Trao... để nhận

Thứ Sáu, 19/07/2013, 13:59

Bạn muốn nhận lại gì, thì sẽ trao cho người khác điều đó. Trừ khi bạn ưa thích là kẻ đơn độc giữa cõi người.

Đêm qua, có một bông quỳnh ngậm sương vừa nở. Trong lúc bung từng cánh trắng mỏng manh để dịu dàng tỏa lan làn hương tinh khiết cho nhân gian, cũng là lúc hoa quỳnh đang đi vào cõi chết. Hoa nở để tàn. Và chúng ta sống, để đi dần đến cái chết.

Tôi kể chuyện này cho bạn nghe, vì có thể lúc này chúng ta chưa hiểu nhau, nhưng ngày nào đó, khi bạn dành thời gian dù dăm chục phút, chịu khó thức đêm, bỏ hết công việc bề bộn sau lưng, để ngồi thảnh thơi nhẩn nha chờ quỳnh nở, bỗng dưng bạn sẽ mang niềm đồng cảm này cùng tôi. Đừng quên nhìn thật lâu vào hoa, chỉ để ý đến hoa mà trong lòng không khởi sự nghĩ gì cả. Biết ngắm hoa và biết thưởng thức hoa, đã đủ cho một quãng thời gian trong thiền.

Sống thiền là gì? Là cảm nhận mọi vật như đang là, mà không mảy may phán xét, không chấp cố, không ngôn từ nào cần nảy sinh cho khoảnh khắc ấy. Vậy thôi, thế là vừa vặn cho bạn thấy sự thanh thản dâng lên để chợt hiểu, cuộc đời con người đâu khác gì loài hoa buông nở sự sống để đi vào cõi chết trong từng tích tắc kia. Hoa thì tỏa hương, còn ta, thì để lại gì cho đời, nếu không là nỗi đắng cay thì cần hơn nên là lòng nhân ái.

Sự đồng cảm có thể hiểu thấu người khác, lắm khi lại không đơn giản. Trước hết, bạn có sự từng trải, khi chính là bạn đã sống trong sự việc ấy, để hiểu thấu rõ mọi đau đớn oán giận buồn vui sung sướng. Thế nên, cõi đời mới cho chúng ta quy luật về gieo nhân nào gặt quả nấy.

Ảnh minh họa.

Bạn mang hoa thơm tặng người thân hay sơ giao, thì hương hoa sẽ vương trên từng ngón tay bạn, còn nếu là quả đắng, đến lúc chính bạn là người nếm vị đó trước tiên. Việc bạn gây ra cho người khác, đến lúc bản thân bạn cũng sẽ ở trong hoàn cảnh đó? Đời cho quy luật nghiêm ngắn ấy để làm gì? Chỉ để chúng ta biết mọi hành động của chúng ta đều có thể tác động lên số phận người xung quanh.

Một cái lá rơi xuống mặt hồ trong xanh phẳng lặng, vừa đủ lay động mặt hồ. Nếu lòng hồ rộng và sâu, như lòng chúng ta đủ bình an, rộng lượng lẫn hiểu thấu, thì tác động của cái lá chỉ là bề mặt. Còn nếu lòng hồ chật hẹp, như lòng chúng ta đầy sự cố chấp, thì một cái lá cũng làm tổn thương chấn động cả cõi hồ. Hẳn nhiên tổn thương ấy sẽ lưu vào trí nhớ để dần dần tích lũy thành niềm đau đớn và nuôi dưỡng sự oán hận.

Thời gian cho một quãng đời người, tưởng là dài, nhưng thực ra quá ngắn, lẽ sống không biết ngày mai ra sao, chúng ta càng khó biết trước khi nào đời này kết thúc. Ngày ta chào đời, có thể đoán được giờ sinh, nhưng đến khi chết, thì sao đủ tinh lực an tĩnh phát sinh định huệ để biết ngày giờ chết? Vậy nên trong lúc sống, cũng cần thiết chuẩn bị luôn cho cái chết. Cần nhất là chết trong thanh thản, không tiếc nuối vấn vương điều gì, chết với nụ cười nhẹ nhõm trên môi.

Để chết như thế, thì cốt yếu đừng gánh nợ bằng những nỗi đau mà mình gây ra cho người khác. Mà có trót gây ra, thì nên tự cho mình hành động sửa chữa bằng yêu thương, đừng vấn vương cái tôi có thể bị hao mòn. Vết đau nào cũng lành được, khi có tình chân thành của con người thấm đẫm.

Lẽ tự nhiên là, khi người khác hạnh phúc, trong tim bạn cũng khởi phát sự vui, và khi người khác đau, trong bạn cũng có niềm day dứt. Sự tác động của bạn vào người khác là thế. Chỉ có thể cảm nhận từ chiều sâu tâm cảm.

Sâu trong mỗi người, lòng ai cũng đều có thể mềm mại vì sự thương yêu chân thành không toan tính từ người khác. Thương yêu giữa hiểu thấu bởi chính bạn đã từng trải qua điều đó và trái tim bạn đã sẵn lòng mở rộng do không cầu mong thu hẹp bởi oán hờn.

Khoảnh khắc khi bạn dừng mắt khỏi dòng chữ này rồi cũng qua đi, có lẽ bạn chẳng khởi sự lên rằng cần tìm một nhành quỳnh chuẩn bị trổ hoa để ngắm. Cũng cho rằng cái sự sống đang hiện hữu khắp mạch máu hơi thở tế bào của bạn đây làm sao có thể đi đến cái chết trong tích tắc nên cứ làm gì mình muốn làm gì mình thích cho thỏa mãn hết ham muốn lẫn mọi sầu lụy u tối trong lòng, bằng việc trút gánh nặng tâm trí ham muốn cá nhân của mình lên người khác.

Trút hết oán giận đi rồi, sẽ còn lại sự trống rỗng hoang hoải, thế thôi.

Bạn muốn nhận lại gì, thì sẽ trao cho người khác điều đó. Trừ khi bạn ưa thích là kẻ đơn độc giữa cõi người

Nguyễn Quỳnh Trang
.
.
.