Tranh cãi về thịt nhân tạo

Chủ Nhật, 13/01/2019, 11:46
Từ năm 1931, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã dự báo, con người sẽ chế tạo thịt mà không cần giết mổ gia súc, gia cầm. Và miếng thịt nhân tạo xuất hiện lần đầu tiên cách đây 10 năm (2009-2019), do các nhà khoa học Hà Lan tổng hợp trong phòng thí nghiệm từ tế bào lợn đã mở ra một chương mới trong lĩnh vực này.


Nhưng tranh luận về những gì được gọi là thịt không chỉ diễn ra ở Mỹ, mà còn ở Pháp - cấm các sản phẩm không phải thịt sử dụng thuật ngữ thịt, Australia - một trong những thị trường chăn nuôi lớn nhất thế giới và nhiều nước khác.

Theo tờ The Guardian, đang có nhiều công ty nghiên cứu để làm thịt từ phòng thí nghiệm theo quy trình độc quyền mà không cần đến động vật, đồng cỏ, trại chăn nuôi cũng như không tạo ra các tác động môi trường như chất thải, khí gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng họ gặp phải nhiều thách thức - từ giới truyền thông đến công chúng và ghi nhãn sản phẩm.
Bị phạt 1 năm tù nếu gọi đồ chay là thịt tại My.

Hiệp hội thịt bò quốc gia Mỹ đã gây áp lực để Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có những quy định chặt chẽ với thịt thay thế - phải ghi rõ là "thịt mô phỏng" trên nhãn mác. Bộ Nông nghiệp và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ thông báo, họ sẽ cùng quản lý thịt từ "tế bào gốc". Missouri đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ chính thức thông qua luật định nghĩa, các sản phẩm có thể hoặc không thể được phân loại là thịt.

Luật cấm các sản phẩm có nguồn gốc thực vật dùng thuật ngữ thịt, cũng như loại bỏ khả năng thịt nuôi trong phòng thí nghiệm xuất hiện trên các kệ hàng siêu thị trong tương lai mang nhãn "thịt". Đầu năm 2018, Hiệp hội Gia súc Mỹ (USCA) đã kiến nghị lên USDA về một hành động tương tự - coi sự phát triển đang lên của các sản phẩm thịt nuôi trong phòng thí nghiệm như mối đe dọa đối với thị trường.

Những con số biết nói

"Tôi tin rằng trong khoảng 30 năm nữa, chúng ta không cần phải giết bất cứ con vật nào và tất cả thịt sẽ vừa sạch, vừa bổ dưỡng hơn, trong khi mùi vị không thay đổi" - tỉ phú Richard Branson nói với hãng Bloomberg. Theo giới truyền thông, từ đầu năm 2012, các nhà khoa học Hà Lan đã thành công trong việc tạo ra thịt nhân tạo từ các tế bào mạch máu sót lại từ lò mổ.

Theo nhà sinh vật học người Hà Lan Mark Post, họ đã thành công trong việc tạo ra những miếng thịt mỏng màu trắng trong suốt dài khoảng 2,5cm có cấu trúc giống cơ bắp. Khi đó, những người ủng hộ công trình khoa học này coi đây là chìa khóa giúp xóa đói, bảo vệ môi trường và cứu giúp hàng triệu con vật. Nhưng món hamburger nhân tạo đầu tiên trên thế giới, do Công ty Mosa Meat của Hà Lan tạo ra năm 2013 có chi phí lên tới 330.000 USD.

Theo hãng CNN, một trong những thách thức là làm sao thuyết phục người tiêu dùng đón nhận thịt nhân tạo bởi vẫn còn đó nỗi lo về sự an toàn và lợi ích đối với sức khỏe. Được biết, 1/3 người Mỹ sẵn sàng ăn thịt nhân tạo thay cho thịt truyền thống. Riêng trong năm 2018, trung bình một người Mỹ ăn khoảng 100kg thịt đỏ và thịt gia cầm, và thịt từ phòng thí nghiệm có thể là giải pháp đơn giản trong tương lai.

Miếng thịt bò làm từ phòng thí nghiệm.

Với tên gọi nông nghiệp tế bào, các nhà khoa học có thể tạo ra thịt trong phòng thí nghiệm an toàn với con người. Loại thịt "không hại động vật" này được nuôi cấy từ các tế bào động vật khỏe mạnh như bò, gà, vịt… để tạo ra những tảng thịt lớn, không hề chịu ảnh hưởng bởi thuốc kháng sinh hoặc các hóa chất hay dùng trong nông nghiệp.

Với tên gọi "Công nghệ thịt của tương lai", một công ty khởi nghiệp ở Israel đã tạo ra loại thịt nhân tạo giống như thật với giá cả có thể chấp nhận được. Điểm đặc biệt là mặc dù mỡ được tạo ra từ phòng thí nghiệm, nhưng chúng có hương vị như mỡ động vật được nuôi theo phương pháp truyền thống. Công ty này hy vọng, công nghệ sản xuất thịt nhân tạo của họ sẽ phổ biến như máy làm bánh mỳ hiện nay, để bất kỳ hộ gia đình nào cũng có thể sử dụng.

Thịt nhân tạo đã trải qua 3 thế hệ. Thứ nhất, làm từ đậu phụ. Thứ hai, những sản phẩm với thành phần chủ yếu là protein thực vật có cấu trúc cô đặc, được sản xuất bằng kỹ thuật TVP. Thứ ba, thịt nhân tạo được chế biến để có hương vị và cảm giác như ăn thịt thật.

Lượng tiêu thụ thịt trên thế giới đã tăng gấp đôi trong một thế kỷ qua và lượng thịt cần để nuôi con người dự kiến lên đến 470 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050. Theo các nhà môi trường, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi con người giảm ăn thịt dù chỉ là một phần nhỏ - chỉ cần thay 5% thịt bằng protein thực vật cũng đủ thay đổi cả hành tinh này.

Q. Dũng - Khắc Tuấn
.
.
.