Một số vụ hỏa hoạn trong đêm tại Hà Nội:

Tự "đặt bẫy" cho mình bằng "chuồng cọp"

Thứ Hai, 02/10/2017, 12:40
Với mục đích an toàn cho trẻ nhỏ, an ninh trong gia đình, người dân đã cho lắp đặt "chuồng cọp" trên ban công nhà mình. Họ không thể ngờ được khi xảy ra hỏa hoạn, dù lực lượng chức năng, người dân và bản thân đã cố gắng để thoát thân nhưng đành bất lực.

Sau hàng loạt vụ cháy mà đáng lẽ ra không có "chuồng cọp" sự việc đã không đến mức đau lòng như thế. Nó như lời cảnh báo cho những gia đình đang, đã và sẽ lắp đặt "chuồng cọp", như vậy chẳng khác nào đặt bẫy cho chính mình và người thân trong ngôi nhà mình.

Bất lực trước "chuồng cọp"

Với người dân Hà Nội, "chuồng cọp" là hình ảnh không hề xa lạ. "Chuồng cọp" được người dân tại các nhà cao tầng, khu tập thể và cả khu chung cư dựng lên với mục đích tăng diện tích sinh hoạt của căn hộ. Đồng thời nó còn có tác dụng che chắn, đảm bảo an toàn khi gia đình có trẻ nhỏ, không cho các bé leo trèo lên lan can, xảy ra tai nạn; cũng tránh tình trạng bị kẻ trộm đột nhập từ ban công vào nhà.

Rõ ràng đó là những lợi ích không thể phủ nhận. Thế nhưng ít người biết "chuồng cọp" lại chính là "cái bẫy chết người" khi xảy ra hỏa hoạn. Nếu ngọn lửa bắt đầu ở khu vực tầng 1 thì nguy cơ bị nhốt bên trong là rất lớn khi lối ra duy nhất đã bị bịt kín.

Toàn bộ mặt tiền của ngôi nhà bị cháy ở Xuân Đỉnh đều được lắp đặt "chuồng cọp" rất kiên cố.

Mới đây nhất, vào khoảng 1h30  ngày 25-9, tại ngã tư thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội xảy ra vụ hỏa hoạn khiến hai chị em gái trong một gia đình tử vong. Vụ cháy xảy ra ở ngôi nhà 5 tầng khá kiên cố của gia đình anh Nguyễn Văn Nam (48 tuổi).

Ngọn lửa lớn kèm theo khói đen dày đặc nên người dân đã phải phá "chuồng cọp" phía sau nhà để giải cứu được 5 người ở tầng 5, còn hai cháu nhỏ ở tầng 4 tử vong là cháu Nguyễn Kim Thu (11 tuổi) và cháu Nguyễn Kim Ngân (16 tuổi).

Cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân của vụ hỏa hoạn đau lòng là do chập điện khu vực sửa chữa, kinh doanh xe máy của nhà anh Nam. Toàn bộ nơi sửa chữa, chứa hàng đã bị thiêu trụi. Mọi vật dụng trong gia đình gần như bị tàn phá, đặc biệt chiếc xe ôtô hiệu BMW cũng bị thiêu rụi. Mặc dù đã kêu cứu, nhưng hai cháu nhỏ trên tầng 4 cũng không thể thoát khỏi.

Anh Nguyễn Hà Phương - hàng xóm của gia đình anh Nam, người chứng kiến từ đầu đến cuối vụ việc, cùng tham gia cứu hộ với lực lượng cứu hỏa cho hay: "Khi ấy, chúng tôi chứng kiến sự việc trong tình trạng bất lực. Biết là còn hai cháu trên tầng 4 mà không có cách nào để phá được "chuồng cọp".

Khi phát hiện ra cháy tôi đã chạy ra phía sau nhà mình gọi anh Nam xem có ai trả lời không, tôi đã phát hiện ra tiếng anh Nam, xác định được vị trí của anh ấy tôi đã lên tầng 2 nhà tôi đập phá "chuồng cọp" rồi cùng anh Nam cậy sắt ở "chuồng cọp" bên nhà anh ấy để mọi người trong nhà ra".

