Triều Tiên nuôi tảo làm nhiên liệu và thực phẩm

Thứ Bảy, 04/11/2017, 11:47
Trong bối cảnh đang bị bủa vây bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế, các nhà quan sát tin rằng CHDCND Triều Tiên đang bị thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu và thực phẩm nghiêm trọng.


Để đối phó với tình hình khó khăn này, Bình Nhưỡng từ lâu đã có một bước chuẩn bị ít ai ngờ tới: Đó là nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tảo.

Tiềm năng lớn

Theo trang web chuyên theo dõi Triều Tiên, 38north.org, kể từ đầu năm 2008, quốc gia này đã phát triển nhiều cơ sở nghiên cứu, chẳng hạn như các ao nuôi cấy và các hệ thống nuôi trồng thuỷ sản. Thời gian gần đây, những cơ sở quan trọng này càng được phát triển mạnh hơn.

“Ngành tảo có thể dần dần giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp trừng phạt đối với nguồn cung cấp năng lượng và an ninh lương thực của đất nước”, báo cáo của 38 North viết.

Sau khi được chế biến, tảo chứa hàm lượng protein cao nên có thể được sử dụng làm thực phẩm bổ sung và phân bón. Vì vậy "Không có gì ngạc nhiên khi Chính phủ Triều Tiên đang phát triển hàng ngàn ao nuôi tảo ở nông thôn, mở ra ngành sản xuất tảo với quy mô rộng lớn và tinh vi hơn. Các loại tảo giống nhau chứa khoảng 20% lipid, có thể được chế biến thành nhiên liệu sinh học. Nếu gia tăng sản lượng và năng suất gấp 100 lần, sản lượng dầu sinh học từ tảo có thể đáp ứng 6,5% ước tính của Hàn Quốc năm 2014 về nhu cầu nhiên liệu của Triều Tiên", theo 38 North.

38 North ước tính CHDCND Triều Tiên có thể sản xuất được 2.851 tấn sinh khối tảo mỗi năm tại 9 cơ sở trên toàn quốc. Chúng chứa khoảng 1.425,5 tấn khối lượng dinh dưỡng và có thể được chuyển đổi thành tương đương 4.075,6 thùng dầu. "Với tiềm năng sản xuất nhiên liệu từ tảo, Bình Nhưỡng đang nghiên cứu kỹ hơn để xem liệu các cơ sở này trong tương lai có thể đáp ứng yêu cầu an ninh quốc gia hay không", 38 North viết.

Vẫn là hạ sách

Từ trước đến nay, CHDCND Triều Tiên phụ thuộc nặng vào nhập khẩu nước ngoài về nhiên liệu và thực phẩm, đặc biệt là Trung Quốc. Trung Quốc chính là đối tác thương mại chủ chốt của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, kể từ tháng 9 vừa qua, dưới sức ép của quốc tế, Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu sản phẩm dầu tinh lọc sang Triều Tiên.

Đại sứ Mỹ Robert Wood trước Ủy ban Giải trừ quân sự của Đại hội đồng LHQ.

Các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên gồm: cấm nhập khẩu tất cả các loại khí đốt tự nhiên lỏng và nén, hạn chế nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ, xuất khẩu hàng dệt may và cấm các quốc gia cấp giấy phép làm việc mới cho công dân Triều Tiên.

Đại sứ Mỹ Robert Wood phát biểu trước Ủy ban Giải trừ quân sự của Đại hội đồng LHQ hôm 22-10 rằng Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để “gây sức ép tối đa về kinh tế và ngoại giao đối với chế độ Bình Nhưỡng, buộc các nhà lãnh đạo Triều Tiên phải thay đổi lộ trình và tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa”. 

Ông Robert Wood nói: "Triều Tiên sẽ không đạt được an ninh hay sự thịnh vượng mà họ tìm kiếm, trừ phi họ đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của mình".

Như vậy, con đường bền vững và tốt nhất cho Triều Tiên vẫn không phải là phát triển ngành tảo hay các biện pháp đối phó trừng phạt, mà quan trọng nhất vẫn chính là tuân thủ “luật chơi” của cộng đồng quốc tế.

Kim Thu
.
.
.