Trung Quốc tương đương Mỹ về viện trợ nước ngoài

Thứ Tư, 01/11/2017, 16:24
Một báo cáo do các nhà nghiên cứu Mỹ và Ðức vừa công bố cho biết, thập niên gần đây Trung Quốc đã mạnh tay chi viện trợ nước ngoài, qua đó đã gia tăng sức ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị.


Báo cáo là một công trình chung của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học William & Mary và Đại học Harvard của Mỹ, Đại học Heidelberg của Đức.

77% là viện trợ phi ODA

Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp số liệu từ 15.000 nguồn tin như báo đài, tài liệu từ các đại sứ quán và báo cáo từ các nước nhận viện trợ, từ đó xây dựng được một cơ sở dữ liệu lớn mô tả hầu hết dòng tài chính của Trung Quốc viện trợ cho các nước.

Tiến sĩ Bradley Parks, Trưởng nhóm nhiên cứu, Giám đốc Tổ chức AidData chuyên theo dõi hỗ trợ phát triển, cho biết trong giai đoạn 2000-2014, Trung Quốc đã cung cấp 354,4 tỷ USD cho viện trợ và các hình thức hỗ trợ tài chính khác cho 140 nước, không xa con số viện trợ 394,6 tỷ USD của Mỹ cùng giai đoạn.

Sri Lanka đã bán 70% cổ phần cảng Hambantota cho Trung Quốc để trả bớt khoản nợ khổng lồ của mình.

Theo Tiến sĩ Parks, phần lớn các khoản viện trợ của Trung Quốc là hình thức cho vay lấy lãi, nhằm thâm nhập thị trường, mở rộng sức ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trong khi đó, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) chỉ chiếm phần nhỏ (23% số tiền viện trợ), còn phần lớn viện trợ tập trung vào các dự án mang tính thương mại với lãi suất thị trường hoặc sát với thị trường nhằm mục đích cuối cùng là kiếm tiền. Điều đó khiến Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới.

Một ví dụ điển hình là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cho Tập đoàn Petroecuador của Ecuador vay 1 tỷ USD trong một dự án được gọi là ODA, nhưng thực chất là để đổi lấy thỏa thuận dầu mỏ giữa hai bên với nhiều điều khoản chỉ có lợi cho Bắc Kinh.

Điều này gần như trái ngược với Mỹ, khi Washington dành tới 93% tổng tiền viện trợ nước ngoài của mình cho ODA, tức cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp đối với các quốc gia đang phát triển, và có ít nhất 25% là viện trợ không hoàn lại. Hình thức này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn và nâng cao phúc lợi ở các nước nhận viện trợ.

Những con nợ lớn

Phần lớn số tiền viện trợ được gửi đến châu Phi và số còn lại là những quốc gia gần Trung Quốc. Về viện trợ ODA, Cuba là nước được Trung Quốc viện trợ nhiều nhất với 6,7 tỷ USD, tiếp đến là Cote d’Ivoire với 4 tỷ USD và Ethiopia với 3,7 tỷ USD. Trong top 10 các nước nhận nhiều ODA nhất có: Zimbabwe (3,6 tỷ USD), Cameroon (3,4 tỷ USD), Nigeria (3,1 tỷ USD), Tanzania (3 tỷ USD), Campuchia (3 tỷ USD), Sri Lanka (2,8 tỷ USD) và Ghana (2,5 tỷ USD).

Top 10 nước nhận viện trợ phi ODA lớn nhất từ Trung Quốc gồm: Nga (36,6 tỷ USD), Pakistan (16,3 tỷ USD), Angola (13,4 tỷ USD), Lào (11 tỷ USD), Venezuela (10,8 tỷ USD), Turkmenistan (10,1 tỷ USD), Ecuador (9,7 tỷ USD), Brazil (8,5 tỷ USD), Sri Lanka (8,2 tỷ USD) và Kazakstan (6,7 tỷ USD).

Với Việt Nam, vay ODA từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 350 triệu USD trong tổng số 4,3 tỷ USD nhận viện trợ từ nước láng giềng này.

Cái giá không rẻ

Báo cáo cho biết, nhiều nước nhận viện trợ từ Trung Quốc đang phải vật lộn với câu chuyện trả nợ. Giữa năm 2017, Sri Lanka đã ký kết thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ USD, bán 70% cổ phần cảng chiến lược Hambantota cho Trung Quốc, để trả bớt khoản nợ khổng lồ của mình.

Tại Mali, Trung Quốc cho vay 8 tỷ USD năm 2014 để xây dựng đường sắt xuyên quốc gia dài 900 km nhưng với yêu cầu phải để một công ty đường sắt Trung Quốc nhận thầu xây dựng. Năm 2016, núi nợ của Mali đã vượt 22,6% GDP, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng trả nợ của quốc gia Tây Phi này.

Không chỉ những nước nhỏ, cả các nước lớn như Nga cũng bị kiểm soát. Trung Quốc đã biến Tập đoàn Rosenft của Nga thành “con nợ” lớn nhất khi cho vay 34 tỷ USD vào năm 2009 để giúp hoạt động của tập đoàn dầu khí Nga. Rosenft dự kiến phải trả lãi suất trung bình 5,69%/năm cho 15 tỷ USD của khoản nợ trong 20 năm. Nhưng mới đây, Công ty năng lượng CEFC của Trung Quốc đã ký một hợp đồng nhận 14% cổ phần của Rosenft để trừ bớt nợ.

Thùy Dương
.
.
.