Từ 2012: Iraq là của người Iraq?

Thứ Ba, 22/11/2011, 11:10

Canh bạc của Mỹ ở Iraq dường như sắp chấm dứt với việc vừa qua Tổng thống Mỹ được giải Nobel Hòa bình Barrack Obama tuyên bố Mỹ sẽ rút hết 43.000 binh sĩ Mỹ vào cuối năm nay. Sau gần 9 năm, người Mỹ mới thừa nhận chủ quyền quốc gia tối thượng phải thuộc về người Iraq? Chiến tranh không "thay đổi được mọi thứ" như một số chiến lược gia Lầu Năm Góc nhận định.

Baghdad, tháng 3 năm 2003

Đó là vào đêm ngày 19, đêm trước của ngày định mệnh. Thành Baghdad, trung tâm của nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại rực rỡ, đang có những dấu hiệu bất an. Con sông Tigris, phần chạy qua lãnh thổ Iraq kéo dài hơn 1400 km, góp phần tôn lên vẻ tráng lệ và hiện đại của Baghdad, giờ đây không còn vẻ bình yên. Nhiều cư dân bắt đầu rút chạy tán loạn khỏi thành phố quen thuộc của họ. Nhiều trong số họ đã khóc. Những bước chân dừng lại đầy tiếc nuối qua Bảo tàng quốc gia nổi tiếng và đầy tự hào của người Iraq, rồi phải vội vã tản đi theo nhiều hướng.

Quân đội Mỹ và đồng minh sắp sửa tấn công trên quy mô lớn vào Baghdad. Tàu sân bay Mỹ Abraham Lincoln ở vịnh Péc-xích đã nhắm tiêu điểm radar công nghệ tối tân và tên lửa hành trình Tomahawk vào những cứ điểm sống còn của Chính quyền Saddam để hỗ trợ từ xa cho Chiến dịch Iraq Tự do. Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iraq đang gắng sức triển khai những biện pháp phòng thủ cuối cùng, nhiều trong số đó chỉ còn mang tính chiếu lệ. Kết hợp với cả tâm lý chiến, Chính quyền Bush tung bộ lá bài đăng ảnh những thành viên bị truy nã gắt gao nhất của Chính quyền Saddam Hussein.

Sau chưa đầy 2 tháng giao tranh, thành Baghdad khí thế một thời thất thủ. Sức mạnh của lực lượng đồng minh do Mỹ chỉ huy quá áp đảo so với các lực lượng của phía Iraq. Riêng tàu sân bay Abraham Lincoln trong giai đoạn này đã triển khai 16.000 lượt tác chiến, đưa vào sử dụng 1,6 triệu tấn thuốc nổ. Không còn khả năng chống đỡ, Tổng thống Saddam Hussein phải tháo chạy và bị lính Mỹ truy sát. Một chính quyền lâm thời thân Mỹ được dựng lên.

Chẳng bao lâu, vào đầu tháng 12/2003, Saddam bị bắt sống khi đang trên đường chạy trốn. 3 năm sau, vào ngày 30/12/2006, ông ta bị treo cổ. Bảo tàng Quốc gia, biểu tượng của nền văn minh Lưỡng Hà, bị trúng đạn pháo của quân đồng minh và sau đó bị cướp phá, mất mát nặng nề.

Cuộc chiến đầy tranh cãi

Cái cớ để Mỹ gây chiến Iraq không đạt được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Trước hết Mỹ không đạt được sự nhất trí của một số thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mặc dù vậy Chính quyền Bush vẫn tuyên chiến với Baghdad mà không thông qua các cơ chế của Hội đồng Bảo an như đề xuất của hai thành viên có quyền phủ quyết là Nga và Trung Quốc. Tiếp đến Chính quyền Bush đã biện minh cho cái cớ đánh Iraq như sau: Mỹ và quân đồng minh cần tìm và vô hiệu hóa kho vũ khí giết người hàng loạt của Saddam, chấm dứt sự ủng hộ của chính quyền Saddam với lực lượng khủng bố và giải phóng nhân dân Iraq.

