Trung Quốc: Tranh cãi về việc sinh con thứ 2 và 3

Thứ Bảy, 01/09/2018, 16:06
Tờ South China Morning Post vừa dẫn thông tin từ Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 13, xung quanh dự luật liên quan tới việc chấm dứt chính sách kiểm soát sinh đẻ (dự kiến thông qua trong năm 2020) gây tranh cãi hàng thập kỷ qua.


Ngày 27-8, Tòa án Tối cao Trung Quốc trích dẫn dự thảo luật này, trong đó không nhắc tới cụm từ "kế hoạch hóa gia đình" - chính sách cho phép các cặp vợ chồng sinh tối đa 2 con. Và điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể chấm dứt gần 40 năm thực hiện kế hoạch hóa gia đình. 

Trẻ em Trung Quốc được sinh ra tại bệnh viện tư nhân ở Thái Lan.

Nhưng chưa rõ chính sách mới có giới hạn số lượng trẻ em được sinh ra trong mỗi gia đình hay không. Gần nửa năm trước (tháng 3-2018), Trung Quốc đã sáp nhập cơ quan kế hoạch hóa gia đình vào Ủy ban Sức khỏe quốc gia. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1981 không còn cơ quan nào mang tên "kế hoạch hóa gia đình".

Động thái kể trên diễn ra trong bối cảnh một số địa phương như Liêu Ninh, Hồ Bắc, Tân Cương đã cho phép sinh con thứ 3. Họ không những không phải nộp các khoản chi phí xã hội, mà còn được tăng thời gian nghỉ thai sản, hỗ trợ chi phí sinh con, tặng tiền hoặc hiện vật. 

Riêng tỉnh Thiểm Tây còn có không hạn chế tỷ lệ sinh. Còn tỉnh Giang Tây ban hành quy định - phụ nữ chỉ được phép phá thai (mang bầu hơn 14 tuần) nếu có sự chấp thuận của 3 nhân viên y tế. 

Theo giới truyền thông, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách 1 con (từ năm 1979), tới 1-1-2016 Trung Quốc cho phép sinh 2 con để trẻ hóa dân số của quốc gia đang bước vào thời kỳ già hóa với 1,4 tỷ người. 

Nhưng kể từ đó đến nay tỷ lệ sinh không tăng như dự kiến, nên chính quyền có thể nới lỏng chính sách này. Theo thống kê, chỉ có 17,9 triệu trẻ sinh ra trong năm 2016, bằng một nửa kỳ vọng, và tỷ lệ này của năm 2017 giảm xuống còn 17,2 triệu cháu, thấp hơn nhiều so với con số dự báo 20 triệu. 

Theo kết quả nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc cho thấy, lực lượng lao động Trung Quốc có thể giảm tới 100 triệu người trong giai đoạn 2020-2035 và giảm tiếp 100 triệu người nữa vào năm 2050, tạo áp lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nguồn thu ngân sách và môi trường. Ước tính, tới năm 2030 khoảng 1/4 dân số Trung Quốc sẽ từ 60 tuổi trở lên, tăng 13% so với năm 2010.

Trung Quốc đang khuyến khích các gia đình sinh thêm con.

Đứng trước tình hình kể trên, ý tưởng đánh thuế người lao động có ít hơn 2 con để hỗ trợ, khuyến khích những người sinh 2 con đang gây tranh cãi. 

Theo 2 học giả Lưu Chí Bưu và Trương Diệp đến từ trường Đại học Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, những người trong độ tuổi lao động dưới 40 tuổi chưa đủ 2 con sẽ phải đóng thuế (thuế này sẽ được nhận lại khi họ về hưu) và dùng số tiền này nộp vào quỹ hỗ trợ những người có 2 con. 

Theo ông Hoàng Vinh Thanh, cựu Viện trưởng dân số và kinh tế, trường Đại học Kinh tế và Kinh doanh ở Bắc Kinh gọi đề xuất này là nực cười và vi phạm nhân quyền. Còn Đài truyền hình trung ương CCTV gọi đề xuất này là vô lý. 

"Rõ ràng tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đang thấp tới mức báo động, chính quyền đã thất bại trong việc tăng sinh khi xóa bỏ chính sách 1 con", Leta Hong Fincher, tác giả cuốn "Đánh thức nữ quyền ở Trung Quốc" nhận xét. Giới chuyên môn đã chỉ ra những rào cản khiến nỗ lực chấm dứt chính sách 1 con ở Trung Quốc thất bại. 

Thứ nhất, phụ nữ trẻ tại các thành phố hiện chú trọng vào sự nghiệp, không muốn bị ràng buộc quá nhiều bởi chuyện con cái. Thứ hai, các gia đình trẻ đang chịu áp lực kinh tế ngày càng lớn như giá nhà tăng cao, chi phí giáo dục tăng vọt. "Nói thẳng ra, việc sinh em bé giờ không còn là vấn đề riêng của gia đình, mà đã trở thành chuyện quốc gia", tờ Nhân dân nhật báo cảnh báo.

Được biết, trong gần 40 năm thực hiện chính sách 1 con, Trung Quốc đã giảm được 400 triệu ca sinh, tỉ lệ tử vong ở trẻ em là 21 nam/28 nữ. Trung Quốc cũng đã thu được 2.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 315 tỉ USD) tiền phạt từ các gia đình sinh quá quy định. 

Nhưng vì chính sách 1 con nên đã tạo ra sự mất cân bằng giới tính - cứ mỗi bé gái được sinh ra thì có 1,16 bé trai tương ứng. Điều đáng nói là trong khi "chính sách 2 con" thất bại ở Trung Quốc, nhưng đang tạo lợi nhuận lớn (hàng tỷ USD) cho các bệnh viện tư nhân tại Thái Lan, khi hàng ngàn cặp vợ chồng Trung Quốc tới đây để sử dụng các dịch vụ hỗ trợ sinh sản. 

Những cặp vợ chồng kể trên đa số ở tầm trung niên, có điều kiện kinh tế để sinh con bằng kỹ thuật IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Hơn nữa, dịch vụ này tại Thái Lan rẻ hơn khoảng 40% so với Nhật Bản, Mỹ và Singapore.

Quốc Dũng
.
.
.