Truy quét thuốc bảo vệ thực vật trái phép

Thứ Năm, 21/04/2016, 11:17
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như buôn lậu, sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục hay sản xuất kinh doanh thuốc BVTV giả, kém chất lượng... Đáng chú ý, tình trạng trên đang có chiều hướng gia tăng và đáng báo động.


Mới đây nhất, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phía Nam (C49, Bộ Công an) phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện bóc gỡ một đường dây nhập lậu thuốc BVTV hết hạn sử dụng, giả nhãn hiệu lớn để tung ra thị trường  tiêu thụ lừa dối khách hàng.

Ổ thuốc bảo vệ thực vật "dỏm" lớn nhất miền Tây

Trong 2 ngày (13 - 14/4/2016), tổ công tác của Phòng 5, Cục C49 đã phối hợp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát hiện đường dây sản xuất thuốc BVTV "lậu" do Công ty TNHH thuốc BVTV Mekong (gọi tắt Công ty Mekong, trụ sở đặt tại đường số 10 KDC Him Lam, quận 7, TP Hồ Chí Minh) tổ chức.

Theo kết quả điều tra ban đầu, lúc 14h ngày 13-4, tổ công tác liên ngành đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh thuốc BVTV Minh Phúc (tọa lạc ấp Hòa An, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) do bà Trần Thị Bích Kiều làm chủ. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại hộ kinh doanh này đang lưu giữ 21 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu Lufen Extra 100EC do Công ty TNHH thuốc BVTV Mekong (gọi tắt là Công ty Mekong, tọa lạc KDC Him Lam, quận 7) sản xuất.

Lực lượng Công an thu giữ hàng ngàn chai thuốc BVTV tại kho của Công ty Mekong.

Khai nhận với tổ công tác, bà Kiều cho biết đã nhập 2 thùng (80 chai, dung tích 250ml/chai) thuốc trừ sâu nhãn hiệu Lufen Extra 100EC và bán ra ngoài thị trường được 49 chai với giá tiền 195.000 đồng/chai. Thanh tra NN&PTNT tạm giữ 10 chai. Từ 18/12/2015 đến nay, lô hàng trên được nhân viên thị trường Công ty Mekong tại khu vực Kiên Giang tên Nguyễn Viết Hùng (SN 1981) bán cho đại lý Minh Phúc. Hùng thừa nhận đã bán hai thùng thuốc trừ sâu nhãn hiệu Lufen Extra 100EC cho hộ kinh doanh Minh Phúc và có sự đồng ý, chỉ đạo của ông Đinh Văn Bình (SN 1973, Giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty Mekong).

Làm việc với cơ quan điều tra, ông Bình khai nhận Công ty Mekong có bán ra thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ 39.000 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu Lufen Extra 100EC và 18.920 chai thuốc diệt cỏ hiệu Accord 400ES dung tích 500ml và 2 loại thuốc BVTV này ngoài danh mục thuốc BVTV được sản xuất và chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy phép lưu hành trên thị trường. Việc sản xuất hàng hóa trên do ông Đào Quang Dũng, Giám đốc điều hành sản xuất của Công ty Mekong chỉ đạo. Số thuốc trừ sâu nhãn hiệu Lufen Extra 100EC chưa bán ra thị trường được chứa tại kho của Công ty Mekong tại ấp 1, xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Theo xác minh ban đầu, từ ngày 1-7-2015, Công ty Mekong đã thu lợi bất chính nhiều tỉ đồng. Theo đó, công ty này bán 39.000 chai thuốc Lufen Extra 100EC dung tích 100ml ra thị trường với giá hơn 4,3 tỷ đồng và 18.920 chai thuốc diệt cỏ hiệu Accord 400EC (dung tích 500ml) với giá hơn 2,8 tỉ đồng. Tổng số tiền công ty này thu lợi qua việc bán thuốc BVTV ngoài danh mục là hơn 7,2 tỷ đồng.

Ngay sau đó, tổ công tác Cục C49 đã phối hợp cùng Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp và Công an xã An Hòa, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) kiểm tra kho chứa thuốc BVTV của Công ty Mekong. Tại thời điểm kiểm tra, công ty không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng của các loại thuốc trừ sâu đang lưu giữ tại kho.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện tại Công ty Mekong đang chứa 10.641 chai thuốc BVTV dung tích 100ml không được dán nhãn hiệu, chứa trong thùng thuốc BVTV nhãn hiệu Emaking 40EC do Trung Quốc sản xuất đã hết hạn sử dụng từ ngày 28/5/2015. Việc đóng nhãn nhãn hiệu do ông Dũng và ông Điền, thủ kho công ty trực tiếp làm.

Đồng thời, tổ công tác phát hiện tại kho của Công ty Mekong đang chứa 500 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu Lufen Extra 100EC dung tích 100ml in ngày sản xuất 8/1/2016 và một máy để tẩy xóa ngày tháng sản xuất trên những sản phẩm đã hết hạn sử dụng.

Một số chai thuốc BVTV không nhãn mác.

