Trở lại làng Rêu

Thứ Hai, 06/06/2016, 18:35
Sau biến cố "bệnh lạ" càn quét, làng Rêu (xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi) giờ đã hồi sinh. Những mái nhà dưới chân núi Cà Bia không còn tiếng nỉ non ai oán. Người làng Rêu vui mừng không sao kể xiết, họ đã ra đồng làm ruộng, lùa trâu lên rừng và thoải mái vục đầu bên con suối đầu làng tắm mát mà không sợ căn bệnh quái ác ám vào người.  


Cơn lốc "bệnh lạ"

Già làng Phạm Văn Đang lao ra từ căn nhà sàn vách gỗ, đôi chân khỏe khoắn của già sải những bước dài chắc nịch rồi vỗ bôm bốp vào ngực để tỏ rõ niềm vui. Già chỉ tay về phía ngọn đồi V'Rang sừng sững xa mờ, nói: "Nó (bệnh lạ) chạy vào núi kia rồi, không quay lại nữa đâu. Giờ dân làng mình an tâm, không phải sợ nữa".

Già dẫn chúng tôi tới nhà anh Phạm Văn Trót, một nạn nhân của cơn đại dịch bệnh lạ. Nhà Trót nằm kề bên con suối nhỏ, xung quanh được bao bọc bởi những hàng cau cao vút.

Cư dân Ba Điền vui vẻ sau cơn lốc bệnh lạ.

Năm 2012, vợ anh Trót là Phạm Thị Triêu (33 tuổi) đã bị bệnh lạ bắt đi, bỏ lại chồng và hai đứa con thơ. Ngày đó, gia đình anh Trót có 5 người bị mắc bệnh lạ, sự sợ hãi và hoang mang bao trùm khắp ngôi làng nhỏ. Chị Triêu chết, anh Trót gào khóc lăn xả đòi chết theo vợ.

Nỗi đau để lại cho người đàn ông quá lớn, nhìn hai đứa con đói bẩn, có nguy cơ bệnh lạ xâm nhập, anh vùng dậy bồng bế hai con chạy vào rừng lánh nạn. Ngôi nhà có người chết vì bệnh lạ không ai dám bước chân vào, giường chiếu, quần áo hoang mốc, chẳng khác nào một đống rác đã bốc mùi.

Trâu bò, gà lợn Trót xua hết vào rừng, sau khi được động viên quay trở về làng, gia sản nhà Trót còn đúng con bê. Trót gom hết đồ vật trong nhà chất thành đống mang ra ven suối đốt, như đốt nỗi đau và quá khứ tang thương đã ám vào gia đình.

Cạnh nhà Trót còn cái nền xi măng hoen gỉ gạch đất, chứng tích hoang tàn của một gia đình nạn nhân bệnh lạ. Đó là nhà của hai chị em Phạm Thị Pông và Phạm Thị Dút, đã chết trong cơn lốc bệnh lạ từ những ngày đầu tiên nó tràn về làng. Ngày ấy, Pông đang học lớp 9 còn Dút học lớp 7.

Bệnh lạ ập đến quá bất ngờ, hai đứa trẻ đang khỏe mạnh tự nhiên da dẻ xù xì nổi vảy nến, tóe máu, rỉ mủ. Vài ngày sau thì rụng hết lông mày, mi mắt, suy kiệt sức khỏe rồi tử vong. Không ai nghĩ đó là một căn bệnh quái ác, dân làng cho rằng nhà này đã phạm tội với thần linh nên bị trừng phạt.

Họ mổ heo, mổ bò và mời thầy cúng về tạ tội với Giàng. Thầy cúng vừa rời khỏi làng thì bệnh lạ bùng phát trên diện rộng, chẳng ai kịp trở tay. Những con bệnh nằm rã rời, thều thào, vật vã giữa nhà, tay chân nổi u nhọt, da dẻ sần sùi, bong tróc, ruồi nhặng từ chuồng trâu, chuồng bò dưới gầm sàn kéo đến đục khoét làm tổ khiến bệnh càng trở nặng.

