Trở thành tỉ phú nhờ đam mê chim cảnh

Thứ Bảy, 11/02/2017, 09:47
Từ bé, chàng trai Trần Nhữ Giáp đã có niềm đam mê đặc biệt với các loài chim. Sau này, lớn lên đi làm, anh đã bỏ ra 40 triệu đồng – số tiền tiết kiệm được để mua một đôi chim trĩ đỏ về nuôi. Không thể ngờ, khởi nguồn từ chính đôi chim trĩ đỏ ấy đã giúp anh trở thành tỉ phú.


Gần 10 năm qua, anh đã đặt chân tới 18 quốc gia trên thế giới để “tầm” các loại chim thuộc vào hàng độc nhất vô nhị. Và tới hôm nay, Vườn chim Việt của anh đang trở thành khu bảo tồn chim tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Bỏ mác cử nhân về làm nông dân

Tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại Hà Nội với tấm bằng loại khá nên anh Giáp không mấy khó khăn khi xin vào làm cho một doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, đồng lương ít ỏi khiến chàng trai trẻ không thấy hài lòng. Sau một thời gian cân nhắc, anh quyết định bỏ việc về quê làm… nông dân.

Khởi nghiệp, anh bỏ ra 40 triệu đồng để mua một đôi chim trĩ đỏ - loài chim quý hiếm có tên trong danh Sách đỏ. Sau hơn 1 năm “ăn cùng, ngủ cùng” loài chim này anh Giáp đã nhân lên được gần 100 con trĩ đỏ khoang cổ.

Chim công xanh đã được anh Giáp thuần chủng và nhân giống.

Thấy việc nuôi loài chim này đem lại nhiều triển vọng nên năm 2007, anh vay người thân và bạn bè số vốn lên tới 600 triệu đồng để lập trang trại ngay trên chính quê mình ở xóm Đòng, xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Với số tiền đó, anh Giáp xây chuồng trại và mua khoảng 600 con trĩ, công.

Anh chia sẻ: “Lúc đó tôi đã nghĩ là mình chắc chắn sẽ thành công lớn. Tuy nhiên, mọi việc đã không đơn giản thế vì khi đó tôi chưa có kinh nghiệm nên số chim trĩ và công bị chết quá nửa. Khi ấy thì không còn ai tin tôi nữa. Nhiều người quay ra bảo tôi điên vì dám đi thuần chủng loại chim trời. Nhưng tính tôi đã quyết là làm, càng thất bại tôi càng muốn cố gắng để chứng tỏ cho mọi người thấy là tôi sẽ làm được. Hồi đó ở nước mình chưa từng có mô hình nào nuôi thử nghiệm loài chim trĩ nên tài liệu cũng như những hướng dẫn nuôi hiếm hoi lắm”.

Không nản, anh Giáp vẫn miệt mài lên mạng tìm kiếm thông tin mới. Và đến năm 2007, anh đã tìm được một tài liệu nói Thái Lan đã thuần chủng thành công loài chim trĩ này. Như chết đuối vớ được cọc, anh Giáp lại tiếp tục vay mượn thêm 100 triệu đồng để xuất ngoại học cách nuôi chim trĩ.

Khi đã có những kiến thức cần thiết, anh quay về quyết tâm gây dựng mô hình mới. Tuy nhiên, vì là người đầu tiên thuần chủng những loài chim có tên trong Sách đỏ nên anh Giáp đã phải mất gần 2 năm mới xin được giấy phép để xây dựng trang trại nuôi và bảo tồn mang tên Vườn chim Việt.

Kể về quá trình thuần chủng loài chim trĩ đỏ, anh Giáp thừa nhận đã vấp phải rất nhiều khó khăn. Bởi đặc tính của loài này khó sinh trưởng. “Trĩ đỏ không đẻ trứng vào ổ của mình mà thường sang ổ của các loài chim khác để đẻ trứng. Chúng có thói quen ăn chính quả trứng mà mình vừa đẻ sau khoảng thời gian là 5 phút. Chính vì vậy, tôi phải theo dõi rất sát sao nhưng nhiều lúc cũng không thể kiểm soát hết. Tôi thấy việc đó quá vất vả mà lại không hiệu quả nên cố gắng mày mò, điều chỉnh chế độ ăn uống. Cuối cùng cũng đã thuần được tập tính hoang dã đẻ trứng xong rồi ăn của loài trĩ. Hiện trĩ đẻ trứng xong vài ngày, tôi mới phải đi nhặt. Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi đã cho ấp trứng trĩ bằng máy ấp. Tỉ lệ thành công lên tới 95%”.

Trong trang trại của anh Giáp, ngoài chim trĩ đỏ còn rất nhiều loài thuộc dạng quý hiếm như: gà lôi trắng, sâm cầm, chim công xanh, chim trĩ 7 màu, chim trĩ xanh… Vì là người đầu tiên ở Việt Nam thuần chủng các loại chim trời nên bất kể loài nào anh cũng phải dốc sức học hỏi.

Anh Giáp đang chăm sóc những con chim cổ.

Như loài sâm cầm vốn được coi là vật phẩm tiến vua. Để nuôi và nhân giống thành công loài này, anh Giáp đã phải mất 3 năm học hỏi không ngừng nghỉ. Anh thậm chí đã phải bỏ tiền ra nước ngoài để tham khảo kinh nghiệm thuần chủng sâm cầm.

