Trọn vẹn những ân tình

Thứ Hai, 07/09/2015, 09:28
Ông Đỗ Văn Lý, (65 tuổi), bà Trần Thị Hồng (68 tuổi) gần 20 năm nay vẫn lặng lẽ, tự nguyện chăm sóc các ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa trang liệt sĩ phường Đồng Mai - quận Hà Đông, Hà Nội. Đối với ông bà, đó không phải là một nghĩa cử, mà là một nguồn sống ý nghĩa của cuộc đời.
Ẩn ức của một người lính

Nghĩa trang Đồng Mai - một nghĩa trang nhỏ như hàng trăm nghĩa trang nằm dọc trên đất nước, sạch sẽ, ấm áp. Ở đây, các liệt sĩ được chăm sóc hương khói quanh năm. Ở đây, sự sống vẫn đang được hồi sinh nhờ bàn tay chăm sóc của ông bà Lý. Nghĩa trang Đồng Mai được xây dựng từ năm 1960, khi 22  liệt sỹ khuyết danh thời chống Pháp được quy tụ về đây. Đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, nghĩa trang giờ là nơi nằm lại của 188 liệt sỹ. Đó là 188 cuộc đời vĩnh viễn nằm lại khi tuổi còn thanh xuân.

Ông Lý nay đã gần tuổi thất thập, mái tóc đã điểm bạc. Gương mặt sạm nắng, khắc khổ của một người đã từng đi qua chiến tranh. Ông vốn sinh ra trong một gia đình cách mạng, bà nội ông là liệt sỹ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông Lý từng là người lính, tham gia trận chiến chống B52 và bị thương. 10 năm đời lính, hành trang ông mang về quê là tấm ảnh ngày Bác Hồ mất.

Đó là kỷ niệm đau lòng nhất trong những năm tháng đời lính của ông. Ông kể: "Tôi đi bộ đội năm 1960. Trong thời gian ở bộ đội, năm 1969 Bác mất, lúc đó tôi làm trợ lý chính trị của Trung đoàn 260, mỗi đơn vị chỉ được một tấm ảnh của Bác để làm lễ truy điệu. Đến 20/7/1970 thì tôi được phục viên, về địa phương công tác, lúc đó tôi về thì tôi chỉ có đem theo mỗi bức ảnh làm lễ truy điệu của Bác để về làm kỷ niệm".

Đi qua chiến tranh, hiểu hơn ai hết những hy sinh của đồng đội, có lẽ đó là lý do duy nhất ông dành những ngày tháng còn lại về hương khói cho các liệt sĩ ở nghĩa trang này. Ông nói: "Qua 10 năm mình đi bộ đội, chiến đấu, đánh nhau với B52, khi bị thương 19 phần trăm trở về địa phương, tôi thấy mình như thế là may mắn lắm rồi… Tôi nghĩ mình là một cựu chiến binh đã hoàn thành nghĩa vụ trở về rồi, trông nom nghĩa trang đến cuối phần đời để trọn vẹn với anh em". Ông muốn dành quãng thời gian còn lại ở bên đồng đội mình, trò chuyện hằng ngày với họ. Còn bà Hồng, là vợ của một người lính, bà luôn hiểu và ủng hộ tâm nguyện của chồng.

Trong  ký ức của người lính già vẫn còn đó những kỷ niệm, những đau thương của chiến tranh. Và ông thực sự ngạc nhiên khi lần đầu đến nghĩa trang Đồng Mai thắp hương cho người thân. Nghĩa trang hoang lạnh. Cỏ cây ngập cả lối đi. Ông Lý thấy xót xa. Lúc đó nghĩa trang chỉ mỗi kỳ đài và một lư hương. Đến ngày giỗ, mọi người phải vén cỏ lên để thắp hương. Thời điểm năm 2009, các đối tượng nghiện hút xuất hiện nhiều, sau kỳ đài có rất nhiều kim tiêm quăng chỏng chơ. Ông Lý hiểu trách nhiệm của người đang sống. Ông lên báo cáo với UBND phường Đồng Mai.

Bà Hồng đang chăm sóc mộ liệt sĩ.

Ông nói: "Nghĩa trang liệt sỹ là trung tâm lịch sử của Đồng Mai, để nghĩa trang liệt sỹ bệ rạc là không được". Thế rồi, ông cùng bà tự nguyện nhận trách nhiệm chăm sóc nghĩa trang này, không một đòi hỏi gì cho riêng mình. "Tôi chỉ nghĩ rằng, tôi phải có chút trách nhiệm với những người đã ngã xuống khi còn rất trẻ", ông nói.

Với ông bà, đó là niềm hạnh phúc

Mất gần hai năm trời ông Lý, bà Hồng xén cỏ, gánh gạch vỡ đổ xuống sông, lấy bàn chải kì cọ từng lối đường rong rêu, đánh rửa từng ngôi mộ, tìm các giống cây hoa về trồng… Bây giờ nghĩa trang Đồng Mai thực sự là ngôi nhà ấm áp của các liệt sỹ.

 Sáng nào ông bà cũng dậy sớm. Bà mang nước đến từng ngôi mộ "rửa mặt" cho các liệt sĩ. Còn ông, đảm nhiệm việc quét dọn hơn 2.000m² ở đây. Sáng sớm, lá cây rụng đầy lối đi. Ông Lý nói: "Buổi sáng 4h tôi dậy, đi thắp hương cho anh em… Có 22 ngôi mộ liệt sĩ vô danh bị Tây bắn chết trong kháng chiến chống Pháp không ai nhận cả, hằng ngày tôi thắp hương cho họ trước… Sau đó là quét dọn các phần mộ, quét dọn cây cối, buổi sáng hoàn thiện quét, buổi chiều là quét lần thứ 2, sau đó đến 6h tối tôi mới về".