Làng Rêu bao năm nay sống hiền hòa với thiên nhiên, chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh vành khăn tang trắng trời như những ngày bệnh lạ tràn về. Không một gia đình nào tránh khỏi, trốn tận vào rừng sâu vẫn bị, dân làng Rêu hoang mang, sợ hãi tột cùng.

Những ngày này, cung đường gồ ghề từ UBND xã Ba Điền vào làng Rêu tiếng xe cứu thương hú còi thảm thiết, ngày nào cũng vài chuyến vào ra, đưa người bệnh đi cấp cứu lại chở người bệnh về nhà chờ chết. Hàng chục lượt chuyên gia y tế từ, Trung ương về, rồi các ban ngành, đoàn hội, tổ chức cứu trợ, cả đất nước hướng về làng Rêu.

Người làng Rêu không dám bước ra khỏi nhà, ăn hết gạo cứu đói đến gạo từ thiện, không còn nữa thì ăn ngô, ăn sắn và rau vườn chứ nhất quyết không chịu ra khỏi làng, họ sợ "con ma bệnh" bắt đi bất cứ lúc nào.

Triền miên trong sợ hãi, cho đến một ngày thầy cúng hoảng loạn bỏ chạy khỏi làng, trâu bò đói ăn phá chuồng chạy cả vào bếp, leo cả lên giường rồi giẫm nát những nương hoa màu chưa kịp thu, thì người làng Rêu mới chịu vùng dậy đi tìm nguồn cơn con bệnh.

Những người còn khỏe lên rừng hái thuốc về đắp, uống theo cách chữa dân gian từ ngàn đời của tổ tiên. Anh Phạm Văn Tiếng phân tích: "Vào năm 2005, làng Rêu xảy ra đại dịch, trâu bò, lợn gà chết lũ lượt ở bờ suối, giữa cánh đồng, chết đến nỗi làm thịt ăn không kịp. Dân làng sử dụng nước suối nấu ăn, sinh hoạt và tắm rửa. Nếu nguyên nhân từ môi trường, từ nguồn nước thì phải bị lâu rồi chứ gần chục năm mới phát tác thì vô lý".

Già Phạm Văn Đang rít một hơi thuốc rê thật dài, rồi chỉ ra ngọn núi V'Rang nhận định: "Phía đó những năm chiến tranh, quân Mỹ giội bom oanh tạc dữ dội, sau đó thì đổ chất hóa học trắng rừng.

Sau giải phóng, người dân đi làm rẫy phát hiện được nhiều quả bom chưa nổ và nhiều thùng hóa học rỉ nước vàng ố. Nhưng nếu đổ cho chất hóa học thì không phù hợp với khoa học cho lắm, vì dân làng bị bệnh ngoài da, lâu dần ăn vào nội tạng dẫn đến suy kiệt".

Hồi sinh trong ám ảnh

Ánh mắt rạng ngời của bà Phạm Thị Cói trên cánh đồng lúa như một tia nắng ấm áp, lấp lánh niềm tin về sự hồi sinh ở làng Rêu. Bà Cói là một trong những "con bệnh" nặng nhất trong đợt dịch năm đó. Phát bệnh chỉ một thời gian ngắn, bà Cói rụng hết lông mày, mắt sụp xuống, miệng lồi ra những cục u thịt đỏ lòm, tay chân bà lở loét, mùi máu mủ bốc ra kinh khủng.

Cán bộ y tế thường xuyên về làng khám bệnh, phát thuốc cho bà con.

Không ai dám đến gần bà, kể cả người nhà. Bà nằm như một cái xác chết, xương sườn tua tủa như lá tre, hơi thở chỉ có ruồi muỗi nghe được, nhận định bà không thể sống nổi nên gia đình đã chuẩn bị "nhà" cho bà ở rừng ma. Xe cứu thương về chở bà đi bệnh viện với hy vọng "còn nước còn tát".

