Từ chuyện xây một nhà hát

Thứ Hai, 29/10/2018, 14:08
Theo dõi dư luận báo chí và cả mạng xã hội những ngày qua xung quanh một quyết định cụ thể là xây mới một nhà hát ở TP HCM, có thể thấy nhiều vấn đề thuộc về nhận thức, về tâm lý số đông không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà trong mối liên quan của hoạt động văn hóa với các vấn đề xã hội, kinh tế khác…


Từ câu chuyện này nhìn rộng ra, có thể thấy chúng ta đang thiếu một chiến lược văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển. Một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mới chỉ là một định hướng còn khá mơ hồ vì thiếu định lượng.

Những năm qua, nước ta có sự phát triển vượt bậc về kinh tế. Xã hội không phân chia giai cấp theo kiểu cũ, nhưng lại có nhiều đẳng cấp khác nhau. Ví dụ, khá nhiều khu vực xây dựng được quảng cáo công khai là dành cho “đẳng cấp thượng lưu”. Nhiều khách sạn cao cấp ở các khu nghỉ dưỡng được định hướng là phục vụ nhà giàu và tỉ phú nước ngoài là chính.

Bảo tàng Hà Nội đầu tư 2.300 tỉ nhưng rất thưa vắng khách.

Hàng chục triệu công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp đều là những người làm công ăn lương, không còn ý thức làm chủ tập thể như ngày nào. Thực tiễn phát triển kinh tế đó khiến cho nhiều mô hình, thiết chế và cả quan niệm về vai trò, vị trí của văn hóa, trong đó có Văn học Nghệ thuật bộc lộ nhiều bất cập. Nếu không kịp có thay đổi từ tầm chiến lược thì tự thân văn hóa đã và sẽ phải biến dạng nếu muốn tồn tại.

Hiện tình văn hóa ở ta đang xuống cấp trên nhiều phương diện, từ đạo đức xã hội đến khủng hoảng trong hoạt động của các đơn vị nghệ thuật của cả Nhà nước, Trung ương và địa phương, trong tất cả mọi lĩnh vực từ điện ảnh đến ca nhạc, đến nghệ thuật truyền thống. Những rắc rối trong việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện, một đơn vị nghệ thuật quan trọng, từng có quá khứ lừng lẫy mới đây là một thí dụ điển hình.

Trong đà phát triển mạnh mẽ của xây dựng kinh tế công nghiệp, dân cư bị dịch chuyển ồ ạt, nhiều vùng miền vốn có bản sắc văn hóa rõ nét và đa dạng đã và đang bị xóa sổ, hoặc nếu còn thì đã trở nên nhạt nhòa. Nhiều thành phố và đô thị lớn thiếu một bàn tay quy hoạch để tạo nên sự độc đáo, bản sắc riêng. Ý tưởng “đồng phục hóa” xây dựng trụ sở cấp phường ở Thủ đô mới đây là thể hiện cụ thể nhất lối tư duy hành chính thiếu sự soi đường của văn hóa ở nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua.

Tư duy nhiệm kỳ, tạo những dự án mới để có nhiều thứ như thành tích, công việc, lợi ích kinh tế khiến người ta không có ý thức xây dựng những thứ bền vững. Đến con đường cao tốc xuyên quốc gia, là nơi ngày đêm hàng triệu người và phương tiện đi qua, nơi cấp trên trông xuống, toàn dân trông vào, với vốn vay phần lớn của nước ngoài, mà chưa kịp nghiệm thu đã hư hỏng, khiến dư luận sửng sốt, quả thật đã phơi bày quá rõ không chỉ trình độ, ý thức về trách nhiệm, sự liêm chính tối thiểu, mà cả liêm sỉ tối thiểu của đội ngũ viên chức Nhà nước. Câu chuyện đường cao tốc không phải cá biệt.

Cảnh trong vở cải lương lịch sử “Trung thần” của đạo diễn Hoa Hạ. Hiện nay cải lương gần như không có tác giả kịch bản kế cận.

Nhiều năm qua, hình như ở địa phương nào cũng có tình trạng ăn xổi ở thì, làm dối, làm ẩu, vừa làm vừa bớt xén, ăn cắp trong nhiều công đoạn trong xây dựng những công trình bền vững, kể cả về thể thao và văn hóa.

