Trung tâm hiến xác Paris - Descartes: Đống xác khổng lồ trong lòng Paris

Thứ Ba, 03/12/2019, 14:38
Hàng trăm cái xác trong một thời gian dài được bảo quản trong những điều kiện hết sức tồi tệ và đôi khi còn được đem ra mua bán. Một sự thật kinh hoàng, gây chấn động dư luận bởi nó vi phạm mọi tiêu chuẩn về đạo đức và nghề nghiệp.


Ngày 26-11 vừa qua, tờ báo LExpress của Pháp đã công bố một phóng sự điều tra về những bê bối tại Trung tâm tiếp nhận xác hiến tặng cho khoa học tại Đại học Paris-Descartes (CDC).

Hàng trăm cái xác trong một thời gian dài được bảo quản trong những điều kiện hết sức tồi tệ và đôi khi còn được đem ra mua bán. Một sự thật kinh hoàng, gây chấn động dư luận bởi nó vi phạm mọi tiêu chuẩn về đạo đức và nghề nghiệp.

Những bức ảnh kinh hoàng không thể đăng báo

Trần trụi, bị cắt nham nhở; những cặp mắt vẫn mở trừng trừng; những xác người chất đống trên băng ca; hàng chục xác chết nằm lẫn lộn trong một mớ đồ vật hỗn độn. Cũ kỹ và gỉ sét, một trong ba cánh cửa của phòng đông lạnh không còn đóng được nữa. Đây quả thực là một đống xác khổng lồ giữa lòng thành phố Paris hoa lệ. 

Tên gọi mỹ miều của nó là “Trung tâm Tiếp nhận hiến xác cho nghiên cứu khoa học” (CDC) thuộc trường Đại học Paris-Descartes, ngôi thánh đường của ngành Y khoa Pháp, tọa lạc trên phố Saint-Pères của Paris.

Vì sao mà những con người cao quý này, những người đã dâng hiến thân xác để phụng sự cho khoa học lại có thể bị đầy đọa ở một nơi ô uế như thế này? Với sự tôn trọng những người đã khuất và gia đình họ, các phóng viên tờ LExpress, những người đã dày công đi điều tra vụ bê bối này, đã quyết định không đăng những bức ảnh ghê rợn chụp tại hiện trường, thay vào đó họ sẽ dùng những bức tranh vẽ để minh họa.

Sau bài phóng sự điều tra gây chấn động của tờ LExpress (Pháp) ra ngày 26-11-2019, nhà chức trách đã quyết định đóng cửa tạm thời để phục vụ cho việc điều tra về những điều kiện bảo quản hết sức tồi tệ các thi hài được hiến tặng ở Đại học Y khoa Paris-Descartes.

Ở Pháp việc hiến tặng xác để phục vụ nghiên cứu khoa học là một nguyện vọng tự nguyện của cá nhân. Có 28 trung tâm tiếp nhận xác được hiến tặng nằm rải rác trên toàn lãnh thổ nước Pháp. Trung tâm tiếp nhận hiến tặng xác (CDC) của Đại học Paris-Descartes được Giáo sư André Delams thành lập vào năm 1953. 

Điểm đặc biệt của trung tâm này là lưu giữ những cái xác “tươi nguyên”, không bị ngâm tẩm formon, không bị đông lạnh, giữ được “tươi nguyên” hằng tuần sau khi chết. Học viện Gustave-Roussy đã từng thực hiện những ca cấy ghép tạng đầu tiên ở đây và ca ghép tim nhân tạo đầu tiên do Carmat đã thực hiện cũng ở đây. 

Số ca hiến xác ngày càng giảm: từ 1.100 ca trong năm 1982 giảm xuống chỉ còn 630 ca vào năm 2018, tuổi trung bình của người hiến xác thì tăng từ 73 tuổi lên 86 tuổi cũng trong khoảng thời gian trên. 

Nếu trước đây người ký hợp đồng hiến tặng xác được trả một món tiền (khoảng 250 euro) thì giờ đây chính họ phải đóng một khoản tiền dành cho việc vận chuyển xác (khoảng từ 400 đến 700 euro trong vùng Paris và phụ cận). Sẽ không có tang lễ cho từng cá nhân, thay vào đó sẽ có một cuộc hỏa táng tập thể và gia đình không được quyền mang tro cốt về.

