Trung Mỹ - vùng đất còn nhiều bất ổn

Thứ Tư, 22/07/2020, 08:15
Trong những năm gần đây, câu chuyện người nhập cư từ các quốc gia thuộc vùng Trung Mỹ đã - đang trở thành một trong vấn đề "nóng" trên chính trường nước Mỹ. Và nó luôn nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều khác nhau.


Trong khi đảng Dân Chủ mong muốn giúp đỡ những người nhập cư trở thành công dân chính thức và tạo nguồn lao động mới cho Mỹ, thì trái ngược lại, đảng Cộng Hoà cương quyết cho rằng, các cộng đồng nhập cư chính là nguồn gốc phát sinh của nhiều, rất nhiều loại hình tội phạm, tệ nạn xã hội, do đó rất không nên tiếp nhận họ một cách dễ dàng được, vì trật tự an ninh của chính quốc gia mình.

Tuy vậy, có một điều mà bấy lâu nay cả hai đảng chính trị ở nước Mỹ hầu như không bao giờ đả động tới đó là: lý do vì sao mà những người thuộc các quốc gia vùng Trung Mỹ lại nhất định phải rời bỏ mảnh đất quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của họ để có thể tiếp cận đất nước cờ hoa bằng mọi giá?! Sự thật là, Trung Mỹ nói riêng và khu vực Mỹ La-tinh nói chung là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới, tương đương với các vùng chiến sự tại Libya và Syria.

Những vụ bạo lực diễn ra hằng ngày tại Honduras, El Salvador.

Thực tế, nhiều năm qua đã cho thấy một vấn nạn vô cùng đắng lòng là, chỉ có vỏn vẹn 8% dân số thế giới sống tại Mỹ La-tinh, ấy thế nhưng khu vực này lại chiếm đến 1/3 số các vụ ngộ sát trên toàn cầu, tương đương với khoảng 146.000 vụ ngộ sát/năm, hay 400 vụ/ngày.

Một số lượng lớn các vụ ngộ sát này diễn ra ở vùng Trung Mỹ, đặc biệt là tại El Salvador, Honduras và Belize. Trong đó đất nước El Salvador lại được coi là "thủ phủ giết người" của cả thế giới. Người ta đã tính ra rằng, bình quân cứ 100.000 người El Salvador thì trung bình xảy ra 50 vụ ngộ sát.

Ngay cả việc đi lại trên đường phố Trung Mỹ cũng vô cùng nguy hiểm. Những vụ trộm cắp, cướp bóc có vũ trang, bắt cóc, hiếp dâm, v.v… diễn ra liên tục hằng đêm. Trong khi đó, việc mua bán dâm và ma tuý diễn ra vô cùng lộ liễu ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Thường thì những băng đảng tội phạm đặc biệt luôn nhắm đến các đối tượng là người nước ngoài. Tại Puerto Rico, một khách du lịch có thể bị bắt cóc để đòi tiền chuộc vào bất cứ lúc nào trong ngày. 

Riêng tại Guatemala thì khách du lịch bị bắt cóc để bán với mục đích biến họ làm nô lệ tình dục. Trong khi đó, cuộc sống của người dân bản địa thì khổ đến mức khó có lời nào tả hết. Nguy hiểm hơn, các băng đảng tội phạm ở Guatemala đã trắng trợn "nâng cấp" việc bóc lột dân thường lên thành hệ thống có tổ chức. Cứ vài khu phố một lại chịu sự thống trị của một băng đảng tội phạm.

Người dân bị chúng ngang nhiên thoả sức đánh đập, đòi tiền bảo kê, v.v… mà không thể làm điều gì được để có thể tự vệ bản thân. Điều đáng quan ngại nhất là, trẻ em ở đất nước này luôn luôn trở thành đối tượng phải chịu nhiều nguy hiểm nhất, cay đắng nhất. Bởi thế, để bảo vệ mạng sống và tương lai con em mình, cực chẳng đã, nhiều bậc cha mẹ đành phải bỏ nhà cửa và đặt mạng sống của cả gia đình vào tay những kẻ buôn người với một hy vọng vô cùng mong manh là họ sẽ đến được vùng "đất hứa"  nước Mỹ nhằm mục đích cứu rỗi tương lai cho con trẻ.

