Tú bà có khuôn mặt trẻ con

Thứ Hai, 17/09/2012, 10:44
Xu hướng hưởng thụ của thời sống gấp hiện nay, xã hội, đặc biệt một bộ phận không nhỏ của đàn ông đòi “trẻ con hóa” dục vọng của mình, đòi ăn “hoa củ quả non” là cách sẽ làm thui chột xã hội cũng như các giá trị văn hóa và đạo đức của con người. Hoa bị châm non sẽ thui, đó là lời cảnh báo về một nhân loại suy tàn và thoái hóa.

Cách đây không lâu, mọi người được chứng kiến một “đàn chị giang hồ” có khuôn mặt non choẹt, đó là Mi Sói, mới  14 tuổi đầu, cái tuổi vị thành niên còn ti toe  ngỡ ngàng trước mọi thứ của cuộc đời, vậy mà cô bé đã sớm đạt được tầm vóc anh chị đầu gấu đỉnh cao trong giới giang hồ “chuyên nghiệp”. Mi Sói cầm đầu một băng nhóm đa số là đàn ông có tuổi đời nhiều hơn cô, chuyên đi lừa đảo, dụ dỗ, ép buộc các cô gái trẻ về, cướp bóc, hành hạ, hiếp dâm, lại còn quay video để đe dọa tống tiền lâu dài…

Nhân gian có câu “tuổi trẻ tài cao”, ở đó có nghĩa, người đời bị chinh phục bởi những người trẻ tuổi, bởi lẽ đó là những con người rất sung sức, tuổi trẻ bẻ gẫy sừng trâu, lại mang trong tim khao khát tinh khôi mãnh liệt, rạo rực vô bờ đi khám phá những miền đất mới chẳng khác nào đang vỡ hoang cảm xúc của mối tình đầu… Nhưng có lẽ với không ít thành tích bất hảo của giới trẻ trên nẻo giang hồ, mà người ta đành phải nói “tuổi trẻ tội phạm cao”.

Có một vụ án mua bán phụ nữ vừa vỡ lở, công an Lạng Sơn phát hiện ra một Tú bà mới chỉ 13 tuổi, có lẽ khiến nhiều người trong chúng ta phải nghĩ rằng, đây là một kỷ lục mới của giới tội phạm nói chung và của ngành bán son phấn Tú bà nói riêng. Trời ơi, một cô bé đang ở tuổi thiếu nhi, ở nhiều nước chưa được phép ra khỏi nhà một mình (nếu không có sự giám hộ của người thân), vậy mà đã trở thành Tú bà chuyên buôn bán chuyện chăn gối và thân xác ư? Còn kinh khủng hơn thế, cô không chỉ “bán lẻ” chuyện đưa người cửa trước – rước người cửa sau, mà còn “buôn xỉ”, cầm đầu cả đường dây buôn bán những cô gái trẻ bị dụ dỗ và ép buộc.

Cụ thể: Ngày 3/7/2012, Công an huyện Cao Lộc, Lạng Sơn vừa khám phá đường dây dụ dỗ trẻ em bán trinh và bán dâm do Hoàng Hồng H (13 tuổi) và Hoàng Thu Trang (17 tuổi) là người địa phương cầm đầu. Bước đầu chúng khai thường đến các cổng trường trung học rủ rê, dụ dỗ các em gái bán trinh với giá 10 triệu đến 20 triệu đồng, ngoài nhỏ to ngon ngọt dụ dỗ lừa phỉnh, chúng còn giở trò ép buộc như cắt tóc, bắt nộp tiền cống vài trăm ngàn đồng mỗi tuần khiến nhiều em sợ sệt mà phải theo chúng.

