Treo số phận trên những bãi thải than

Thứ Năm, 14/01/2016, 12:00
Cuộc sống bao đời dựa vào nông nghiệp, vậy mà bãi thải than ngày một mở rộng và "nuốt chửng" đất của người dân xã Phúc Hà (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Dù được đền bù nhưng hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh không nghề nghiệp, không đất mưu sinh. Hằng ngày họ phải đánh đu số phận mình trên những bãi thải than của Công ty than Khánh Hòa. Nguy hiểm luôn rình rập, treo lơ lửng ngay trên đầu các hộ dân mỗi khi mùa mưa bão đến, trong khi phương án di dời vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền tính đến.


Nguy hiểm nghề mót than

Ở xã Phúc Hà này ngoài mỏ than ra chẳng còn gì khác. Đất nông nghiệp vốn cằn cỗi nay nhiều diện tích cũng bị thu hồi phục vụ cho việc đổ thải của mỏ than Khánh Hòa. Cái ngày mà người ta về đây khai thác than, người dân ai nấy cũng mừng thầm trong bụng. Nào là họ về sẽ mang công ăn việc làm cho bà con, rồi sẽ có cơ hội phát triển kinh tế.

Quả đúng như vậy, người ta hứa sẽ đào tạo người dân để trở thành những công nhân. Những hộ gia đình cứ có 750m2 đất nông nghiệp bị thu hồi làm bãi thải sẽ có 1 suất được làm trong nhà máy. Chính bản thân ông Nguyễn Quốc Tuấn Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho hay: "Ban đầu công ty cũng đào tạo công nhân để vào mỏ làm. Tuy nhiên, mỏ lộ thiên ngày càng cạn kiệt, các công nhân dần phải khai thác dưới hầm".

Những người cao tuổi lo lắng cho những thế hệ sau ở đây.

Đất không còn, nghề nghiệp thì không, rất nhiều người buộc lòng phải bám trụ với nghề mót than, dù biết là vô cùng nguy hiểm. Vừa lau mồ hôi vừa thở, chị Nguyễn Thị Minh (xóm 8) nói không thành tiếng: "Bọn chị chẳng có nghề ngỗng gì nên đành phải làm thôi. Vất vả lắm, nguy hiểm mà cũng chẳng được bao nhiêu".

Gia đình chị Minh cũng thuộc diện được đền bù, tuy nhiên số tiền mà gia đình chị Minh nhận chẳng thấm vào đâu so với 5 nhân khẩu. Mua đất, xây ngôi nhà nho nhỏ coi như bay sạch. Chẳng phải nói ai cũng biết nghề mót than ở đây nguy hiểm đến mức nào. Chuyện chết người cũng đã từng xảy ra, còn việc gãy chân, bị thương gần như không tránh khỏi. Chị Minh vén bắp chân bị than bám đen kịt nói: "Chị mới bị đá lăn vào đây, cũng may là chỉ bị nhẹ, nếu hôm đó hòn đá lăn thẳng vào chân chắc gãy tan. Chuyện anh em ở đây bị đá lăn, trượt chân ngã chảy máu chân tay là thường tình".

Được biết, để đảm bảo an toàn các bãi thải, mỏ than nghiêm cấm người lạ đến gần, nhưng những người dân vì mưu sinh vẫn liều mình tìm mọi cách để vào nhặt than rơi vãi. Chị Minh cho hay, để vào được bãi thải nhặt thì phải "làm luật" với bảo vệ của công ty. Mỗi bao than phải nộp cho bảo vệ 10 nghìn, 20 nghìn đồng tùy theo khối lượng. Có như vậy bảo vệ mới "xé vé" cho vào. Tuy nhiên người dân phải chọn thời điểm buổi trưa hoặc ban đêm để tránh ánh mắt của lãnh đạo mỏ.

Chị Minh cho hay, việc bị thương là không tránh khỏi của nghề mót than.