Tình hình tội phạm tràn lan tại Trung Mỹ phần nhiều là vì tình hình kinh tế tồi tệ của các quốc gia trong vùng. Các nước Trung Mỹ như El Salvador, Guatemala, Belize, Haiti và Honduras đều nằm dưới đáy của bảng xếp hạng GDP của các quốc gia toàn cầu. Trung bình có đến 60% dân số những quốc gia này sống dưới chuẩn nghèo của Liên Hợp Quốc. Ngược lại thì tỷ lệ thất nghiệp lại luôn giữ ở mức cao hơn 30%.

Những người lao động may mắn có nghề nghiệp thì lại phải buộc nhận những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, không hề có bảo hiểm hay các hình thức trợ cấp nào cả. Tại các vùng nông thôn, những người nông dân đang hằng ngày phải hứng chịu triền miên thôi thì hết từ thiên tai này đến thiên tai khác. Vào đầu năm nay, một đợt dịch gỉ sắt đã tàn phà gần như toàn bộ diện tích cà-phê của các nước Trung Mỹ, trong khi hạn hán và đại dịch COVID-19 đang đặt người dân trong vùng trước khả năng nạn đói xảy ra do mất mùa.

Có một điều rất lạ là số lượng triệu phú Đô-la tại Trung Mỹ tăng đều trong vòng mười năm trở lại đây, tuy có phần chậm hơn so với những khu vực khác. Các nước Trung Mỹ không nghèo mà ngược lại vô cùng giàu có về mặt tài nguyên thiên nhiên. Ngoài các loại khoáng sản, họ còn sở hữu một môi trường tự nhiên và nền khí hậu tuyện vời, rất thích hợp để phát triển du lịch.

Thế nhưng, sự phân bố lợi nhuận thu được từ các tài nguyên này không đồng đều. Bởi lẽ hầu hết lợi nhuận đều rơi vào tay một số tập đoàn trong và ngoài nước. Ngay cả khoản tiền do những người Trung Mỹ lao động xuất nhập khẩu gửi về cho gia đình mình cũng bị các ngân hàng trong nước đánh lệ phí ở mức rất cao. Trong khi đó thì chính phủ các nước Trung Mỹ lại đánh thuế người giàu rất thấp, đến mức ngân sách của họ không đủ để đầu tư công nhằm giải quyết vấn đề tội phạm.

Người dân Honduras trốn khỏi nghèo đói và bạo lực chiếm số lượng lớn trong "đoàn caravan" người di cư ước tính từ 7.000-8.000 người đang di chuyển qua Mexico với hy vọng đặt chân đến nước Mỹ, nơi được cho là “thiên đường” của người nhập cư.

Sự bất bình đẳng còn xuất hiện trong cả ngành giáo dục. Chất lượng giáo dục trường công tại các quốc gia Trung Mỹ là rất thấp vì thiếu kinh phí. Trong khi đó vấn đề học sinh bỏ học để đi  lao động  phụ giúp gia đình, hoặc vì bị các nhóm tội phạm rủ rê luôn làm đau đầu các nhà chức trách hằng năm. Chính phủ một số nước đã cố gắng tăng đầu tư, đồng thời thực hiện các chính sách cải tổ giáo dục.

Nhưng vấn đề ở đây là,  hầu hết số tiền đầu tư của họ lại đổ vào các trường đại học thường chỉ có con cái các gia đình khá giả mới có thể có đủ khả năng theo học, chứ tiền không đi vào các trường tiểu học, trung học, trường dạy nghề đang rất thiếu vốn để tân trang lại cơ sở hạ tầng và hỗ trợ học sinh khó khăn. Tại một quốc gia Trung Mỹ như Guatemala, tỷ lệ tội phạm vị thành niên chiếm 15% tổng số tội phạm hằng năm, trong đó đáng lo là số các vụ giết người và cướp của do trẻ vị thành niên thực hiện đang có dấu hiệu tăng.