Nghĩa trang liệt sĩ phường Đồng Mai - quận Hà Đông, Hà Nội.

Ông Lý quét dọn, còn bà Hồng, nói theo cách nói của bà, thì sáng nào bà cũng "rửa mặt" cho các liệt sĩ, để các liệt sĩ được "sạch sẽ", "mát mẻ" trong một ngày mới. Công việc "rửa mặt" cho các liệt sĩ tưởng đơn giản mà chẳng đơn giản chút nào. Mỗi ngày bà phải bê tới 188 chậu nước đến từng ngôi mộ, tỷ mẩn, nhẹ nhàng lau rửa. Đôi vai bà dường như còng hơn trong mỗi bước đi, nhưng niềm hạnh phúc của ông bà lại được nhân lên. Tôi nhìn thấy niềm vui trong khóe mắt nhăn nheo ấy.

Ông Lý, bà Hồng đang thắp hương cho các liệt sĩ.
Họ coi đó như ngôi nhà thứ hai của mình, ngôi nhà có đồng đội đã ngã xuống. Người dân ở đây đều cảm thấy yên tâm khi có ông Lý, bà Hồng chăm sóc phần mộ của các liệt sĩ. Những ngôi mộ luôn sạch sẽ. Cảm giác đến nghĩa trang Đồng Mai, có sự ấm áp, gần gụi, bởi ở đó cây trái quanh năm, có vườn trầu, có chuối, có rau thơm ông bà trồng cho chính đồng đội mình. "Mùa nào thức nấy", cây quả vườn nhà được dâng lên lễ cho các liệt sĩ.

Thấu hiểu sự mất mát của các liệt sỹ, hai vợ chồng ông Lý đã chăm sóc hương linh các liệt sĩ bằng một tình yêu đặc biệt, bằng một sự gắn bó lạ lùng. Đó là tình yêu của một người lính cùng nhau đi qua chiến tranh, tình yêu của một người anh, người chị thân thiết. Bà hồn hậu: "Ra đây thấy vui lắm, ngày nào vắng là thấy nhớ các chú và dường như nghe các chú nói nhớ mình rồi. Hôm nào bận lắm không ra được là áy náy trong người, 12h cũng phải ra bằng được, mở cổng để thắp hương cho các chú, ra đến nơi thấy trong người khoan khoái, khỏe ra".

Nhiều người nghĩ chắc ông bà phải nhận được khoản thù lao hậu hĩnh, hay vì ông bà không có ai nương tựa tuổi già mới đi làm việc như vậy. Ông bà Lý chỉ cười. Ông bảo: "Tôi làm thế này vì tôi thấy hạnh phúc là chính, ở xã họ bảo tôi, ông bà làm trên này được bao nhiêu triệu, thú thực, bao nhiêu triệu tôi không cần, điều tôi cần là tấm lòng để thắp hương cho anh em, trong đó có cả gia đình tôi ở trên này".

Tôi băn khoăn, tuổi già, trái gió trở trời, sao ông bà có thể miệt mài, cặm cụi mãi với những công việc như vậy. Bà Hồng cười: "Càng lao động, tôi như càng khỏe hơn. Có lần, đang quét dọn, tôi bị ngã vật ra sau cây chuối, lần đó, tôi phải nghỉ cả tháng để điều trị. Nhưng từ ngày đó đến giờ, tôi thấy khỏe khoắn, làm việc cả ngày cũng không mệt. Có lẽ, các anh hùng liệt sĩ đã phù hộ cho tôi sức khỏe".

Không chỉ chăm lo phần mộ, cẩn thận hơn, chính ông Lý đã tự tay vẽ sơ đồ mộ liệt sĩ. Ông lọ mọ nghiên cứu kỹ lịch sử Đảng bộ phường Đồng Mai, liệt kê danh sách các ngôi mộ được quy tập tại nghĩa trang. Ông nói: "Trước đây không có danh sách liệt sĩ chính thức, vì thế các thân nhân rất khó tìm mộ, phải dò tận nơi. Bây giờ có sơ đồ này rồi, chỉ cần họ gọi điện thoại là tôi biết ngôi mộ nằm ở đâu, có ở nghĩa trang Đồng Mai không?".

Tận tâm, tận tình, ông Lý đã làm bằng cả tấm lòng mình. Nhiều năm qua, thân nhân các liệt sĩ và nhiều tổ chức xã hội đã quyên góp tiền để nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ Đồng Mai. Họ tin tưởng và biết ơn ông bà đã hằng ngày chăm lo phần mộ người thân của họ. Những bát hương mới đã được thay, những chiếc ghế đá được đặt ở nghĩa trang ngày càng khang trang hơn…

Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc của ông Lý bà Hồng. Họ tự nguyện chăm sóc phần mộ liệt sĩ, chẳng phải để cầu mong cho riêng mình điều gì. Đó cũng không đơn giản chỉ là một nghĩa cử mà là nguồn sống có ý nghĩa của ông bà, khi đã đứng bên kia dốc cuộc đời. Với ông Lý, bà Hồng, được làm một việc có ý nghĩa với xã hội đó chính là hạnh phúc.

Khi tôi viết bài báo này thì nhận được tin có một tổ chức xã hội cảm động trước tấm lòng của ông bà đối với các liệt sĩ, đã hứa tài trợ xây dựng lại nghĩa trang Đồng Mai khang trang hơn. Tấm lòng nhân hậu của ông bà đã lan tỏa và nhận được sự sẻ chia của xã hội.

Việt Hà
.
.
.