Từ chuyện bảo vật quốc gia "kêu cứu": Báo động công tác bảo tàng ở Việt Nam

Chủ Nhật, 28/04/2019, 15:58
Một tác phẩm hội họa được công nhận là bảo vật quốc gia, đang yên đang lành… tự dưng một ngày bị một tờ báo khui ra là đã “hỏng”. Câu chuyện làm cho cả giới mỹ thuật một phen xôn xao, khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phải vào cuộc yêu cầu làm rõ.


Tới thời điểm hiện tại, chưa biết kết quả ra sao, nhưng từ chuyện này, nhìn lại công tác quản lí, bảo quản hiện vật tại các bảo tàng hiện nay ở nước ta rõ ràng đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập.

Bảo vật quốc gia "kêu cứu"?

Ngày 23-4, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra gấp việc bảo quản kiệt tác “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đang gây tranh cãi. Hình chụp ngày 20/4.

Trước đó, quá trình tháo dỡ, vệ sinh bức tranh này (được thực hiện từ khoảng cuối tháng 12-2018 đến tháng 2-2019) bị cho là đã làm hư hỏng tác phẩm, nhiều vị trí trên tranh bị bong tróc. Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã thành lập một hội đồng thẩm định.

Tại cuộc họp, họa sĩ Nguyễn Trung Tín đã chỉ ra lỗi của quy trình vệ sinh là sử dụng bột chu để đánh bóng mặt tranh. Ông Tín cho rằng, “bột chu có tính ăn mòn. Lớp phủ bên trên đó chính là màu thời gian, nó giúp cho sơn mài cổ kính hơn. Bột chu đã làm ảnh hưởng tới phần bề mặt này”.

“Trên thế giới, có những bức tranh hàng trăm năm tuổi vẫn có thể bảo quản, vệ sinh, phục chế tốt thì dấu hỏi lớn là tại sao chúng ta không làm được với bức tranh chỉ mấy chục năm như thế”, họa sĩ Phạm An Hải đặt vấn đề về bức “Vườn xuân Trung Nam Bắc”.

Sau khi bài báo đăng tải, thông tin được truyền đi, rất nhiều người trong giới lên tiếng “khóc” và đau đớn cho một bảo vật quốc gia. Sở dĩ số phận của “Vườn xuân Trung Nam Bắc” được quan tâm một cách đặc biệt là bởi, đây là một trong những kiệt tác của danh họa Nguyễn Gia Trí; được ông vẽ trong 20 năm (1969 - 1989), thể hiện nhiều tìm tòi, sáng tạo của ông trong nghệ thuật và kĩ thuật vẽ sơn mài.

Tranh từng được UBND TP Hồ Chí Minh đầu tư 100.000 USD để mua từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Thời điểm ấy, quyết định này được cho là táo bạo, gây nhiều tranh cãi. Sau đó, tác phẩm được bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.

Trả lời báo chí, ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thừa nhận bức tranh đã bị ảnh hưởng sau quá trình thực hiện vệ sinh. Cụ thể, độ bóng của bức tranh khác lạ so với ban đầu, phần cẩn trứng bị mất đi bề mặt, một ít vàng bị trôi, độ sâu của tranh cũng bị ảnh hưởng. Và theo lời ông nói, quá trình thực hiện vệ sinh, bảo quản, bảo tàng đã thực hiện một cách “đúng quy trình”.

Cách giải thích của lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thiếu thuyết phục và gây bức xúc dư luận. Nhiều họa sĩ cho biết, nếu theo thông tin như một tờ báo đã đưa, hiện trạng vật lí của tác phẩm này trước khi đưa đi vệ sinh vẫn còn tốt và họ thực sự không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Thậm chí, một vài họa sĩ còn đặt ra vấn đề, có hay không việc vệ sinh chỉ là cái cớ cho việc đánh tráo tranh thật thành tranh giả?! Có người nói, thông tin không đúng sự thật vì bức tranh không đến nỗi tan hoang khủng khiếp như bài báo đã đưa. Lại có người đến xem về và bảo, “không tệ như bài báo nọ đưa nhưng sự thực, bức tranh 30 tuổi cũng ghê lắm rồi”.

Phải tới ngày 3/5, mới có kết quả chính thức về vụ việc sau công văn của Bộ VHTT&DL. Tuy nhiên, cách trả lời của lãnh đạo Bảo tàng như trên, đã phần nào khẳng định, tác phẩm bảo vật quốc gia này không còn nguyên vẹn nữa. Vấn đề hiện tại là xác định nó hỏng đến đâu và “sửa” thế nào, cần những người có chuyên môn vào cuộc.

Công tác bảo tàng nhiều bất cập

Chuyện “Vườn xuân Trung Nam Bắc” không chỉ là câu chuyện riêng của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Mở rộng ra, nhìn về công tác bảo tàng ở nước ta nhìn chung còn tồn tại nhiều bất cập.

Trong một lần đi khảo sát, đánh giá việc bảo quản bộ sưu tập tại một số bảo tàng tại Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, GS.TS Collin Pearson (Giám đốc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa của Australia) chỉ ra một số vấn đề mà do thiếu nhận thức, hiểu biết về khoa học mà chính hoạt động bảo quản tại các bảo tàng đang làm tăng nguy cơ gây ra hiểm họa cho các sưu tập hiện vật.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là đại diện châu Á duy nhất lọt Top 10 Bảo tàng được du khách bình chọn tốt nhất thế giới.

