Trên đỉnh Hòn Giao

Thứ Ba, 29/04/2014, 15:29

Đèo Khánh Vĩnh dài 33km (còn gọi là đèo Hòn Giao, cao 1.948m), là ranh giới giữa Đà Lạt - Nha Trang. Đây là con đường tắt nối liền 2 thành phố du lịch vừa được đưa vào sử dụng cách đây vài năm. Từ cao độ 1.500m tại Đà Lạt lên cao độ 1.700 ở Lạc Dương rồi xuống đồng bằng, con đường tựa như con rắn bò vắt ngang theo các sườn núi. Nơi đây, khách lữ hành đi trong sương mù, một ngày hai lần sáng sớm và chiều muộn. Đứng trên đỉnh đèo mù sương này, bạn cảm nhận được một phần non sông gấm vóc của quê mình. Nơi đấy có cả hoa và biển. 

Vào 4h chiều, chúng tôi khởi hành từ Đà Lạt theo tỉnh lộ 723 về Nha Trang. Con đường mới mở tráng nhựa phẳng lỳ men theo sườn núi len lỏi giữa đại ngàn với gió rừng hoang lạnh buốt. Khi đến gần đèo Hòn Giao, trời bắt đầu nhá nhem tối, sương mù dày đặc, tầm nhìn chỉ trên 5 mét. Anh Nguyễn Phú Tuấn, chủ trang trại sâm và cam ở chân núi Bà, phải bật gạt nước xua đi màn sương lao về phía trước, nhưng khi lên đỉnh đèo thì trời tối sầm lại, toàn khu vực này chỉ còn bóng đêm và sương mù mờ ảo. Biết không thể mạo hiểm lên đèo khi không có tầm nhìn, anh Tuấn đề nghị ngủ lại trang trại của anh gần đèo Khánh Vĩnh.

Tiếng hú giữa rừng hoang

Đêm ở đỉnh đèo giá buốt đến mức chúng tôi phải đốt lửa ngồi hơ hơ hai bàn tay rồi úp vào đôi tai tìm kiếm sự ấm áp tạm thời. Sau vài phút, anh Tuấn bật đèn pin đi nhổ khoai mì về luộc chấm với muối ớt. Bữa ăn tối nhẹ nhàng nhưng đầy kỷ niệm. Những củ khoai mì, bùi, thơm cộng với muối mặn và ớt cay làm tôi nghĩ đến phận người mặn nồng, cay đắng hay vinh quang, nghèo hèn. Vì trong cõi người ta, ai không trải qua những sự kiện này, cuộc đời sẽ trở thành vô nghĩa, thậm chí làm cho con người xa lạ ngay chính với đồng loại của mình.

Đèo Khánh Vĩnh cao gần 1.700m, đó là bức tường chắn gió thiên nhiên của Nam Tây Nguyên từ hướng Đông thổi vào. Vì thế, khi mùa mưa đến, bất kỳ cơn bão hay áp thấp nào hình thành từ biển đổ bộ vào đất liền đều bị bức tường này chặn lại, cả khu mây đen đan kín bầu trời rồi mưa như trút kéo dài cả tuần. Ban đêm, nhiệt độ xuống thấp kèm theo những cơn gió rừng hoang thổi thốc lạnh buốt cả ruột gan. Chưa hết, do địa hình như thế nên đỉnh đèo này thời tiết rất lạ, vào các tháng khô hạn đều xuất hiện mưa, có lúc mưa dầm, Những cơn mưa nhỏ chập chờn giăng giăng, để rồi sau cơn mưa trời lạnh hơn, sương mù nhiều hơn phủ lên cánh rừng già trắng xóa.