Hiện trong trang trại của anh đang có hàng trăm con sâm cầm trong độ tuổi sinh trưởng. Thịt sâm cầm giàu đạm nên rất bổ, vì thế giá bán khá cao, trung bình khoảng 1.800.000 đồng/1kg.

Năm 2010, khi đã có trong tay kinh nghiệm thuần chủng các loại chim, gà quý hiếm, anh Giáp đã mạnh dạn dồn toàn lực đầu tư trang trại 2ha ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ở đây, ngoài những loài chim đã thuần chủng như chim trĩ đỏ, chim công, anh Giáp còn thử nghiệm nuôi thêm những loài quý hiếm khác như gà lôi trắng, vịt uyên ương, gà rừng…

18 lần xuất ngoại "tầm" chim độc

Bạn bè, thậm chí cả những người thân của anh Giáp cũng không hiểu vì sao anh lại đam mê những loài chim, gà quý hiếm đến vậy. Anh có thể quên ăn, quên ngủ để chăm chúng. Mỗi khi đọc được trên mạng thấy ở đâu có loài chim, gà hiếm, anh lại cất công đi tìm và săn cho bằng được.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phải thốt lên, Giáp có một tình yêu chim đến kỳ lạ.

Anh Giáp chia sẻ: “Có những loài quý hiếm mà để có được chúng tôi phải đi lại nhiều lần, mất rất nhiều tiền. Đó là loài gà đen hay còn gọi là gà mặt quỷ ở Indonesia. Đây là loại gà rất đặc biệt, nó đen từ bộ lông bên ngoài đến thịt, xương bên trong. Thậm chí tiết cắt ra cũng có màu đen. Đến khi mang được loại gà này về nuôi ở trang trại của mình, tôi đã phải sang Indonesia tới 6 lần mới tìm được.

Khi tìm được rồi lại phải mất rất nhiều công để thuyết phục gia đình người nông dân đó đồng ý bán”. Sau khi đưa được giống gà đặc biệt quý hiếm này về, anh Giáp đã tìm hiểu cách nuôi và nhân giống thành công. Giá thành bán ra thị trường giống gà này rất đắt, từ 20-30 triệu/1 đôi.

Ngoài gà đen, hiện trong trang trại của anh Giáp còn nuôi giống gà Lôi Lam mào trắng. Đây là loại gà đang nằm trong nguy cơ tuyệt chủng cao nên việc bảo tồn, nhân giống gặp rất nhiều khó khăn. Hay loại gà Lôi Lam lưng lửa xuất xứ từ Hà Lan cũng được anh Giáp nhập về và tìm cách nhân giống. Ước tính giá thành nếu bán ra thị trường lên tới 80 triệu/ 1 đôi.

Trong trang trại của anh Giáp có khoảng gần 20 giống gà quý hiếm như giống gà Quý Phi. Đây là loại gà có bộ lông rất đẹp, thường có 6 cựa và được dân chơi rất chuộng. Giá bán ra thị trường khoảng 1 triệu/con.

Xuất phát từ niềm đam mê giờ đây anh Giáp đã trở thành một nhà điểu học nổi tiếng. Giáo sư Võ Quý, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về động vật hoang dã thừa nhận: “Những loài chim như hoàng hạc được Giáp đưa về có tuổi thọ lên tới 100 năm và có giá tới hàng tỉ đồng. Việc Giáp cất công sang Úc, sang Singapore để tầm những loài chim quý, hiếm về để bảo tồn gien là một đóng góp không nhỏ”. Còn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh vật học Việt Nam phải thốt lên: “Giáp có tình yêu với chim đến kỳ lạ. Nhiều lúc tôi có cảm giác anh như cánh chim điên mang trong mình giấc mơ siêu thực”.

Chia sẻ về niềm đam mê bất tận của mình, anh Giáp đùa bảo: “Tôi suýt bị vợ bỏ vì cô ấy bảo tôi yêu chim hơn yêu vợ. Thời gian đầu lao vào thú chơi này, tôi cũng bị bạn bè và gia đình phản đối nhiều lắm.

Mọi người nói tôi bị hoang tưởng nhưng sau thấy tôi quyết tâm quá nên cũng phải chiều theo. Giờ thì mọi thứ đã ổn rồi. Chính gia đình đã ủng hộ tôi rất nhiều trong suốt những năm qua”.

Công khổng tước.

Hiện anh Giáp đang xây dựng đề tài thành lập khu bảo tồn chim, gà quý hiếm với quy mô và trình độ tiên tiến. Với độ “điên” và những kinh nghiệm có được, anh tự tin là mình có thể bảo tồn và nhân giống các loại chim, gà quý hiếm nếu được cung cấp gien.

Khi đã thuần chủng thành công nhiều giống chim, gà quý hiếm, anh Giáp lại muốn mang những kinh nghiệm quý báu của bản thân truyền nghề cho bà con trong vùng để phát triển kinh tế. “Tôi mong muốn mở rộng mô hình này đến nhiều địa phương trên cả nước để giúp họ làm giàu”, anh nói.

Ngọc Anh
.
.
.