Tự cứu mình

Thứ Ba, 02/08/2016, 15:56
Tuổi trẻ, ước mơ và nhiệt huyết có thừa, nhưng để biến ước mơ thành hiện thực, để nhiệt huyết không bị uổng phí giữa dòng đời cuộn chảy thì đó lại là một câu chuyện khác - câu chuyện nhuốm màu bi kịch mà hầu hết những người trẻ trở thành nhân vật chính.

1. Nếu chọn tiêu chí hạnh phúc là được làm công việc mình yêu thích thì tôi tin rằng, tại thời điểm này, có không ít bạn trẻ bất hạnh.

Từ khi cắp sách tới trường tới lúc cầm tấm bằng cử nhân, bạn đã phải trải qua một hành trình ít nhất 16 năm đèn sách. Đó là khoảng thời gian chưa hẳn là dài so với đời người, nhưng nó lại quan trọng nhất khi hình thành nhân cách, tích lũy vốn sống, vốn hiểu biết và vô vàn kỹ năng để bạn vào đời. 

Tuổi trẻ, ước mơ và nhiệt huyết có thừa, nhưng để biến ước mơ thành hiện thực, để nhiệt huyết không bị uổng phí giữa dòng đời cuộn chảy thì đó lại là một câu chuyện khác - câu chuyện nhuốm màu bi kịch mà hầu hết những người trẻ trở thành nhân vật chính.

Như một quy luật tất yếu của cuộc sống, khi con người trưởng thành, họ phải quyết định những việc hệ trọng của đời mình. Một trong những việc hệ trọng đó là việc làm. Nói một cách văn vẻ là sự nghiệp. Đi làm để cống hiến cho xã hội, để có cuộc sống tự lập và gánh vác trách nhiệm gia đình. Nếu không có việc làm hoặc phải làm những việc không có khả năng thì những kế hoạch coi như sụp đổ và buộc họ phải tự chọn cho mình những ngã rẽ thích hợp.

Cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ nhiều hơn nếu bạn lựa chọn học nghề.

Cháu gái tôi đang sống với mẹ tại một thành phố nhỏ ở Đức. Những tưởng cháu có một cuộc sống sung túc, êm ấm ở một đất nước văn minh, hiện đại vào bậc nhất châu Âu, ai ngờ, tuổi thơ đã vĩnh viễn rời bỏ khi cháu mới 5 tuổi. Đó là lúc cha mẹ cháu ly hôn. Nguyên nhân của sự đổ vỡ này cũng rất đơn giản: hai người không hợp nhau. 

Kỳ lạ vậy đấy. Yêu nhau 5 năm, sống với nhau 6 năm, ai cũng nghĩ đôi vợ chồng ấy phải hiểu nhau tới chân tơ kẽ tóc, cùng nhau xây dựng cuộc sống hạnh phúc bởi trong tay họ có nhiều thứ mà những người trẻ đều mơ ước. Vậy mà rốt cục vẫn đường ai nấy đi.

Sau ngày ly hôn, người cha về nước vội vàng kết hôn với một cô gái trẻ khác. Dòng đời cũng xô đẩy bên trời Âu khi mẹ cháu đi bước nữa với một người đàn ông bản địa. Rồi họ có thêm những đứa con. Tốt nghiệp THTP, sau lễ trưởng thành, cháu xin mẹ và cha dượng ra ngoài sống. 

Ban ngày, cháu theo học ở một trường cao đẳng chế biến thực phẩm, còn chiều tối đến bưng bê cho một nhà hàng. Dù cháu học rất giỏi nhưng cháu không thể theo học đại học bởi cháu đã lựa chọn phương án phù hợp nhất cho mình: sống độc lập và không phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác.

Hè nào cháu cũng tranh thủ về thăm ông bà nội với những đứa em cùng cha khác mẹ. Cháu muốn duy trì một quan hệ tốt đẹp với mọi người. Nhìn cháu giản dị với những bộ trang phục quá đỗi bình thường, không ai có thể nghĩ rằng cháu đang sống ở trời Âu. 

Tôi kể các bạn câu chuyện này chỉ muốn truyền cho các bạn một thông điệp nhỏ, rằng chỉ bạn mới hiểu mình nhất và dù bạn ở đâu chăng nữa thì cứ sống đúng với những gì mình có và hãy cứu lấy bản thân trước khi người khác ném phao cho mình.

2. Câu chuyện thất nghiệp đã, đang và sẽ còn đau đầu nhiều bạn trẻ. Số liệu điều tra cho thấy, hết quý I năm nay đã có 225 nghìn cử nhân thất nghiệp. Cùng với nó là một con số khác cũng khiến nhiều người lo lắng, đó là tại các tỉnh, thành có tới 80% sinh viên ra trường phải kiếm sống bằng những công việc mà mình không hề được học.

Còn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong 100 lao động thì chỉ có 20 lao động được đào tạo, có bằng chuyên môn kỹ thuật. Tất nhiên, để thích nghi, buộc họ phải trang bị những kiến thức cần thiết nếu không muốn bị sa thải và sự "trang bị thêm" này đương nhiên là ngốn của cha mẹ một khoản kinh phí không nhỏ. 

