Trung Quốc: Nguy cơ nợ xấu từ công ty xử lý nợ xấu

Thứ Sáu, 01/03/2019, 11:21
Các nhà quản lý nợ xấu của Trung Quốc, những người Bắc Kinh hy vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết rủi ro tài chính, lại có nguy cơ trở thành những khoản tín dụng xấu khi chính phủ muốn siết lại hoạt động cho vay đòn bẩy, đe dọa khả năng tiếp cận nguồn vốn của họ.


Việc mua các khoản nợ xấu (NPL) giảm giá của ngân hàng và bán lại chúng để kiếm lợi nhuận đã tăng nhanh ở Trung Quốc kể từ năm 2016. Nó đã thu hút một loạt “tay chơi” mới trong nước cũng như người nước ngoài, bao gồm Oaktree Capital Group và CarVal Investors.

Sa lầy

Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong 28 năm do tác động cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, các quỹ kền kền Trung Quốc đang bị sa lầy vào thanh khoản của chính mình. Ngành công nghiệp không chỉ khiến các ngân hàng Trung Quốc bị giảm khả năng nhanh chóng thanh lý nợ xấu để nhường chỗ cho vay mới, mà còn tăng rủi ro tài chính trong hệ thống và đe dọa sự ổn định xã hội khi hàng chục ngàn nhà đầu tư bán lẻ mất tiền tiết kiệm do đầu tư vào quỹ kền kền.

Giá của các danh mục cho vay xấu đã suy yếu trong bối cảnh tràn ngập nguồn cung mới. Trước đây, các nhà đầu tư cho vay xấu trong nước đã vay một khoản tiền đáng kể để mua danh mục đầu tư nhưng họ không thể vay thêm được nữa, ông Ted Osborn, đối tác tại PwC cho biết. Sự suy giảm giá tài sản xấu đang đánh vào sổ sách của hàng chục công ty niêm yết đã đổ xô vào lĩnh vực kinh doanh này một vài năm trước. Ngay cả các công ty chuyên xử lý nợ xấu thuộc sở hữu nhà nước (AMC) - cũng đang phải khốn đốn.

China Huarong Asset Management, AMC lớn nhất trong nước, đã báo cáo sụt giảm 61% lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh nợ xấu trong nửa đầu năm ngoái. Trong khi đó, một AMC lớn khác là China Cinda Asset Management dự kiến lợi nhuận năm 2018 sẽ giảm 30%, mức giảm lợi nhuận đầu tiên kể từ khi niêm yết năm 2013.

Công ty quản lý nợ xấu Chiết Giang Dongrong Equity Investment Co là một trường hợp điển hình. Nó bắt đầu vỡ nợ trên một loạt các sản phẩm đầu tư nợ xấu vào tháng 8 năm ngoái và hiện đang cung cấp hàng hóa bao gồm gạo, sữa và giăm bông để thanh toán một phần nợ, nhằm làm dịu các nhà đầu tư bất mãn.

Công ty quản lý tài sản tư nhân này bắt đầu đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nợ xấu của mình 3 năm trước trong bối cảnh của sự sụp đổ thị trường chứng khoán Trung Quốc. Vào tháng 3-2016, Tổng giám đốc Zhang Wei nói với Reuters rằng kế hoạch ngắn hạn của công ty là phát triển hoạt động cho vay nợ xấu của họ lên hàng chục tỷ nhân dân tệ (NDT) và dự báo lợi nhuận hàng năm khoảng 13%.

Hiện nay, Công ty Dongrong đang ngồi trên “tài sản đau khổ” trị giá gần 9 tỷ NDT (1,3 tỷ USD) và hơn 20.000 nhà đầu tư cá nhân đối với các sản phẩm của quỹ Dongrong, đang đòi công ty trả lại tiền. “Tôi cảm thấy bất lực”, Zhou Jian, người đã đầu tư 2 triệu NDT vào quỹ NPL của Dongrong, nói. Ông cho biết số tiền này đáo hạn vào tháng 1, nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được tiền.

Trong một bức thư gửi cho các nhà đầu tư, Ye Zhen, người sáng lập Dongrong, cho biết toàn bộ ngành công nghiệp đang bị căng thẳng thanh khoản và hứa sẽ trả lại tiền cho các nhà đầu tư trong vòng 3 năm.

Đối thủ của Dongrong là Dong Fang Cheng An cũng trích dẫn một môi trường kém thuận lợi khi công ty tuyên bố vỡ nợ trên một loạt sản phẩm nợ xấu vào tháng 12. Kể từ năm 2018, thị trường nợ xấu của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi môi trường vĩ mô, với quá trình thu hồi nợ xấu bị kéo dài rất nhiều, nhà quản lý tài sản nói trong một tuyên bố trên trang web của mình. Công ty hiện nợ các nhà đầu tư 7 tỷ NDT, và phải thành lập một đội đặc nhiệm khẩn cấp để giải quyết vấn đề thanh khoản.