Cụ thể như: sử dụng máy điều hòa một cách thiếu hiểu biết; đóng kín các tủ trưng bày; đặt đèn chiếu sáng không theo quy chuẩn về kỹ thuật bảo quản; đặt hệ thống quạt thông gió không đúng quy cách, dẫn đến làm ô nhiễm môi trường kho; thiếu ý thức về bảo quản hiện vật khi sắp đặt, cầm, nắm và di chuyển hiện vật…

Ông cũng đã khuyến nghị rằng, việc nâng cao nhận thức cho những người làm nhiệm vụ quản lý sưu tập về công tác bảo quản phòng ngừa từ những vấn đề thực tế nêu trên là rất quan trọng và cần thiết.

Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, công tác này chưa được nhìn nhận đúng và xem trọng ở nước ta. Công tác bảo quản hiện vật, tài liệu của các bảo tàng vẫn chưa đạt chuẩn mực và chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có chính sách bảo quản, chưa có cán bộ bảo quản chuyên ngành, chưa có các phòng thí nghiệm để thực hành thử nghiệm và trị liệu cho hiện vật.

Một số tài liệu chỉ ra, ngày nay có tới trên 50 chức danh nghề nghiệp khác nhau trong một bảo tàng lớn. Đối với các bảo tàng vừa và nhỏ, ít nhất cũng có gần 20 chức danh nghề nghiệp. Trong những chức danh quan trọng của bảo tàng có cán bộ bảo quản (conservator), cán bộ bảo quản và tu sửa hiện vật (conservator - restorer), nhà khoa học là cán bộ bảo quản (conservation scientist).

Nếu ở các nước, công tác bảo tàng đặc biệt được xem trọng và đều phải do những người có chuyên môn đảm nhiệm như thế, thì ở nước ta, do hạn chế về nguồn nhân lực, về kinh phí và đặc biệt là sự nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo quản trong bảo tàng nên bảo quản hiện vật vẫn là một khoảng trống đối với nhiều bảo tàng.

Theo nguyên tắc, mỗi loại chất liệu có yêu cầu riêng về nhiệt độ, độ ẩm, môi trường bảo quản và các chất bảo quản riêng, nhưng không ít bảo tàng ở ta không thể phân loại theo chất liệu. Tình trạng trưng bày dưới sàn vẫn còn khá phổ biến, dễ gây tình trạng bong tróc, hư hỏng.

Trong khi đó, trong quá trình tu sửa, bảo quản, không loại trừ trường hợp sự “thò tay” vào việc tu sửa, bảo quản lại do những người không có chuyên môn, kiến thức thực hiện, vì vậy mới dẫn tới câu chuyện ồn ào như vừa qua.

Theo tìm hiểu, việc đào tạo cán bộ thuộc lĩnh vực bảo quản là công việc rất quan trọng. Nhiều nước trên thế giới có chương trình đào tạo chuyên ngành bảo quản ở các trường đại học, các bảo tàng lớn và các viện nghiên cứu.

Nếu biết cách làm, bảo tàng không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn kinh tế.

Khoa học bảo quản là lĩnh vực chuyên ngành nhưng công tác bảo quản ở bảo tàng lại là lĩnh vực liên ngành. Vì vậy, hầu như không có trường/bảo tàng/viện nào có chương trình đào tạo cho tất cả các loại chất liệu liên quan đến sưu tập hiện vật bảo tàng, mà mỗi trường/bảo tàng/viện chỉ chuyên đào tạo về một hoặc hai chất liệu.

Trong khi đó, ở Việt Nam, do những lý do chủ quan và khách quan khác nhau, công tác đào tạo cán bộ bảo quản cho các bảo tàng là một vấn đề chưa được nhận thức đúng và đầy đủ, dẫn đến thiếu định hướng, thiếu biện pháp, bỏ lỡ thời gian và cơ hội đào tạo trong mấy chục năm qua. Vì vậy, hiện nay nguồn lực cán bộ bảo quản bị thiếu hụt nghiêm trọng các bảo tàng Việt Nam.

Không chỉ góp phần thay đổi nhận thức về bảo tồn và phát huy di sản, không chỉ là nơi lưu giữ và phát huy những tinh hoa di sản văn hóa của mỗi quốc gia, nó có một vai trò quan trọng trong một xã hội năng động như ngày nay trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là du lịch, kinh tế.

Năm 2018 trang web du lịch quốc tế nổi tiếng TripAdvisor đã vinh danh những bảo tàng được du khách bình chọn tốt nhất trên thế giới năm 2018 (hạng mục Travelers" Choice Awards for Museums 2018).

Khi phần lớn các bảo tàng trong top 10 đều đến từ châu Âu và Bắc Mỹ thì bảo tàng Chứng tích Chiến tranh của Việt Nam là đại diện châu Á duy nhất góp mặt. Và với một đất nước có lịch sử phong phú, đa dạng như nước ta, nếu biết cách, không chỉ có một Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được xếp hạng cao thế này. Đã đến lúc, chúng ta không thể thờ ơ với việc này. Nếu không, thật sự tiếc với những “di sản” có mà không biết giữ!

Tháng Sáu
.
.
.