Đặc biệt H., Tú bà có khuôn mặt trẻ con non choẹt đã thổ lộ “trích ngang” của mình như một lý lịch bất hạnh phổ biến trên toàn thế giới từ châu Mỹ, qua châu Âu, đến châu Á rằng, H. sinh ra trong một gia đình thiếu hạnh phúc, mẹ cha ly tán, H. bỏ học, yêu đương sớm, bỏ nhà theo trai rủ rê, tụ bạ chơi bời, đã từng bị mẹ lôi về cắt tóc, nhưng ngựa đã quen đường cũ, H. vẫn chứng nào tật ấy, từ việc yêu đương gần gũi thâm sơn cùng cốc với các loại đàn ông quá sớm, mà H. sớm thu gom được nhiều kinh nghiệm cũng như từng trải nhiều về việc khoái lạc giới, dẫn H. sớm bước vào con đường buôn bán thân xác. Đặc biệt với tuổi trẻ của mình, H. đã sớm trở thành một “đồng niên tri kỷ”, gần gũi, tiếp xúc, thì thầm với những cô học trò trong việc buôn bán trinh, sau đó là buôn bán tình dục trẻ em.

Từ Mi Sói đến H., từ đầu gấu đến tú bà có độ tuổi trẻ con khiến chúng ta kinh ngạc, nhưng cũng buộc chúng ta phải phản tỉnh rằng, tại sao có tình trạng đó? Có một phương ngôn rằng: không kẻ có tội nào không mang một chút vô tội, và không người vô tội nào vô can tuyệt đối. Có nghĩa, mỗi gia đình cũng như xã hội, mở rộng hơn là cả thế giới sẽ không thể vô can tuyệt đối khi ít nhiều đã đẩy kẻ phạm tội vào con đường tội lỗi. Chẳng hạn từ Mi Sói đến H., đến 99% tội phạm thiếu niên toàn cầu, người ta thấy các em mới đầu đều bị ruồng bỏ trong bối cảnh gia đình mẹ - cha thiếu gương mẫu, cãi cọ, mâu thuẫn, rồi ly tán, dẫn đến hắt hủi con, đẩy con ra ngoài đường, hoặc hất con khỏi môi trường giáo dục của trường học.

Những đứa trẻ lang thang, chúng tụ bạ và sẵn sàng tiêm nhiễm cho nhau, đứa đi trước dạy đứa đến sau, có một phương ngôn của người Trung Quốc rằng “học cái hay cả đời không đủ, học cái dở một ngày là thừa”. Chao ơi, còn gì dễ học như thói hư tật xấu ở đời. Đói ư? Ra chợ mà đánh cắp! Buồn ư? Nào thuốc lắc, thích phê nhanh hơn thì chích ma túy. Ăn nhậu ư? Không đi làm, không đi học, màn đêm chưa buông, chưa đến lúc bán hoa hay trộm cắp, biết làm gì hơn là ăn nhậu, hết bia đến rượu, hết chai to đến chai bé.

Ăn uống xong vẫn còn nhiều thời gian quá liền lao vào sát phạt đỏ đen, ném tiền vào tú lơ khơ, rồi tam cúc, hay tổ tôm, thua cháy túi, vay lẫn nhau, càng trở thành những kẻ bị đồng tiền giật dây, thao túng. Sẵn trai, sẵn gái ở đây, sống bầy nhóm vo viên lẫn lộn sớm tối cùng nhau, nào có bị ai kèm cặp gì, cứ thỏa sức tang bồng, cho chán chê chốn con ong đã tỏ đường đi lối về, cho hết sức mê tơi, cho cùng đường vui sướng, thế rồi từ chuyện trai gái quá dễ đến việc tiện hay đói thì bán dâm nào có bao xa? Rồi gái thì bán dâm, trai làm ma cô dẫn mối hay đứng canh phòng… Có thể nói, những đứa trẻ lang thang đã tiêm nhiễm cho nhau lớp ngắn ngày, chỉ trong một tuần đã “phát bằng tốt nghiệp” loại ưu về những thói hư tật xấu.

Các chuyên gia xã hội học thí nghiệm và phát hiện, khi những con chuột bị giam vào một nơi càng chật chội thì chúng càng dữ dằn để tranh giành cuộc sống. Các ổ tội phạm cũng vậy, khi những đứa trẻ bị dồn vào thế giới nhơ nhớp của tội lỗi, chúng càng nhanh chóng trở thành những tay anh chị dữ dằn, tranh giành, đòi sống, và sẵn sàng phạm tội bằng mọi giá để tìm đường sống cho mình. Hiện nay, trên thế giới, tỉ lệ ly hôn nói chung trên 40%, đạt xấp xỉ 50%, đó là môi trường thái quá cho nạn thanh thiếu niên hư, và từ lượng chuyển qua chất, nên trong số đông tội phạm vị thành niên đã nổi lên không ít anh chị đạt quán quân về độ tuổi “làm sếp”.