Vậy đấy, nếu học đại học, cao học, cơ hội kiếm việc làm không nhiều thì học nghề sẽ có nhiều điều kiện tìm việc làm hơn. Tiếc rằng, quá nhiều bạn trẻ không chịu chấp nhận học cao đẳng, trung cấp nghề bởi vì "sĩ diện" và họ cứ mải mê chạy theo tấm bằng đại học để rồi sau khi ra trường, tấm bằng đó cũng chỉ như một tờ giấy trang trí trong hồ sơ lý lịch cá nhân.

Lý giải về tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên khi ra trường, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chua chát: Nhiều cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sinh viên nhưng cực chẳng đã, họ phải đào tạo thêm 1 đến 2 năm thì những cử nhân này mới bắt tay vào công việc được. Về cơ bản, hầu hết những sinh viên được tuyển dụng chưa thể đáp ứng được yêu cầu công việc. 

Từ sự phân tích trên, vị chuyên gia này nhận định chung: Việc một tỷ lệ lớn sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm nói lên thực trạng chất lượng sinh viên được đào tạo thấp, không đáp ứng nhu cầu nền kinh tế hoặc không theo kịp biến động của thị trường. 

Mặt khác, ngành cần nhân lực chất lượng cao lại không có, ngành không có nhu cầu thì số lượng cung ứng quá đông. Chính vì thế, cần phải xem lại chiến lược đào tạo để tạo những bước chuyển mình phù hợp với từng thời kỳ.

Học tập và cống hiến, đó là nguyện vọng chính đáng của các bạn trẻ.

Nếu bức tranh về sinh viên thất nghiệp nhiều màu xám thì những thông tin từ Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ - TB&XH) tiết lộ lại khiến chúng ta ấm lòng và lạc quan: tính đến tháng 9-2015, cả nước có 304 khu công nghiệp, 60/63 tỉnh, thành phố có khu công nghiệp được thành lập. Ngoài ra, có 14 khu kinh tế rộng lớn. Đương nhiên, đây sẽ thu hút một lượng lớn người lao động trẻ từ chính địa phương họ sinh ra và lớn lên. 

Cụ thể, tại khu công nghiệp và khu kinh tế, thời gian qua đã thút 2,6 triệu người làm việc. Tổng cục Dạy nghề cho biết thêm, năm 2015, có 70% học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm.

Một số nghề có việc làm ngay với lương cao như kỹ thuật khai thác hầm mỏ, kỹ thuật cơ điện hầm mỏ, công nghệ dệt, hàn, công nghệ hóa nhuộm, may thời trang, nhà hàng… Rõ ràng, học nghề mang tính thực dụng và tạo nhiều cơ hội hơn cho bạn trẻ. Điều quan trọng là họ phải biết nắm bắt cơ hội và bớt sống "ảo" để tự mình có thể mang lại một cuộc sống độc lập từ chính đôi bàn tay và khối óc của mình.

3. Thay vì buồn chán, than thân trách phận vì không có "quý nhân phù trợ" nên vẫn phải ngồi chờ vận may đến với mình, các cử nhân hãy đứng dậy và tìm niềm vui từ những ngã rẽ khác.

Khi thực hiện bài viết này, trong tay tôi có khá nhiều tài liệu cho thấy tại nhiều trường dạy nghề có tới 15-20% học viên từng tốt nghiệp đại học. Có sao đâu, điều đó cũng hết sức bình thường bởi học xong, các cử nhân này chắc chắn sẽ có được một công việc cho mình. Không ai cười bạn về quyết định này, họ chỉ cười khi bạn sức dài vai rộng mà vẫn mang tiếng là kẻ ăn bám, phụ thuộc gia đình.

Thử nhìn xem, quanh bạn có không ít những người tàn tật. Với một công việc nhất định, người bình thường không cần phải cố gắng nhiều thì người khuyết tật phải cố gắng gấp nhiều lần. Nhưng họ đâu có thời gian để tuyệt vọng, oán trách số phận. Bằng cách này hay cách khác, họ luôn nỗ lực để khẳng định sự tồn tại của mình trong xã hội, để chứng tỏ một chân lý giản dị: tàn nhưng không phế. 

Còn những người trẻ có cơ thể lành lặn, bạn có thể làm rất nhiều công việc phổ thông khác nhưng bạn không làm vì cho rằng không phù hợp với mình, rằng không xứng đáng với tấm bằng đại học đã có và hàng ngày vẫn ngửa tay xin tiền cha mẹ đáp ứng những nhu cầu cá nhân. Vậy thì trong mắt nhiều người, bạn đã là người khuyết tật rồi đấy, khuyết tật về tư duy và tâm hồn.

Hãy tự cứu lấy mình bằng những công việc mình yêu thích dù nó không liên quan đến chuyên môn bạn đã học. Nó không chỉ mang đến niềm vui mỗi ngày mà còn trang bị cho bạn nhiều kỹ năng khác. Cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ ý nghĩa từ những bước ngoặt mang tính định mệnh đó và tôi tin rằng, sự may mắn sẽ mỉm cười với bạn vào những khoảnh khắc bạn không ngờ nhất.

Nguyễn Tuấn
.
.
.