Theo như những người dân chuyên đi mót than ở đây, họ không kể ngày hay đêm, sớm hay muộn, hễ có xe chở thải từ mỏ là đến. Nghề mót than như thể đi câu, hôm nào may mắn thì được nhiều, cũng có thể phải về tay không.

Câu chuyện cho cá mất cần ở đây chẳng phải là chuyện hiếm. Ông Nguyễn Văn Đức (75 tuổi, người dân xóm 8, xã Phúc Hà) chia sẻ: "Cả đời người dân chúng tôi dựa vào nông nghiệp, dựa vào mỏ than. Đúng là lấy đất của dân thì phải đền bù, nhưng số tiền đền bù đó đáng kể gì, người dân còn phải sống lâu dài, đời này sang đời khác nữa chứ. Số tiền đó đền bù được cả sức khỏe, tính mạng của người dân sao? Ngày nào chúng tôi cũng phải hứng bụi mịt mù từ bãi thải, cũng phải nơm nớp lo sợ bãi thải đổ ập xuống. Chúng tôi được cá mà không có cần thì thế hệ sau kiếm gì ăn?

Sống sợ hãi dưới chân núi

Xã Phúc Hà chỉ cách thành phố Thái Nguyên khoảng 10km nhưng chẳng mấy ai tha thiết vào miền đất này. Con đường vào đến trung tâm xã được người ta ví là "con đường đau khổ". Chỉ cần một trận mưa nhỏ thôi cũng trở nên lầy lội, trời khô thì phủ một lớp bụi đen kịt của bùn than. Giữa trưa nắng ở đây chỉ có những người làm nghề mót than, bịt kín mặt, chỉ để lộ đôi mắt sáng, cơ thể đen nhẻm. Hàng chục ngôi nhà nằm hoang lạnh, đổ nát, cỏ dại mọc um tùm.

Xe máy của những người mót than nằm la liệt bên lề đường.

Tại tỉnh Thái Nguyên, ngoài mỏ than Khánh Hòa còn có khá nhiều mỏ than khác như Phấn Mễ, Núi Hồng cũng ở trong tình trạng báo động. Cách đây không lâu xảy ra sạt lở bãi thải của mỏ than Phấn Mễ thuộc xóm Khuôn I, xã Phúc Linh (huyện Đạ Từ) khiến người dân tại mỏ than Khánh Hòa, Núi Hồng không khỏi hoang mang. Vụ lạt lở mỏ than Phấn Mễ khiến hàng triệu mét khối đất đá vùi lấp 6 người dân và 14 ngôi nhà chân núi. Sau sự việc đáng tiếc này tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo phải lập kế hoạch di dời những hộ dân sinh sống tại khu vực chân bãi đổ thải của các mỏ than trong tỉnh, nhất là những hộ dân được đánh giá là nằm trong vùng cực kỳ nguy hiểm của bãi thải.

Xã Phúc Hà nằm trong khu vực khai thác và bãi đổ thải lớn nhất của mỏ than Khánh Hòa. Ông Nguyễn Đức Tuấn, chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho hay: "Diện tích đất xã Phúc Hà rộng 6,48km2 nay bãi đổ thải than đã chất thành núi, chiếm trọn gần 3km2. Khi mở rộng bãi đổ thải phía Nam (thuộc Dự án GPMB phục vụ đổ thải giai đoạn II), mỏ than Khánh Hòa xin thu hồi 27,2ha đất tại xã Phúc Hà và phải di dời 224 hộ dân bị ảnh hưởng. Nhiều cơ quan hành chính của xã Phúc Hà cũng phải di dời vì nguy cơ sạt lở bãi thải.