Nhưng thực tế là, một thời gian sau khi chiếm đóng, Chính quyền Bush thừa nhận Chính quyền Saddam không hề có vũ khí giết người hàng loạt. Quân khủng bố thì chủ yếu ẩn náu ở Afghanistan và Pakistan và nhận sự hậu thuẫn chủ yếu từ lực lượng Taliban chứ không phải từ Iraq. Còn về mục tiêu "giải phóng", hàng nghìn cuộc đánh bom liều chết của người Iraq xảy ra từ năm 2003 đến nay đã thay họ nói lên thái độ (một cách cực đoan) về "nền tự do Iraq" áp đặt từ bên ngoài. Càng về sau, cuộc chiến này càng làm mất lòng nhiều nước, kể cả một số nước đồng minh của Mỹ.

Bảo tàng Quốc gia Iraq bị cướp bóc sau khi trúng đạn pháo quân đồng minh.

Hơn cả diệt chủng?

Bản Báo cáo y khoa Lancet nổi tiếng với độ tin cậy cao cho biết hơn 1,2 triệu người đã bị thiệt mạng do cuộc chiến Iraq, con số này còn vượt quá cả số người chết bởi nạn diệt chủng năm 1994 tại Rwanda khiến hơn 800.000 người phải chết oan uổng và chịu sự lên án gay gắt của toàn thế giới. Dĩ nhiên là chính phủ Mỹ và phe đồng minh phủ nhận sự tồn tại của con số này. Báo cáo Lancet cũng gây tranh cãi trong một số giới khác, kể cả giới nghiên cứu. Nhưng hầu hết thống kê đều nhất trí với con số thương vong ít nhất từ 500.000 người trở lên.

Cuộc chiến tranh đã khiến Mỹ phải móc hầu bao hơn 2000 tỷ đô la, tương đương với Tổng thu nhập quốc nội của Italia, nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới. Đó đều là tiền đóng thuế của nhân dân Mỹ. Nhiều phe phái trong chính trường Mỹ cho đây là nguyên nhân chính làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng kinh tế-tài chính của Mỹ kéo dài từ năm 2008 đến nay. Ngay cả về lợi ích kinh tế, nhiều người đã nêu sự nghi hoặc về khả năng Mỹ được nhiều hơn mất tại Iraq vì cho đến nay, sản lượng khai thác dầu mỏ tại đây mới bằng mức của thời kỳ trước chiến tranh. Xương máu Mỹ cũng không phải ít, kết quả kiểm kê mới nhất cho thấy cứ 8 lính Mỹ thiệt mạng thì có 1 lính Mỹ đang làm nhiệm vụ áp tải các côngtenơ dầu.

Mỹ buộc phải điều chỉnh

Nhằm thoát khỏi "vũng lầy" Iraq, một thời ngắn sau khi rà soát lại toàn bộ chính sách Iraq, Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã công bố lộ trình rút quân và bàn giao dần quyền quản lý cho chính quyền và quân đội sở tại. Đồng thời ông yêu cầu Hội đồng An ninh Quốc gia, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao hoạch định một kế hoạch Af-Pak rõ ràng, gắn việc tiêu diệt khủng bố với hai chiến trường trọng điểm là Afghanistan và Pakistan.

Việc diệt trừ thành công trùm khủng bố bin Laden dường như cho thấy Chính quyền Obama đang đi đúng hướng, và điều đó cũng cho thấy cách tiếp cận quá thiên về Iraq của chính quyền tiền nhiệm là một sai lầm. Gần 4500 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và hàng nghìn bị thương, con số thiệt hại lớn nhất kể từ Chiến tranh Việt Nam, là quá đủ để có nhiều tiếng nói phản đối việc duy trì chiếm đóng quân sự đối với Iraq ngay trong lòng nội bộ Mỹ.