Các bộ luật hình sự tại Trung Mỹ rất yếu. Theo một điều tra của Đại học Châu Mỹ ở Mexico thì trung bình trên 100 vụ giết người, chỉ có 20 vụ là kẻ thủ ác bị kết án. Tỷ lệ này trên toàn thế giới là 43%. Hai quốc gia thuộc Trung Mỹ là El Salvador và Honduras có tỷ lệ rất thấp, lần lượt là 4,46% và 8%. Mà đây là tỷ lệ đối với những vụ giết người được báo cáo tới cảnh sát.

Hằng ngày, tại các quốc gia này vẫn đang xảy ra nhiều vụ giết người mà không được báo cáo với cảnh sát, có thể vì xác chết đã hoàn toàn bị tiêu huỷ, hoặc là vì nhân chứng quá sợ bị trả thù mà không dám nói ra. Trong bối cảnh đó, người dân Trung Mỹ gần như không còn có niềm tin vào việc luật pháp sẽ bảo vệ họ trước tội phạm.

Cũng phải nói thêm về tình hình địa chính trị của các quốc gia Trung Mỹ. Kể từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay, chưa lúc nào các nước này sống trong hoà bình thực sự cả. Sau khi cánh tả chiến thắng trong các cuộc bầu cử dân chủ trong giai đoạn 1960-1979 thuộc thế kỷ trước, cơ quan tình báo nước ngoài thường xuyên tìm cách can thiệp vào nội tình của những quốc gia này để lật đổ các chính phủ cấp tiến.

Trường hợp nổi tiếng nhất là vụ việc lực lượng quân nổi dậy Contra từng gây nội chiến tại Honduras trong vòng 11 năm. Contra và các nhóm phiến loạn Trung Mỹ khác nhận được hỗ trợ về tài chính, vũ khí và huấn luyện trực tiếp từ CIA. Sau khi các nhóm này bị đánh bại và giải tán, những thành viên trong nhóm nghiễm nhiên trở thành các ông trùm tội phạm. Chúng sử dụng kinh nghiệm và vũ khí của mình để tạo dựng nên những băng đảng tội phạm có tổ chức vô cùng nham hiểm và manh động.

Ngược lại thì tình hình bất ổn cũng khiến quyền lực của chính quyền các nước Trung Mỹ suy giảm nhanh chóng. Lực lượng thực thi pháp luật của họ vô cùng yếu ớt và chỉ có khả năng thi hành nhiệm vụ của mình tại các thành phố lớn, bỏ mặc các vùng quê xa xôi cho bọn tội phạm mặc sức giữ vai trò "bá chủ". Rồi nữa, các nước Trung Mỹ cũng rất thiếu những công cụ luật pháp để có thể thực sự đưa những kẻ phạm tội ra xét xử công minh.

Điều nói trên có thể thấy rõ nhất tại Honduras, đất nước mới phải hứng chịu một cuộc đảo chính xảy ra vào hồi năm 2009. Đến nay quốc gia này vẫn còn đầy rẫy bất ổn, ngay cả trong hệ thống luật pháp của mình. Chính điều đó tạo điều kiện để các băng đảng tội phạm mặc sức hoành hành dưới sự che chở của một số thành phần tham nhũng trong chính phủ Honduras. Hiện hai băng đảng tội phạm lớn nhất tại Honduras là, MS-13 và M-18, thậm chí còn thay thế chính quyền nhiều địa phương để cai trị một số vùng đất, đồng thời vươn vòi bạch tuộc của chúng sang các quốc gia lân cận khác.

Cho dù các nước Trung Mỹ có tăng ngân sách cho an ninh đến mức nào đi nữa thì tình hình an ninh ở đây vẫn đang hết sức bất ổn.

