Truyền thông quốc tế “ghét” Hy Lạp

Thứ Hai, 21/11/2011, 09:30

Hy Lạp đang chờ chính phủ mới. Ông George Papandreou mặc dù vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, song cho rằng đây là thời điểm thích hợp để chấm dứt triều đại chính trị của gia đình ông, gia đình có đến 3 người làm Thủ tướng. Một nhà bình luận cực đoan nói Hy Lạp không chỉ nợ tiền của thế giới mà còn nợ một lời xin lỗi.

Thực ra, người dân Hy Lạp rất cần cù, chăm chỉ, dễ mến. Họ cũng là những con người đầy tự hào, gọi đất nước mình là quốc gia của nữ thần Helen, vợ của thần Zeus quyền uy. Những chủ tàu biển của Hy Lạp không có đối thủ trên thế giới.

Vậy mà truyền thông Hà Lan giờ đây mô tả Hy Lạp như "mảnh đất của quỷ". Tờ De Telegraaf thậm chí còn gào lên: "Hãy đá chúng ra khỏi khu vực đồng Euro. Người Hà Lan không muốn trả tiền vô ích cho Hy Lạp". Đó không phải là mục xã luận của tờ báo Hà Lan, đó là kết luận dựa trên một phóng sự điều tra đối với hơn 10.000 người Hà Lan được hỏi. Geert Wilders, một thành viên của phong trào dân túy cực hữu của Hà Lan còn lên báo chí gọi người Hy Lạp là "một lũ nghiện ngập" và "không nên đưa tiền cho chúng".

Dĩ nhiên không phải ai trong xã hội Hà Lan cũng có thái độ như vậy đối với Hy Lạp. Nhà báo Ingeborg Beugel thuộc hãng truyền thông NRC Handelsblad, người có những bài báo nổi tiếng bênh vực cho Hy Lạp, chính là một người Hà Lan. Mặt khác, không thể phủ nhận sự thất vọng của nhiều nước châu Âu sau khi phải bỏ nhiều tiền để cứu trợ toàn diện một quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế chung đang gặp nhiều khó khăn. Đó cũng là phản ứng có thể hiểu được của những người đóng thuế.

Tượng thần Venus được tờ Focus phóng tác.

Tuy nhiên, nhiều hãng truyền thông, hoặc là do không giữ được bình tĩnh, hoặc đã phản ánh quan điểm thái quá của ai đó, dẫn đến việc mô tả Hy Lạp bằng những hình ảnh xấu xí. Tờ Sueddeutsche Zeitung có quan điểm bảo thủ ở Đức thậm chí còn gọi lãnh tụ đảng đối lập ở Hy Lạp ông Antonis Samaras là "kẻ hôi của" khi ngôi nhà Hy Lạp đang bốc cháy. Thậm chí tờ báo đó còn đi xa hơn khi kêu gọi châu Âu phải chấm dứt mối quan hệ giữa chính quyền Athens và các đảng đối lập. Đây là một điều hết sức kỳ lạ vì khi xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế hay chính trị lớn, không ít các tổ chức bên ngoài sẽ tìm cách bênh vực các lực lượng đối lập với chính phủ. Chính vì điều này, một số nhà phân tích cho rằng báo chí nhiều nước đã "can thiệp vào công việc nội bộ" của Hy Lạp.

Tờ Sunday Times của Anh thậm chí còn nổi hứng đăng biếm họa rao bán ngôi đền cổ Parthenen một kiến trúc  nổi tiếng, niềm tự hào của Hy Lạp trong đó ghi rõ: Công trình có vị trí tuyệt đẹp, nếu cần thêm việc làm thì gọi George Papandreou ở số 01929282822.

Mặc dù ở xa châu Âu, và "yên tâm giao phó" cho châu Âu giải quyết tình trạng nợ công của Hy Lạp, nhưng người Mỹ cũng không phải hoàn toàn im hơi lặng tiếng trong vụ này. Trước hết dù sao châu Âu cũng là đồng minh hàng đầu của Mỹ. Thứ đến, nền kinh tế Mỹ gắn bó hết sức chặt chẽ với khu vực đồng Euro trong khi khủng hoảng Hy Lạp đang đe dọa lan ra toàn thế giới. Ngày hôm qua, một số tổ chức điều tra tài chính đã chính thức yêu cầu xem xét mức nợ công của Italia, quốc gia láng giềng của Hy Lạp. Nhưng những gì tờ Forbes, ấn phẩm có uy tín hàng đầu về kinh doanh quốc tế, nói phải khiến người ta giật mình. Trong một số báo cuối tháng 10 vừa qua, tờ Forbes đã viết một cách gây sốc: điều Hy Lạp cần bây giờ là một cuộc đảo chính quân sự. Giải pháp khôn ngoan hơn là người Đức mang xe tăng đến và giúp giải quyết mọi việc theo cách đó.

Rõ ràng không ít báo chí và truyền thông quốc tế đang không dành cho Hy Lạp một sự cảm thông. Trong cơn khó khăn, người Hy Lạp đã trở thành "vật tế thần" cho nhiều nhóm quan điểm. "Người Hy Lạp lười biếng" là chủ đề được lặp đi lặp lại. Thực tế là người Hy Lạp làm việc trung bình 2.119 giờ mỗi năm, gấp đôi thời gian làm việc trung bình của người Hà Lan. Dĩ nhiên còn đó vấn đề về năng suất, nhưng năng suất là một câu chuyện khác, nó không liên quan đến thái độ về công việc

Thạch Hà
.
.
.