Anh Phú Tuấn là một kỹ sư địa chất, người Hà Tây nhưng định cư ở Đà Lạt gần 30 năm. Là người đi nhiều, biết nhiều về đất đai thổ nhưỡng, anh cho biết, trên đất nước mình, anh chưa từng gặp miền đất nào có thời tiết lạ như ở con đèo này. Sáu năm về trước, từ Nha Trang lái xe về Đà Lạt, ban đêm, anh phải trèo đèo với tốc độ 20km/giờ, vì lượng sương mù dày đặc không thể nhận dạng thành taluy để định hướng tâm đường. Hình ảnh mưa rừng, sương mù và giá lạnh ở Khánh Vĩnh làm anh nhớ đến vườn cam đặc sản của ông nội ngoài Bắc. Cam canh ở Hà Tây là loại cam dùng để “tiến vua” ngày trước: vỏ mỏng, ngọt lịm với mùi hương nhẹ nhàng. Ở Hà Tây hiện nay, cam canh càng ngày càng mất đi, nhưng khi trời càng lạnh, mưa phùn, những gốc cam già còn sót lại càng sai trái, vị càng ngọt và thơm hơn. Chính vì thế anh đã vận động dòng họ đầu tư trồng 40ha cam này tại buôn Klong, Klanh gần đèo Khánh Vĩnh để giữ lại hồn cam từ thời ông nội của mình. Và kết quả, tại khu rừng này, cam “ tiến vua” của dòng họ Nguyễn Phú chất lượng còn tốt hơn ở quê. Cam canh sau khi có kết quả thành công tại xã  Đạ Chais đã trở thành loại cam đặc sản Lâm Đồng và đã có mặt các siêu thị lớn ở TP  Chí Minh, được khách hàng ưa chuộng. Sau khi thành công tại buôn Klong, Klanh, anh Tuấn mang trồng rải rác thử nghiệm toàn khu vực Tây Nguyên cũng đã có kết quả hơn 2 năm nay. Cây cam canh kế vị tại Lâm Đồng, nó sẽ là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cho những hộ có ít đất canh tác ở Tây Nguyên, vì một gốc cà phê sau 5 năm cho được 10 ký nhân, còn 1 gốc cam canh với thời gian đó cho 30kg, giá mỗi ký 45 ngàn đồng. Điều đáng nói, số lượng cây cam được trồng gấp 3 lần số lượng cây cà phê cùng một diện tích.

Anh Tuấn pha cho tôi ly trà đẳng sâm núi Bà do chính tay anh trồng, vừa rút trong cốp xe một bịch cam “tiến vua” ăn thử trước ánh đèn dầu tù mù đầy khói ngay tại nông trại giữa rừng. Trước khi vặn ngọn đèn dầu nhỏ xuống để ngủ, ông kỹ sư còn dặn tôi, đến 4 giờ sáng cố gắng dậy sớm để nghe tiếng gọi của rừng, cụ thể thế nào tới lúc đó sẽ biết, anh cười khặc khặc rồi trùm chiếc áo mưa đen hình cánh dơi phủ lên đầu, vài phút sau đã nghe tiếng ngáy đều đều của một chuyên gia địa chất quanh năm lăn lộn rừng già.

Khách Tây lên đèo Hòn Giao.

Chuyện ngủ rừng đối với người viết ở cơ sở là thường xuyên, nhưng được ngủ trong trang trại có trà để uống, có khoai, có cam để ăn, lại có người tâm sự, đặc biệt với một “chuyên gia đào mỏ” kiêm nông dân công nghệ cao không có gì thú bằng. Tôi nhớ, vài tháng trước, ngủ chung với đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên cũng bên bếp lửa hồng, đêm về nghe người già kể chuyện. Tôi nhớ đến già làng KVỗi ở thượng nguồn sông Mẹ, nhớ ánh lửa chập chờn phủ lên màu da nâu của ông như một pho tượng trong gian nhà ong ong màu khói. Trước khi vít ống rượu cần mời khách, ông KVỗi đưa hai tay lên trời, gióng lên một tràng thổ ngữ “Ớ Yàng! Hôm nay có khách đến nhà, đã đốt thêm củi, mở chóe rượu mới. Xin mời Yàng, mời người quen, người lạ cầm tay uống rượu với nhau!”. Đêm nay, tại đỉnh đèo Hòn Giao này không có tiếng Ớ Yàng, không có rượu cần nhưng lại có tiết mục “Tiếng gọi rừng hoang” vào lúc 4 giờ sáng. Tôi cứ nằm dài phủ lên tấm bạt nilon, mắt lao láo nhìn ra đêm đen, thao thức đợi chờ không biết vài tiếng đồng hồ tới đây người hay ma gọi, nhưng chắc là điều lành vì ông kỹ sư cười khặc khặc trước khi chìm sâu giấc ngủ giữa rừng với bóng tối mênh mang.

