Tranh cãi xung quanh vườn tượng 12 con giáp khỏa thân

Thứ Sáu, 06/04/2018, 17:05
Hàng loạt bức tượng mô tả các con giáp đầu thú mình người, lại khỏa thân, được trưng bày, lắp đặt tại Khu du lịch Hòn Dáu từ mấy năm nay, bỗng dưng gây ồn ào bởi một số ảnh được post trên mạng xã hội. Cuộc ném đá rào rào đến nỗi, các cơ quan quản lý văn hóa, du lịch, các họa sĩ, nhà điêu khắc phải lên tiếng.


Khi nghệ thuật điêu khắc trở thành… nghệ thuật tả tơi

Ý kiến chủ đạo trên mạng xã hội là chê. Nào là những bức tượng quá phản cảm khi phô bày các bộ phận sinh dục quá đà. Nào là không hiểu được ý tưởng làm tượng các con giáp bắt đầu từ triết lý văn hóa nào. 

Mạng xã hội như cơn bão, còn mạnh hơn cả bão biển, khiến cho ông chủ khu du lịch đau đầu. Tệ hơn, có ý kiến còn muốn tẩy chay địa điểm Hòn Dáu, vì không muốn ngắm nhìn những bức tượng phản cảm như vậy. 

Các họa sĩ nổi tiếng như Lê Thiết Cương, Thành Chương cũng nêu nhận xét, cho rằng những bức tượng này thiếu tính thẩm mỹ, không khơi gợi được những cảm xúc đẹp cho người thưởng thức. 

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm cho rằng, những bức tượng mình thú đầu người được làm khá tùy tiện, không theo quan điểm mỹ học nào, nhìn rất xấu”. 

Trước những ý kiến phản bác mạnh mẽ như vậy, chủ khu du lịch quốc tế Hòn Dáu đã “chữa cháy” bằng cách, cho nhân viên đi “mặc váy” cho các pho tượng, để che đi những bộ phận nhạy cảm. 

Thế là 12 con giáp được mặc đồ tắm linh tinh, che đi những phần ngược mắt công chúng. Những hình ảnh tượng mặc váy được post lên càng gây nực cười cho cư dân mạng, bởi sự lộn xộn, chả đâu ra đâu. Những váy tắm, áo tắm của người mặc lên các pho tượng, nhìn tả tơi đáng quan ngại. 

Bị chê tả tơi, giờ đến lúc là che đậy tả tơi. Nhìn những pho tượng được che đậy sơ sài bằng những quần, váy, có người đã thốt lên, nghệ thuật điêu khắc hay… nghệ thuật tả tơi. Thấy có gì đó tội nghiệp cho nghệ thuật, cho cái đẹp mà chắc chắn những người làm du lịch muốn hướng tới. 

Cách ứng phó kiểu này của khu du lịch khó có thể gọi là thông minh, nhưng ngẫm ra họ cũng chẳng biết phải làm cách nào khác, khi mà làn sóng chỉ trích của dư luận cứ nhằm những bộ phận nhạy cảm của các bức tượng 12 con giáp mà hướng tới.

Tượng khỏa thân xưa nay có gì là mới. Trong tín ngưỡng của người Việt, có những lễ hội còn thờ bộ phận sinh dục của đàn ông và đàn bà. Người ta rước linh vật trong lễ hội, tôn thờ sinh thực khí như là những yếu tố thiêng liêng tạo ra sự sống con người. 

Ở Tây Nguyên, các khu nhà mồ thường là cả một mê cung tượng gỗ, trong đó có không ít tượng mô tả trai gái phô bày cơ quan sinh dục của mình, thậm chí là đang giao hoan. Người Việt xưa cũng từng khắc hình ảnh nam nữ khỏa thân trên các bức phù điêu, trên xà gồ mái đình… 

Vườn tượng 12 con giáp khỏa thân gây ý kiến trái chiều trong thời gian qua

Nghĩa là văn hóa của người Việt bao đời không xa lạ với hình ảnh tượng khỏa thân. Nhưng vì sao những bức tượng khỏa thân ở Hòn Dáu lại bị chê tơi tả, bị cho là phản cảm? Và thực sự nếu là phản cảm, là không có giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật, tại sao lại được duyệt để trưng bày tại khu du lịch trong một khoảng thời gian dài trước khi bị chê phản cảm? 

Liệu rằng, mạng xã hội đang trở thành một công cụ quá trớn khi dễ dàng tạo ra những làn sóng khen chê quá khích gây thiệt hại uy tín cho không ít cá nhân, tổ chức? Chúng ta đã thực sự công bằng khi nhận xét những tác phẩm nghệ thuật này, khi mà chỉ ngồi trên mạng và ném sỏi, ném đá qua bàn phím chăng? 

Những câu hỏi này cần bình tĩnh đặt ra, để có cách ứng xử phù hợp, không để cho một câu chuyện nhỏ biến thành một đám cháy lớn.