Vay thêm tiền

Theo PwC, khoảng 1,4 nghìn tỷ đô la các khoản vay có nguồn gốc xấu - bao gồm nợ xấu, nợ khó đòi và các khoản vay trong danh mục đề cập đặc biệt của nhóm - nằm trong các ngân hàng và 4 AMC lớn. PwC dự báo các khoản nợ xấu sẽ tăng lên khi nền kinh tế chậm lại và các nhà quản lý gây sức ép để các nhà cho vay làm sạch sổ sách của họ.

“Tôi nghĩ rằng đây là sự khởi đầu của chu kỳ nợ xấu, và nó sẽ kéo dài nhiều năm nữa”, ông Osborn, người đứng đầu bộ phận nhóm Tái cấu trúc và Phá sản Hồng Kông và Trung Quốc của PwC.

Các khoản vay nợ xấu của ngân hàng Trung Quốc đạt 2 nghìn tỷ NDT trong năm 2018, khiến tỷ lệ nợ xấu của ngành công nghiệp lên mức cao nhất trong thập kỷ là 1,89%, các nhà quản lý cho biết, ngay cả sau khi những nhà cho vay đã giải quyết gần 2 nghìn tỷ NDT tài sản trong năm qua.

Do nguồn cung ngày càng tăng, giá của các danh mục cho vay xấu đã giảm hơn 10 điểm phần trăm trong quý 1 và quý 3 năm ngoái, theo China Orient Asset Management, một AMC do nhà nước kiểm soát.

“Một số nhà quản lý tài sản đã mua một số lượng lớn danh mục đầu tư nợ xấu trước đây. Nếu họ không thể xử lý chúng nhanh chóng và thu hồi dòng tiền, họ có thể phải đối mặt với rủi ro thanh khoản khi các khoản vay ngắn hạn đáo hạn”, ông Chen Chen Jianxiong, Phó chủ tịch của Orient AMC, nói trong một hội nghị gần đây. “Trong một nền kinh tế đang chậm lại, việc xử lý nợ xấu trở nên khó khăn hơn. Mọi nhà quản lý tài sản đều chịu áp lực lớn ở cả đầu cấp vốn và đầu cuối”.

Một công ty như vậy là Shanghai Morn Electric Equipment Co, một nhà sản xuất dây và cáp điện. Công ty này đã mạo hiểm tham gia hoạt động kinh doanh nợ xấu vào đầu năm 2017, mua 10,9 tỷ NDT danh mục đầu tư nợ xấu trong năm đó và kiếm được 97,2 triệu NDT doanh thu từ hoạt động này. Nhưng vào tháng 10, công ty đã cảnh báo lợi nhuận năm 2018 sẽ giảm tới 92% do hoạt động kinh doanh nợ xấu.

Bị thôn tính

Tình cảnh khó khăn của các nhà quản lý tài sản trong nước có nghĩa là một số quỹ kền kền nước ngoài đã cảm nhận được một cơ hội. Avery Colcord, CEO của CarVal Investors, cho biết chiến dịch siết đòn bẩy của Chính phủ Trung Quốc đã giúp quét sạch một số đối thủ địa phương hung dữ và hạ giá bong bóng. “Chúng tôi cảm thấy các yếu tố cơ bản ngày nay khá thuận lợi”, ông nói, sau khi CarVal hoàn thành 2 giao dịch vào năm 2018, lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Quan điểm này được tán thành bởi Greg Ritchie, Giám đốc LVF Capital, đã ra mắt một quỹ trị giá 500 triệu đô la trong năm 2017 dành riêng cho đầu tư vào thị trường nợ xấu Trung Quốc. “Một nền kinh tế chậm lại là tốt cho chúng tôi, một trong những ưu điểm mà các nhà đầu tư phương Tây mang đến cho thị trường là họ có tiền dài hạn ... Với hầu hết dòng tiền trong nước, nó chỉ là “tiền một năm”.

Dữ liệu trao đổi tài sản tài chính Thâm Quyến Qianhai cho thấy các khoản mua nợ xấu của nước ngoài ở Trung Quốc tăng gần gấp 3 lần vào năm ngoái lên 30 tỷ NDT. Li Jiaqi, CEO của bộ phận trao đổi xuyên biên giới, cho biết so với các nhà đầu tư trong nước, người mua nước ngoài thận trọng hơn và sẽ tìm kiếm tài sản thế chấp đầy đủ hơn và giảm giá sâu hơn. Họ có thể giữ tài sản lâu hơn và chờ suốt chu kỳ để tới lúc phục hồi.

Vinh Trang
.
.
.