Khi 5 người được cứu thoát, anh Phương nhận ra vẫn còn thiếu 2 người thì được biết hai cháu nhỏ vẫn đang mắc kẹt ở tầng 4. "Tôi đưa được mẹ, vợ anh Nam và hai con trai anh ấy ra ngoài. Tôi bảo với người nhà còn hai cháu Thu và Ngân đâu thì lúc này hai cháu ở trên tầng 4 đáp xuống "cháu đây", nhưng khói sặc sụa, các cháu cũng cố tìm ra khu vực cửa sổ để thở và cố thoát ra ngoài nhưng nhà tôi thấp hơn nhà anh Nam và lại vướng "chuồng cọp" nên mọi người không thể lên để cứu hai cháu ra ngoài được.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội 2.

Tiếng hai cháu cứ lịm dần, sau đó không còn ai nghe thấy hai đứa nói gì nữa. Chúng tôi đã bất lực khi thấy hai cháu chìm trong khói đặc quánh" - anh Phương vừa kể lại vừa khóc.  Qua tìm hiểu, gia đình anh Nam sinh sống tại thị trấn Xuân Mai được nhiều năm. Ngôi nhà 5 tầng rộng khoảng 70m2, toàn bộ tầng 1 của ngôi nhà chứa lốp ôtô và các loại hóa chất dễ cháy, nên ngọn lửa bùng phát lớn tạo khói đen đặc gây khó khăn cho việc cứu nạn, dập tắt đám cháy.

Cũng một vụ hỏa hoạn đau lòng xảy ra rạng sáng ngày 13-7 tại ngõ 205 (đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) khiến 4 người trong một gia đình tử vong do không có lối thoát vì mắc "chuồng cọp" cũng khiến dư luận hết sức hoang mang.

Khi vụ cháy xảy ra, cả 4 người trong gia đình này lao ra ngoài thoát khỏi vòng vây của khói lửa. Còn ở dưới, người dân đã bắc thang, leo lên tận nơi để giải thoát người. Đến giây phút quan trọng nhất, cả 4 người đều nháo nhào không biết cách nào để thoát ra khỏi vòng vây của "chuồng cọp". Khi lực lượng chức năng phá được "chuồng cọp" vào bên trong thì cả 4 người đã tử vong do ngạt khói.

Anh Lê Văn Thái (người hàng xóm của gia đình nạn nhân) nhớ lại: "Có chứng kiến giây phút sinh tử đó mới thấy hoảng sợ. Cả 4 người vẫn còn sống, họ lao ra kêu cứu nhưng chúng tôi và lực lượng cứu hỏa đều bất lực. Giá như không có "chuồng cọp", giá như "chuồng cọp" đó có cánh cửa thì chắc chắn 4 người không thể tử vong được. Cơ quan chức năng phá được chuồng cọp để vào thì tất cả đã quá muộn, họ không bị chết vì cháy mà chết vì ngạt khí. Qua vụ này tôi cũng có lời nhắn nhủ với mọi người, cần phải làm "chuồng cọp" có cửa hoặc có biện pháp gì đó để đảm bảo an ninh chứ không nên lắp đặt "chuồng cọp" trên ban công nhà mình. Ngay hôm sau tôi đã phá luôn "chuồng cọp" của nhà mình, tính mạng của con người là quan trọng nhất".

Sau đó đúng 1 tuần, tức 2h sáng ngày 19-7, tại ngôi nhà bà Bùi Thanh Thủy (50 tuổi, ngõ 41, phố Vọng, quận Hai Bà Trưng) lại xảy ra hỏa hoạn khiến bà Thủy và mẹ già là cụ Nguyễn Thị Ngọc (80 tuổi) tử vong. Cả hai vụ cháy này đều khiến người dân, cơ quan chức năng ám ảnh đến tột cùng. Mặc dù nghe được tiếng kêu cứu, thậm chí nhìn thấy người thò tay từ trong nhà nhưng cũng bất lực trong việc cứu hộ. Những ngôi nhà này có điểm chung là đều được lắp đặt "chuồng cọp" khá kiên cố ở phía mặt tiền, chặn luôn lối thoát hiểm.

