Tự hào vì làm lính cứu hỏa

Thứ Tư, 20/01/2016, 10:01
Con đường vào nơi đóng quân của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) số 9 lầy lội, ướt nhẹp bùn đất sau những cơn mưa nặng hạt của mùa đông giá lạnh. Nơi làm việc của các cán bộ chiến sĩ vẫn ngổn ngang vì đang ở tạm, chờ cơ sở mới đang xây dựng nên thiếu thốn đủ bề, thế nhưng nhiều năm qua, các anh đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 


Chẳng năm nào họ có một ngày lễ Tết trọn vẹn. Cứ vừa trở về sau một vụ cháy lớn, chưa kịp nghỉ ngơi họ lại lên đường lao vào dập tắt một đám cháy khác. Dù đang nghỉ ngơi nhưng lúc nào họ cũng trong tâm thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ để khi có điện thoại réo lại vội vã đi ngay. Vất vả, hiểm nguy, thậm chí ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh nhưng mỗi khi cứu được các nạn nhân ra khỏi đám cháy, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, nhân dân, họ lại thấy vui, hạnh phúc, tự hào và gắn bó hơn với nghề mình đã chọn.

Con đường vào nơi đóng quân của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) số 9 lầy lội, ướt nhẹp bùn đất sau những cơn mưa nặng hạt của mùa đông giá lạnh. Nơi làm việc của các cán bộ chiến sĩ vẫn ngổn ngang vì đang ở tạm, chờ cơ sở mới đang xây dựng nên thiếu thốn đủ bề, thế nhưng nhiều năm qua, các anh đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Trịnh Hữu Thực chia sẻ về những khó khăn, vất vả của cán bộ chiến sỹ PCCC.

"Đóng đô" ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, đảm nhận công tác PCCC một địa bàn rộng lớn như quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ, công việc của các chiến sĩ Cảnh sát PCCC số 9 lúc nào cũng bận rộn. Đặc thù của lính PCCC là luôn phải trực chiến 100% nên chẳng mấy khi họ có thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, người thân.

Công việc chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn luôn vất vả, hiểm nguy, đòi hỏi người lính cứu hoả phải thường xuyên rèn luyện, nâng cao thể chất, nghiệp vụ để khi bước vào "trận chiến" có thể giảm thiểu đến mức thấp nhất mọi thiệt hại về người và của.

Thượng tá Trịnh Hữu Thực, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 9 chia sẻ: "Chúng tôi luôn có một tổ công tác tinh nhuệ với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để vào trinh sát, đánh giá toàn diện vụ cháy hoặc vụ sập hầm, sập nhà để từ đó có phương án cứu nạn, cứu hộ phù hợp nhất. Bởi chỉ cần sơ suất, toà nhà có thể sập, bình xăng có thể nổ, đám cháy có thể bùng phát trở lại… cướp đi sinh mạng của nhiều nạn nhân và chính người lính chữa cháy".

Ít ai biết rằng trong vụ chữa cháy toà nhà CT4 Xa La, Hà Đông tháng 10-2015, chính Thượng tá Trịnh Hữu Thực cùng Đội trưởng Đội Chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ - Thiếu tá Đặng Xuân Hoà - đã cùng một tổ công tác quấn dây vào người xuống tận tầng hầm tối để trinh sát.

Thượng tá Trịnh Hữu Thực nhớ lại: "Suốt vụ cháy, chất cháy, sản phẩm cháy và khói, khí độc toả mạnh ra từ tầng hầm. Lửa và khí độc nhanh chóng lan các tầng cao khiến hệ thống điện bị cắt, toàn bộ toà nhà tối đen, các hộ và nhiều người bị mắc kẹt ở các tầng sợ hãi kêu khóc thảm thiết. Việc tiếp cận hiện trường, khoanh vùng, dập lửa và cứu nạn, cứu hộ càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Thế nhưng, chỉ với găng tay, mặt nạ và một bình ôxy, các chiến sĩ Chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã dũng cảm lao vào các vị trí cháy lớn nhất để chia cắt nguồn lửa với các khu vực, thu hẹp vùng ngăn cách, dồn tất cả nguồn nước phun thẳng vào điểm cháy nhằm dập tắt hẳn ngọn lửa, sau đó triển khai các mũi đi bằng đường thang bộ tới từng tầng để tìm kiếm người bị mắc kẹt, đưa người bị nạn xuống đất hoặc ra ban công để tránh sự ảnh hưởng của khói khí độc, chờ lực lượng cứu nạn, cứu hộ đến cứu".

Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại toà nhà CT4A Xa La, Hà Đông, Hà Nội.

Cũng trong vụ chữa cháy này có 3 chiến sĩ của Phòng bị thương vì ngạt khói là Trung sĩ Phạm Hải Nam, Hạ sĩ Nguyễn Văn Công, Trung sĩ Nguyễn Tuấn Vũ. Sau khi cùng chỉ huy xuống trinh sát tầng hầm, cả Nam, Công, Vũ được lệnh tiếp tục lên các tầng cứu thoát người bị nạn. Cả ba anh đã tích cực chạy cầu thang bộ gần 20 tầng để đưa người bị nạn xuống dưới.

Mệt vì chạy nhiều tầng liền một lúc, cộng thêm với việc không có mặt nạ dưỡng khí, phải dùng khẩu trang nên cả ba đồng chí bị kiệt sức và ngạt khói, được đồng đội đưa vào Viện 103 cấp cứu. Đó là vụ chữa cháy để lại cảm nhiều cảm xúc nhất đối với các anh bởi họ đã giúp được nhiều nạn nhân thoát hiểm an toàn.