Xu hướng này cũng thể hiện khá rõ trong việc xây dựng các chương trình,  tiết mục nghệ thuật, các bộ phim, vở kịch nhân dịp các dịp lễ hội. Mốt dựng các chương trình đại lễ hội, với những kịch bản hoành tráng, huy động hàng trăm, hàng ngàn diễn viên, trang phục, đạo cụ nhiều màu sắc nhằm tái hiện lịch sử các vùng miền na ná nhau, tiêu một khoản tiền lớn, tốn khá nhiều công sức, chỉ để diễn một lần, gọi là “văn hóa pháo hoa” chắc cũng không sai.

Nhiều bộ phim Nhà nước đặt hàng, nhiều vở kịch được cấp tiền dựng trong chỉ tiêu, coi như dựng xong là hoàn thành nhiệm vụ, còn chiếu được mấy người xem, diễn được mấy buổi thì hình như không nằm trong tiêu chí để tính toán. Rất ít vở diễn sân khấu thuộc các kịch chủng trong hàng trăm vở được dàn dựng mỗi năm có số buổi diễn đạt tới con số 50.

Thế mà số lượng NSND, NSƯT được phong vẫn tăng đều đều mỗi kỳ, vì tiêu chuẩn đo được là số Huy chương vàng, bạc trong các đợt hội diễn, chứ việc có được công chúng biết đến và công nhận hay không là một đại lượng quá mơ hồ, không có thước đo.

Trong khi đó, các đơn vị sân khấu, các hãng phim tư nhân, do tồn tại bằng chính tấm vé bán cho khán giả, nên định hướng sáng tác và sản xuất của họ là chọn những tác phẩm được công chúng đón nhận. Ở khối tư nhân, không có khoảng hở cho tham nhũng, lãng phí và tắc trách trong khu vực làm nghệ thuật, dù nghiêng về giải trí. Trong khi thu nhập và mức sống của các nghệ sĩ khối quốc doanh thấp đến mức đáng báo động từ lâu rồi.

Nêu một vài nhận xét như vậy để thấy vị trí, vai trò và hệ thống tổ chức các đơn vị nghệ thuật Nhà nước đang cần được quy hoạch lại. Một số địa phương tinh giản bằng cách gom thành các đoàn nghệ thuật tổng hợp nên coi là một bước lùi.

Nghệ thuật truyền thống bao nhiêu năm được khai thác, nuôi dưỡng và phát triển cả trong những năm đất nước có chiến tranh nay đang đối mặt với nguy cơ bị tàn lụi cả về tổ chức và nghệ sĩ. Hiện cả nước không tìm đâu ra một vài tác giả trẻ có khả năng sáng tác tuồng, chèo, kịch dân ca và cải lương.

Đây chính là vốn truyền thống quý báu, là nguồn cội cho mọi sáng tạo nghệ thuật tương lai, tạo nên bản sắc dân tộc riêng khi chúng ta muốn hòa hợp với nghệ thuật thế giới. Không phải vô cớ, thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở nước ngoài đang rất chú ý trong việc học và tiếp nhận những tinh hoa văn học nghệ thuật truyền thống các dân tộc Việt Nam. Bởi vì đó là nguồn “gen gốc” cho họ, khi muốn có sáng tạo nghệ thuật hòa nhập mà không bị hòa tan.

Gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của một đất nước nhiều dân tộc anh em như nước Việt ta, chính là bảo vệ nguồn tài nguyên tinh thần vô giá mà tiền nhân đã truyền lại cho thế hệ hôm nay. Chúng ta phải có trách nhiệm truyền cho các thế hệ tương lai một cách sống động, chứ không phải chỉ là những xác ướp trong bảo tàng.

Công bằng mà nói, nhiều năm qua, chúng ta đã xây dựng được một số cơ sở hạ tầng cho hoạt động văn hóa. Rất nhiều vốn cổ của dân tộc đã được sưu tầm, bảo tồn. Nhưng cùng với sự mở cửa của kinh tế, sự xâm nhập của văn hóa nhiều nước, đã làm cho văn hóa Việt đang chịu lép vế trên nhiều phương diện.

