Trên đỉnh "lôi đài"

Thứ Năm, 01/10/2020, 11:26
Cả thế giới đang hướng sự chú ý về Cleveland. 21h ngày 29-9 (giờ Ohio, tức 9h ngày 30-9 giờ Việt Nam), cuộc "so găng trực tiếp" đầu tiên giữa hai ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020- Donald Trump và Joe Biden - sẽ diễn ra ở đó.


Với những diễn biến sôi sục đang nối nhau xuất hiện trước bậc thềm cuộc tranh luận then chốt ấy, bất cứ ai cũng không muốn bỏ lỡ màn khởi đầu của "show diễn lớn nhất thế giới" này.

Tranh luận, một khái niệm rộng lớn

Trên lý thuyết, những cuộc tranh luận giữa các ứng viên Tổng thống Mỹ là cơ hội để cử tri hiểu hơn về tính cách, cách lãnh đạo của ứng viên, và định đoạt thắng thua trong một số cuộc bầu cử.

Năm 1960, lần đầu tiên nước Mỹ tổ chức tranh luận tổng thống, và bắt đầu từ năm 1976, hoạt động này được tổ chức vào mỗi mùa bầu cử. Năm nay, sẽ có ba cuộc tranh luận tổng thống diễn ra vào các ngày 29-9, 15-10 và 20-10.

Sáu chủ đề trong cuộc tranh luận đầu tiên là hồ sơ cá nhân của hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden, Tòa án Tối cao, kinh tế, đại dịch COVID-19, vấn đề chủng tộc và bạo lực ở các thành phố, và tính toàn vẹn của bầu cử. Cuộc tranh luận sẽ kéo dài 90 phút, và các ứng viên có 15 phút để tranh luận về mỗi chủ đề.

Theo giới chuyên môn, việc phân tích ảnh hưởng chính xác của các cuộc tranh luận đối với cử tri là rất khó, nhưng rõ ràng "chúng có ý nghĩa quan trọng". Bà Kathleen Hall Jamieson, Giám đốc Trung tâm Chính sách công Annenberg tại Đại học Pennsylvania, lý giải: "Đây là cơ hội duy nhất trong mùa bầu cử để so sánh hai ứng viên khi họ trả lời cùng một vấn đề tại cùng một nơi. Bạn có thể hiểu được tính khí và khả năng ứng biến của họ".

Ông Trump và ông Biden sẽ có cuộc “so găng trực tiếp” vào ngày 30-9.

"Ngoài việc cho cử tri thấy tính cách của các ứng viên, các cuộc tranh luận cũng nhấn mạnh với các cử tri Mỹ về những vấn đề nổi cộm, và giúp họ hiểu lập trường của các ứng viên" - Bill Benoit, giáo sư về nghiên cứu truyền thông tại Đại học Alabama ở Birmingham - nhận định. Theo ông, các nghiên cứu cho thấy những người xem tranh luận hiểu nhiều về các vấn đề hơn những người không xem. 

"Các cuộc tranh luận đúng là làm thay đổi lựa chọn bỏ phiếu của một số cử tri, nhưng thường là chúng khiến cử tri củng cố quan điểm về một chiến dịch hơn", Benoit nói. "Tranh luận không phải là yếu tố đơn lẻ định đoạt một chiến dịch sẽ thua hay thắng, nhưng nó chắc chắn củng cố hoặc làm suy yếu một chiến dịch".

Có thể nói, những cuộc tranh luận của các ứng cử viên tổng thống giúp cử tri có cơ hội tự mình dự đoán các ứng viên sẽ điều hành đất nước như thế nào. Cuộc tranh luận năm 1980 là một thí dụ điển hình. Khi đó, đương kim Tổng thống Jimmy Carter đưa ra được nhiều dữ liệu nhưng không thể kết nối với nhiều khán giả. 

Trong khi đó, Ronald Reagan, từng là diễn viên điện ảnh, thì ngược lại. Ông kể những câu chuyện nhằm tự kết nối mình với công chúng, dù không đi vào chi tiết. Những điểm mạnh và điểm yếu đó đã được phản ánh trong cách họ lãnh đạo đất nước. Reagan là một bậc thầy về phát ngôn tranh luận và ông đã đắc cử sau khi đặt câu hỏi: "Các bạn có khá giả hơn bốn năm trước không?".