Tàu sân bay Abraham Lincoln, kẻ trợ thủ đắc lực cho các chiến dịch quân sự nước ngoài của Mỹ.

Đây là bối cảnh trực tiếp ông Obama đưa ra bài phát biểu trên. Cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 2 đang đến gần, Chính quyền Obama phải lấy lòng số đông cử tri đang muốn nước Mỹ tập trung cho công việc của nước Mỹ.

Trước ngưỡng cửa nền độc lập

Dĩ nhiên vẫn còn vài nhóm trong nội bộ Iraq muốn quân Mỹ ở lại. Lo ngại về năng lực bảo đảm sự ổn định của đất nước, một số chính trị gia Iraq công khai yêu cầu chính quyền Obama cân nhắc lại quyết định rút quân. Họ cho rằng, Mỹ không nên rút khỏi Iraq theo kiểu "đem con bỏ chợ" khi nền an ninh Iraq hãy còn xung yếu. Đặc biệt, nhóm người Kurd luôn đòi ly khai khỏi Iraq đã nhiều lần chính thức đề nghị Mỹ kéo dài thời hạn rút quân do họ có mối quan hệ xung khắc tiềm tàng với hai sắc dân đa số ở Iraq là nhóm Sunni và Shiite.

Nhưng phần đa muốn quân Mỹ rút đi. Nếu có thể quyết định tương lai cho đất nước mình, chẳng ai lại muốn cảnh gươm giáo binh đao kề cận. Bản thân Thủ tướng Iraq al-Maliki mặc dù được sự hậu thuẫn to lớn của Mỹ cũng kịch liệt phản đối sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Iraq. Ngay cả Nghị sĩ người Kurd thân Mỹ nhất trong Quốc hội Iraq là Mahmoud Othman cách đây vài ngày cũng bày tỏ quan điểm không muốn quân Mỹ ở lại. Sự hiện diện của quân đội Mỹ là nguyên nhân chủ chốt khiến nền chính trị mong manh và đầy nhạy cảm của Iraq càng thêm phân hóa.

Cùng với đó, mặc dù được an ninh và quân sự hóa cao độ, sự ổn định xã hội và an toàn cho người dân Iraq vẫn còn là điều xa xỉ. Trong tháng 9/2011, chỉ vỏn vẹn một tháng trước bài phát biểu lịch sử của Tổng thống Obama, vẫn có hơn 200 người chết vì các cuộc tấn công liều chết. Như vậy xét cả về động lực nội bộ và bên ngoài, Chính quyền Obama không còn nhiều lựa chọn trên bàn đàm phán với phía Iraq.

Sự rút lui của quân đội Mỹ khỏi Iraq sẽ chấm dứt một trong những cuộc dính líu quân sự dài nhất trong lịch sử Mỹ. Thật trớ trêu, lời hứa nhuốm màu chính trị ngày 30/4/2003 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trước đây Donald Rumsfeld sắp trở thành hiện thực, rằng nước Mỹ tôn trọng thực tế "Iraq là của người Iraq". Dĩ nhiên Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ Iraq. Vừa qua có tin các lực lượng của CIA sẽ tiếp tục cài cắm thiết bị và người ở lại, kể cả ở các nước láng giềng như Kuwait và Thỗ Nhĩ Kỳ. Nhưng dù sao sau thời hạn rút quân Mỹ, người Iraq sẽ có quyền đưa ra quyết định cuối cùng cho công việc quốc gia của họ.

Bên thành Baghdad, Tigris chưa bao giờ ngừng chảy nhưng lần này đó là dòng chảy của con sông được hồi sinh. Bảo tàng Quốc gia Iraq cũng đang có dự án khôi phục và đã xuất hiện trở lại trong các chương trình tham quan trực tuyến của những hãng dịch vụ lớn

Lê Đình Tĩnh
.
.
.