Trung Quốc "ngại" Ấn Độ hơn Nhật Bản

Thứ Hai, 29/01/2018, 14:41
Thông tin tiết lộ từ một hội thảo đầu năm nay của các nhà phân tích chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho biết Ấn Ðộ chính là mối lo ngại số 2 của nước này.


Trước đây, phần lớn người Trung Quốc tin rằng Nhật Bản là mối đe dọa lớn thứ hai (sau Mỹ) đối với “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhận thức này đã thay đổi.

Vào tháng 7-2017, giữa lúc đối đầu căng thẳng Trung - Ấn tại khu vực Doklam, trên một cổng thông tin điện tử đặt tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, một trang web có ảnh hưởng lớn và được nhiều người Trung Quốc có học vấn và giàu có ưa thích, ông Li Yang, một nhà bình luận thời sự đã viết: “Sai lầm lớn nhất mà chúng ta phạm phải trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu qua hai thập kỷ, là đã đánh giá thấp và bỏ qua Ấn Độ. Trong những năm đó, khi mà Ấn Độ phát triển nhanh chóng, chúng ta đã không gây rối, khiến họ trượt ngã hay phải “rơi lệ”.

Lính Trung Quốc và Ấn Ðộ giáp mặt tại biên giới 2 nước.

Yin Guoming, một nhà phân tích đối ngoại của Trung Quốc, nói rằng chính Ấn Độ, chứ không phải Nhật Bản, mới là mối đe dọa lớn thứ hai đối với Trung Quốc. 

Ông Yin cho biết: “Sự cách biệt Trung - Ấn đã buộc chúng ta phải coi Ấn Độ như một đối thủ nghiêm trọng. Trong cuộc đối đầu tại Doklam, mọi người, từ những người Trung Quốc bình thường cho đến các chuyên gia về chính sách đối ngoại, đều cảm thấy rất rõ ràng, rằng Trung Quốc phải coi Ấn Độ là đối thủ lớn thứ hai của mình. Trung Quốc cần phải đánh giá lại, kiểm tra lại và định hình lại chiến lược về Ấn Độ của mình”.

Lý giải tại sao Ấn Độ chứ không phải Nhật Bản mới là mối đe dọa lớn đói với Trung Quốc trong những năm tới, các học giả Trung Quốc đã đưa ra những lý do:

Về góc độ địa chính trị, Trung Quốc tin rằng có lợi thế hơn Nhật Bản. Là một quốc gia biển, nền kinh tế cũng như sự sống còn của Nhật phụ thuộc rất nhiều vào giao thông, thương mại hàng hải. Về mặt địa lý cũng như vậy. Vị trí của Nhật Bản khiến cho tuyến đường cung cấp năng lượng từ Trung Đông dài hơn so với Trung Quốc. Về logistics (hậu cần) và cả về kinh tế, tuyến hàng hải qua Biển Đông là tuyến đường ngắn nhất.

Ngược lại, tuyến đường cung cấp năng lượng hàng hải quan trọng của Trung Quốc phải đi qua Ấn Độ Dương, nằm trong khu vực đe dọa quân sự của Ấn Độ. Trong cuộc đối đầu Doklam, Trung Quốc đã được các nhà phân tích Ấn Độ lưu ý rằng trong trường hợp có đụng độ quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Ấn Độ sẽ cắt đứt đường hàng hải của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương. 

Dĩ nhiên, thực tế là rất nhiều người Trung Quốc đã bỏ qua mối đe dọa của Ấn Độ, coi đó không là gì, mà chỉ là ‘trò đùa’. Nhưng đó là do Ấn Độ chưa thực hiện đầy đủ tiềm năng của họ chứ không phải vì Ấn Độ không có khả năng trở thành mối đe dọa trong tương lai đối với Trung Quốc. Ngoài ra, không giống Nhật Bản bị hạn chế vì Hiến pháp Hòa bình áp đặt sau Thế chiến II, Ấn Độ được tự do phát triển quân đội và hiện đã có vũ khí hạt nhân.

Một số nhà phân tích Trung Quốc cũng đã bày tỏ sự thất vọng với Bắc Kinh vì đã để mặc Ấn Độ phát triển kinh tế nhanh chóng trong 20 năm qua mà không bị Trung Quốc “kiểm soát”. Các chuyên gia và giới học giả khá thẳng thắn khi thừa nhận rằng Trung Quốc đã thất bại trong việc dự đoán sự biến đổi “cách mạng” trong tinh thần dân tộc của người Ấn, mà Thủ tướng Narendra Modi đã mang lại.

Nếu những lập luận nói trên của các học giả được chính quyền trung ương ở Bắc Kinh thừa nhận và chấp nhận chính thức, có nghĩa Trung Quốc sẽ xem Ấn Độ như mối lo ngại trong tương lai, dẫn đến những thay đổi đáng kể trong chính sách song phương.

Thùy Dương
.
.
.