Trung Quốc:

Nhà chỉnh sửa gene trẻ sơ sinh đối mặt với bản án nào?

Chủ Nhật, 27/01/2019, 10:01
"Ông Hạ Kiến Khuê đã tổ chức một nhóm dự án bao gồm cả chuyên gia nước ngoài và tìm cách tránh sự chú ý của cơ quan quản lý, sử dụng công nghệ chưa chắc chắn về độ an toàn và hiệu quả để tiến hành chỉnh sửa gene, một hoạt động bị luật pháp Trung Quốc cấm", Tân Hoa xã trích thông báo kết quả điều tra sơ bộ về thí nghiệm chỉnh sửa gene trẻ sơ sinh của nhà khoa học Hạ Kiến Khuê.


Trong thông báo đưa ra hôm 21-1, đội điều tra của tỉnh Quảng Đông tuyên bố, ông Hạ Kiến Khuê đã tiến hành công trình nghiên cứu kể trên vì theo đuổi danh lợi cá nhân, bất chấp các lệnh cấm của chính phủ.

Việc này được tiến hành từ tháng 6-2016. Và từ tháng 3-2017 đến tháng 11-2018, ông Hạ Kiến Khuê đã giả mạo giấy tờ đánh giá đạo đức, tìm 8 cặp vợ chồng (chồng dương tính với HIV, vợ âm tính với HIV) tham gia thí nghiệm "biến đổi gene". Trong số 2 phụ nữ mang thai, có 1 người sinh đôi.

Ông Hạ Kiến Khuê công bố công trình của mình.

Ngoài ra, 1 cặp vợ chồng từ bỏ thí nghiệm giữa chừng, 5 cặp còn lại không thành công và 1 người đang mang thai. Cặp vợ chồng bỏ cuộc giữa chừng đã nói với Tạp chí LifeWeek ở Bắc Kinh rằng, trợ lý của ông Hạ Kiến Khuê từng hứa hẹn "tỷ lệ thành công cao được chứng minh trong các thử nghiệm trên động vật, cũng như cơ hội chọn gene tốt nhất để phôi thai có sức khỏe hơn và thông minh hơn.

Và sẽ giúp vứt bỏ bất kỳ kết quả không mong muốn, không lành mạnh nào". Do đó, họ đã quyết định dừng ở phút chót vì không muốn bị đối xử như "chuột thí nghiệm".

Những hoạt động kể trên đã vi phạm nghiêm trọng các quy tắc đạo đức, tính chuẩn mực của khoa học, cũng như các quy định liên quan của Trung Quốc. Do đó, ông Hạ Kiến Khuê cùng những tổ chức và cá nhân có liên quan tới thí nghiệm kể trên, sẽ phải chịu hình phạt theo quy định của luật pháp.

Sau khi kết quả điều tra kể trên được công bố, trường Đại học Khoa học và công nghệ Hoa Nam (SUSTech), nơi ông Hạ Kiến Khuê làm việc, đã quyết định sa thải nhà nghiên cứu này.

Đây là xác nhận công khai đầu tiên của cơ quan chức năng Trung Quốc sau khi nhà khoa học Hạ Kiến Khuê bị cho đã mất tích bí ẩn cách đây không lâu. Theo thông tin từ đồng nghiệp và giới khoa học Trung Quốc, ông Hạ Kiến Khuê có thể phải đối mặt với án tử hình vì bị cáo buộc với các tội danh như hối lộ, tham nhũng…

Bởi ông Hạ Kiến Khuê tuyên bố, chi phí y tế của tình nguyện viên tham gia vào thực nghiệm là do bản thân chịu trách nhiệm, còn kinh phí nghiên cứu khác là do Trường Đại học Khoa học và công nghệ Hoa Nam cung cấp.

Theo thông tin của Trường Đại học Khoa học và công nghệ Hoa Nam - nơi cung cấp khoảng 40.331 USD cho nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê lại khẳng định không biết gì về việc này.

Trong khi đó, tờ Tin tức Bắc Kinh đưa tin, các cặp vợ chồng tham gia thí nghiệm được trả 280.000 nhân dân tệ (khoảng 40.000 USD), với điều kiện không đòi bồi thường nếu thí nghiệm không thành công. Có thông tin nói rằng, ông Hạ Kiến Khuê là cổ đông của 7 công ty và từ năm 2015, ông đã nhận 41,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 5,96 triệu USD) cho nghiên cứu giải mã gene.

Lần cuối cùng ông Hạ Kiến Khuê xuất hiện trước công chúng là tại Hội nghị cấp cao quốc tế lần thứ 2 về chỉnh sửa gene người ở Hongkong hôm 28-11-2018. Trước đó (26-11-2018), ông Hạ Kiến Khuê tuyên bố trên YouTube về công trình nghiên cứu của mình.

"Nếu cần tôi cũng sẽ thử chỉnh sửa gene của chính con mình", ông Hạ Kiến Khuê từng tuyên bố. Khi trả lời phóng viên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) về vấn đề này, ông Từ Nam Bình, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từng tuyên bố, việc chỉnh sửa gene thai nhi đã ngang nhiên vi phạm điều lệ pháp quy liên quan của Nhà nước, ngang nhiên phá vỡ ranh giới đạo đức học thuật, khiến người ta kinh hoàng.

Và Bộ Khoa học và Công nghệ đã đình chỉ mọi nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê, đồng thời mở cuộc điều tra về vấn đề này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, sẽ thành lập một Ủy ban chuyên nghiên cứu về việc chỉnh sửa gene bởi khó cấm triệt để vấn đề này, nên tốt nhất là đưa ra hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.

Tiến sĩ Werner Neuhausser đến từ Viện Tế bào gốc thuộc Trường Đại học Harvard đang lên kế hoạch sử dụng CRISPR - công cụ chỉnh sửa gene như ông Hạ Kiến Khuê đã dùng - để biến đổi mã gene trong tế bào tinh trùng với hy vọng giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở các bé được sinh ra nhờ thụ tinh ống nghiệm. Và trong tương lai, con người có khả năng phải đối mặt với những dịch bệnh lây lan chết người, nếu vaccine không còn tác dụng thì bộ gene được chỉnh sửa sẽ giúp nhân loại chống lại mối nguy hiểm này.
Mạnh Phong
.
.
.