Trung Quốc giảm tốc vì xung đột thương mại

Thứ Sáu, 12/10/2018, 10:15
Cuộc chiến thương mại ngày càng gia tăng với Mỹ đang bắt đầu có ảnh hưởng nặng nề hơn đến nền kinh tế Trung Quốc, khi nhu cầu nước ngoài suy yếu và tiêu thụ nội địa chậm chạp khiến các nhà sản xuất Trung Quốc giảm đáng kể sản lượng.


Sự giảm tốc trong sản xuất, được trình bày chi tiết trong các báo cáo được công bố ngày 30-9, làm tăng triển vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.

Dữ liệu mới cho thấy các nhà sản xuất xe hơi, máy móc và các sản phẩm khác thuộc sở hữu tư nhân đã ngừng mở rộng vào tháng 9, khi các đơn hàng xuất khẩu giảm nhiều nhất trong hơn 2 năm. Đồng thời, sản lượng của các nhà sản xuất lớn và doanh nghiệp nhà nước tiếp tục suy yếu. Báo cáo cho thấy cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu giảm bớt sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cho đến nay, việc giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc phần lớn do một chiến dịch kiểm soát nợ trong nước đã kiềm chế đầu tư và tiêu dùng của các công ty và cá nhân. Nhưng kể từ tháng 7, cả Bắc Kinh và Washington đã tiến xa hơn lời nói suông, áp đặt thuế quan đối với hàng trăm tỷ đô la lên sản phẩm nhập khẩu của mỗi quốc gia.

Các nhà kinh tế và cố vấn chính phủ tin rằng dưới áp lực lớn như vậy, có thể Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp ủng hộ tăng trưởng mạnh hơn - chẳng hạn như chính sách tín dụng dễ dàng hơn và chi tiêu chính phủ cao hơn. 

Từ đầu năm nay, Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc đã có 3 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các khoản tiền gửi ngân hàng thương mại. Một đợt cắt giảm thứ tư đang có khả năng được triển khai để thúc đẩy cho vay và cung cấp cho nền kinh tế nhiều “oxy” hơn.

Không nghi ngờ gì, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc và tăng trưởng tổng thể, theo Long Guoqiang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc. 

"Một số doanh nghiệp sẽ cắt giảm sản xuất, một số sẽ giảm số lượng công nhân, và các doanh nghiệp khác thậm chí có thể đóng cửa", ông Long Guoqiang nói tại một cuộc họp báo. Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình theo tác động của cuộc chiến thương mại đối với nền kinh tế, ông nói thêm.

Bắc Kinh hiện vừa phải cố gắng tự bảo vệ khỏi cuộc tấn công thương mại của Mỹ, vừa phải giữ cho nền kinh tế Trung Quốc không chựng lại. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần tự hào rằng nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ cho ông khả năng “cầm trịch” trong cuộc xung đột thương mại. Kể từ đầu tháng 7, chính quyền Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD và Bắc Kinh đã trả đũa bằng thuế trừng phạt trên 110 tỷ USD sản phẩm của Mỹ.

Ông Trump cũng cam kết sẽ đưa thêm thuế quan trên 257 tỷ đô la các sản phẩm Trung Quốc. Như vậy, về cơ bản tất cả các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đến Mỹ đều chịu những hình phạt thuế quan. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm ngoái gấp khoảng 4 lần so với từ Mỹ sang Trung Quốc, khiến Bắc Kinh không còn lựa chọn thuế quan để đáp trả Washington.

Các dữ liệu được công bố hôm Chủ nhật 30-9 cho thấy các mức thuế đã có tác động. Theo Caixin Media Co. và Công ty nghiên cứu Markit, chỉ số quản lý thu mua sản xuất của Caixin Trung Quốc, có trọng số nặng đối với các công ty tư nhân nhỏ, giảm xuống còn 50 điểm, từ 51 điểm vào tháng 8, kết thúc 15 tháng mở rộng. Giá trị 50 điểm trở lên có nghĩa hoạt động sản xuất vẫn mở rộng, trong khi dưới 50 điểm cho thấy sự co lại.

Đặc biệt, dữ liệu cho thấy trong tháng trước các nhà máy Trung Quốc sản xuất ít hàng hóa hơn cho thị trường nước ngoài. Đơn hàng xuất khẩu mới, mặc dù vẫn còn tăng, nhưng đã chậm lại mức thấp nhất kể từ tháng 2-2016, Caixin cho biết. 

Một đánh giá khác của ngành sản xuất  vừa công bố, theo đó chỉ số quản lý thu mua sản xuất chính thức, nghiêng về phía các công ty lớn, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng là 50,8 trong tháng 9 từ mức 51,3 trong tháng 8, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia. Dự đoán trung bình của các nhà kinh tế là 51,2 điểm cho tháng trước.

Chỉ số sản xuất chính thức đã ở trên 50 điểm trong hơn 2 năm, phần lớn nhờ vào nỗ lực của chính phủ nhằm cắt giảm công suất dư thừa bằng cách đóng cửa các nhà máy tư nhân nhưng vẫn giữ nguyên các nhà máy thuộc sở hữu nhà nước. Nhưng triển vọng có vẻ ảm đạm ngay cả đối với các công ty nhà nước hiện nay. Chỉ số xuất khẩu mới trong thước đo chính thức - một chỉ báo về nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc - giảm xuống còn 48 điểm vào tháng trước từ mức 49,4 điểm trong tháng 8.

Điểm sáng duy nhất trong báo cáo là một sự phục hồi mạnh mẽ trong các hoạt động xây dựng, do những nỗ lực gần đây của Chính phủ Trung Quốc để bắt đầu các dự án cơ sở hạ tầng.

Kim Thu
.
.
.