Bốn giờ sáng, kỹ sư Tuấn đã thức dậy nhóm lửa, pha trà đẳng sâm chờ đợi. Ngoài vườn, bóng tối vẫn choàng bộ áo đen trầm mặc. Anh cho biết, sắp đến giờ đàn vượn thức dậy gọi đàn, tiếng hú bao giờ cũng theo thứ tự đẳng cấp, vì vượn luôn sống có tổ chức trong quần thể, tiếng lanh lảnh khác với tiếng trầm, tiếng ngắn khác với tiếng dài. Quả đúng như lời anh Tuấn. 4 giờ rưỡi sáng, mở đầu “tiếng gọi rừng hoang” là tiếng hú của con vượn đầu đàn, tiếng hú dài lanh lảnh réo rắt vang xa đến 3km như xác định phần lãnh thổ của mình. Tiếp theo là tiếng trầm của cụ vượn già, sau đó vượn mẹ, vượn con, vượn trai, vượn gái cất lên vang dội khu rừng. Tiếng hú nghe thật buồn, đầy ma mị, tiếng hú như tiếng kêu gào tuyệt vọng, như nỗi niềm của loài thú hoang giữ gìn lãnh thổ cuối cùng còn lại của mình. Nghe tiếng gọi rừng hoang, tiếng kêu khóc lạc đàn của thú trên cây. Chúng là những con vật hiền lành, không tàn sát lẫn nhau, cũng không giết hại các loài sinh linh khác vẫn chưa được yên ổn dưới họng súng của những con người khát máu. Cũng may là Nhà nước đã dùng luật pháp để giữ rừng, giữ các loại động vật hoang dã, nếu không những con vật hiền lành này sẽ mang tiếng hú về đâu và tiếng hú có còn trong trẻo, ngân dài như cuộc đời của chúng hay không.

Ký ức buôn làng

Buôn Klong, Klanh thuộc xã Đạ Chais, nay nằm ngay mặt lộ tuyến Đà Lạt - Nha Trang. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp Khoa Lữ hành, tôi xin đi theo các anh, các chú nhà báo, nhà văn về thăm bà con dân tộc ở chiến khu xưa là Đạ Chais bây giờ. Ngày ấy, đến được buôn với 50km đường rừng thật sự không phải dễ dàng. Chúng tôi vừa đi xe vừa lội bộ cả ngày. Đường đến Đạ Chais là con lộ nhỏ có đoạn phải lội suối, trèo đèo, đối mặt với gai rừng và vắt.