Bà được bác sĩ theo dõi liên tục, lọc máu thường xuyên, dùng các loại thuốc khả dụng nhất. Sức khỏe bà Cói tiến triển lên từng ngày, hơn hai tháng tích cực điều trị, vết thương khô lại không chảy mủ nữa và sức khỏe bà Cói hồi phục nhanh chóng.

Bà Cói xuất hiện tại làng, da dẻ lành lặn, lông mày đen trở lại, miệng không sưng khiến dân làng ngỡ ngàng. Bà Cói thực hiện chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ, sống sạch sẽ hơn trước, không uống nước suối nên mấy năm rồi không thấy "con bệnh" quay về.

Làng Rêu hồi sinh nhưng ám ảnh về bệnh lạ thì vẫn còn đó, kéo dài nỗi đau cho những người ở lại. Nhiều đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống nương nhờ vào anh em họ hàng. Ngày mẹ chết, Phạm Thị Hạ mới được 18 tháng tuổi, khóc ngằn ngặt đòi sữa, bà ngoại phải bế cháu đi khắp làng xin sữa những người mẹ khác.

Mang tiếng là con của người chết vì bệnh lạ, họ sợ lây nên không ai dám cho, đứa bé khóc lịm đi, tưởng không qua khỏi thì gặp được đoàn bác sĩ về cho bé một thùng sữa cứu đói. Nay Hạ đã lên 6 tuổi, nhưng còi cọc như đứa trẻ lên ba do thiếu ăn.

Mồ côi đâu chỉ có những đứa trẻ, cái chết đâu chỉ đến với những người lớn, trong bản danh sách người chết vì bệnh lạ ở làng Rêu còn có tên những em bé như, Phạm Ngọc Nhi (2 tuổi), Phạm Văn Thuận (5 tuổi), Phạm Văn Sâm (4 tuổi)… được cuốn chiếu lẳng lặng đưa lên "rừng ma", để lại sự giằng xé khôn nguôi cho bậc sinh thành.

Bệnh lạ càn qua, "quét" mất hai đứa con của vợ chồng anh Phạm Văn Đáy. Năm năm sau tai ương, anh Đáy vẫn chưa hết bàng hoàng, nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt rám đen của người đàn ông H'rê này. Anh tâm sự: "Những lúc buồn, nhớ con mình toàn phải uống rượu cho say để ngủ. Hai vợ chồng tự an ủi nhau phải cố gắng sống, để kiếm đứa con. Nhưng mãi vẫn không được, có lẽ do đau khổ quá nên vợ mình không thể sinh con". 

Người ta đưa ra nhiều nguyên nhân, nào là do nguồn nước, do ô nhiễm môi trường, nào là do ăn gạo mốc… nhưng để xác định chính xác nguồn cơn của căn bệnh thì chưa có một kết luận chính thức. Chuyên gia y tế khuyên bà con nên nhốt trâu bò riêng và phải cách xa nhà ở.

Các tổ chức y tế, môi trường vào vùng dịch bệnh.

Phải uống nước đun sôi và không ăn gạo mốc. Giờ thì "bão tố" đã ra khỏi làng, nhiều người đi bệnh viện điều trị đã khỏi hẳn, họ vui vẻ trở lại, lao động hăng say trên cánh đồng quê mình. Hai đứa trẻ nhà anh Trót đã được đến trường, được hòa chung niềm vui cùng bạn bè, nỗi nhớ mẹ đã dần tan. Anh Trót thì tìm được hạnh phúc mới, âu cũng là động lực để anh quên đi quá khứ đau buồn. 

Người làng Rêu sau cơn đại dịch đã biết ăn chín, uống sôi, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ, trâu bò không nhốt dưới gầm sàn nữa. Bác sĩ thường xuyên về khám bệnh, cấp thuốc và tư vấn sức khỏe.

Đường vào làng Rêu bây giờ thênh thang, sạch ráo, suối V'Rang hiền hòa mang con nước ngọt ngào chở phù sa tưới tắm cho những ruộng hoa màu của bà con H'rê quanh năm tươi tốt. Ba Điền đã hết bệnh lạ. Làng Rêu đã có tiếng cười.

Ngọc Thiện
.
.
.