Đặc biệt hơn với loại hình buôn bán phụ nữ và trẻ em gái xuyên quốc gia đại trà như hiện nay càng sớm lôi kéo những em gái trở thành nạn nhân cũng như Tú bà của những đường dây đó. Thế giới đã và đang chứng kiến, phụ nữ và các bé gái bị nhồi nhét vào các xe tải chở hàng, hay hầm tàu thủy, nào da đen, da trắng, hay da vàng bị chung chuyển đi khắp nơi, đặc biệt đến những nơi nhiều tiền hay thiếu phụ nữ trầm  trọng. Phụ nữ rồi cả trẻ em gái đứng đầy đường, đầy các con phố tối tăm mỗi khi bóng hoàng hôn còn chưa kịp chuyển mình sang bóng tối. Cá biệt có nhiều con phố, giới buôn bán son phấn còn tận dụng cả ánh sáng ngày để buôn bán thân xác, bất chấp người qua đường phải khổ mắt vì bị quấy nhiễu. Còn trực tiếp hơn đó là nạn mãi dâm trẻ em, hay du lịch tình dục trẻ em đang ngày càng lan rộng, khiến cho tuổi của các nạn nhân, cũng như của các Tú bà chăn dắt nạn nhân ngày càng trẻ con hơn.

Theo báo cáo của ngành công an, mỗi năm ở Việt Nam, có hàng ngàn vụ lạm dụng tình dục trẻ em, thậm chí có cả những người mẹ bán dâm, thấy thu nhập của mình chỉ là “vốn tự có tồn kho hay quá đát”, liền lôi đứa con còn rất nhỏ vào cuộc bán mua trinh để đánh một lần cho tất cả vào cuộc siêu lợi nhuận, kể từ lần đó, cháu bé bị phá hỏng đời, chẳng còn biết làm gì hơn là nhắm mắt đưa chân, đã phóng lao rồi thì phải theo lao.

Khi ở Thái Lan tiến hành đánh rát loại tội phạm tình dục trẻ em, thì đường dây hoạt động của nó lại chạy dạt sang Việt Nam khiến cho nạn tội phạm này càng gia tăng ở nước nhà. Lạng Sơn lại là một cửa khẩu sang quốc gia đông dân nhất thế giới, đó cũng là nơi sự cân bằng nam-nữ mất thăng bằng nhất do nạn hủy phá thai nhi gái, cũng là nơi người ta có lý thuyết “trường sinh” về việc mua xài trinh con gái để được bách niên giai lão… Có phải thời thế tạo anh hùng, cho nên những hoàn cảnh qui nạp đó đã nặn lên một Tú bà có khuôn mặt trẻ con như H không?

Qua vụ của Tú bà H chúng ta học được kinh nghiệm gì? Rõ ràng, hoàn cảnh yêu thương của gia đình là chiếc nôi giáo dục cho mỗi đứa trẻ, để các em không bị bỏ rơi như một miếng mồi vào tay giang hồ, tội phạm luôn há miệng nằm chờ ở các nơi đầu đường xó chợ. Tiếp sau là nhà trường, gia đình thứ hai của các em, nếu nhà trường là nơi quản lý các em học hành hữu hiệu thì đâu còn trao cho giới tội phạm cơ hội để lôi cuốn các em. Cuối cùng là xu hướng hưởng thụ của thời sống gấp hiện nay, xã hội, đặc biệt một bộ phận không nhỏ của đàn ông đòi trẻ con hóa dục vọng của mình, đòi ăn “hoa củ quả non” là cách sẽ làm thui chột xã hội cũng như các giá trị văn hóa và đạo đức của con người. Hoa bị châm non sẽ thui, đó là lời cảnh báo về một nhân loại suy tàn và thoái hóa

Nguyễn Hoàng Đức
.
.
.