Từ đâu mà dự án "ma" mặc sức lộng hành?

Thứ Bảy, 24/08/2019, 12:45
Công an các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận đã gửi giấy mời làm việc tới từng khách hàng mua đất của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), đồng thời kêu gọi khách hàng cung cấp thông tin cho Công an về các sai phạm của công ty này.


Trong một diễn biến khác, cơ quan chức năng đã làm việc với các ngân hàng phong tỏa tài khoản của ông Nguyễn Thái Lĩnh, đại diện pháp luật của Công ty Alibaba và bà Võ Thị Thanh Mai, phụ trách tài chính của Công ty Alibaba. Được biết ông Lĩnh là em ruột và bà Mai là vợ của ông Nguyễn Thái Luyện, CEO Công ty Alibaba.

Có một điều lạ là mặc dù Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc làm rõ các sai phạm của Công ty Alibaba, nhưng công ty này vẫn tiếp tục mời gọi khách hàng đầu tư vào dự án đất nền "ma" tại Khu đô thị sinh thái Ali Venice City ở tỉnh Bình Thuận với lợi nhuận rất cao.

Từ nhiều tháng qua, Công ty địa ốc Alibaba bán hàng loạt dự án "ma" tại các tỉnh phía Nam. Chỉ riêng tại địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 192 trường hợp phân lô, tách thửa, trong đó có một số "dự án" do Công ty CP địa ốc Alibaba phân phối.

Trong 192 "dự án" này, có 62 "dự án" được UBND cấp huyện, thị, thành phố chấp thuận chủ trương. Mới đây, trong cuộc họp báo thông tin liên quan đến việc Công ty Alibaba quảng cáo, bán đất dự án tại huyện Long Thành, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết đã phát hiện Công ty Alibaba tự đặt tên 27 "dự án".

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mới đây, giải trình về vấn đề này, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, do thị trường bất động sản có biến động mạnh, nhu cầu giao dịch về đất đai tăng bất thường, một số cá nhân đã lợi dụng Quyết định 23 của tỉnh để thực hiện tách thửa với quy mô lớn và tách các thửa đất nông nghiệp có hình dạng định hướng là đường giao thông, sau đó thực hiện thi công hạ tầng, làm đường giao thông trái phép.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng các cấp chính quyền phản ứng chậm, thiếu sự quyết tâm, thiếu sự quản lý chặt chẽ.

Theo quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, muốn làm dự án nhà ở thì đầu tiên phải có đất, phải phù hợp quy hoạch, duyệt kế hoạch sử dụng đất, hạ tầng… trước khi mở bán chủ đầu tư cũng phải xin phép và được cơ quan chức năng chấp thuận.

Luật pháp rất rõ ràng, vì vậy dù có biện bạch kiểu gì thì rõ ràng để xảy ra tình trạng này, lỗi lớn nhất thuộc về chính quyền các địa phương. Trong khi người dân xây một căn nhà, chỉ cần chưa xin phép, hoặc vượt tầng thì lập tức thanh tra xây dựng đã có mặt thì đây là cả một dự án được san ủi, làm đường, kéo điện trong hàng tháng trời giữa thanh thiên bạch nhật, rồi tổ chức mở bán ầm ĩ, vậy mà chính quyền dù thừa biết là vi phạm pháp luật nhưng lại chỉ có động thái ra văn bản và xử phạt vài triệu đồng hoặc cắm biển báo là không thể chấp nhận được.

Để xảy ra tình trạng dự án "ma" khắp nơi như vừa qua, chỉ có hai lý do, hoặc cán bộ bảo kê, hoặc năng lực chính quyền cơ sở quá yếu kém.

Hậu quả từ những vụ lừa đảo bán đất "ma" thường rất lớn khi số tiền mà người mua đất nộp cho các công ty thường lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Không những thế, đây còn là nguyên nhân gây bất ổn tới thị trường bất động sản, bất ổn an ninh trật tự tại các địa phương.

Từ vụ việc này, dư luận đặt câu hỏi Alibaba dựa vào "cây đèn thần" nào mà dám lộng hành như vậy? Câu hỏi nhiều người đặt ra là doanh nghiệp này có được bảo kê hay không mà xem thường kỷ cương pháp luật đến vậy? Cơ quan pháp luật cần làm rõ có ai đứng sau Alibaba hay không.

Trước những sai phạm của các chủ đầu tư, chủ đất như trên, nhiều chuyên gia luật đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý hình sự những người liên quan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để có sự răn đe. Không những thế, cũng cần phải xử lý trách nhiệm hình sự với những cán bộ liên quan để xảy ra tình trạng này.

Tân Lương
.
.
.