Nhiều lễ hội truyền thống hoành tráng nhưng nội dung na ná nhau, tiêu tốn nhiều tiền ngân sách (Ảnh mang tính chất minh họa).

Thiếu một chiến lược căn cơ, thiếu một quy hoạch tổng thể ở quy mô quốc gia đã làm cho những quyết định cụ thể rơi vào tình trạng bất nhất, chắp vá, và nhiều khi đối phó. Dự án xây 5 đến 60 nhà hát hay rạp chiếu bóng trên cả nước hô hào một hồi rồi biến mất. Các thành phố lớn xây dựng rất nhiều cao ốc, nhưng một hệ thống các cơ sở đào tạo, sản xuất, trình diễn nghệ thuật cả truyền thống và hiện đại còn nằm ngoài sự quan tâm từ phương diện Nhà nước.

Nhiều cơ sở văn hóa cũ chuyển đổi làm dịch vụ. Dự án bỏ bao nhiêu tỉ để mua và cất giữ những tác phẩm chưa thể công bố rộ lên một thời rồi cũng vô tăm tích. Bảo tàng Hà Nội xây xong không hoạt động hiệu quả. Hàng loạt nhà văn hóa khắp huyện, thị xây lên mà không tìm ra hình thức sử dụng hữu ích. Chẳng khác gì sự hoang vắng của hệ thống nhà thi đấu thể thao và cả nhà Rông, nhà Dài ở vùng các dân tộc thiểu số. Không mấy địa phương có quy hoạch chung dài lâu cho các cơ sở văn hóa.

Cho nên, dễ hiểu khi một trung tâm kinh tế lớn, cũng là trung tâm văn hóa lớn ở phía Nam, nơi có bao nhiêu đơn vị, và bao nhiêu loại hình nghệ thuật đã và đang hoạt động trong những cơ sở cũ, hầu hết đã xuống cấp, thì việc đột nhiên quyết định xây một nhà hát hiện đại, cho một loại nghệ thuật hàn lâm bỗng làm dậy sóng dư luận đến vậy.

Thật ra xưa nay, ở nhiều quốc gia, việc xây dựng những công trình vượt trước thời gian vẫn thường gặp sự phản ứng gay gắt của dư luận. Ngay ở trung tâm văn hóa Ánh sáng thế giới là Thủ đô Paris, thì Tháp Eiffel trước khi xây lên cũng đã chịu muôn vàn tai tiếng, trong đó có cả ý kiến những nhà khoa học và văn hóa lớn.

Nhưng với nhà hát ở Thủ Thiêm, thời điểm quyết định và địa điểm xây dựng quá nhạy cảm, làm cho một việc vốn nằm trong quy hoạch lâu dài (hình như chưa được công bố) bị liên lụy bởi nhiều dữ liệu liên quan khác.

Mà hiệu quả sử dụng của các cơ sở văn hóa đã và đang có là một chỉ dấu không tích cực. Sự lãng phí ghê gớm đó là hậu quả của tư duy làm văn hóa mà không chú ý khâu quan trọng và quyết định là nhân lực, tức những con người tham gia hoạt động văn hóa.

Số người tham gia quản lý văn hóa, có thể đào tạo được hiện nay rất đông đảo, có mặt ở nhiều cấp. Nhưng đội ngũ những người sáng tác, biểu diễn, những người làm ra các sản phẩm văn hóa thuộc nhiều chủng loại lại không được quan tâm.

Vẫn biết không ai đào tạo ra được những tài năng. Thiên tài lại càng không. Nhưng với những người có tài, sớm bộc lộ năng khiếu thì cần được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho họ được thể hiện và phát huy tài năng sáng tạo của mình.

Nhiều năm qua, xã hội chứng kiến nhiều tài năng xuất hiện khá ấn tượng. Nhưng rồi hình như họ nhanh chóng già đi mà không thấy lớn lên trong sáng tạo. Cho nên, một chiến lược văn hóa cho đất nước trong thời kỳ phát triển mới đang là yêu cầu bức thiết.

Ngô Thảo
.
.
.