Thuật ngữ Klong, Klanh có nghĩa là thung lũng trăng. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, tại vùng đất dưới chân núi Bà (cao 2.287m), trăn rừng nhiều lắm, chúng sống trong các hang đá ven theo dòng Đạ Nhim. Những buổi sáng đẹp trời, dòng họ trăn trườn mình lên thảm cỏ phơi nắng. Thời chiến tranh, hai buôn Klong, Klanh sống gần nhau với trên 80 nóc nhà, khoảng 400 con người. Bà con từ trẻ đến già đều theo cách mạng, họ đã giúp đỡ, nuôi giấu cán bộ và chiến sĩ quân giải phóng. Sau ngày hòa bình, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Xã Anh hùng kháng chiến. Nhưng thời ấy, ở tận vùng sâu, vùng xa chưa có đường sá nên cuộc sống bà con vẫn sống dựa vào rừng. 5 giờ chiều, chúng tôi ghé thăm chị Ka Sá Hà Nhang. Trong gian nhà sàn ong ong mùi khói, chị Nhang ngồi bế con, cháu gái 10 tháng tuổi ngậm núm vú của mẹ day ngang, day dọc. Quanh bếp lửa hồng nơi chúng tôi đang ngồi, mặc dù ngọn lửa lên cao nhưng không sưởi ấm lòng người. Đêm rừng hoang phủ lên buôn làng một cách lặng lẽ. Đến khi có chút rượu, bà con trở về quá khứ, những câu chuyện chiến tranh đánh đồn tải đạn râm ran trỗi dậy một cách hùng hồn. Ở một số nơi tôi đã đi qua, chiến tranh chỉ còn là câu chuyện cổ tích, nhưng ở đây như vừa mới xảy ra hôm qua, bà con vẫn tự hào về quá khứ. Đời người ta, mọi thứ đều phải ra đi nhưng ký ức bao giờ cũng còn ở lại. Năm rồi, tôi được gặp già làng KPrẹt, dân tộc Mạ, ở đầu nguồn sông Đạ Đờn. Mới có 4 giờ chiều nhưng cả hai ông bà ngồi co ro trong căn nhà sàn quanh bếp lửa hồng. Ông KPrẹt cũng kể cho tôi nghe một thời oanh liệt của mình. Người có tuổi thường vẫn thế, họ có thể nhắm mắt để ký ức hiện về như một bộ phim dựng lại đời mình mà không cần kịch bản, trường quay hay đạo cụ ánh sáng. Khi được hỏi về đồng đội xưa, ông vừa buồn vừa vui. “Những người cùng thời với tao nhiều người đã chết vì bom đạn hay già yếu. Nó đã chết thay cho tao, tao còn sống đến được bây giờ là ngon rồi”.

Nhà rông Đạ Sar.

24 năm trước, đêm ở Klong, Klanh rất dài. Các mẹ, các chị cứ lọ mọ trong căn nhà sàn, tôi không biết họ đang làm gì hay đang sống bằng quá khứ. Đến lúc trở về, bà con tiễn ra tận cuối buôn, đi được cả trăm mét, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng Ka Sá Hà BRang nói vọng theo núi rừng: “Cho mình gửi lời thăm ông A, ông B…”. Những ngày xin đi theo các anh em làm báo, viết văn, tôi mới nhận ra đây là một nghề cao quý, cái nghề viết phóng sự rừng già, có lúc lạc đường, đói lả cả ngày, nhưng lại có niềm vui là góp phần đưa hơi thở ở các vùng sâu, vùng xa đến những người phố thị.

Buôn Klong, Klanh ở Đạ Chais bây giờ đã có điện, đường, trường, trạm. Nhiều nhà xây mới, con cái trên 60% được học đến cấp 2, cấp 3, có nhiều em vào đại học. Con gái ở ba xã Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais không biết vì lý do gì lại đẹp hơn con trai, nhiều em xinh như người mẫu, đến mức ngỡ ngàng. Những bông hoa rừng này đã và đang là niềm tự hào của bà con sống giữa rừng núi đại ngàn. Tại Đạ Chais bây giờ, chuyện gùi nước đi từng đoàn vào mùa khô mang về nhà sử dụng đã trở thành ký ức, vì Chính phủ đã làm hệ thống nước sạch chảy về đến tận buôn làng. Các xã anh hùng ngày xưa nằm trên con đường này, hiện nay chưa phải giàu có, nhưng sức khỏe người dân được các y sĩ chăm sóc. Người KHo nhánh Cil đã bắt đầu trồng hoa, trồng thuốc nam, ra đường đi xe máy. Trên đường đi, tôi tình cờ gặp được Bontô Hà Gliêng, Chủ tịch xã Đạ Chais. Ông Chủ tịch 40 tuổi cho biết: “Bà con ở đây ngoài trồng bắp đã trồng thêm cà phê, nhưng chủ yếu nhận bảo vệ chăm sóc rừng quốc gia Bidoup - Núi Bà, mỗi hộ nhận vài chục hécta với tiền công từ 300 đến 350 ngàn đồng/1ha/1năm. Bà con mình ở đây xem rừng Nhà nước như của mình vì bà con giữ rừng ăn lương mà!”. Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup  - Núi Bà, cho biết, mỗi năm vườn chi trả công giữ rừng cho bà con trên 12 tỉ đồng theo dự án phát triển đời sống lâm nghiệp Tây Nguyên.