Về nguyên tắc, số tiền thu được từ những người hiến tặng xác và từ những nguồn thu khác phải được dùng để chăm lo sao cho những xác này được bảo quản trong tình trạng tốt nhất nhằm phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khoa học. Thế nhưng những cơ sở vật chất đặt trên tầng 5 của trường Đại học Paris-Descartes dường như không được tu sửa gì kể từ khi thành lập đến nay. 

Cơ sở này bao gồm các phòng phẫu tích, nơi diễn ra các cuộc giải phẫu người, các phòng đông lạnh, phòng giám đốc và phòng hành chính nơi đón tiếp những người đến làm giấy tờ xin hiến xác. Hệ thống thang máy giành riêng cho việc vận chuyển xác thường xuyên bị trục trặc và khi đó công chúng phải đi chung thang máy với những băng ca chở xác.

Một buổi giải phẫu cơ thể ở Pháp thời trung cổ (khoảng năm 1475-1500).

Những điều kiện bảo quản tồi tệ 

Hai năm sau khi cựu Giám đốc Vallancien ra đi, người kế nhiệm ông, Giáo sư Richard Douard, một chuyên gia ngoại tiêu hóa của Bệnh viện Georges-Pompidou đã lên tiếng báo động về tình trạng tồi tệ này cho Hiệu trưởng Đại học Paris-Descartes lúc đó là Frédéric Dardel (hiện là trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Nghiên cứu và Đổi mới). 

Đó là một tài liệu 27 trang đi kèm với những bức ảnh gây kinh hoàng như đã nói ở trên, bản báo cáo nhấn mạnh: “Các thiết bị cũ kỹ, hỏng hóc và không còn phù hợp, không đáp ứng được các quy chuẩn tối thiểu. Các căn phòng kín bưng, không có hệ thống thông gió, các hệ thống thoát nước hầu như đều tê liệt hay hỏng hóc…”. 

Nhưng điều làm cho nhà quản lý này thấy lo ngại nhất đó là việc “nguy cơ xảy ra những scandal liên quan đến khía cạnh đạo đức thể hiện trong sự thiếu tôn trọng với những người đã dâng hiến và giao phó thân xác mình cho chúng ta”.

Vậy ông Hiệu trưởng của Paris-Descartes đã làm gì trong khoảng thời gian dài từ năm 2011 đến tận cuối năm 2019? Frédéric Dardel đã cả quyết với các phóng viên điều tra rằng ông ta đã đi kiểm tra các phòng lạnh vào năm 2015: “Nó không quá khủng khiếp, chỉ hơi cũ kỹ thôi, giống như tủ lạnh nhà bạn, tháng 8 nào cũng hay xảy ra những hỏng hóc. Tôi đã cho tiến hành một số việc duy tu bảo dưỡng nhỏ, nhưng tôi không có đủ phương tiện nên đôi lúc cũng đành bó tay”. 

Người tiền nhiệm của Frédéric Dardel, Axel Kahn thì khẳng định rằng, chưa bao giờ nghe thấy ai phàn nàn gì về những phòng lạnh chứa xác này và ông cũng chưa đi tham quan chúng bao giờ. Nhưng theo những nguồn tin khác, các phóng viên điều tra được biết rằng “đống xác người” này đã tồn tại ở đó hàng chục năm nay, và mọi thứ đã “vượt quá sức chịu đựng” kể từ năm 2013. 

Chán nản với sự trì trệ của những người quản lý, ngày 20-10-2017, Richard Douard đã đệ đơn từ chức Giám đốc CDC, năm ngày sau Xavier de Bonnaventure, một giảng viên môn Luật Hành chính công của Đại học Paris II, đã tiếp quản chức vụ này.

Các sinh viên trước cửa trường Đại học Paris Descartes. Đại học Y khoa nổi tiếng của Pháp và châu Âu.

Những cái xác được bán với giá 900 euro

Bên cạnh những bê bối như cách ứng xử thiếu tôn trọng với những người hiến xác và gia đình họ hay việc để mặc cho tình trạng bảo quản thi hài ngày càng tồi tệ, trong quá trình điều tra các phóng viên còn phát hiện ra những bê bối động trời khác tại Trung tâm tiếp nhận hiến tặng xác trên phố Saints-Pères này. 