Ảnh hưởng của tình trạng tội phạm tràn lan tại các nước Trung Mỹ còn vượt qua cả biên giới những quốc gia này. Trung Mỹ là một mắt xích quan trọng trong đường dây trung chuyển ma tuý từ Nam Mỹ đến Mỹ. Và cùng với đó là đường dây đưa tiền và vũ khí từ Mỹ xuống Nam Mỹ. Với giá một ki-lo-gam cocaine vào khoảng 5000 - 6000 USD, không chỉ những tên tội phạm mà cả những người dân thường cũng bị lôi vào bộ máy vận chuyển ma tuý, bởi sức cám dỗ chết người của đồng USD.

Các băng đảng sử dụng số tiền thu được từ ma tuý để mua vũ khí và hối lộ các quan chức, hai thứ có thể bảo vệ chúng trước pháp luật tốt nhất. Trong khi đó thì người dân bị phụ thuộc vào ma tuý để có nguồn thu duy nhất mà sống sót qua ngày đoạn tháng. Vì lẽ đó cho nên người ta không còn bất cứ sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải bảo vệ những tên tội phạm đang hành hạ cuộc sống của mình.

Trong những năm gần đây, chính quyền các nước Trung Mỹ đã có một số biện pháp mạnh tay hơn trong việc trấn áp tội phạm. Ở El Salvador, Guatemala và Honduras mới đây đã cùng nhau ký kết vào bản "Kế hoạch Liên kết phát triển kinh tế" nhằm tạo lập một liên minh kinh tế có lợi cho tất cả các bên. Để thực hiện bản kế hoạch đó, chính quyền ba nước nói trên đã thành lập một quỹ hỗ trợ trị giá 22 tỷ USD do họ tự đóng góp và kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức đa quốc gia. Mới đầu thì quỹ hỗ trợ kể trên đã đạt được một số thành công trong việc nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân.

Mặt khác thì nhằm giải quyết vấn đề tham nhũng, Liên Hợp Quốc đã bổ nhiệm một Ủy ban quốc tế để giúp Guatemala phát hiện và kết tội hơn 300 quan chức chính phủ có hành vi tham nhũng. Còn tại El Salvador thì ba vị nguyên Tổng thống cùng các quan chức nội các của họ đã bị kết tội tham nhũng. Riêng tại Honduras thì chính phủ nước này cùng với các chuyên gia từ Tổ chức các nước châu Mỹ đã thực hiện một cuộc "đại thanh trừng" lực lượng cảnh sát của mình. Nhiều chuyên gia và người dân đất nước Trung Mỹ này đang đặt niềm tin vào việc "làm sạch" bộ máy quan chức sẽ tước đi "ô dù" của các tổ chức tội phạm và bước đầu tiến đến việc đưa chúng ra trước ánh sáng công lý.

Việc chăm sóc trẻ em Trung Mỹ đang gặp khó khăn do tình hình xã hội phức tạp.

Tóm lại, tình hình chính trị - kinh tế - xã hội tại khu vực Trung Mỹ hiện nay là hết sức phức tạp. Các ngành nghề nông nghiệp và du lịch mũi nhọn của họ đều đang hứng chịu sự tấn công của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Nguồn tài trợ từ cộng đồng quốc tế dành cho họ đang cạn dần, đặc biệt là sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng tay cắt giảm một loạt gói hỗ trợ phát triển các nước Trung Mỹ.

Trong khi đó, các tổ chức tội phạm lại đang ra sức tìm mọi cách tổ chức phản công lại mọi nỗ lực tích cực của chính phủ thông qua cả vũ lực lẫn quyền lực chính trị của chúng. Chính vì vậy đã khiến cho bức tranh tội phạm ở các quốc gia thuộc Trung Mỹ đang ngày một trở nên xám xịt trước nguy cơ trở thành một thứ  thảm hoạ nhân đạo.  Ấy thế nhưng, một mình họ không thể đơn lẻ tự giải quyết nó được ngay trong một sớm một chiều được. Vì thế, để có thể thoát ra khỏi tình trạng bất an như hiện tại trong một tương lai không xa, hơn bao giờ hết, lúc này đây các quốc gia vùng Trung Mỹ đang rất cần tới sự hỗ trợ  chia sẻ khẩn cấp mang tính nhân văn từ cộng đồng quốc tế trong một ngày gần đây nhất.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.