Trung Quốc bị hạ bậc tín nhiệm

Thứ Hai, 19/06/2017, 13:55
Những rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế Trung Quốc đã được nói đến từ lâu. Mới đây, những lo ngại về nền kinh tế số 2 thế giới lại được chú ý khi một trong 3 đại gia đánh giá tín nhiệm toàn cầu là Moody's Investors Service hôm 24-5 tuyên bố hạ bậc tín nhiệm của nước này. Liệu Trung Quốc có phải “hạ cánh cứng” như nhiều người lo ngại?


Nợ cao, tăng trưởng không bền vững

Trong động thái hôm 24-5, Moody’s đã giảm điểm tín nhiệm nợ dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ của Trung Quốc về mức A1 từ mức Aa3 trước đó. Giải thích cho động thái này, theo Moody’s: “Việc hạ điểm tín nhiệm này phản ánh kỳ vọng của Moody’s rằng sức mạnh tài chính của Trung Quốc sẽ xói mòn phần nào trong những năm sắp tới, trong khi mức nợ trong toàn bộ nền kinh tế tiếp tục tăng mà tốc độ tăng trưởng tiềm năng lại đi xuống”.

Đây không phải lần đầu tiên Moody’s có nhận định tiêu cực về tình hình tài chính của Trung Quốc. Tháng trước, Moody’s đã có những nhận định tiêu cực về lợi nhuận của các ngân hàng thuộc nền kinh tế số 1 châu Á. 

Cụ thể, Moody’s cho biết mặc dù nhìn chung tính thanh khoản và vốn hóa của những ngân hàng vẫn ở mức ổn định, nhưng đang có xu hướng suy yếu so với các ngân hàng nhỏ hơn do những ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh hơn. Năm 2016, 11 ngân hàng trên tăng trưởng tín dụng trung bình 12%, so với chỉ 10% năm 2015. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc năm 2016 chỉ tăng trưởng 6,7%, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua.

Một lý do khác Moody’s lý giải cho động thái hạ bậc của mình là Trung Quốc vẫn dựa vào kích thích kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng. Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã cố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách đầu tư ồ ạt vào các dự án cơ sở hạ tầng và duy trì lãi suất ở mức rất thấp, giúp cho các doanh nghiệp nhà nước sống sót, nhất là những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, chính sách này đã tạo ra tình trạng bong bóng đầu cơ trong các khu vực như nguyên liệu và nhất là địa ốc, với việc giá nhà đất ở một số thành phố tăng đến chóng mặt.

Moody’s dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể giảm về mức 5% trong những năm tới, trong khi nợ trực tiếp của Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng dần lên mức 40% GDP vào năm 2018, và lên gần ngưỡng 45% GDP vào cuối thập kỷ này”. Ngoài ra, nợ của các hộ gia đình và các công ty phi tài chính của Trung Quốc cũng dự báo tiếp tục tăng.

Có thể hạ thêm?

Phản ứng trước động thái này, Bộ Tài chính Trung Quốc cho rằng Moody's đã thổi phồng quá mức những rủi ro của nền kinh tế dựa trên những phương pháp tính toán không hợp lý. Đáp lại, Phó Chủ tịch Chuẩn mực và Chiến lược tín dụng của Moody’s, ông Li Xiujun, nói Trung Quốc thậm chí có thể không giữ được xếp hạng A1 nếu có những dấu hiệu cho thấy nợ gia tăng nhanh hơn ước tính của hãng.

“Nếu có những dấu hiệu cho thấy nợ vẫn gia tăng với tốc độ cao hơn ước lượng của chúng tôi, dẫn đến việc phân bổ vốn không hợp lý, nó sẽ tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng kinh tế trung hạng và có tác động tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm. Khi đó, Trung Quốc thậm chí không đáp ứng yêu cầu của hạng A1” - ông Li nói.

Theo ước tính của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (Bank for International Settlements), tổng nợ của Trung Quốc tính đến năm 2016 đã lên đến 255,6% GDP, chỉ kém Mỹ một chút (255,7%). Đáng chú ý, trong vòng 10 năm từ 2006-2016, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc đã tăng hơn 100% từ mức 146%. Nhưng điều đáng lo ngại là nợ tư nhân (nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình) ở Trung Quốc chiếm tỷ lệ quá lớn, tới 209,5% GDP năm 2016.

Ð. Hồng
.
.
.