Nghịch lý từ cơ quan quản lý

Thông thường, việc đưa bất kỳ một công trình điêu khắc nào vào một khu vực công cộng luôn luôn phải được sự đồng ý cũng như sự kiểm duyệt của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của địa phương. Với công trình tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu, chắc chắn đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải phòng cho phép trưng bày. 

Và vườn tượng đã hoàn thành một thời gian khá dài. Hàng ngàn, hàng triệu khách du lịch đến Hòn Dáu những năm qua đã chiêm ngưỡng khu tượng, đã chụp ảnh kỷ niệm tại đây. Nhưng hãy xem, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng xử lý câu chuyện này như thế nào. 

Ông Phạm Văn Luân, Thanh tra Sở Du lịch Hải Phòng thông báo với truyền thông về cuộc làm việc trao đổi với chủ nhân những bức tượng sau khi dư luận lên tiếng chê phản cảm. Sở yêu cầu chủ nhân của những bức tượng phải khắc phục sự cố bằng cách sửa chữa các tác phẩm này sao cho không gây phản cảm với du khách. Theo đó, 3 yêu cầu khắc phục mà khu du lịch có thể lựa chọn là: mang cất tượng đá đi, hoặc mặc quần áo nghiêm chỉnh cho tượng, hoặc đục đẽo, chỉnh sửa những chỗ nhạy cảm cho… hết nhạy cảm.

Vậy Ban quản lý Khu du lịch Hòn Dáu, những chủ nhân ở đây sẽ phải chữa cháy theo cách nào? Nếu áp dụng phương án cất tượng đi, thì coi như xong, bao nhiêu tiền bạc đầu tư muốn tạo ra một cảnh quan độc đáo làm điểm nhấn cho khách du lịch đem bỏ. Đây là cách dễ nhất và cũng là cách lãng phí nhất. Còn nếu không cất tượng đi mà phải chỉnh sửa, thì không rõ sẽ phải thuê các họa sĩ, nhà điêu khắc tới chỉnh sửa theo phương án nào. 

Một bức tượng không chỉ là một bức tượng, xét ý nghĩa khác nó còn là một tác phẩm mang tính nguyên vẹn, hoàn chỉnh. Việc đục đẽo cho bớt phản cảm xem chừng giống như chuyện đẽo cày giữa đường, năm người mười ý, chỉnh xong mà dư luận vẫn chưa chịu hài lòng về những chỗ nhạy cảm thì không biết tính sao nữa?

Câu chuyện này bộc lộ một sự bất cập trong quản lý, cấp phép các công trình nghệ thuật công cộng. Để có một vườn tượng 12 con giáp ở đây, nhà tổ chức đã bỏ tiền tổ chức trại điêu khắc quốc tế, mời các nhà điêu khắc trong và ngoài nước đến sáng tác, để lựa chọn ra ai sẽ trở thành “cha đẻ” của vườn tượng. Đây là việc công khai. Và nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn đã trở thành tác giả của khu tượng này. 

Các tác phẩm của anh chắc chắn đã trải qua vòng kiểm duyệt, đồng ý cấp phép của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng, nếu không sẽ không thể yên vị nằm đó mấy năm qua. Nay Thanh tra Sở yêu cầu sửa chữa chính những pho tượng mình đã cấp phép, chẳng khác nào tự đánh giá mình đã cấp phép sai, không chính xác. 

Như thế là thiệt hại cho uy tín của cơ quan quản lý văn hóa và tốn kém tiền của đơn vị kinh doanh, cụ thể đây là Khu du lịch Hòn Dáu. Rõ ràng ở đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng đã không tự tin vào năng lực thẩm định của mình, nên khi có ý kiến trái chiều từ dư luận đã không đủ bản lĩnh bảo vệ chính kiến của mình mà vội vàng xử lý làm chiều lòng dư luận. Xét một khía cạnh nào đó, việc này hoàn toàn không có lợi cho sáng tạo nghệ thuật.

Việc khen chê, đánh giá một tác phẩm nghệ thuật hay một công trình nghệ thuật nào đó là hết sức bình thường. Muốn chính xác, phải lập ra một hội đồng thẩm định, gồm những người có chuyên môn, không thể cảm tính theo chủ ý một vài lãnh đạo thuộc cấp quản lý có quyền cấp phép thẩm định, cũng như các ý kiến (dù đông đến bao nhiêu) trong công chúng, đặc biệt là công chúng trên mạng xã hội. 

Và việc này phải được làm kỹ càng, nghiêm ngặt ngay từ khi tác phẩm hoàn thành, trước khi nghiệm thu, cấp phép. Có như vậy mới đảm bảo môi trường lành mạnh cho người sáng tác. Và tránh được chuyện “đẽo cày giữa đường”, cứ bị chê thì sửa như câu chuyện tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu tốn giấy mực những ngày qua.

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.