Triển lãm "12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam":

Tranh xưa… còn một chút này

Thứ Hai, 08/08/2016, 14:06
Lần đầu tiên, “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” có dịp hội ngộ. Lần đầu tiên, một số dòng tranh tưởng chừng chỉ còn trong trí nhớ lõm bõm của đôi ba người, đôi ba miền đất được giới thiệu một cách bình đẳng bên cạnh những dòng tranh dân gian nổi tiếng, được nhiều người biết đến.

Triển lãm  “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội vào ngày 18-8 tới như một dịp để công chúng ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh của tranh dân gian Việt Nam.

Lâu nay nhắc về tranh dân gian, nhiều người hay nói đến tranh Đông Hồ, Hàng Trống; thế nhưng, ít ai biết được rằng, chúng ta đã từng có hẳn một lịch sử tranh mang tính “bác học” của văn hóa dân gian trong quá khứ.

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa trong một lần “điền dã”.

Ngoài 2 dòng tranh mang phong vị Bắc Bộ là Hàng Trống, Đông Hồ, có thể kể ra đây một số dòng tranh dân gian với những nét văn hóa đặc trưng khác nữa như tranh đồ thế Nam Bộ, tranh kính Nam Bộ, tranh thờ miền núi, tranh gói vải, tranh thờ đồng bằng…

Và lần đầu tiên, “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” sẽ có một cuộc hội ngộ đặc biệt tại Thủ đô. Và cũng là lần đầu tiên, những dòng tranh bị khuyết (hoặc lâu nay ít ai nhắc đến) sẽ xuất hiện một cách kiêu hãnh, bình đẳng cùng những dòng tranh khác.

Hầu hết, số tranh dân gian có mặt trong triển lãm lần này nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, gồm: Tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh Thập vật, tranh làng Sình, tranh đồ thế Nam Bộ, tranh kính Nam Bộ, tranh thờ miền núi, tranh gói vải, tranh thờ đồng bằng, tranh Vải.

Bên cạnh đó, kết hợp giới thiệu bộ sưu tập tranh dân gian của Bảo tàng Hà Nội như: tranh và ván in tranh Hàng Trống; tranh thờ người Dao; tượng phật cổ… Ngoài ra, còn có hoạt động trình diễn vẽ tranh dân gian dành cho khách tham quan tại khu trưng bày vào ngày sự kiện diễn ra.

Những câu chuyện mai một

Mỗi bức tranh đều có một câu chuyện của riêng mình. Mỗi dòng tranh đều thể hiện nhân sinh quan của người Việt xưa. Soi vào đó, thấy tư duy mỹ cảm, thấy hồn dân tộc.

Soi vào, còn thấy cả một lịch sử tranh dân gian đã từng phát triển rực rỡ. Trong lần giới thiệu này, công chúng Thủ đô sẽ có dịp thưởng lãm thứ trí tuệ dân gian đầy sắc màu này, những câu chuyện thăng trầm bên lề xung quanh việc bảo tồn và chấn hưng…

Tranh kính Nam Bộ sẽ có mặt trong triển lãm “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” vào 18-8 tới.

Đã có một dòng tranh tạo hình nổi trên lụa hay còn gọi là tranh vải gói nổi tiếng một thời ở khắp Nam Bộ được hình thành từ cuối thế kỉ XX. Bắt nguồn từ sáng kiến thay hình dán giấy bằng vải hoặc gấm trên những tấm chướng phúng viếng đám ma, tranh vải gói sau đó được nâng cấp thành một dòng tranh mới để phục vụ nhu cầu thị hiếu đa dạng, phổ biến nhất là tranh chân dung để thờ cúng.

Bắt đầu từ khâu phác thảo vẽ nét, nền tranh vải gói được người thợ vẽ bằng màu bột. Các chủ thế chính của tranh như người, con vật hoặc cây cối… được dùng bông tạo hình, sau đó dùng vải, gấm hoặc lụa phủ lên rồi tạo nếp sao cho thật nhất.