Cuộc chơi cân não

Chiến thắng của Ronald Reagan năm 1980 kể trên hé mở một khía cạnh khác của các cuộc tranh luận tổng thống: Những ứng viên hoàn toàn có thể hủy diệt đối thủ của mình, hoặc ít nhất là khiến họ trở nên thảm hại trong mắt những người sẽ bỏ phiếu lựa chọn tổng thống của nước Mỹ, không phải là bằng sự vượt trội của các kế hoạch phát triển đất nước, mà bằng những chiêu thức mang màu sắc công kích cá nhân.

Thực tế, trong quá khứ gần, mới 4 năm trước thôi, những cuộc tranh luận giữa ông Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đã diễn ra theo cách ấy. Hai bên liên tục bới móc đời tư của nhau, làm sống dậy những cáo buộc về nhau, và thậm chí mạt sát nhau trước sự theo dõi của hàng chục triệu khán, thính giả toàn cầu. 

Ông Trump liên tục dọa bỏ tù bà Hillary Clinton vì bê bối sử dụng email riêng tư để xử lý công vụ; gọi đối thủ là "người đàn bà xấu xa" và "con rối". Trong khi đó, bà Hillary Clinton nhấn mạnh ưu thế của mình là người dày dặn kinh nghiệm chính trị trong khi Trump là "kẻ ngoại đạo" thiếu hiểu biết. Bà cũng xoáy sâu vào bê bối miệt thị phụ nữ của ông.

Cuộc tranh luận giữa ông Jimmy Carter và ông Ronald Reagan đã trở thành kinh điển khi các ứng viên sẵn sàng tìm mọi cách “hủy diệt” đối thủ.

Một chi tiết rất đáng nhớ: ông Donald Trump từng bị bà Hillary Clinton "kiện" vì sử dụng "chiến thuật hăm dọa". Ông đứng sau lưng cựu ngoại trưởng khi bà đang hướng về phía các khán giả trong khán phòng, khiến bà Clinton chỉ trích ông Trump "rình rập" để làm bà mất tinh thần.

Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là trong thế giới kỷ nguyên bùng nổ thông tin đã, đang và sẽ còn chịu ảnh hưởng ngày một nặng nề hơn bởi thành tựu công nghệ cũng như các hệ thống mạng xã hội, các cuộc tranh luận của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ cũng ngày một giàu các chiêu trò, thậm chí là các đòn "đánh dưới thắt lưng" được thực hiện công khai. Không phải ngẫu nhiên, bầu cử Tổng thống Mỹ từng được không ít nhà bình luận quốc tế danh tiếng xem là "show diễn có quy mô hoành tráng nhất thế giới". Nó mang trong mình đủ mọi yếu tố "hút khách" của một chương trình truyền hình thực tế giải trí.

Trong cuộc chơi ấy, trong show diễn trên đỉnh "lôi đài chính trị" nước Mỹ ấy, không có chỗ cho những người yếu bóng vía. Khả năng ứng biến để liên tục tấn công đối thủ, bẽ gãy những đòn công kích và quay ngược chúng trở lại để phản công trở thành điều kiện tiên quyết cho chiến thắng trong các cuộc tranh luận trực tiếp, dù những hành động ấy được thực hiện với màu sắc nào, "đường đường chính chính" hay "bất chấp thủ đoạn, cưỡng từ đoạt lý". 

Những kế hoạch hành động nghiêm túc được xây dựng cẩn thận và kỹ càng lui xuống hàng thứ yếu, dù chúng, với khả năng tác động trực tiếp để tạo nên những ảnh hưởng thiết thực nhất đến quyền lợi của mỗi cử tri, đặc biệt là các đại cử tri, mới là chìa khóa mở cửa Nhà Trắng. Và từ khía cạnh này, ở cửa ngõ Cleveland, Joe Biden đang là kẻ yếu thế.

Cơ hội nào cho ông Joe Biden?

