Vụ sạt lở đất vùi lấp 18 người ở Tân Lạc (Hòa Bình):

Trong cơn hoạn nạn có các anh

Thứ Năm, 19/10/2017, 10:32
Sạt lở đất, đá luôn là nỗi ám ảnh đối với đồng bào các dân tộc miền núi. Sạt lở đất, đá đi qua, nỗi đau mất mát để lại. Xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), nơi có con thác Khanh vốn hiền hòa, thu hút đông trai gái xứ Mường và các vùng lân cận đến tham quan, sau một đêm, không khí ảm đạm, đau thương bao trùm. Rạng sáng 12-10, cả quả đồi bỗng đổ ập xuống, cuốn phăng nhiều nóc nhà và vùi lấp 18 người dân.

1. Sáng 10-10, cơn mưa lớn bất chợt trút xuống các nóc nhà nơi miền núi Hòa Bình. Đã lâu rồi, bà con huyện Tân Lạc chưa thấy cơn mưa nào nặng hạt và kéo dài như vậy. Khoảng 1h10 ngày 12-10, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, quả đồi nơi xóm Khanh (xã Phú Cường) phát ra những tiếng ầm ầm. 18 nạn nhân đang say giấc nồng trong 4 căn nhà sàn của bà con người Mường nhanh chóng bị đất, đá vùi lấp.

Có mặt tại hiện trường vào sáng cùng ngày, chúng tôi thấy cả một vùng đất rộng lớn bị đất, đá choán hết. Mọi người chưa hết bàng hoàng trước những gì mà thiên tai ập đến nơi mình sinh sống. Nếu không tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi không thể hình dung được thế nào là sạt lở đất, đá và hậu quả do nó gây ra. Nhất là khi theo anh Đinh Công Sanh, người xã Phú Cường, thì đây là trận sạt lở đất lịch sử trên địa bàn.

Hiện trường vụ sạt lở đất kinh hoàng ở xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc).

Sức nước, sức đất và đá đã vầy vò, phá tan hoang mọi thứ. Nó quét sạch 4 ngôi nhà và gây thiệt hại nặng nề 4 ngôi nhà gần chân thác Khanh. Những ngôi nhà này sau một đêm giờ trơ trọi đất, đá. Con thác Khanh khi xưa với 3 cụm thác nước hiền hòa giờ đã không còn hiền hòa nữa.

Đến lúc này, chỉ còn tiếng máy xúc, hình ảnh lực lượng chức năng tất tả đào xới tìm kiếm người gặp nạn. Khung cảnh nơi đây thật ảm đạm và lạnh lẽo.

14h, cơn mưa vội ập xuống. Cả xóm Khanh càng chìm trong u sầu hơn. Trên triền đồi, nhiều người phóng đôi mắt đỏ hoe về phía xa, mong ngóng tung tích người thân. Bà con các thôn, xóm xã Phú Cường không ai bảo ai, lục tục kéo nhau đến nơi xảy ra sạt lở để chia buồn với các gia đình có người gặp nạn.

Chính quyền sở tại cùng các đơn vị chức năng đang tích cực công tác tìm kiếm cứu nạn cứu hộ (CNCH), trời tiếp tục mưa. Con đường dẫn vào hiện trường nhão nhoét. Vẫn khuôn mặt trầm ngâm, lo lắng như lần đầu tiên chúng tôi gặp ở nơi xảy ra vụ sập hầm lò khiến 3 người thiệt mạng ở xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) vào tháng 11-2016, ông Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc thở dài: “Thiên tai không chừa một ai cả. Trên địa bàn chưa từng có vụ sạt lở đất, đá gây hậu quả nghiêm trọng đến vậy!”.

Huyện Tân Lạc có 23 xã và 1 thị trấn, trong đó Phú Cường là xã có hơn ¾ diện tích là đồi núi. Người dân tộc Mường chiếm đa phần. Điều kiện địa hình hiểm trở, thêm vào đó, thời tiết diễn biến khôn lường. Đỉnh điểm là vụ sạt lở đất, đá nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng 12-10. 

2. Ngay sau khi vụ sạt lở đất, đá gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, tình người keo sơn một lần nữa thắm lại. Sớm ngày 12-10, nhận được tin báo, các cấp ủy, chính quyền huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã có mặt tại hiện trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã cùng lãnh đạo tỉnh Hòa Bình có mặt trực tiếp tại hiện trường thăm hỏi gia đình các nạn nhân, đồng thời chỉ đạo: nhiệm vụ hàng đầu là huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm bằng được thi thể các nạn nhân; lưu ý đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng trong quá trình CHCN...

Chúng tôi xúc động trước hình ảnh các bạn đoàn viên thanh niên trong huyện, các tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình, các chú, các bác dân quân tự vệ… nối nhau về hiện trường. Không ai bảo ai, mọi người bắt tay ngay vào công việc hậu cần: căng bạt, bưng cơm nước, phục vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác CNCH.

Lực lượng Công an, Bộ đội tìm thấy thi thể một nạn nhân.

Anh Đinh Công Thú, Bí thư Chi đoàn xóm Ưng, xã Phú Vinh (Tân Lạc) cho biết, sớm 12-10, nhận được sự chỉ đạo của Huyện đoàn Tân Lạc, của đồng chí Bí thư Chi đoàn xã, anh cùng 15 bạn đoàn viên trong xóm có mặt tại đây, tham gia phục vụ, cứu trợ các trường hợp gặp nạn.

