Tròn, vuông, tam giác:Câu chuyện một nửa sự thật

Thứ Tư, 26/09/2018, 14:30
Gần đây, công luận xôn xao những ý kiến trái chiều về một phương pháp dạy học tiếng Việt “lạ”, với những hình tròn, vuông và tam giác. Rất nhanh, những thông tin bám theo sự kiện được sản xuất và lan truyền với sự mỉa mai, kèm theo những lo ngại về tương lai thế hệ trẻ nước nhà nếu các em được học theo cách đó.


Khoan chưa nói về tính đúng đắn của phương pháp học này, vì đó là việc đòi hỏi phải có trải nghiệm thực tế và am hiểu về giáo dục, cũng như ngôn ngữ học. Thêm vào đó, muốn phát ngôn cũng cần căn cứ vào kết luận về chuyên môn, học thuật chính thức của cơ quan có trách nhiệm cao nhất về vấn đề này là Bộ Giáo dục và đào tạo. Thế nên tất cả những gì mà người không trực tiếp trải nghiệm biết được chỉ có giới hạn nhất định.

Ở đây, chúng tôi không có ý định bàn về tính đúng sai của phương pháp và những bất cập về nội dung các bài học đang gây được sự chú ý của rất nhiều phụ huynh học sinh. Chỉ xin mạn phép bàn về cách trích dẫn bằng chứng về phương pháp học để phản biện. Bởi ai cũng có chủ kiến cá nhân, nhưng dù có bức xúc thế nào thì khi đưa vấn đề ra phản biện cũng đều cần một sự khách quan và trích dẫn đầy đủ.

Những đoạn video trích dẫn đang lan truyền trên mạng xã hội không rõ bối cảnh về phương pháp học chữ toàn bằng ô vuông và hình tròn có thể dễ dàng cuốn người xem theo một cảm xúc hoài nghi và phẫn nộ. Cư dân mạng bắt đầu thể hiện sự sáng tạo của mình bằng những video ca nhạc chế lại lời toàn hình vuông, tròn, tam giác… như một lời khẳng định rằng chúng sẽ thay thế chữ viết trong tương lai nếu học sinh được học phương pháp mới này.

Quan sát kỹ một chút cũng đã có thể thấy cách học trong đoạn video là để tách và phân biệt âm, tiếng, chứ không phải dùng hình học để làm chữ viết. Nhưng theo trích dẫn và cách lan truyền của nhiều người thì người xem sẽ hiểu đó là dùng hình học để thay cho chữ viết, gây ra một sự hoang mang và phẫn nộ không hề nhỏ trong cộng đồng.

Một sự bức bối, hoài nghi dồn nén từ bao lâu sau những bê bối chấn động của ngành giáo dục, đã khiến nhiều người trong chúng ta trở thành một phần của đám đông muốn được bày tỏ thái độ. Và chúng ta cũng là những nạn nhân, nạn nhân của sự mất niềm tin vào giáo dục, nhưng lại có niềm tin vội vàng vào những người trích dẫn thiếu trách nhiệm.

Có nhiều cách để bày tỏ thái độ và phản bác một sự kiện xã hội nổi bật. Nhưng trích dẫn một đoạn thông tin không đi kèm với bối cảnh cụ thể và chi tiết là một việc làm cẩu thả và thiếu tính chuyên nghiệp.

Cách truyền thông tin như vậy được gọi là “đoạn chương thủ nghĩa”, nghĩa là trích dẫn một đoạn văn, thơ ra khỏi bài nguyên gốc rồi lấy cái nghĩa cá biệt của đoạn đó để gán cho cả bài văn, bài thơ, làm thay đổi hoàn toàn thậm chí đảo ngược ý nghĩa của cả bài.

Ngạn ngữ Nga có câu: “Một nửa ổ bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật”. Ngày nay, trong thời đại bùng nổ thông tin và ai cũng có thể trở thành một kênh truyền thông đại chúng chỉ với một trang mạng xã hội. Chúng ta phải nghe và tiếp xúc một cách thụ động thông tin từ rất nhiều nguồn khi bước vào thế giới ảo. 

Thậm chí cả những thông tin được cung cấp chính thống và của những người làm truyền thông chuyên nghiệp, đôi khi cũng khó tránh khỏi “đoạn chương thủ nghĩa” do sơ suất, năng lực hạn chế hoặc cố tình bởi thiếu đạo đức nghề nghiệp.

Thế nên, để tránh trở thành người tiếp tay cho những thông tin sai lệch, cho việc vô tình mà đánh giá sai sự vật hiện tượng hoặc một người nào đó, chúng ta phải có trách nhiệm tìm hiểu và suy xét dựa trên lý trí khách quan trước khi lan truyền nó đi.

Ánh Vân
.
.
.