Nhớ lại vụ chữa cháy ở toà nhà Hồ Gươm Plaza, thuộc phường Mộ Lao, Hà Đông, tuy không phải vụ cháy lớn nhưng việc giúp đỡ được hai mẹ con thai phụ trong cơn hốt hoảng, đưa họ đi cấp cứu kịp thời khiến Thiếu tá Đặng Xuân Hoà, Đội trưởng Đội chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vẫn còn nhớ mãi.

Khoảng gần 1h đêm 14-12-2015, Phòng Cảnh sát PCCC số 9 nhận được tin báo cháy xảy ra tại căn hộ A1805, tầng 18, toà nhà Hồ Gươm Plaza. Ngay lập tức lực lượng chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn vội vã lên đường. 2 xe chữa cháy và 1 xe cứu hộ cứu nạn cùng 1 xe chỉ huy với 20 cán bộ chiến sĩ được huy động đến hiện trường đám cháy. Xác định điểm cháy ở tầng cao, đơn vị lại không có xe thang để có thể tiếp cận tầng bị cháy nhanh nhất nên đơn vị đã báo cáo Cảnh sát PCCC Hà Nội xin chi viện xe thang.

Khi lực lượng cứu hoả đến nơi người dân đã nhốn nháo tháo chạy. Tầng 18 vẫn mù mịt khói. Qua công tác nắm tình hình và trinh sát, thấy có người mắc kẹt trong đám cháy, lãnh đạo đơn vị đã nhanh chóng tổ chức cứu người đồng thời triển khai 2 họng cấp nước chữa cháy tầng 18, ngăn chặn không để đám cháy lan sang các căn hộ lân cận.

Theo đánh giá ban đầu thì đám cháy xuất phát từ việc cháy ổ điện của phòng 1805. Trong căn phòng 1805 lúc này chỉ có hai mẹ con chị Nguyễn Phương Mai, sinh năm 1988 và bé Vũ Uyển Nhi, sinh năm 2009 đang ở nhà. Vì là nửa đêm, chồng đi vắng, chị Mai lại đang có bầu nên khi đám cháy xảy ra, hai mẹ con không thoát ra được, chỉ biết mở cửa sổ gọi với xuống đường kêu người đến cứu. Khi căn hộ số 1805 phát hỏa, hệ thống chuông báo động của tòa nhà này không hoạt động, thậm chí thang máy vẫn chạy bình thường.

Gương mặt đen nhẻm của cháu Uyển Nhi khi được cứu thoát khỏi đám cháy.

Vì ở vị trí tầng cao, xe thang không thể lên đến nơi để cứu người bị hại nên một tổ công tác được triển khai theo lối cầu thang bộ để tiếp cận các nạn nhân. Lúc này trên tầng 18 khói đen mù mịt. Rất may lực lượng cứu hoả đã kịp thời đến nơi và cứu hai mẹ con bé Uyển Nhi thoát khỏi đám cháy. Ngay sau đó hai mẹ con nạn nhân được đưa vào Viện 103 cấp cứu kịp thời. Hình ảnh bé Uyển Nhi mặt đen nhẻm, hốt hoảng, sợ sệt khi được bế xuống xe cấp cứu khiến các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC số 9 vẫn còn nhớ mãi.

Phòng Cảnh sát PCCC số 9 lực lượng còn mỏng, cơ sở vật chất, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn khó khăn, thiếu thốn nhưng trong những năm qua họ luôn vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với phương châm "lấy phòng ngừa là chính", đơn vị luôn chỉ đạo các Đội trực thuộc triển khai đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở trọng điểm về cháy, nổ; tuyên truyền đảm bảo an toàn PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng… nhờ đó mà tình hình cháy, nổ trên địa bàn đã được hạn chế đến mức tối đa.

Bên cạnh đó, cán bộ chiến sĩ của Phòng luôn chú trọng việc học tập, rèn luyện thể chất, nâng cao nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của công việc. Đơn vị có nhiều chiến sĩ trẻ nên việc đào tạo, rèn luyện càng được đề cao. Ngày nào anh em cán bộ chiến sĩ cũng phải luyện tập gắt gao, từ việc chạy cầu thang bộ, mang vác nạn nhân, đến việc sử dụng thành thạo các phương tiện và kỹ năng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ... Việc cứu nạn, cứu hộ không chỉ triển khai trong các vụ cháy mà trong nhiều trường hợp như sập nhà, sập hầm, lũ lụt… nên 100% cán bộ chiến sĩ của Phòng đều biết bơi, biết sử dụng các phương tiện cứu nạn, cứu hộ trên sông nước để khi cần thiết, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Với các chiến sĩ PCCC, việc vắng nhà thường xuyên, trực chiến 24/24h ở đơn vị đã là chuyện "cơm bữa". "Đi nhiều quá vợ con cũng thành quen nên có đêm đang ngủ, con gái nghe thấy điện thoại réo cũng biết là cháy đã quay sang giục bố", Thiếu tá Đặng Xuân Hoà hài hước chia sẻ. Những người lính cứu hoả là thế, họ nhiệt tình, máu lửa khi lao vào dập tắt một đám cháy mà chẳng quản hiểm nguy đến tính mạng. Trở về với đời thường, cũng đã có đôi lúc họ giật mình khi nhớ lại những khoảnh khắc đáng sợ ấy nhưng rồi những lời cảm ơn, những giọt nước mắt hạnh phúc của những người bị nạn khiến họ lại quên đi tất cả để lao vào những cuộc chiến mới.

Ngọc Mai - Tuấn Trình
.
.
.