Loại gấm, lụa hoặc vải để phủ cũng được chọn sao cho giống thực tế nhất. Do có hình nổi, có chất liệu lụa, có bột màu tô điểm và tất cả được lồng ghép đúng tỷ lệ, bố cục chặt chẽ nên tranh nổi trên lụa rất sinh động.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2016, chỉ duy nhất một người còn làm là nghệ nhân Hồ Văn Tai ấp Tân Mỹ, xã Tân Phú Trung huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Ông được biết đến là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh tạo hình nổi trên lụa hay còn gọi là tranh vải gói từng nổi danh một thời khắp vùng Nam Bộ những năm trước giải phóng.

Suốt cuộc đời của mình, nghệ nhân Tai đã tạo ra hơn 3.000 bức tranh chân dung phục vụ cộng đồng. Nghề tranh vải gói ở Nam Bộ phát triển hưng thịnh nhất là từ năm 1953 cho đến 1964 thì mai một dần đi.

Tranh Thập vật, một dòng tranh khá lạ tai cũng sẽ xuất hiện trong dịp này. Đây là  một loại tranh phổ biến trong các chùa vùng Bắc Bộ trước những năm 1960, thể hiện nét tâm linh một thời của người Việt: thân nhân của người đã mất lo chu toàn cho đời sống của họ ở thế giới bên kia sao cho có đủ trang phục, vật dụng hằng ngày, thậm chí có cả con vật để cưỡi và lính hầu để mà ngao du thiên đường hay dưới các tầng âm ty.

Khổ tranh bé, thường chỉ rộng khoảng bằng 1 đến 2 bàn tay. Cách biểu đạt thì tối thiểu: Chỉ in có mỗi nét màu đen trên giấy. Tranh được khắc rồi in nét đen trên giấy dó hay giấy bản, mang về khấn và đốt cho người đã khuất ở thế giới bên kia là xong.

Bức tranh "Mẫu Thượng Ngàn" do Nghệ nhân ưu tú Lê Đình Nghiên vẽ.

Chính vì bị khuôn vào tối thiểu mà các tác giả ngày xưa của tranh Thập vật phải vắt óc ra để nghĩ cách làm sao cho tranh này vẫn hấp dẫn và đạt được nội dung tối đa.

Thế giới tâm linh mênh mông và huyền hoặc, không thể nào đơn điệu, giản lược và lúi xùi, và làm sao thì cảnh giới phiêu lãng này vẫn luôn hấp dẫn những người đang sống.

Tình cảm chưa dứt với người đã khuất khiến họ muốn tìm cách để gửi cho bằng được mối quan tâm tiềm thức dù đã “ngàn thu vĩnh biệt”!

Khá nhiều già làng còn tinh anh cho biết thợ khắc tranh Thập vật xưa là phường thợ khắc Hồng Lục - Liễu Tràng (Hải Dương). Trong nhiều thế kỷ, phường thợ nổi tiếng này đã tỏa đi khắp Bắc Kỳ để khắc rong các ván khắc văn tự cổ, kinh Phật, tranh cổ, hoành phi, câu đối…

Tranh Thập vật là dạng tranh dân gian nhưng khác ở chỗ chỉ có nội dung thuộc về tâm linh, chứ không có dạng tranh treo chơi như các dòng tranh dân gian mà ta thường biết. Nói cách khác: loại tranh này chỉ dùng để đốt khi cúng!

Gắn liền với các lễ cúng của người dân tộc thiểu số, tranh thờ đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện và diễn tả các tín ngưỡng, cách suy nghĩ và cách ứng xử của họ.

Tranh thờ không được dùng để trang trí mà nằm trong một hệ thống các đồ dành cho thờ cúng như áo, mũ, kiếm cúng, lệnh bài, mặt nạ, nhạc cụ, sách cúng...