Trao đổi về vụ việc này, Thiếu tá Nguyễn Xuân Thành, Phó Trưởng phòng 5, Cục C49, cho biết: "Công ty Mekong đã mắc các sai phạm như bán sản phẩm không nằm trong danh mục và chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy phép lưu hành ngoài thị trường; thuốc trừ sâu Công ty Mekong nhập khẩu từ Trung Quốc đã hết hạn sử dụng từ ngày 1/7/2015 nghi vấn là hàng nhập lậu. Sau đó, sản phẩm trên được Công ty Mekong tự dán nhãn mác sản phẩm nhãn hiệu Lufen Extra 100EC do Công ty Mekong sản xuất bán ra ngoài thị trường với mục đích lừa dối khách hàng nhằm thu lợi bất chính chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Ngoài ra, tại kho của công ty chứa số lượng lớn thuốc ngoài danh mục được phép sản xuất như thuốc trừ sâu nhãn hiệu Marvel 570EC, thuốc trừ bệnh cây trồng Caliber 500sc...".

Phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm

Vụ việc mới nhất này cùng không ít các vụ bắt quả tang các công ty, nhóm đối tượng sản xuất thuốc BVTV giả tại nhiều địa bàn trước đó cho thấy tình hình sản xuất và mua bán thuốc BVTV giả, kém chất lượng đang diễn biến rất phức tạp và khó quản lý, gây tác hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, gây bức xúc cho người dân... Điển hình vào đầu năm 2016, Đội CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ - Công an quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã bắt quả tang một nhóm 4 đối tượng đang sản xuất thuốc BVTV giả và thu giữ một lượng lớn thuốc BVTV giả.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng tại khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, Công an thu được một lượng lớn thuốc BVTV thành phẩm mang nhãn hiệu Syngenta, cùng nhiều dụng cụ dùng để sản xuất thuốc BVTV giả.

Theo điều tra, đây là đường dây sản xuất thuốc BVTV giả với quy mô lớn, các đối tượng tổ chức làm thuốc giả tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt rồi mang đi tiêu thụ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…

Trước đó, cuối năm 2015, Đội 7, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an huyện Bình Chánh kiểm tra một ngôi nhà tại tổ 21, ấp 2, xã Tân Nhật, huyện Bình Chánh, cũng đã phát hiện 18 thùng thuốc trừ sâu giả.

Lực lượng chức năng làm việc với những người có liên quan.

Khám xét khẩn cấp căn nhà này, lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ hàng chục ngàn sản phẩm dạng gói, bao, hộp, chai mang nhãn hiệu của các hãng sản xuất thuốc BVTV có uy tín trên thế giới.

Ngoài ra, hàng ngàn nguyên vật liệu để sản xuất thuốc BVTV giả khác như tem, nhãn, mác và bao bì sản phẩm cũng được tìm thấy tại đây.

Theo điều tra ban đầu, cơ sở này do Nguyễn Vũ Hoàng Anh (22 tuổi, quê Bến Tre) làm chủ. Đối tượng này là người đi thu gom các loại nguyên liệu, đặt mua tem, nhãn, mác, bao bì sản phẩm và thuê một nhóm nhân viên sản xuất thuốc BVTV giả ngay tại căn nhà trên. Hàng ngày, các đối tượng sản xuất lượng thuốc BVTV giả trị giá hàng trăm triệu đồng và phân phối đi nhiều tỉnh, thành ở miền Tây.

Trước tình trạng thực tế phức tạp này, từ tháng 4/2016, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an mở đợt cao điểm ra quân truy quét thuốc BVTV nhập lậu, thuốc BVTV giả trên thị trường...

Ngoài việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV chưa kiểm soát hết được, việc sử dụng thuốc cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2015 đến tháng 2/2016, qua lấy mẫu kiểm tra cho thấy có 5,3% mẫu rau, quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc BVTV vượt giới hạn cho phép; 2% mẫu thịt và sản phẩm thịt vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 15,4% mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 7,9% mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép.

Theo đánh giá của Cục BVTV, hiện mỗi năm có khoảng từ 30 - 40 tấn thuốc BVTV nhập lậu, chủ yếu từ Trung Quốc được tuồn vào Việt Nam. Số lượng này len lỏi vào nhiều vùng sản xuất nên rất khó kiểm soát. Đây cũng là nguyên nhân gây nên tồn dư hóa chất BVTV độc hại, nhất là trên rau, trái cây bởi các loại thuốc BVTV nhập lậu độc dược rất cao, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, lại được các chủ đại lý lén lút phân phối và khuyến cáo sử dụng một cách tràn lan.

Trong đợt cao điểm ra quân truy quét thuốc BVTV nhập lậu, thuốc BVTV giả trên thị trường, lực lượng thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục BVTV và các lực lượng như Cục C49 - Bộ Công an rốt ráo triển khai biện pháp nghiệp vụ, khoanh vùng các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất sơ chế thuốc BVTV có dấu hiệu khả nghi để thanh kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện vi phạm, có hình thức xử lý nghiêm khắc.

Phú Lữ - Đức Mừng
.
.
.