22 ngày liên tiếp không xuất hiện nơi công cộng kể từ Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, ông Joe Biden đang khiến chính những người ủng hộ mình lo lắng. Trong khi đối thủ liên tiếp bay như con thoi khắp nơi để vừa xử lý "quốc gia đại sự" (công bố các quyết sách về chăm sóc sức khỏe hướng đến số đông, buộc giảm giá bán thuốc chữa bệnh như một cách thực thi lời hứa cải tổ y tế mà ông đã tuyên bố khi bắt đầu nhiệm kỳ) vừa gặp gỡ cử tri, thì ứng cử viên đảng Dân chủ bằng lòng với việc chỉ có 12 lần đi khỏi địa giới bang Delaware - nhà mình. Và trong những lần ít ỏi đó, ông thường chỉ xoáy sâu vào một điểm: Cách phản ứng yếu kém với đại dịch COVID-19 của chính quyền đương nhiệm.

Tệ hại hơn, tuổi tác cũng như những tố chất dân túy trong nội tại bản thân Joe Biden đang làm hại ông. Mới đây, trên mạng xã hội Mỹ lưu truyền một đoạn video hài hước do những người ủng hộ phe Cộng hòa thực hiện.

 Họ cắt ghép và thiết lập một cuộc tranh luận giả tưởng giữa "Joe Biden và Joe Biden", trong đó chính Joe Biden trước sau hàng chục lần tự phản bác chính các phát ngôn của mình - nghĩa là các quan điểm của mình- về mọi vấn đề quan trọng, từ bảo vệ môi trường đến hôn nhân đồng tính, từ gia tăng ngân sách cho cảnh sát đến triệt thoái quân đội khỏi Iraq, từ xây tường ngăn biên giới Mexico đến cải tạo phạm nhân…

Có lẽ vì thế mà ông Donald Trump, người hiểu rất rõ các chiêu trò truyền thông, người tiếp xúc với giới truyền thông hằng ngày, cũng là người từng trấn áp được cả cựu Ngoại trưởng Mỹ - đánh giá rất thấp đối thủ lần này. Có thể đó cũng là một chiêu trò "thị uy" khác nữa, nhưng cách ông Donald Trump yêu cầu ông Joe Biden cùng đi xét nghiệm sử dụng chất kích thích trước và sau cuộc tranh luận thực sự là một đòn cân não lợi hại. 

Nó góp phần hạ thấp vị thế của ông Joe Biden trong mắt các cử tri trung lập, và nó báo hiệu rằng tại Cleveland, ông Donald Trump sẽ làm mọi cách để ông Joe Biden - người hoàn toàn không giỏi về khoa hùng biện - phải "tối tăm mặt mũi".

Ông Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận trực tiếp năm 2016.

The New York Times nghi ngờ: "Hạ thấp Joe Biden, liệu Donald Trump có rơi vào bẫy của chính mình?", như một cách cố gắng củng cố niềm tin cho những người ủng hộ đảng Dân chủ, rằng ứng viên của họ đang ẩn nhẫn chờ đợi thời cơ. 

Có điều, như chính bà Hillary Clinton chỉ ra,  ông Trump sẽ cố gắng khiến ông Biden phân tâm và áp dụng các "chiêu trò" truyền thông, như ông đã làm ngay trước cuộc tranh luận thứ hai với Clinton năm 2016. Ông tổ chức một cuộc họp báo bất ngờ với 4 phụ nữ đã cáo buộc cựu Tổng thống Bill Clinton tấn công tình dục và mời họ xem tranh luận trực tiếp.

Người ủng hộ ông Biden lo lắng ông có thể mất bình tĩnh nếu bị ông Trump xoáy sâu vào vấn đề gia đình. Cùng với tuổi tác, đó sẽ là những chủ đề khiến ông Joe Biden dễ mất bình tĩnh nhất.

Có lẽ bởi vậy, nếu như ông Joe Biden phải tổ chức "diễn tập tranh luận" với một Donald Trump giả, thì ông Donald Trump lại chỉ tập trung vào việc những đòn công kích nào sẽ được tung ra và tung ra như thế nào.

Thiên Thư
.
.
.