Những vật này thuộc sở hữu của thầy Tào, thầy Tào nào càng cao tay thì số lượng tranh thờ của họ càng nhiều và tranh chỉ được bày ra trong mỗi dịp lễ cúng. Với các dân tộc thiểu số, thầy Tào và các lễ thờ cúng luôn là chỗ dựa cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng của họ.

Tranh có lối bố cục hẹp, dài với dày đặc các nhân vật thần linh. Màu sắc tranh thờ là màu tự nhiên, ít pha trộn như đỏ, vàng, trắng, đen, xanh lá cây những màu sắc này càng để lâu càng màu càng sâu và trong. Những màu sắc dùng trong tranh mang tính ước lệ, biểu trưng nhiều hơn là tả thực.

Hoạt động trình diễn vẽ tranh dân gian cũng sẽ được diễn ra tại khu trưng bày vào ngày tổ chức sự kiện.

Tranh thờ cúng miền núi có nhiều chủ đề, có một số những chủ đề giống nhau nhưng mỗi dân tộc lại chọn cho mình cách thể hiện riêng, biến đổi tùy theo tín ngưỡng của dân tộc mình.  

Tranh kính – loại tranh gắn với tín ngưỡng bản địa, thờ Mẫu Việt Nam cũng sẽ được tuyển chọn và giới thiệu trong dịp triển lãm lần này. Hình thức thờ thần độ mạng này xuất phát từ việc cầu sức khỏe, bình an trong cuộc sống.

Phải đóng tranh thờ bằng gỗ đặt bên trái so với hướng từ ban thờ tổ tiên nhìn ra, nhà có bao nhiêu phụ nữ là bấy nhiêu tranh thờ.

Tùy theo tuổi, căn số mà tranh thờ có hình nữ thần ngồi trên ngai, đài sen, hay cưỡi các con vật khác nhau như voi, chim.... và số các cô chầu bà cũng thay đổi tùy theo đó.

So với các dòng tranh kính, dòng tranh kính Huế đặc trưng hơn cả bởi nét vẽ ngây ngô, mộc mạc, màu thường sử dụng màu nguyên bản không pha trộn. Sau khi vẽ xong không tráng thủy. Kích thước thường bé.

Đánh thức tình yêu nghệ thuật dân gian

Được biết, để có được bộ sưu tập tranh dân gian kỳ công này, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đã lang thang điền dã nhiều ngày trời trong Nam ngoài Bắc cùng với những cộng sự của mình.

Đặc biệt, để bổ sung tư liệu cho nguồn gốc tranh dân gian, chị còn đến chùa Vinh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) nơi có những mộc bản kinh Phật để nghiên cứu và thu thập tư liệu. Mộc bản được cho là khởi thủy của tranh dân gian.

Triển lãm cũng là dịp giới thiệu những tác phẩm quý. Bức tranh "Mẫu Thượng Ngàn" do ông của Nghệ nhân ưu tú Lê Đình Nghiên, nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống nức tiếng vẽ lên sắt tây để cúng vào chùa Kim Liên là một ví dụ.

Sau khi chùa Kim Liên tu bổ, bức tranh bị bỏ quên. Tình cờ, nghệ nhân Lê Đình Nghiên biết được, đã xin phép nhà chùa mang về. Bây giờ, bức tranh là một kỷ vật vô giá của gia đình ông.

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: “Triển lãm sẽ giúp công chúng yêu nghệ thuật dân tộc chiêm ngưỡng những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có những dòng tranh ít được biết tới hoặc đã thất truyền như: Tranh thập vật, tranh làng Sình, tranh kính Nam Bộ…

Đây được xem là một hoạt động nhằm đánh thức và lan tỏa tình yêu với nghệ thuật truyền thống nói chung, tranh dân gian Việt Nam nói riêng”.

Đ.Dung
.
.
.