Triệt phá đường dây làm bằng giả cực lớn

Chủ Nhật, 17/04/2016, 15:43
Một đường dây làm bằng giả quy mô cực lớn hoạt động với hàng chục máy in màu, máy scan, laptop, hàng trăm bằng giả thành phẩm và gần 10 nghìn phôi bằng, chứng chỉ các loại, con dấu cùng "công suất" sản xuất 20 bằng cấp, chứng chỉ giả mỗi ngày, thu lợi bất chính hơn 100 triệu đồng/tháng, vừa bị Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an triệt phá, tạm giữ 10 nghi can để điều tra về hành vi "Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức".


Đặt mua hàng ngàn phôi bằng giả từ Trung Quốc

Ngày 13/4, Cục C45, Cục Cảnh sát kinh tế (C46), Bộ Công an, phối hợp cùng Công an TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bến Tre đã thực hiện lệnh tạm giữ, khám xét các đối tượng có hành vi "Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức".

Theo đó, việc bắt giữ, khám xét diễn ra tại 8 điểm trên địa bàn các tỉnh, thành trên, đối với các đối tượng: Lê Tấn Cường (30 tuổi, quê ở Bình Định), Lữ Minh Trí (31 tuổi, ngụ Quảng Ngãi), Lữ Minh Tâm (26 tuổi, em Trí), Hồ Thị Thanh Vy (29 tuổi, ngụ Bến Tre), Trần Tư Dũng (55 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), Lê Minh Tuấn (24 tuổi, ngụ Bình Định), Trần Văn Long, Lưu Thành Lam (54 tuổi), Vũ Công Lưu (31 tuổi, cùng ngụ Vĩnh Long, cháu Lam), Tạ Xuân Thủy (26 tuổi, ngụ quận 9) và Nguyễn Anh Tuấn (32 tuổi, quê Hà Tĩnh).

Công an lấy lời khai của Lữ Minh Trí.

Đặc biệt, tại địa điểm khám xét nơi ở của Lữ Minh Trí trong chung cư C6, đường Man Thiện, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP Hồ Chí Minh, lực lượng Công an đã thu giữ hàng trăm bằng giả, phôi giả, tem giả, con dấu giả… của các cơ quan tổ chức được đóng trong các thùng giấy.

Cơ quan điều tra xác định, Cường là đối tượng cầm đầu đường dây làm giả tài liệu, con dấu này. Các đối tượng khác có nhiệm vụ làm theo chỉ đạo của Cường để trực tiếp sản xuất, giao dịch và giao văn bằng đã thành phẩm cho người mua.

Thủ đoạn của băng nhóm này là sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber để quảng cáo rao nhận làm các loại bằng cấp, chứng chỉ, ngoại ngữ, kể cả các bằng thạc sĩ, tiến sĩ, hộ khẩu, với giá từ 1,5 tới 7 triệu đồng/loại bằng cấp, giấy tờ. Trong đó, có thể kể như bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT các loại giá 5 triệu - 7 triệu đồng/cái; chứng chỉ Toeic IIG quốc tế cấp giá 5 triệu - 7 triệu đồng/cái; chứng chỉ Anh văn châu Âu A2, B1, B2, C1, C2 giá 5 triệu - 7 triệu đồng/cái. Ai làm số lượng nhiều sẽ có giá ưu đãi. Điều đáng nói tất cả các loại bằng này khách đặt hàng có thể lấy chỉ trong 1 giờ.

Đặc biệt, nhóm này còn lập nguyên một trang web bán bằng giả và đăng những bài quảng cáo trên trang này. Theo đó, trên trang web của Cường, Cường rao, "dịch vụ làm bằng đại học, cao đẳng uy tín, dễ dàng, bảo mật và chất lượng". Những đối tượng trong đường dây này cũng cam kết mẫu giống bằng thật đạt 100%, tem 7 màu, mộc giáp lai nổi và mộc đóng.

Đối tượng Cường tại cơ quan Công an.

Để tạo niềm tin với khách hàng, nhóm này đăng công khai số điện thoại và email để khách có nhu cầu liên hệ, và cũng có thể gặp mặt trực tiếp nhóm này để giao dịch. Tuy nhiên, cách thức giao dịch của nhóm này với "khách hàng" đa phần là qua mạng internet, điện thoại, ít khi giao dịch trực tiếp với khách hàng. Các đối tượng trong đường dây cũng hạn chế liên lạc qua số điện thoại sử dụng chính mà thường xuyên sử dụng sim rác sau mỗi lần giao dịch đặt hàng hay giao nhận hàng và không cho biết địa điểm thường xuyên lưu trú.

Địa điểm sản xuất bằng giả được Cường chọn ngay trong căn hộ ở chung cư C6 - khu công nghệ cao. Mỗi ngày, đường dây này sản xuất từ 10-20 giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ và thu lợi hàng chục triệu đồng.

Theo lời khai ban đầu của các đối tượng tại cơ quan Công an, nếu khách hàng có nhu cầu làm bằng thì Cường sẽ nhận và chỉ đạo các đàn em trong nhóm sản xuất bằng. Chỉ sau 1 giờ đồng hồ sẽ cho ra một tấm bằng, chứng chỉ như khách yêu cầu.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy tổng số bằng cấp, chứng chỉ giả do nhóm này sản xuất, bán ra ngoài là hàng ngàn đơn vị. Đáng nói là có nhiều khách hàng đã mua cả bằng tốt nghiệp Đại học Y. Thậm chí, chúng còn làm bằng theo yêu cầu của khách hàng gửi mẫu đến nên đã có hàng ngàn người đã đặt mua hàng từ đường dây chuyên "sản xuất" các loại văn bằng giả, chứng chỉ giả này.