Trên đỉnh đèo Khánh Vĩnh

Con đường tắt từ Đà Lạt về Nha Trang ngoài đi qua các buôn làng dân tộc còn hầu hết đi ven theo đồi thông và rừng nguyên sinh. Tại đỉnh đèo này có một hiện tượng rất lạ, có lẽ là do nhiều đá, lượng mưa nhiều hay sương mù ẩm ướt nên cây cối dường như bằng nhau, những đám rừng hàng ngàn năm tuổi chỉ cao từ 7 đến 10m nên gọi là khu rừng lùn. Những chú cây lùn bám vào vách đá, phủ trên núi đá với độ cao 1.948m, tất cả các chú lùn ở đây đều khoác trên mình những tấm áo tuyệt tác bằng rêu: rêu xanh mướt, rêu xám, rêu nâu xỉn… và trong cánh rừng lùn này có 300 loài phong lan.  Đến mùa lan nở, tôi chưa thấy khu rừng nào có nhiều lan đẹp ẩn hiện trên toàn vùng như khu Bidoup - Núi Bà.

Có rất nhiều tên gọi cho con đèo này. Người dân Khánh Hòa gọi là đèo Khánh Lê, người Lâm Đồng gọi đèo Bi Đoup, vì lấy đỉnh núi Bi Đoup cao 2.287m gần đó. Cũng có người gọi là đèo Hòn Giao theo tên dãy núi Hòn Giao nằm cạnh. Cho dù gọi tên gì đi nữa thì đèo vẫn là con đường đầy chất thơ và cảm xúc. Khách lữ hành nhìn cảnh rừng núi đại ngàn vừa dùng tay phe phẩy sương mù và trải nghiệm đời mình giữa hai tiểu vùng khí hậu.

Ở cung đường hoa và biển này, nếu sau này bạn có cơ hội “đi phượt”, bạn nên nhớ, đây là nơi có lượng mưa nhiều nhất ở Nam Tây Nguyên. Dù là buổi chiều mùa hè sau 4 giờ mưa vẫn rơi, sương mù vẫn trắng xóa. Đặc biệt là ban đêm, nếu bạn muốn thử nghiệm tay lái, hãy trang bị một bộ thần kinh thép và cần phải trang bị áo mưa để đề phòng. Trên đường đi, chúng tôi gặp khách lữ hành “Tây, Ta” đi xe đạp đường dài về hướng Nha Trang. Họ thong thả đạp xe một cách nhàn hạ, lặng lẽ đưa mắt nhìn những bức tranh rừng sống động ven đường. Chúng tôi dừng xe làm quen với hai du khách nước ngoài. Đó là vợ chồng ông Steven, người ở vùng Bắc Ailen (Northern Ireland). Steven 40 tuổi, vợ kém ông 5 tuổi, hai ông bà đạp xe từ Sài Gòn lên Đà Lạt, sau đó tiếp tục xuống Nha Trang để tận hưởng khí hậu đại dương nhiệt đới. Ông Steven vui vẻ cho biết: “Tuyến du lịch biển, rừng của con đường này quá lý tưởng đối với chúng tôi. Nơi vừa có khí hậu ôn đới với cảnh quan núi rừng vừa có biển xanh ngát bóng dừa ở Nha Trang. Bà Maria nhà tôi thích biển xứ nóng hơn, bà ấy muốn nước da mình được nắng gió chuyển sang gam màu như người Brazil trong chuyến đi này”. Bà Steven nhìn chúng tôi cười bẽn lẽn như cô gái xuân thì.