Đến hết quý I-2015, chủ đầu tư đã bàn giao trụ sở công trình cho các cơ quan hành chính xã Phúc Hà và 3 trường học đi vào hoạt động ổn định, giao đất tái định cư cho 64 hộ trong diện phải di dời có nhu cầu xin đất tái định cư". Theo theo thống kê của chính quyền địa phương hiện vẫn còn gần 100 hộ đang sinh sống cách chân núi thải khoảng 100 đến 200m, rất khó di dời trong ngày một ngày hai. Nhiều đoạn đường dân sinh nằm trong khu vực bãi đổ thải rất khó lường nếu có mưa lũ.

Điều nguy hiểm hơn, theo quy định bãi đổ thải có độ cao 190m, nhưng hiện nay bãi đổ thải ở Phúc Hà có nơi cao tới 300m. Bên cạnh đó theo phản ánh của người dân, quy định khoảng cách từ nhà dân đến chân bãi thải là 200m, tuy nhiên còn rất nhiều nhà khoảng cách chỉ là 20m. Ông Dương Thanh Bình chỉ về phía ngôi nhà mình: "Cô chú nhìn xem, nhà tôi chỉ cách chân bãi thải khoảng 20m. Chỉ nghe tiếng ồn khi người ta đổ đất đá thôi cũng đủ sợ, chưa nói đến việc bụi bặm… nhỡ không may nó sụt lún đổ xuống nhà thì không biết tính sao?".

Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Luyện (xóm 13) nằm sát núi than khổng lồ chia sẻ: "Cơ man nào là khổ! Mùa hanh đến thì bụi mù mịt không nhìn thấy mặt nhau. Mở nồi cơm ra cũng có bụi, ăn cơm là phải đóng kín cửa, chỉ hé ra thôi là bụi than bay vào. Tôi mới chuyển về đây được 5 năm nhưng đã bị bệnh phổi rồi, người yếu chẳng làm gì được".

Những người làm nghề mót than phải “làm luật” với bảo vệ mới mong được vào bãi.

Ngôi nhà ông Luyện chỉ nằm cách núi bãi thải vài chục mét, chỉ một lúc lại nghe tiếng ầm ầm từ xe tải đổ cả chục tấn đất đá, rơi ầm ầm xuống tận chân núi. Chuyện ô nhiễm gần như là chuyện tất nhiên bà con ở đây phải hứng chịu, lo lắng nguy cơ sạt lở mới là điều đáng lo ngại. Ông Luyện cho biết thêm: "Mùa khô chúng tôi còn yên tâm ở nhà, chứ đến mùa mưa, mỗi trận mưa to cả nhà phải chuyển về ông bà ngoại ở. Biết đâu nửa đêm nó lở đất đá xuống thì chạy sao kịp".

Nhiều năm nay chỉ cần một trận mưa kéo dài khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ nhiều hộ dân nằm cạnh con suối sẽ bị cô lập hoàn toàn, do con đường cạnh chân núi thải than ngập úng không vào ra được. Để ứng phó với việc này UBND xã có trang bị cho các hộ gia đình trong khu này một chiếc xuồng để đưa các cháu học sinh đến trường.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho biết: "Đúng là hiện nay có rất nhiều người dân đang sống bằng nghề mót than trên các bãi thải. Chúng tôi có kết hợp với công ty than Khánh Hòa đào tạo người dân để trở thành công nhân mỏ than. Tuy nhiên mỏ than lộ thiên ngày càng cạn kiệt, công ty phải khai thác sâu xuống lòng đất, người dân đã không còn tha thiết trở thành công nhân mỏ nữa.
Việc đi mót than của bà con là rất nguy hiểm, tuy nhiên rất khó để ngăn chặn bởi bao nhiêu năm nay người dân đã sống dựa vào nghề này rồi. Khu vực tái định cư cũng đang hoàn thiện, đã lắp đặt xong đường điện, san đường, tuy nhiên nguồn nước thì vẫn chưa được làm phục vụ nhân dân. Chúng tôi thường xuyên có những kiến nghị lên lãnh đạo cấp trên để sớm hoàn thiện cho nhân dân ổn định".
Phong Anh
.
.
.