Ngoài ra, để phục vụ cho việc phạm pháp của mình, Cường còn khai nhận, đã trực tiếp đặt mua hàng ngàn phôi bằng giả từ Trung Quốc. Số hàng này thường được vận chuyển qua đường tiểu ngạch để vào nội địa Việt Nam, sau đó giao cho các đối tượng sản xuất.

Để che giấu hoạt động phạm tội của mình, các đối tượng mở công ty, doanh nghiệp in ấn, doanh nghiệp dịch vụ kinh doanh như: Lưu Thành Lâm mở Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ Thiện Lâm (phường Phú Trung, quận Tân Phú), Lê Tấn Cường mở công ty dịch vụ tư vấn mua bán nhà đất; mua bán các loại điện thoại di động…

Thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng/tháng

Trước đó vào đầu năm 2015, các trinh sát của Cục C45 phát hiện nhiều trang web có tên miền như lambangcap.com, loantin.com… quảng cáo rầm rộ công khai dịch vụ làm các loại bằng cấp giả từ trung cấp đến tiến sĩ, các chứng chỉ ngoại ngữ…, cam kết sử dụng phôi thật, mộc giáp lai, tem thật, uy tín và tin cậy. Khách hàng làm số lượng nhiều sẽ được giảm giá.

Đánh giá đây là một đường dây làm bằng giả quy mô cực lớn, Phòng 4, Cục C45 đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và Cục C45 để xác lập chuyên án đấu tranh vào tháng 2-2016.

Tang vật của vụ án là hàng ngàn phôi bằng, con dấu giả thu giữ tại nơi ở của các đối tượng.

Qua điều tra, theo dõi, trinh sát nhận thấy các nghi can rao bán bằng cấp công khai, nhưng các thủ đoạn tiếp nhận thông tin; giao nhận tiền thì rất tinh vi, bí mật. Khách hàng có nhu cầu liên hệ với số điện thoại đăng trên trang web, rồi gửi thông tin cho các nghi can qua hòm thư điện tử. Sau đó nhóm nghi can này sẽ giao "hàng" tại các địa điểm bất kỳ như quán cà phê, cửa hàng tạp hóa… do chúng chủ động đề ra nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Đối với khách hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các đối tượng giao bằng mới nhận tiền. Các khách hàng ở các tỉnh, thành khác, việc trao đổi mua bán các loại văn bằng giả, chứng chỉ giả được gửi qua đường bưu điện. Khách hàng phải chuyển tiền vào một tài khoản do chúng thông báo, sau đó mới chuyển bằng về qua đường bưu điện. Các đối tượng sử dụng tài khoản của nhiều người khác ở các ngân hàng khác nhau nhằm thu lợi bất chính số tiền hàng trăm triệu đồng/tháng.

Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 13/4, Cục C45 và Cục C46 đã phối hợp cùng Công an TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bến Tre thực hiện lệnh bắt, khám xét các đối tượng tại 8 điểm trên địa bàn các tỉnh, thành trên để làm rõ quy mô hoạt động của đường dây này.

Riêng về nhân thân của đối tượng cầm đầu Lê Tấn Cường, cơ quan điều tra cho biết Cường từng tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin thuộc Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh nhưng không xin được việc làm. Vì thế, Cường trở nên chán nản và ăn chơi lêu lổng hàng quán với đám thanh niên hư hỏng. Để đường dây này có thể hoạt động được, Cường đã chiêu nạp nhiều "đàn em" tham gia đường dây. 

Trong đó, Trí là trợ thủ đắc lực chuyên sản xuất bằng giả cung cấp cho Cường. Thấy ngon ăn, Trí đã đưa cả em ruột của mình tham gia vào đường dây. Đa số các đối tượng này đều là người có trình độ cử nhân, hiểu biết về công nghệ thông tin… Chính nhờ hành vi phạm pháp này, đến nay Cường đã mua được nhà, xe hơi.

Đại úy Lường Tiến Quân, Phó Trưởng phòng 4, Cục C45, cho biết, đường dây này làm giả mọi loại bằng cấp mà khách hàng có nhu cầu, chỉ cần khách hàng gửi thông tin và mẫu bằng. Số lượng khách đặt hàng cũng rất lớn, lên tới hàng chục lượt mỗi ngày. Không chỉ làm bằng, các đối tượng còn "bảo lãnh" công chứng những bằng cấp giả cho khách hàng nên họ gần như tuyệt đối tin tưởng vào hoạt động của đường dây này.

"Trong suốt quá trình đeo bám, các trinh sát cũng gặp không ít khó khăn. Có lúc phát hiện bị động, Cường đã chỉ đạo đồng bọn ngưng hoạt động một thời gian. Mặt khác, việc mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả trao đổi diễn ra trên phạm vi toàn quốc và đối tượng thường xuyên thay đổi nơi ẩn nấp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên trì đeo bám đối tượng ở địa bàn trọng điểm TP Hồ Chí Minh vì nơi đây có nhiều người có nhu cầu mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả và việc trao đổi mua bán diễn ra trực tiếp", Đại úy Lường Tiến Quân cho biết thêm.

Hiện vụ việc đang được C45 mở rộng điều tra, truy xét các đối tượng có liên quan, đồng thời tiếp tục xác minh, truy tìm "nơi đến" của những chiếc bằng giả này.

Phú Lữ - Đức Mừng
.
.
.