Tiến sĩ Lê xuân Thám, Giám đốc Sở KHCN Lâm Đồng tại vườn cam.

Trong nghề hướng dẫn du lịch, được đi nhiều nơi, nhưng tôi gần như chưa từng thấy thấy cặp vợ chồng người Việt nào đạp xe đi hâm nóng tình yêu ở độ tuổi này. Và nếu có, thế nào cũng bị người trong nước gán cho cái tội “hâm”! Điều ấy cũng minh chứng rằng người Việt mình chưa quen với loại hình du lịch này. Năm rồi, tôi gặp một chàng trai người Pháp ngồi xoài ra uống nước mía ven đường để chuẩn bị đạp xe vượt đèo Pren. Sau cuộc chuyện trò đến mức thân tình, tôi vỗ vai cậu ta: “Ở Việt Nam, đi du lịch bằng xe đạp một mình ở độ tuổi của ông chỉ xảy ra với mấy thằng cha thất tình”. Anh ta ngửa mặt lên trời cười sằng sặc, giải thích: “Chỉ có mấy thằng dại gái mới dẫn bồ đi theo. Ông biết không! Con gái dở hơi lắm, nó đòi ngủ khách sạn cao cấp, ăn thức ăn lạ, mua quà kỷ niệm, mình làm sao đủ tiền để chu cấp cho nó. Mình đi chơi cho biết đó biết đây, chứ đâu phải đi hưởng thụ!”.

Tuyến đường nối liền giữa hai thành phố này là một bảo tàng thiên nhiên kỳ vĩ về cảnh quan, đất đá và đa dạng sinh học. Con người có cảm giác hứng thú khi được đi giữa trời mây. Nơi đây từng là buôn làng dân tộc gốc Tây Nguyên, bây giờ là thôn xã vùng cao, những người con của rừng núi sống với nhau đặc quánh tình người. Dưới chân đèo Khánh Vĩnh kéo dài đến ngã ba thành Nha Trang, bạt ngàn mía và chuối với khí hậu biển trong lành. Ngay tại buôn KLong, Klanh cạnh đỉnh đèo này còn có Công ty cổ phần Giang Ly đang đầu tư nuôi cá hồi tại đây. Từ năm 2010 đã phát triển diện tích nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng gần 20ha, kết quả sống 80%, đạt năng suất khá cao. Từ những thành quả về chăn nuôi thủy sản và cây trồng ở độ cao 1.700m với miền đất lạ kỳ vỹ này đã minh chứng rằng, con đường này không chỉ phục vụ cho ngành Du lịch, cho con người của hai thành phố, mà còn là đặc khu kinh tế không phải nơi nào cũng được thiên nhiên ưu đãi như thế.

Con đường hoa và biển này chắc chắn sẽ là con đường xuyên rừng đẹp nhất Nam Tây Nguyên, con đường thơ mộng cho mọi người đến Đà Lạt từ miền Trung. Chính quyền địa phương đang có phương án mở rộng vành đai, khôi phục truyền thống dân tộc vùng cao hiện đại hơn mà vẫn giữ được văn hóa bản địa của nhân dân ven đường. Mai đây, thế hệ kế thừa đứng trên đỉnh Hòn Giao mây vờn gió núi ngẫm nghĩ, cha ông mình đã làm nên một sự kiện diệu kỳ. Không biết trong hàng vạn con người ấy, có ai còn nhớ đến những ngôi nhà tranh ong ong màu khói, có ai nhớ đến người và xe thi công mấy ngàn ngày với khói bụi mù trời, mưa rừng ẩm ướt. Và chúng ta, những người đang sống từ miền xuôi đến vùng cao, đều có niềm tự hào chung là tài sản cha ông để lại đã được con cháu giữ gìn và tôn tạo đẹp hơn

Trần Đại - Phú Tuấn
.
.
.