càng vào diễn viên, hình ảnh, âm nhạc là những yếu tố hàng đầu!

- Xin cảm ơn anh!

Nhà biên kịch Châu Quang Phước:
Việc gắn nhãn "16+" chỉ là hình thức

Tôi nghĩ, với việc gắn nhãn "16+" cho phim "Đường đua", một bộ phim Việt Nam sắp công chiếu, nhìn ở hình thái nào đó có vẻ như là một cách rào chắn an toàn cho đại đa số khán giả, xét từ vai trò vị trí của Hội đồng duyệt phim ở Việt Nam cũng là cần thiết.

Việc nhiều đối tượng truyền thông lẫn công chúng cùng lúc nhìn nhận về cách thức kiểm duyệt phim của Hội đồng duyệt phim quốc gia như hiện nay là có phần bảo thủ và ảnh hưởng đến sự sáng tạo của người nghệ sĩ, có lẽ cũng không có gì là khó hiểu hay quy chụp. Bởi một lẽ đơn giản, sự kiểm duyệt theo cách thức hiện có thì phần nhiều là phụ thuộc vào nhiều quan điểm cá nhân.

Chẳng hạn với những tranh cãi về khái niệm "hiện thực" trong phim, hoặc về tính xác thực của một địa danh nào đó trong phim Việt sẽ phải tương ứng với chuyện tốt xấu từ câu chuyện phim. Điều này là hoàn toàn gán ghép và vô tình có thể trở thành một sự áp đặt hay định kiến không cần thiết.

Phim nước ngoài sẵn sàng sử dụng địa danh trong phim là các thành phố lớn hoặc thủ đô, với các câu chuyện liên quan đến khủng bố hoặc tội ác chẳng hạn, cũng là chuyện rất bình thường. Đó chỉ đơn giản là một sự hư cấu của ngôn ngữ nghệ thuật thuộc bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, mang tính ước lệ và tượng trưng vậy thôi.

Việc gắn nhãn này nọ ở Việt Nam, với riêng lĩnh vực phát hành phim chiếu rạp nội ngoại nhập, nói cho cùng thì cũng chỉ là chuyện hình thức mà ai cũng thấy cũng biết, cũng thuộc loại mang tính "ước lệ" là chính. Vì những chuyện này liên quan đến việc quản lý rất cụ thể về hình thức kiểm soát của rạp chiếu hoặc phương thức chế tài của cơ quan chức năng, nhưng xem ra những điều này hiện tại chỉ dừng lại ở mức "đánh trống bỏ dùi".

Cách làm này trong thực tế có khi còn gây tác dụng ngược và hiệu ứng phụ, thậm chí có nguy cơ trở thành một "lá bài" về truyền thông cho một dự án phim với đại đa số công chúng khán giả Việt, vốn dĩ luôn có sự tò mò háo hức thường thấy, trong thời gian qua.

Có lẽ tốt nhất vẫn phải là xây dựng được một hệ thống phân loại phim một cách đồng bộ và tổng thể về nhiều thứ bậc xếp hạng, với sự đồng thuận của nhiều đối tượng người làm nghề liên quan. Như thế mới hy vọng có sự chuẩn mực và công bằng đúng nghĩa trong vấn  đề này của ngành công nghiệp làm phim ở Việt Nam trong tương lai.

Sự thỏa hiệp của nhà sản xuất non trẻ

Nguyễn Thanh Sơn.

Sau 3 tháng quay bổ sung và chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định, "Đường đua" của hãng Xanh (Blue Productions) được phép phát hành. Tuy vậy, ở mục "Phạm vi được phổ biến", bộ phim vẫn được khuyến cáo "cấm trẻ em dưới 16 tuổi".

''Đường đua'' nhấn mạnh đến yếu tố tâm lý, hành động tội phạm trên một hành trình gay cấn, nghẹt thở của nhân vật chính.

Phát biểu về vấn đề này, nữ  diễn viên Hồng Ánh (Giám đốc của hãng phim Blue Productions) nói: "Tôi rất mừng vì cuối cùng phim cũng đã nhận được giấy phép phát hành. Ba tháng vừa qua là ba tháng ê kíp Đường đua vừa tiếp tục quá trình đối thoại và trao đổi với hội đồng duyệt, vừa tiến hành quay bổ sung. Đây là một quá trình khá căng thẳng và có nhiều sức ép".

"Đường đua" được đầu tư 10 tỷ đồng. Nếu tính cả ngân sách dành cho tiếp thị quảng bá, chi phí đầu tư lên đến 12 tỷ đồng. Đây là một khoản đầu tư lớn cho bộ phim truyện nhựa đầu tiên của Nguyễn Khắc Huy, đạo diễn trẻ vừa tốt nghiệp Trường Điện ảnh Sydney, Australia.

Việc chấp nhận sửa bộ phim, cho thấy nhà sản xuất non trẻ này buộc phải thỏa hiệp để phim ra mắt khán giả. Việc bỏ vốn lớn đầu tư phim đang là một rủi ro tiềm tàng mà các nhà sản xuất tư nhân đang phải đối mặt!

Nhóm PV Văn nghệ
.
.
.