Người dân tự đặt "bẫy" cho mình

Đi một lượt khắp các con phố của Hà Nội, rất nhiều ngôi nhà được lắp đặt "chuồng cọp", khi hỏi các gia đình này thì tất cả đều trả lời để cho an toàn. Anh Ngô Văn Lương (Thanh Xuân - Hà Nội) mới lắp đặt chuồng cọp cho khu vực ban công nhà mình chia sẻ: "Thực sự là chúng tôi cũng không ý thức được sự nguy hiểm khi cho lắp "chuồng cọp", chỉ nghĩ lắp sao cho càng chắc chắn càng tốt, gần như không nhà nào làm cửa cho "chuồng cọp" cả". 

Cả ba vụ hỏa hoạn gần đây thì các ngôi nhà đó đều được xây dựng rất kiên cố, các lối thoát hiểm được bịt kín, khi xảy ra cháy nạn nhân bên trong gần như bất lực, hoảng loạn, không thể tự thoát thân được. Trong khi đó, người dân và lực lượng chức năng tiếp cận cứu người gặp quá nhiều khó khăn bởi "chuồng cọp" được làm rất kiên cố.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy số 2, Hà Nội cho hay, việc người dân cho làm "chuồng cọp" là rất nguy hiểm. Về mặt an ninh thì đó là điều cần thiết, tuy nhiên người dân cũng cần nghiên cứu làm "chuồng cọp có cửa khóa, chìa khóa luôn đặt cạnh cửa, tập luyện khóa mở thật thành thục, đồng thời phải luôn đặt một chiếc búa bên cạnh, sẵn sàng phá cửa để thoát. Còn nếu làm kiên cố, hàn ky,ä khi xảy ra hỏa hoạn thì không thể thoát được, nhất là lúc đó đang rất hoảng loạn. Qua các buổi tập huấn, người dân sẽ được hướng dẫn cách chống khói, một số nguyên nhân gây cháy nổ, các biện pháp phòng ngừa để người dân tự giải quyết được tại chỗ, vận động người dân mua trang bị PCCC, lắp các đầu báo cháy để chủ động, hướng dẫn mua các mặt nạ phòng độc" - Đại tá Sơn cho hay.

Nếu như không có "chuồng cọp" thì những người ở ngôi nhà trên phố Vọng đã không tử vong vì ngạt khói.

Bên cạnh đó, người dân không nên xem nhà mình là nơi kinh doanh mà không quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy vì khi xảy ra sẽ rất nguy hiểm. Trong trường hợp ở Xuân Đỉnh, vụ cháy nhỏ nhưng nạn nhân tử vong là do khói và không có lối thoát.

Vụ cháy ở phố Vọng và Chương Mỹ, là minh chứng cho việc kết hợp kinh doanh và nhà ở, có chứa nhiều vật dụng dễ cháy. Cả ba trường hợp đều được lắp đặt "chuồng cọp" nên khi cháy sẽ không thoát ra ngoài được. Người dân đã tự chặn lối thoát thân của mình khi xảy ra hỏa hoạn. Chính vì thế mỗi gia đình cần cân nhắc thật kỹ, nghiên cứu thật kỹ khi xây dựng "chuồng cọp".

PGS - TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) khuyến cáo: Người dân nên chủ động mở các lối thoát hiểm ở ban công, không nên bịt kín. Các gia đình nên lắp đặt các thiết bị báo cháy trong nhà để phát hiện vụ cháy sớm nhất, bởi đa phần các vụ cháy vào ban đêm, người dân chỉ phát hiện ra khi thấy hơi nóng và khói bốc lên phòng ngủ. Cũng nên lưu ý, các nhà dân liền kề nên bàn bạc với nhau để tạo ra các lối thoát hiểm thông thoáng ở ban công từ nhà này sang nhà khác, đề phòng trường hợp xảy ra hỏa hoạn, có thể trợ giúp nhau.
Phong Anh
.
.
.