Trung Đông lại "nóng" vì kế hoạch hòa bình

Thứ Tư, 05/02/2020, 10:37
Ngày 28-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ kế hoạch hòa bình ở Trung Đông mà ông gọi là "một thỏa thuận của thế kỷ". Tuy nhiên, dư luận Mỹ và quốc tế lại có nhiều lý do để lo lắng cho tính khả thi của kế hoạch vốn được kỳ vọng xử lý căng thẳng Israel - Palestine này.


Trong khi Tổng thống Trump mô tả kế hoạch của mình là một kế hoạch lịch sử và một kế hoạch khác biệt về cơ bản, trong thực tế nó vay mượn rất nhiều từ các kế hoạch trước đó, pha trộn các yếu tố cũ của Hiệp định hòa bình Oslo với các yếu tố được thiết kế để làm hài lòng phe cánh hữu cứng rắn ở Israel. 

Một trong những bất ngờ lớn nhất trong đề xuất lần này là Israel đóng băng việc xây dựng khu tái định cư trong 4 năm, đồng thời tăng lượng lãnh thổ dưới sự kiểm soát trực tiếp của người Palestine.

Kế hoạch của Tổng thống Trump cũng sẽ công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư lớn. Đây có lẽ là yếu tố gây tranh cãi nhất. Việc đề nghị công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư ở Bờ Tây là một động thái cũng có khả năng bị nhiều người trong cộng đồng quốc tế, cũng như người Palestine phản đối.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Khoảng 97% người Israel ở Bờ Tây sẽ được sáp nhập vào lãnh thổ của Israel và khoảng 97% người Palestine ở Bờ Tây sẽ được sáp nhập vào lãnh thổ Palestine tiếp giáp. Hoán đổi đất sẽ cung cấp cho Nhà nước Palestine diện tích đất tương đối hợp lý với lãnh thổ của Bờ Tây trước năm 1967 và Gaza.

Theo các điều khoản của tầm nhìn hòa bình, Tổng thống Trump khẳng định sự ủng hộ của ông đối với giải pháp hai nhà nước mà trước đây ông đã không nói rõ. Kế hoạch cho thấy một quốc gia Palestine trong tương lai bao gồm Bờ Tây và Gaza, được kết nối bởi sự kết hợp của các con đường trên mặt đất và đường hầm - đây cũng là một ý tưởng cũ. 

Người Palestine ở Gaza, hiện do Hamas cai trị, sẽ được đề nghị hoán đổi đất ở Israel gần biên giới Ai Cập nhưng phần lớn bị loại khỏi kế hoạch cho đến khi ngừng bắn và loại bỏ Hamas. Israel sẽ giữ lại chủ quyền đối với lãnh hải Gaza.

Như vậy, những gì Israel có được trong bản kế hoạch của ông Trump sẽ là một thủ đô ở Jerusalem và các phần đất đã kiểm soát hiện nay. Cái người Palestine có được là một nhà nước mới cộng thêm tiền hỗ trợ 50 tỉ USD, với thủ đô của Nhà nước Palestine sẽ là al-Quds và một số khu vực ở phía đông Jerusalem. Cái tên al-Quds thực chất là "Jerusalem" trong tiếng Ả Rập. 

Quan điểm của chính quyền ông Trump là đưa ra một sự dàn xếp hướng tới sự công bằng và ổn định cho hai nhà nước độc lập trong tương lai. Nhưng dường như kế hoạch này không giải quyết được những yêu cầu chính yếu của Palestine, những người khẳng định không chấp nhận "bán đất".

Ông Trump vừa qua khoe rằng kế hoạch này giúp Palestine "tăng gấp đôi lãnh thổ", xét tới việc Palestine kiểm soát 70% Bờ Tây. Nhưng thực chất theo tạp chí Time, đề xuất của ông Trump ở Bờ Tây kém xa đề nghị của những người tiền nhiệm. Lấy ví dụ vào năm 2000, cựu Tổng thống Bill Clinton từng đề xuất để Palestine chiếm 94 - 96% Bờ Tây.

Theo chiều dài lịch sử, sự hiện diện của người Palestine ở các phần lãnh thổ Israel - Palestine hiện nay đã ngày càng thu hẹp, và người Palestine - trong đó có tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas - không chấp nhận sự phân chia như hiện tại sau cuộc chiến năm 1948 và "chiến tranh 6 ngày" năm 1967.

Nhưng đó chưa phải vấn đề lớn nhất. Jerusalem vẫn là biểu tượng cho chủ quyền của một nhà nước Palestine độc lập, mà theo đề xuất của ông Trump thì đây lại là "thủ đô không thể chia tách của Israel". Thêm vào đó, những người Palestine tị nạn - tức mất nơi ở sau năm 1948 - sẽ không được quay về nhà. Điều khoản này được thể hiện trong văn bản của Nhà Trắng dưới dạng như sau: Những người Palestine tị nạn có thể chọn quay về Nhà nước Palestine mới hoặc sống ở nước thứ ba.

Thung lũng Jordan đã nằm dưới sự chiếm đóng của Israel từ năm 1967. Kế hoạch này cho thấy thung lũng này sẽ dưới quyền chủ quyền của Israel, một động thái gây tranh cãi khác. Mặc dù có chủ quyền như vậy, Israel nên hợp tác với Chính phủ Palestine để đàm phán một thỏa thuận trong đó các doanh nghiệp nông nghiệp hiện có do người Palestine sở hữu hoặc kiểm soát sẽ tiếp tục mà không bị gián đoạn hoặc bị phân biệt đối xử, theo giấy phép hoặc hợp đồng thuê do Nhà nước Israel cấp.

Chủ quyền của Israel đối với thung lũng Jordan bị phản đối bởi Jordan, một trong hai quốc gia Ả Rập duy nhất (cùng với Ai Cập) có hiệp ước hòa bình với Israel.

Anh Kiệt
.
.
.