Bất chấp mọi quy tắc đạo đức liên quan đến việc hiến xác cho công cuộc nghiên cứu khoa học, các bộ phận là đối tượng của những cuộc “giải phẫu” (tức là các chi và nội tạng người) đã được bán lấy tiền. Những cái xác được hiến tặng này, về nguyên tắc chỉ dành cho các người làm công tác nghiên cứu hay giảng dạy sử dụng, nhưng trên thực tế ở trung tâm này chúng vẫn được đem ra bán cho các tổ chức tư nhân, các phòng thí nghiệm của các công ty, ví dụ như các hãng xe hơi cần đến những xác chết để thực hành các thí nghiệm liên quan đến các vụ tai nạn. Doanh số đến từ các tổ chức tư nhân chiếm đến 75% số tiền giao dịch của CDC.

Các giáo sư hay bác sĩ muốn đến đây thực hành các cuộc giải phẫu phục vụ cho nghiên cứu cũng phải trả tiền, kể cả các giáo sư những trường Đại học ở Paris. Đối với các phòng dành cho thực hành giải phẫu ở tầng 5 giá tiền khoảng 690 euro/cả ngày hay 420 euro/nửa ngày. Nếu sử dụng các giảng đường lớn ở tầng 6, số tiền lên tới 900 euro. 

Ngoài nguồn thu nhập cho thuê cơ sở, các xác chết còn được chuyển nhượng với giá 900 euro một cái xác toàn vẹn, còn một bộ phận nào đó là 400 euro. Mức giá cả này đã được hội đồng quản trị của nhà trường bỏ phiếu thông qua vào năm 2011. Bản quy chế này “được ban hành với chữ lý của ông kế toán trưởng của trường Đại học  Paris-Descartes”.

Để tránh làm tổn thương các gia đình có người thân đã hiến xác, nhóm phóng viên điều tra đã minh họa tình trạng tồi tàn tại các cơ sở của Trung tâm tiếp nhận hiến tặng xác CDC bằng các tranh vẽ thay vì đưa ra những bức ảnh ghê rợn chụp tại hiện trường.

Trước nhiều ý kiến phản đối của các nhà giải phẫu học, Frédéric Dardel đã biện bạch cho cái quyết định bán xác được hiến tặng, cái quyết định được bỏ phiếu thông qua trong nhiệm kỳ Hiệu trưởng của ông ta: “Với những người có nhu cầu thì những cái xác này là vô giá, và chuyện họ phải trả một món tiền để có chúng là chuyện bình thường, vả lại giá cả mà chúng tôi đưa ra là phải chăng. Nói chung những thứ cho không đều không mấy giá trị”. 

Vậy theo lập luận của ông ta, việc hiến tặng máu, tủy sống hay nội tạng để cứu sống một ai đấy ở nước Pháp hay những nơi khác đều không có một chút giá trị nào chăng? 

Hiến xác: một nghĩa cử cao đẹp 

Tác giả Ernest Renan đã viết trong cuốn “Tương lai của khoa học” (1848): “Thực hành giải phẫu một cơ thể người, đó là việc phá hủy đi vẻ đẹp của nó, nhưng thông qua việc phá hủy này, nhân loại biết đến một vẻ đẹp ở cấp độ cao hơn và hiểu biết đó sẽ rất có ích cho nhân loại trong những chặng hành trình tiếp theo của nó”. 

Việc hiến dâng thân xác sau khi đã mất cho công cuộc nghiên cứu khoa học là một hành động cao quý và một đóng góp rất quý giá cho nhân loại. Với cách hiểu như thế, chắc chắn vụ bê bối tại Trung tâm tiếp nhận hiến tặng xác của Đại học Paris-Descartes cũng không thể làm chùn bước những người đang ấp ủ ý định tốt đẹp đó. Trong tương lai, dù khoa học phát triển đến mức nào đi nữa, việc hiến xác là vô cùng cần thiết để đào tạo các nhà phẫu thuật và các bác sĩ.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.