Thấy tôi hỏi: “Bao giờ mọi người mới về?”, anh Thú cho biết: “Khi nào hoạt động tìm kiếm các nạn nhân dừng, chúng em mới thôi ạ!”. Tìm hiểu chúng tôi được hay, không riêng gì đoàn viên thanh niên xã Phú Vinh tham gia cứu trợ mà có hàng trăm lượt đoàn viên thanh niên của các xã lân cận như: Phong Phú, Quy Hậu, Quy Mỹ, Quyết Chiến… cũng đã có mặt ở đây. Mọi người đến đây với tinh thần “tương thân tương ái”, trách nhiệm, ai cũng xắn tay vào công việc chung – hỗ trợ người dân sơ tán, làm công tác hậu cần cho lực lượng trực tiếp tham gia CNCH.

Bác Bùi Văn Vân, dân quân tự vệ xóm Chao 1 – xã Phú Cường là một trong những người có mặt đầu tiên tại hiện trường, cùng anh em dân quân tự vệ chung tay cứu người gặp nạn. Bác Bùi Văn Vân cho biết: “Nhận được tin bà con trong xóm Khanh gặp nạn, ngay trong đêm xảy ra vụ việc, chúng tôi đã có mặt ở đây. Mỗi người một tay, công việc sẽ sớm cho kết quả hơn!”.

Lán trại dã chiến được dựng lên nhanh chóng ngay trên triền đồi đối diện khu xảy ra sạt lở đất, đá. Nơi đây là Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân. Từ nhiều ngày qua có mặt tại hiện trường, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Lạc đau đáu trước thiệt hại về người và tài sản do vụ sạt lở đất, đá  gây ra.

Mưa lũ, sạt lở đất, đá đi qua khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn hoàn toàn. Bên cạnh việc gây ra thiệt hại về người, những quả đồi vốn rợp bóng xanh, những ruộng lúa bậc thang không còn. Cuộc sống của bà con các dân tộc theo đó bị ảnh hưởng.

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH tích cực tìm kiếm người gặp nạn.

Bởi vậy, những người làm công tác phát triển, sản xuất nông nghiệp nơi huyện Tân Lạc không khỏi lo lắng trước hàng loạt hệ lụy khôn lường tiềm ẩn xảy ra và có mặt trực tiếp tại hiện trường, cùng lực lượng chức năng sơ tán người dân, hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả do sạt lở đất, đá để lại.

3. Chân thác Khanh giờ như một bãi chiến trường với ngổn ngang đất, đá. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ đội nối nhau vào hiện trường. Theo sự phân công, mỗi người làm một nhiệm vụ. Người thì cầm cuốc, xẻng đào xới. Người dùng các thiết bị - camera chuyên dụng, sử dụng chó nghiệp vụ dò tìm thi thể người gặp nạn.

Tiếng máy xúc gầm lên từng tiếng, hòa với tiếng gào khóc của các thân nhân người gặp nạn. Đặt chân lên hiện trường ngay sau khi vụ sạt lở, Đại úy Bùi Xuân Huyên, Phó Đội trưởng phụ trách Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Tân Lạc, đôi mắt thâm quầng sau nhiều ngày mất ngủ.

Mấy ngày qua, Đại úy Huyên cùng đồng nghiệp luôn phải căng mình, trực tiếp cùng lực lượng CNCH tìm kiếm người gặp nạn. Đại úy Huyên cho biết, dù trời tối, phương tiện tìm kiếm chuyên dụng chưa có, nhưng với suy nghĩ “cứu người là cấp bách”, nên ngay trong đêm đó, anh đã cùng đồng đội thao tác tìm kiếm thủ công, sử dụng tay, cuốc, xẻng để lần tìm thi thể các nạn nhân. Nhờ vậy, đến 5h ngày 12-10 đã có 5 thi thể nạn nhân được tìm thấy.

Khó có thể tả hết được những vất vả, khó khăn mà lực lượng CNCH đang gặp phải trong mấy ngày qua. Tiết trời thất thường, dòng thác Khanh không ngừng đổ xối xả. Xác định điều này nên bên cạnh việc nỗi lực tìm kiếm người mất tích, các cán bộ, chiến sĩ tham gia CNCH luôn phải thận trọng trước nguy cơ sạt lở tiềm ẩn xảy ra.

Giây phút ngơi nghỉ của các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH.

Tại hiện trường, Đại tá Trần Văn Hoàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện, các phòng nghiệp vụ xuống hiện trường vừa sơ tán người dân, đảm bảo an ninh trật tự, vừa triển khai công tác tìm kiếm CNCH. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh trực tiếp tham gia CNCH.

Theo đại diện Công an tỉnh Hòa Bình, lực lượng Công an tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, dân quân tự vệ… tổ chức tìm kiếm người gặp nạn cho bằng được.

Chung vai sát cánh với các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Tân Lạc, Công an tỉnh Hòa Bình là hình ảnh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình... Các anh – những người không quản gian khó, lăn mình vào tâm vùng sạt lở, tìm kiếm tung tích các nạn nhân đang bị vùi sâu trong lớp đất, đá.

Trong những ngày tham gia CNCH, những tô mỳ úp, những thỏi lương khô hay suất cơm hộp do bà con, chính quyền địa phương chu cấp đã thành “bạn thân” với các anh. Tranh thủ thời gian nghỉ, các anh chợp mắt dưới tán lá cây hay trong lán trại dã chiến… Có sức rồi, các anh lại vào “tâm” vùng sạt lở. Còn nữa những câu chuyện, những hình đẹp thắm tình người mà chúng tôi không thể xiết.

Trong cơn hoạn nạn luôn có… các anh. Tình người thêm thắm lại!

Nhóm PV
.
.
.